Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc

   Tài liệu tham khảo
 Biển và đại dương được các nhà khoa học gọi là “lục địa xanh”, phủ kín 70,8% bề mặt trái đất đang “cất giấu” những kho nguyên liệu, khoáng vật khổng lồ dưới dạng hòa tan trong nước, lắng đọng dưới đáy và vùi kín dưới lòng đại dương. Do có đặc thù như vậy nên nhiều vùng biển, đại dương đang là nơi tranh chấp trên thế giới, nhất là đối với những nước lớn ở gần biển và đại dương có sức mạnh.

    Vùng biển Việt Nam thuộc biển Đông, biển lớn thứ nhì trong các biển ở ven Thái Bình Dương và đứng thứ 3 trên thế giới (với diện tích toàn bộ 3.447.000 km2 và thể tích 3.928.000km3). Biển Đông hoàn toàn nằm trong vành đai nhiệt đới, có tính chất một biển kín bao bọc chung quanh bởi lục địa châu Á và các quần đảo In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin. Độ sâu trung bình của biển Đông là 1.140m và nơi sâu nhất là 5.420m. Ở phía Bắc tại vịnh Bắc bộ Việt Nam và phía Nam tại vịnh Thái Lan, thềm lục địa lan ra rất rộng, không chỗ nào sâu quá 100m. Trong biển có nhiều quần đảo và đảo, phần lớn là các nhánh núi ngầm từ lục địa ăn ra. Thềm lục địa rộng và nông là nơi tập trung của nhiều mỏ, chủ yếu là mỏ trầm tích và mỏ nguồn gốc hữu cơ.
    Vùng biển nước ta (bao gồm cả vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) với khoảng 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền), là vùng xung yếu của biển Đông với bờ biển dài 3.260km; nằm gọn trong phần phía Tây “vành đai quặng thiếc Thái Bình Dương”, tập trung một trữ lượng “ca-xi-tơ-rít” (thành phần trên 70% là thiếc) bằng 75% thiếc thế giới. Dạng khoáng sản công nghiệp phổ biến chung trên toàn khu vực bờ biển Việt Nam là các sa khoáng kim loại hiếm, chủ yếu là Thiếc, Titan, Silicon...
   Với bờ biển dài 3.260km, đứng thứ 2 trong 157 quốc gia ven biển, cứ 100km2 đất liền, ta có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới. Cứ khoảng 20km bờ biển, ta có một cửa sông, cửa lạch. Ta có 2.779 đảo ven bờ, trong đó có đảo rộng từ 100km2 trở lên (như đảo Phú Quốc, diện tích hơn 600km2, gần bằng quốc đảo Xin-ga-po), 22 đảo rộng từ 10km2 trở lên; 112 cửa sông, nhiều hải cảng quan trọng (Hòn Gai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cam Ranh, Vũng Tàu, Sài Gòn, Cần thơ...) nối liền biển với nội địa.
   Có 2 quần đảo lớn: Quần đảo Hoàng Sa chiếm khoảng trên 15.000km2, có hơn 30 đảo, bãi đá, bãi cạn. Quần đảo Trường Sa có trên 130 đảo lớn nhỏ (đảo san hô, mỏm đá nổi và chìm) chiếm khoảng rộng trên biển từ 160.000km2 đến 180.000km2, gấp trên 10 lần quần đảo Hoàng Sa. Diện tích các đảo và bãi đá nhô lên mặt nước khoảng 10km2...
    Riêng vùng biển Việt Nam, theo tài liệu điều tra nghiên cứu bước đầu, có khoảng 770 loài trong 111 họ của 12 ngành động vật không xương sống. Tôm có khoảng 250 - 300 loài. Cá có khoảng 2.000 loài thuộc nhiều loại. Trữ lượng cá trong vùng biển Việt Nam khoảng 2.875 đến 3.025 nghìn tấn, và sản lượng khai thác hàng năm là 1.242 đến 1.392 nghìn tấn, trong đó cá tầng đáy khoảng 672 nghìn tấn và cá nổi khoảng 620 đến 720 nghìn tấn.
    Ngoài ra, biển Đông (có vùng biển Việt Nam) còn là con đường giao thông rất thuận tiện, dẫn đến hầu hết các nước trong vùng Đông Nam Á đông dân và giàu tài nguyên; là đường giao thông nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Chính vì tầm quan trọng vừa có tính khu vực, vừa có tính toàn cầu mà biển Đông trở thành nơi tranh chấp quyết liệt giữa các quốc gia có chủ quyền trên biển, giữa các quốc gia và các thế lực lấn chiếm trong việc tranh giành tài nguyên biển.
    Xuất phát từ giá trị biển và đại dương, là một quốc gia biển, chúng ta cần nhận thức đầy đủ về việc ra sức phát triển kinh tế biển và nâng cao trách nhiệm bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới (CQANBG) theo phương hướng nghị quyết Trung ương 4 khóa X của Đảng. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần có tư duy mới về biển và đại dương. Biển và đại dương không còn là tự do trên biển cả mà là nơi tranh chấp của nhiều nước trên thế giới. Cần nhận thức rõ mưu đồ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực xâm lược khác đối với biển và đại dương nói chung, đối với biển Đông và vùng biển Việt Nam nói riêng.
    Từ đó, có nhận thức đúng về bảo vệ CQANBG của Tổ quốc. Nhận thức đúng vai trò của biển Đông với sự tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài. Nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa khai thác, phát triển kinh tế biển, bảo vệ vùng biển để ra sức phát triển kinh tế, phát triển sản xuất. Mặt khác, bảo vệ vững chắc CQANBG vùng biển Việt Nam, chống mọi hoạt động lấn chiếm, mọi hoạt động xâm nhập móc nối, điều tra tình báo, phá hoại môi trường và mọi mưu đồ xâm lược của các thế lực bành trướng.
   Bên cạnh đó, cần ra sức xây dựng cho mọi người dân, đặc biệt là người dân vùng biển có “ý thức biển” vì biển là một nguồn tài nguyên to lớn đối với kinh tế của ta. Một nước có bờ biển dài, thềm lục địa rộng, nhiều tài nguyên như nước ta, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, muốn tiến từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, muốn trở thành một nước mạnh mẽ về kinh tế và quốc phòng nhất định phải có “ý thức biển”. Coi trọng việc khai thác phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển là hai mặt của “ý thức biển”, là tư duy cần phải có trong chúng ta.

