Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Góp chuyện khi đọc “Bác Hồ tắm … tiên”

Ảnh minh họa .theo blog ABS
   Chúng ta đã nghe, đọc nhiều câu chuyện về chủ tịch Hồ Chí Minh. Những chuyện như vậy cũng bình thường trong đời sống thường nhật. Nó chỉ không bình thường khi nhân vật chính lại là chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vậy khi kể chuyện về Cụ trước hết chúng ta phải trung thực, từ chuyện nhỏ cho tới lớn cần phải được ghi nhận chính xác, khách quan. Bởi nó là lịch sử.


Tôi vẫn cho rằng việc cố tạo nên hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh như một con người hoàn hảo mọi mặt là một sai lầm của tuyên truyền. Bởi càng thần thánh hóa Cụ càng làm Cụ xa với đời sống thực, với nhân dân. Bởi không ai có thể học và làm theo tấm gương đạo đức của Thánh được mà chỉ làm theo lời Thánh dạy bảo.

Bản tính con người ta là yêu công lý, trọng sự thật nên thích tìm hiểu sự thật nếu nó bị che dấu. Những câu chuyện về lý lịch, đời tư của Cụ được nhiều người tìm đọc cũng vì lý do ấy.

Nếu có học tập cụ Hồ thì trước hết đó phải là những người lãnh đạo.

. Và dưới đây là vài mẩu chuyện vui vui thuộc loại truyền khẩu mà tôi được nghe, bây giờ chắc ít người còn nhớ hay biết, nó cho ta thấy vài nét thú vị. Xin được hầu chuyện cùng bạn đọc.

   Hồi đầu những năm 60 tôi còn là cậu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, đang học cấp 2, nghỉ hè về chơi chỗ ông chú đóng quân ở Gò Gai, Phú Thọ. Có chú bộ đội kể. Có lần Bác Hồ về thăm một đơn vị bộ đội là những người miền Nam tập kết ra Bắc. Khi đi thăm doanh trại Bác thấy trên tường nhà, có ai đó viết dòng chữ khá to và rõ như sau:

Gái quốc sắc mao cu dũ đệ/ Trai anh hùng tứ hải đại du.*

Bác đọc rồi cười hỏi chú nào viết thế. Các chú bộ đội ta lúng túng, không biết nói sao, không ngờ Bác cũng biết nói lái như người miền Nam.

Câu chuyện khác tôi đọc, cũng thời đó, hình như trên báo Văn nghệ quân đội, nội dung như sau. Có lần Bác Hồ đến thăm một đơn vị bộ đội. Bác thấy câu khẩu hiệu “Bác Hồ muôn năm!” kẻ khá đẹp. Bác hỏi: chú nào viết? Một anh phấn khởi thưa: dạ cháu viết ạ. Bác bảo: chú viết đẹp lắm nhưng Bác không biết bác nào muôn năm, còn bác Hồ khác nữa. Anh lính biết Bác dạy làm việc gì cũng cần chính xác. Ngay sau đó anh lính lấy bút và giấy nắn nót viết một khẩu hiệu khác thật to, đẹp: "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!" Rồi treo ở hội trường.

Tôi không nghĩ câu chuyện trên là để ca ngợi Bác.

Ngày trước chúng tôi hay được nghe cán bộ Tuyên huấn về nói chuyện thời sự. Vì thời ấy thông tin qua báo chí, đài phát thanh còn rất hạn chế, nên những buổi nói chuyện này có nhiều tin “ngoài lề” khá hấp dẫn. Có lần một ông tuyên huấn về kể chuyện Bác Hồ. Ông này kể Bác sống rất giản dị, ăn uống đạm bạc...Mỗi bữa cũng chỉ có cơm với ít thịt, canh rau mà thôi. Có người cắc cớ hỏi: nghe nói Bác làm việc rất vất vã, ăn thế thì làm sao đủ sức làm việc. Ông này lúng túng vài giây rồi phán: nói thế chứ trong canh cũng có sâm và nước sốt gà chứ.

Thật hết biết…

Rồi một lần chính tôi xem ti vi buổi phỏng vấn ông Vũ Kỳ kể về Bác (Sau này ông VK có xác nhận với tôi về chuyện này) Ông Vũ Kỳ kể. Hồi mới về tiếp quản Thủ Đô, Bác Hồ ở trong tòa nhà Chủ tịch phủ. Có lần Bác nói với ông Vũ Kỳ là Bác không muốn ở trong Chủ tịch phủ nữa và nhờ ông tìm chỗ khác cho Bác. Ông Vũ Kỳ rất ngạc nhiên, bởi theo ông, Chủ tịch phủ là ngôi nhà của Phủ toàn quyền trước kia, là ngôi nhà xây theo phong cách Tây, rất sạch sẽ, mùa hè thì mát, mùa đông ấm áp. Ông nghĩ sao thì thưa lại với Bác thế. Bác Hồ mới bảo: đúng là sạch, mát..nhưng thúi lắm. Ông Vũ Kỳ không hiểu mới hỏi lại: thúi thế nào ạ. Bác Hồ bảo: thúi cái mùi thực dân.

Hóa ra là như vậy.

Khi kể câu chuyện này không biết ông Vũ Kỳ có ý gì? Chắc là ca ngợi cụ Hồ rất ghét thực dân phong kiến? Hoặc Cụ giản dị không muốn ở nơi “lầu son gác tía”. Nhưng từ chuyện này có thể nghĩ là Cụ cố chấp quá chăng. Với lại vì sự cố chấp này mà nhà nước lại tốn tiền làm nhà sàn cho Cụ, mà như ông Vũ Kỳ xác nhận là ở đấy nóng về mùa hè và lạnh về mùa đông. Và (suy ra) việc Cụ ra ở nhà sàn không phải do Cụ giản dị mà vì Cụ Hồ không muốn ‘sống chung” với thực dân phong kiến, dù chỉ là tàn dư.

Còn nhiều chuyện kể về Bác Hồ nữa, mà báo chí ta đã đăng, đài đã kể mà ngẫm ra là phản tuyên truyền.

Ps/: * Gái quốc sắc mu cao dễ đụ/ Trai anh hùng tứ hải đụ dai

Tin liên quan: 1.    Bác Hồ tắm ...tiên
                                   2.  Những chuyện về Bác






1 nhận xét:

Viet Minh nói...

Có anh bạn tôi, khi đọc chuyện Bác ở nhà sàn có nói: Chuyện ông Vũ Kỳ kể vậy nhưng chưa hẳn đã vậy. Bởi vì có người nhận xét, nhà sàn của Bác không phải là nơi Bác ở thường xuyên. Lý do đưa ra là nhà sàn này không có nhà vệ sinh.(tôi chưa có kiểm chứng về chi tiết này, dù đã vài lần vào thăm quan nhà sàn của Bác).Nhưng xét về tiện nghi và an ninh tôi cũng nghĩ như vậy.