Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Những chuyện bây giờ mới kể về ông Nguyễn Cao Kỳ

    Tôi chỉ biết về ông Nguyễn Cao Kỳ qua tin tức trên mạng. Hàng xóm của tôi có một ông trước học cùng lớp với ông Kỳ tại trường Bưởi - Hà Nội. Ông Kỳ quê ở Hà Tây, nơi tôi theo học 4 năm phổ thông với nhiều kỷ niệm. Nơi đây giờ đã  bị sát nhập vào Hà Nội, trở thành miền ký ức của bao người.
   Tôi cho rằng ông Nguyễn Cao Kỳ là một người đặc biệt, thẳng thắn, khoan dung và rất đàn ông. Bà Đặng Tuyết Mai, dù đã ly hôn với ông, vẫn bảo vệ ông và ca ngợi ông: " Đến tận bây giờ, dù tình xưa đã tắt nhưng tôi vẫn còn nhớ anh Kỳ có đôi mắt rất đàn ông...Ở anh Kỳ có nét phong trần, phóng khoáng, ngang tàng, nhưng đầy nghệ sĩ."     Ông Kỳ từng được coi là người có tư tưởng chống Cộng trong thời kỳ trước 1975 rồi sau đó, kể từ năm 2004, được Nhà nước Việt Nam coi là biểu tượng của sự hòa hợp hòa giải dân tộc. Ông Nguyễn Cao Kỳ cũng là người nhận được nhiều mô tả và bình luận rất khác nhau từ nhiều phía.  

     Tôi rất vui được giới thiệu bài viết này của tác giả Xuân Ba với bạn đọc, như một lời tri ân tưởng nhớ tới ông Nguyễn Cao Kỳ.

     Việt Minh


 
Ông Nguyễn Cao Kỳ
Cuộc gặp dang dở
    Cữ tiết xuân năm 1993, ông Nguyễn Hoắc, Giám thị trại giam Hỏa Lò báo cho cái tin đến ngay Trại giam có việc gấp! Từng là chỗ quen, tôi chắc lại có chuyện có tư liệu để viết lách chi đây? Tới nơi, ngạc nhiên lắm khi thấy một đoàn làm phim Mỹ đang tác nghiệp! Ngạc nhiên bởi từ trước nay làm gì có đoàn làm phim ngoại quốc nào được bén mảng đến nơi này? Khi ấy Trại giam Hỏa Lò còn nguyên, mấy năm sau mới chuyển vào Cầu Diễn.
 ...Trọn một ngày ở Hỏa Lò, may mắn từ cái tin ưu ái của ông giám thị Nguyễn Hoắc mà tôi biết được đoàn làm phim Mỹ đang quay bộ phim có cái tên Việt Nam, Tết hòa giải... Lại gặp gần 20 phi công Mỹ đã từng bị giam ở đây những năm chiến tranh. Trong đó người bị giam lâu nhất là viên trung úy phi công Alverez bị bắt ngày 5-8-1964.

     Như viên phi công lái Thần sấm bị tóm ở Thanh Hóa là Ben Puccen sau này trở thành Thượng nghị sĩ vv... Trong số phi công bị giam ở Hỏa Lò có lẽ duy nhất có một người Việt. Đó là trung úy phi công Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Nguyễn Đạt.

Nguyễn Đạt bị bắt ở Quảng Bình mùa hè năm 1966 cũng từng bị giam ở Hỏa Lò. Đang định cư ở Hoa Kỳ, Nguyễn Đạt về Việt Nam và trở lại Hỏa Lò theo yêu cầu của đoàn làm phim Mỹ. Chuyện về viên trung úy này có chi tiết khiến tôi chú ý liên quan đến tướng Nguyễn Cao Kỳ!