    Nhận thức rõ vùng biển của nước ta đa dạng, phong phú, nhiều tiềm năng, có điều kiện để phát triển kinh tế biển. Đó là cánh cửa lớn rộng mở để nước ta vươn mình ra đại dương và thế giới nhằm chủ động hội nhập và hội nhập có hiệu quả cao. Cấu trúc của vùng biển ở nước ta gồm 3 tuyến: Ven bờ biển, đảo và quần đảo, vùng biển. Vùng biển chạy dài theo đất nước, có 612 xã, phường, thị trấn thuộc 124 quận, huyện, thị xã của 28 tỉnh, thành phố. Dân cư tập trung nhiều ở vùng ven biển, còn trên các đảo, phần lớn là thưa dân và ít dân. Phần lớn các đảo có diện tích lớn ở Đông Bắc và Tây Nam. Lao động đào tạo theo ngành nghề kinh tế biển (nhất là nghề cá) còn rất ít. Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển nước ta chưa tương xứng, với tổng giá trị hàng năm còn nhỏ bé, chỉ bằng 1/20 của Trung Quốc, 1/94 của Nhật Bản, 1/7 của Hàn Quốc, 1/126 kinh tế biển của thế giới.

   Tình hình đó đặt ra cho chúng ta cần phải thực hiện một số chính sách sau:
- Sớm đưa dân ra các đảo và vùng đảo thưa dân. Phải đào tạo ngành nghề cho cư dân để ổn định đời sống ở vùng biển đảo, nhất là đánh cá xa bờ. Phải tổ chức những cơ sở sản xuất chế biến “sản phẩm biển” (nhất là cá) để tạo nghề nghiệp cho cư dân. Lâu nay, ở vùng biển, đảo, chúng ta chỉ mới biết làm nghề cá, nghề muối theo kinh nghiệm truyền thống, kỹ thuật thủ công, phụ thuộc vào thiên nhiên rất lớn.

   Do đó, cần phải tổ chức lại nền sản xuất lớn cho phù hợp với từng vùng, phân bổ lại lao động vì lực lượng sản xuất trước hết là người lao động. Phải đưa khoa học kỹ thuật vào để nâng cao năng suất lao động trong đánh cá và chế biến sản phẩm. Kinh tế biển phải đi từ đất liền, dựa vào vùng ven biển ở đất liền mà phát triển một cách toàn diện; cần phải thực hiện cơ giới hóa nghề cá, tăng khả năng hoạt động trên biển, hiện đại hóa việc phát hiện và theo dõi đàn cá, cải tiến kỹ thuật đánh bắt bằng những công cụ và phương pháp hiện đại hơn, giải quyết tốt việc bảo quản, chế biến cá và các hải sản khác.
   Làm được như vậy thì việc đưa dân cư ra biển thuận lợi hơn cho việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ chủ quyền an ninh ven biển.
   - Liên kết chặt chẽ giữa 3 tuyến ven biển, đảo và quần đảo, vùng biển tạo thành một thế vững chắc của nền biên phòng toàn dân; quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân trên vùng biển đảo, bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, có chỗ dựa và điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng kinh tế biển và phát triển kinh tế biển.
   Vấn đề cơ bản có tính chất quyết định trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển - đảo là sức mạnh của lòng dân; và sức mạnh của lòng dân chỉ có thể xây dựng trên nền kinh tế biển ngày càng phát triển.
   - Đối với ngư dân và tàu thuyền làm ăn trên biển, cần sắp xếp lại khu vực làm ăn trên biển đảo đối với các đội thuyền đánh cá; tổ chức các đội dân quân, tự vệ hoặc các hải đoàn tự vệ đảo, kết hợp được sản xuất trên biển và bảo vệ biển.
   - Phải có kế hoạch phối hợp giữa BĐBP với Hải quân và Cảnh sát biển, cùng các đơn vị dân quân, tự vệ, công an trên biển đảo, phát hiện các tàu thuyền nước ngoài xâm nhập trái phép vùng biển để có kế hoạch đối phó, đấu tranh và xử lý đúng luật theo “Công ước Liên hiệp quốc tế về vùng biển (Unclos) 1982” và Tuyên bố của Chính phủ nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam” (12-5-1977).
   Do điều kiện lịch sử và vị trí địa lý, biển có vị trí quan trọng trong đời sống của đất nước. Cần làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ, mọi người dân có “ý thức biển”, ra sức thực hiện “chiến lược biển của Đảng” theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X): “Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, hiệu quả với tầm nhìn dài hạn”. Phấn đấu “đến năm 2020, nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đóng góp 53 - 55% GDP cả nước”.
   Yêu cầu đó đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức đúng về biển để đầu tư khai thác tiềm năng của biển. Mặt khác, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng bảo vệ biển, đảo, cùng quân dân cả nước bảo vệ vững chắc CQANBG vùng biển Việt Nam, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống lấn chiếm biển, không để bị bất ngờ.

Thiếu tướng PGS-TS Cao Thượng Lương

,

Không có nhận xét nào: