Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Bài học Libya cho ông Kim Jong Il

Bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi giữa Libya và Triều Tiên, rất nhiều nhà phân tích đã đưa ra so sánh, dự đoán về lãnh đạo của 2 quốc gia này.

Sự can thiệp của NATO ở Libya suốt thời gian vừa qua đặt ra một câu hỏi: Liệu trong thế giới hiện nay, một quốc gia nhỏ bé có thể thực thi chính sách đối ngoại độc lập mà không cần quan tâm đến thái độ các nước lớn hay lo ngại bị trừng phạt không?


Câu trả lời không mấy tích cực. Tình hình của Libya nói riêng và của thế giới Arab nói chung cho thấy một vấn đề, nếu như một quốc gia dồi dào tài nguyên thiên nhiên quý giá và có chế độ chính trị không "đáp ứng" được cái gọi là “nền dân chủ đạt chuẩn mực quốc tế” sẽ xảy ra biến động.

Như một quy luật, sự bất ổn chính trị nào - đặc biệt là sự nổi dậy của lực lượng trong nước – đều đóng vai trò như một lời mời gọi sự can thiệp từ bên ngoài.

Cách thức mà các nhà đại diện của “thế giới tự do” thay đổi thái độ nhanh chóng và đồng loạt đối với chính quyền Gaddafi là rất đáng chú ý.

Sai lầm của ông Gaddafi?

Ông Gaddafi chưa bao giờ tỏ ra ưa thích các nước phương Tây, suốt 40 năm qua ông ta đã tiến hành chính sách ngoại giao chống Mỹ tuy nhiên phương Tây vẫn tỏ ra khá “rộng lượng”.

Ông Gaddafi không phải là người xa lánh xã hội như nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il. Libya cũng không bị coi là một phần của “Trục ác” trong con mắt chính giới Mỹ.

Nếu ông Gaddafi giữ nguyên chương trình hạt nhân, liệu các nước phương Tây có dám mở chiến dịch “Bình minh Odyssey”?

Đặc biệt, hơn 8 năm trước, Tổng thống Gaddfi đã bắt đầu nỗ lực tái thiết lập quan hệ hữu nghị với phương Tây, từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và mở cửa với thế giới.

Kết quả là, các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Libya đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên thời điểm chính quyền Gaddafi chấp nhận các nước phương Tây cũng chính là thời điểm mà các nước này không ngần ngại lên kế hoạch lật đổ Gaddafi.

Cái giá cho các nhà lãnh đạo có tư tưởng chống đối phương Tây chính là an ninh quốc gia, kể cả khi những quốc gia này là một phần của Liên Hợp Quốc và tuân theo mọi nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Xích lại gần phương Tây là một sai lầm tai hại của Gaddafi?

Bài học cho ông Kim Jong Il

Trước đây nền dân chủ phương Tây vẫn khẳng định các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có thể từ bỏ chúng vì lợi ích an ninh toàn cầu và tiếp tục phát triển bình yên. Thế nhưng giờ đây sau bài học của Libya, những lời nói đó đã trở nên vô nghĩa, thiếu uy tín.

Triều Tiên cũng đã nhận thức được vấn đề này. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố: “Cuộc khủng hoảng ở Libya đã dạy cho cộng đồng quốc tế một bài học vô cùng quan trọng. Một lần nữa nó chứng minh sự thật lịch sử rằng, hòa bình chỉ có thể được bảo đảm khi tự mình xây dựng một sức mạnh độc lập, tự chủ”.

Bình Nhưỡng cũng tiết lộ trước toàn thế giới việc Mỹ tiến hành “giải giáp hạt nhân của Libya” chỉ là một mô hình xâm lược. Với những lời lẽ đường mật như “bảo đảm an ninh”, “cải thiện quan hệ”, Mỹ đã dỗ dành Libya chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân để rồi sau đó lại nuốt chửng bằng vũ lực.

Không giống như Gaddafi, ngay sau các cuộc chiến tranh tại Nam Tư và Iraq, ông Kim Jong Il hiểu rõ rằng không nên trông chờ vào sức mạnh bên ngoài để tránh khỏi nguy cơ xâm lược, chỉ có thể dựa vào tiềm lực quân sự của quốc gia mình.

CHDCND Triều Tiên luôn khẳng định lựa chọn chính sách "Quân sự trước tiên" là đúng đắn. Đây được coi là biện pháp tối ưu, thiết lập sức mạnh quân sự để tự vệ, ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch Kim đã thực hiện những giải pháp quân sự cần thiết để chống lại sự can thiệp từ bên ngoài và thay đổi chế độ, trong khi đó Gaddafi lại phớt lờ những mối đe dọa, kết quả là đã phải gánh lấy thất bại. Nếu nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi giữ lại chương trình hạt nhân, liệu các nước phương Tây có dám không kích Libya không?

Triều Tiên – quốc gia khó đoán, hành xử theo những luật chơi riêng – khiến cho việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của Mỹ càng thêm phức tạp.

Hạt nhân – quân bài vận mệnh của Triều Tiên

Bình Nhưỡng có nhiều mối đe dọa bên ngoài hơn Libya. Trong báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, Triều Tiên được mô tả như một chế độ độc tài tuyệt đối.
Washington coi chương trình hạt nhân và xuất khẩu công nghệ hạt nhân của Bình Nhưỡng là một mối đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích của Mỹ ở Đông Bắc Á. Ngoài ra, chính phủ Triều Tiên bị nghi ngờ làm giả USD, buôn bán ma túy và nhiều tội danh khác.
Các lí do kể trên đã đủ để phương Tây lật đổ chế độ Kim Jong Il, tuy nhiên điều đó vẫn không thể diễn ra vì Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, hoặc ít nhất là các loại vũ khí tiềm năng như những gì đã được thử nghiệm hồi năm 2006 và 2009.

Và cũng giống như ông Gaddafi, một khi đã vào thế chân tường, ông Kim Jong Il có thể làm mọi thứ, “được ăn cả ngã về không” để đạt mục đích của mình, không bận tâm đến sự phản đối của cộng đồng quốc tế với các chương trình hạt nhân.

Mỹ và các đồng minh giờ đây phải đối mặt với sự thật: sức mạnh hạt nhân của nhiều quốc gia đang làm suy yếu Hiệp ước NPT (Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân) và tiến trình thực hiện hiệp ước này.

Gần đây, những nỗ lực khởi động lại vòng đàm phán 6 bên tại Bắc Kinh diễn ra mạnh mẽ. Ban đầu, các đặc phái viên hạt nhân của 2 miền Triều Tiên đã có cuộc hội đàm hiếm hoi bên lề một diễn đàn an ninh khu vực tại Bali, Indonesia hồi tháng 7/2011.

Ít ngày sau đó, Thứ Trưởng Ngoại Giao Triều Tiên Kim Kye Gwan đã đến thăm New York, đồng thời có buổi nói chuyện với các đồng sự Mỹ. Dù nội dung cuộc trò chuyện không được tiết lộ, tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng chuyến thăm đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Như vậy kế hoạch phục hồi vòng đàm phán hạt nhân đã đạt hai bước sơ bộ: Tổ chức gặp gỡ giữa Triều Tiên – Hàn Quốc, Triều Tiên – Mỹ.

Giữa các bên của vòng đàm phán vẫn còn nhiều bất đồng, rất khó để có thể đạt được thỏa hiệp. Sau những gì đã xảy ra với Libya, hy vọng thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân lại càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Hoàng Thảo (theo East Asia Forum)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

viet long

Cái quan trọng là chính sách ngoại giao của mỗi nước. Việt Nam bây giờ vẫn có thể hợp tác trao đổi giao lưu với phương Tây. Chúng ta đâu cần vũ khí hạt nhân. Cái quan trọng hơn cả là vũ khí ngoại giao. Nếu biết kết hợp cân bằng giữa chính sách đối nội và đối ngoại thì chẳng cần vũ khí hạt nhân ta vẫn giữ vững được độc lập chủ quyền. Phát triển vũ khí hạt nhân để được an toàn hơn là 1 sai lầm, bởi cái giá đánh đổi để có nó là rất đắt, kinh tế bị trì trệ do cấm vận, nhân dân đói khổ đất nước kệt quệ.