    Đơn vị không quân của ông được tướng Kỳ rất biệt đãi (Nguyễn Cao Kỳ là chỉ huy lực lượng không quân đầu tiên của VNCH). Riêng trung úy Đạt, tướng Kỳ rất cưng chiều. Những chiêu bay gan ruột, tướng Kỳ sẵn lòng chia sẻ với đàn em. Riêng khoản cho chiến đấu cơ bay là là sát mặt biển của tướng Kỳ, đoàn không quân của Đạt chẳng anh nào dám làm.
     Qua trung úy Đạt, tôi mới biết năm 1965, tướng Kỳ cao bồi ngổ ngáo ấy đã lái máy bay ra ném bom Quảng Bình. Trận ấy, Đạt cũng bay với thiếu tướng kiêm Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ! Kỳ cũng cho máy bay lượn sát dòng sông Gianh dính đạn phòng không suýt toi mạng may mà vượt thoát phải đáp khẩn cấp xuống Đà Nẵng!
     Sau trận hút chết đó, tướng Kỳ không trực tiếp bay nữa. Nhưng em út như Đạt thì phải bay. Vốn là một pilot gần ngàn giờ bay, Đạt cũng thuộc loại cộm cán nhưng trong trận oanh tạc Đồng Hới, trung úy Đạt đành phải buông dù chịu để dân quân Quảng Bình bắt sống!

    Chuyện trung úy Đạt cùng ông tướng Nguyễn Cao Kỳ sau đó tôi cũng quên bẵng! Cho đến khi nghe tin pilot Nguyễn Cao Kỳ mùa xuân năm 2004 đáp về đất mẹ.

Ông Nguyễn Cao Kỳ trong lần về quê Hà Tây


... Biết tôi muốn gặp ông Kỳ, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã cho tôi số điện thoại của cô Trần Hồng Vân, thư ký báo chí của ông Kỳ (cô Vân là con riêng của bà Lê Kim, vợ thứ 3 của ông Nguyễn Cao Kỳ). Qua liên lạc, cô nói rất tiếc ba cô và gia đình lại mới trở vào Thành phố HCM, đành đợi dịp khác vậy.

    Cho đến lần ấy, nhận được tin ông Kỳ ra. Ông không ở Hà Nội mà ra Tuần Châu.
    Chắc bạn đọc đã quá rành về doanh nhân Đào Hồng Tuyển, nguyên là chiến sĩ Hải quân đã từng vào sống ra chết nhiều lần trên những chuyến tàu không số chở vũ khí vào chiến trường miền Nam cùng đồng đội tạo nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển Đông! Đào Hồng Tuyển sau này trở thành doanh nhân nổi tiếng dám lấp biển để tạo một đại lộ nối đất liền với đảo Tuần Châu. Ông đã biến hòn đảo hoang thành một Trung tâm nghỉ dưỡng giải trí nức tiếng xa gần.
    Đêm ấy Chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển đã tổ chức một cuộc gặp phạm vi hẹp giữa khách khứa với ông Nguyễn Cao Kỳ cùng gia đình đang nghỉ ở Tuần Châu.

    Nhớ lúc gặp, lòng tay ông tướng từng trận mạc từng chính khách từng ôm xiết các chức Thủ tướng, Phó Tổng thống có hơi hơi mềm nhưng hình như những ngón vẫn rắn? Những ngón tay của viên tướng không quân ấy qua bao trận mạc từng ấn vào những nút bấm chết chóc? Và bây giờ bàn tay ấy đang giơ cao cho quan khách thấy bản dự án kinh tế an sinh dầy cộp của một Liên doanh. Liên doanh mới thành lập mang tên Hạ Long Bay Group. Đối tác phía Việt Nam trong liên doanh là Công ty TNHH Âu Lạc.
   Bên Hoa Kỳ là Tập đoàn Andy Dye và Tập đoàn Tree. Chủ tịch Công ty liên doanh này là ông Andy Dye, Chủ tịch Tập đoàn Andy Dye. Phó Chủ tịch Công ty liên doanh là ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Công ty Âu Lạc.

    Ông Nguyễn Cao Kỳ lúc này làm cố vấn cho ông Đào Hồng Tuyển. Tôi cũng phong thanh cái tin ông Tuyển đương là Ủy viên UBTWMT Tổ quốc được lãnh đạo UB gợi ý cho ông Tuyển giúp đỡ nguyện vọng của ông Kỳ muốn đóng góp xây dựng quê hương.
     Tôi chợt nhớ đến chi tiết trong một tài liệu có trưng hẳn hoi tấm hình tướng Nguyễn Cao Kỳ cổ đeo khăn lụa, hỏi chuyện một tù binh cộng sản bị bịt mắt tại Gio Linh năm 1967, đằng sau là ký giả của hãng CBS News. Rồi sau việc ấy, ông Nguyễn Cao Kỳ, năm 1967 lúc đỉnh điểm của cuộc chiến Việt-Mỹ, ông đòi Mỹ ngưng chiến và hô hào đối thoại với Hà Nội. Theo ông, hai miền cần nói chuyện trực tiếp, "không có những kẻ lạ" (without outsiders) vv...


                                    Doanh nhân Đào Hồng Tuyển và ông Nguyễn Cao Kỳ (giữa)

     Tôi nhớ trong cuộc gặp, có hỏi ông Kỳ thực hư chuyện đó ra sao, ông chỉ gật gật đáp ngay chút nữa sẽ nói kỹ hơn! Nhưng cái chút nữa đã không có cho đến tận bây giờ! Cuộc gặp tối đó bị chững lại do ông mắc việc đột xuất. Trước đó lại có nhiều người hỏi chuyện ông. Mà khi ấy ông lại đang hào hứng thao thao chuyện hơn 10 năm phải làm vài thứ nghề lặt vặt để kiếm sống lúc di tản sang Mỹ.

     Chuyện ông và gia đình trong chuyến về thăm lại cố hương Đường Lâm Sơn Tây có gặp một bà cháu. Bà bộc bạch sau năm 1975 có nhận được gần chục lá thư của ông Kỳ gởi về thăm hỏi nhưng vốn cáu giận ông chú Việt gian nên chả thèm đọc cái thư nào đem đốt hết! Chuyện gặp bạn cũ trường Bưởi cùng hào hứng đọc thơ Quang Dũng ra sao...
    Buổi sơ kiến ấy, tôi chưa rõ rệt một cảm giác nhưng sau này, ấn tượng về một ông Nguyễn Cao Kỳ thẳng thắn bộc trực cứ rõ dần... Như hôm đó ông bộc bạch, đời ông có mấy lần phải rơi nước mắt. Ấy là chiều 29-4-1975 khi ông lái trực thăng hạ xuống chiến hạm Hoa Kỳ Midway trần trụi chơ vơ trên boong cùng đám lính thất trận.

   Lần hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất trở về cố hương giáp Tết năm Giáp Thân 2004. Rồi chẳng hạn khi ông trả lời các hãng thông tấn nước ngoài: Dù muốn dù không, đối với thế giới bên ngoài, đặc biệt đối với người Mỹ, tôi là một thứ biểu tượng của một bộ phận khác bên này của người Việt.
   Vì vậy, sự hiện diện của tôi ngày hôm nay, sau khi trở về Việt Nam, tôi muốn nói với đồng bào Việt Nam, đặc biệt những người từng dưới sự chỉ huy của tôi là: Ngày hôm nay, mọi bất hòa đã chấm dứt.

    Vẫn tiếc cho câu chuyện đêm ấy chẳng được tiếp nối. Tất nhiên có thể ông quên tên người tù binh bị bịt mắt nhưng chắc ông vẫn nhớ nội dung trao đổi những gì? Duyên do nào đã khiến ông Kỳ năm 1967 có quyết định trong thời điểm cao trào cuộc chiến tranh là muốn nói chuyện tay đôi với Hà Nội không qua trung gian?

Mây trắng xứ Đoài

   Thứ trang trí bắt mắt trong phòng làm việc của ông Tuyển là tấm hình đặc biệt. Nó được tìm thấy năm 1975 trong hộc tủ một cơ quan tình báo Mỹ chụp từ trên cao con tàu đánh cá loại vừa đang lênh đênh trên mặt bể. Con tàu cá sơn số hiệu và mang cờ một nước thuộc khu vực Đông Nam Á.

   Ông Tuyển từ nhiều năm nay luôn giữ tấm hình được sao lại ấy như thứ báu vật bất ly thân! Chiến sĩ Hải quân Đào Hồng Tuyển từng có mặt trên con tàu không số ấy (từng phải ngụy trang số giả và mang cờ nước ngoài) ba lần cùng đồng đội vận chuyển vũ khí vào Nam.
   Con tàu ấy, loại tàu đó không được xuất bến lần thứ 4 trong hải trình đường Hồ Chí Minh trên biển bởi đã bị lộ. Tin mật báo máy bay trinh sát của Hạm đội 7 đã nhiều lần ghi hình được con tàu khả nghi này...

     Nói lại xuất xứ tấm ảnh đang chĩnh chiện trên tường, thấy tôi cứ săm soi mãi tấm hình, ông Tuyển phá lên cười ngạc nhiên chưa. Mà vẫn chưa hết đâu nhá...
     Điều ngạc nhiên mà ông Tuyển nói chính là điều làm ông Nguyễn Cao Kỳ sửng sốt!

     Một lần ông Tuyển cho mời ông cố vấn để bàn thảo về mấy việc của Liên doanh. Lần đầu tiên ông Kỳ đến phòng này. Vừa yên vị đưa mắt quanh phòng, tấm ảnh con tàu không số kia như tức khắc chạm ngay mắt ông Kỳ! Ông đứng bật dậy đến gần săm soi...

"Sự hiện diện của tôi ngày hôm nay, sau khi trở về Việt Nam, tôi muốn nói với đồng bào Việt Nam, đặc biệt những người từng dưới sự chỉ huy của tôi là: Ngày hôm nay, mọi bất hòa đã chấm dứt." - Ông Nguyễn Cao Kỳ.
    Ông Kỳ dồn hỏi ông Tuyển nhiều điều về bức ảnh. Bữa đó, công việc định bàn thảo với ông Chủ tịch Âu Lạc trong Liên doanh, ông cố vấn đã đột ngột xếp lại hết! Ông hào hứng kể lại với ông Tuyển, có một buổi ông được mời đến Phòng tác chiến đặc biệt Mỹ Việt.

    Tại đó, đã có sự hiện diện của nhiều chuyên gia sừng sỏ về điều nghiên phân tích tin tức tình báo. Hình con tàu lạ lênh đênh trên biển Đông và vùng hải phận quốc tế được giăng trên tường với kích cỡ, cự ly khác nhau. Ông được các chuyên viên tường trình rất cụ thể... Họ đã sơ bộ kết luận rằng Việt Cộng đang thay đổi phương thức trong việc bí mật vận chuyển vũ khí bằng đường biển!

     Ông Kỳ ngạc nhiên thổ lộ với ông Tuyển rằng, trước khi nhận lời làm cố vấn, ông chỉ biết ông sẽ làm việc với một doanh nhân đang được tiếng là thành đạt và là người của UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người được cấp lãnh đạo UB, đặc biệt là ông Phạm Thế Duyệt tin tưởng chứ không hề biết một Đào Hồng Tuyển, mới 16 tuổi, với tài bơi lặn khai tăng tuổi xung vào lính Hải quân từng là chiến sĩ trong Đoàn tàu không số. Mà bức hình con tàu treo trên tường kia cùng cái người mà ông đang phục vụ với tư cách cố vấn đã từng lênh đênh trên con tàu cá ấy!

     Ông Kỳ bộc trực nhưng giọng từ tốn, khi đó ông đã chuẩn y với những phân tích và kết luận của nhóm chuyên viên Mỹ Việt nhưng cho đến bây giờ ông vẫn không hiểu là tại làm sao, sau thời điểm ấy miền Bắc lại biết được phương thức giả làm tàu cá nước ngoài để vận chuyển vũ khí đã bị lộ?
    Ông Kỳ cười nhưng ông Tuyển hơi rùng mình, có lẽ cũng là cái duyên cái số nên bây giờ ông với ông Tuyển mới gặp nhau. Chỉ chậm chút nữa, "chiếc tàu cá" không biết sẽ thế nào.

     Mùa hè năm 2005, tháp tùng chuyến thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Đào Hồng Tuyển trong đội hình của giới doanh nhân Việt. Trong bữa tiệc tối chiêu đãi có nhiều quan khách trong đó có Thượng nghị sĩ J.Mc Cain, cảm giác thích thú lẫn ngạc nhiên khi tôi chứng kiến doanh nhân Đào Hồng Tuyển trả lời phỏng vấn của mấy ký giả nước ngoài trong đó có ba tờ báo người Việt ở Cali và Washington DC. Họ đang hỏi chuyện một người đang làm ăn suôn sẻ với doanh nhân Hoa Kỳ mà ông cựu Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ đang là cố vấn cho ông Tuyển.
     Chuyến thăm ấy, ông Đào Hồng Tuyển không về cùng. Nghe nói ông lưu lại Hoa Kỳ để làm việc trực tiếp với một số đối tác. Bữa ông về, bất ngờ biết thêm trong chuyến đi ấy, người tháp tùng cho Đào Hồng Tuyển chính là ông... cố vấn Nguyễn Cao Kỳ!

Vợ chồng ông Nguyễn Cao Kỳ cùng các nhà đầu tư Mỹ thăm vịnh Hạ Long ngày 16/12/2004






      Ông Tuyển nhớ lại kỷ niệm về bữa cơm cùng các "chiến hữu" của ông Kỳ lần ấy. Tại nhà hàng Tre Việt, ở Los Angeles. Từng lui tới nhiều nơi sang có hèn có, từng tiếp xúc với đủ hạng người nhưng có thể nói chưa bao giờ doanh nhân Đào Hồng Tuyển có cảm giác chống chếnh là lạ.
   Trớ trêu, cảm giác ấy đã xuất hiện khi ngồi quanh mình toàn là người Việt! Tò mò. Lạ lẫm. Băn khoăn...Ngó suốt lượt, ông Tuyển nhận thấy có mặt trong bữa cơm hầu như tất tật là những người đứng tuổi hoặc độ tuổi ông Kỳ. Như ông Kỳ giới thiệu trước khi tới đây là có nhiều tướng lãnh sĩ quan cũ! Có những tiếng ồ ngạc nhiên, cả tiếng huýt sáo không rõ biểu lộ thái độ gì khi ông Kỳ giới thiệu ông Tuyển là doanh nhân, từng là "vi xi" trên biển. Các dãy bàn xôn xao...

Ông Nguyễn Cao Kỳ - pilot

     Rượu vào và tới tấp những câu hỏi bật ra. Các chiến hữu của ông Kỳ tò mò hỏi Đào Hồng Tuyển hiện đang kinh doanh thứ gì? Các hình thức và mức thuế ra sao? Sao bảo bên đó không chấp nhận kinh tế tư nhân? Đám em út ông Kỳ không ngại hỏi kinh doanh kiểu gì, có phải lách luật hay băng nhóm gì không mà ông Tuyển kiếm được bộn bạc vậy?!...
    Đào Hồng Tuyển cứ từ tốn cứ thong thả từng câu hỏi, từng thắc mắc một. Câu chuyện một người lính khi rời quân ngũ gần như tay trắng nhưng bằng nghị lực và cả may mắn nhờ Đổi mới, nhờ bạn bè hảo tâm và nhờ cả... ông bà tổ tiên phò trợ đã làm nên một cơ nghiệp... dường như đã mang một sinh khí mới cho cuộc gặp.
    Một vị thực khách đứng lên giọng nghiêm trọng, ông cho biết lý do gì ông thuê ông Kỳ làm cố vấn? Đào Hồng Tuyển cũng đứng lên với ly rượu trong tay, thưa các bác một người hào hoa ga lăng có lắm tài lại được nhiều phụ nữ mê như ông Kỳ đây hà cớ gì lại bị bỏ phí đi cơ chứ?
    Thêm nữa cô con gái rượu người đẹp Nguyễn Cao Kỳ Duyên, một MC hiện đang nổi danh chắc cô ấy không khi nào bỏ qua một dịp thuận lợi nào để "pr" cho người mà ba mình đã chọn làm phụ tá! Câu đùa đùa thật thật ấy trong bữa tiệc khiến các bàn rộ lên tiếng cười thích thú!
    Đám tiệc lại xôn xao khi ông Kỳ cho hay ngày mai ông sẽ tháp tùng ông Tuyển bay đi Las Vegas bằng máy bay hạng nhẹ (loại phi cơ như của Bầu Đức bây giờ). Đến thủ đô cờ bạc giải trí Las Vegas không phải ông muốn chơi bạc mà muốn qua ông Kỳ (vốn quá rành chốn này) tìm hiểu điều nghiên thêm.
    Một đất nước đổi mới mở cửa, những doanh nhân thương gia nước ngoài đến Việt Nam, ghé qua VN sẽ tìm thấy những loại hình giải trí để cân bằng trí não cỡ như casino chẳng hạn? Cơ hội ấy sẽ đến khi cơ chế cho phép! Nếu như không có sự chuẩn bị sắm sanh này khác đến lúc cần thời cơ sẽ vuột mất!
    Bữa sau ngay tại sân bay, Đào Hồng Tuyển đã toát cả mồ hôi hột không phải vì trời nóng mà cái máu lãng tử của viên thiếu tướng phi công tự dưng trỗi dậy đùng đùng trong con người ông lão bảy lăm Nguyễn Cao Kỳ! Ấy là khi cứ nằng nặc đòi được lái chiếc phi cơ loại nhẹ bay Las Vegas. May quá, cuối cùng thì người lái máy bay không phải là ông Kỳ.

    Tôi có hỏi ông Tuyển gần một năm làm cố vấn, mức lương của ông Kỳ là bao nhiêu? Ông Tuyển cười, đúng thỏa thuận theo thông lệ quốc tế, khoảng vài tỷ VND...

   Thoắt cái buổi đêm ở Tuần Châu lại váng vất trong tâm trí. Buổi ấy ông Nguyễn Cao Kỳ nổi hứng đọc thơ Quang Dũng. Ông Kỳ nói thi sĩ Quang Dũng cùng quê Xứ Đoài với ông... Người ta nói nhiều đến một Nguyễn Cao Kỳ ngang tàng, chịu chơi? Nhưng đêm ấy có một Nguyễn Cao Kỳ chầm chậm những nốt trầm của bản ngã, của tuổi tác qua chất giọng trầm khàn.

...Vừng trán em vương trời quê hương/Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương/Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/Em có bao giờ em nhớ thương?/.....U uẩn chiều lưu lạc/Buồn viễn xứ khôn khuây/Cho nhẹ lòng nhớ thương/Em mơ giùm tôi nhé/Bóng ngày mai quê hương/Đường hoa khô ráo lệ/Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng/Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc/Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng/Bao giờ tôi gặp em lần nữa/Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca/Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ/Còn có bao giờ em nhớ ta?
(thơ Quang Dũng)

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm...

Bây giờ ông đã thành mây trắng! Trên thinh không kia dường như có khoảng bạch vân đang lang thang dạt dần về xứ Đoài?

Theo Tiền Phong



1 nhận xét:

Viet Minh nói...

Tôi vừa thấy có thêm bài này của ông Dương Trung Quốc về ông NCK: http://tapchihuongviet.eu/index.php/th-gin-vui-ci/chuyn-l/4220-nha-s-hc-dng-trung-quc-vit-v-mt-ngi-va-nm-xung-