Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

“MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN” – Một khẩu hiệu gây phản cảm.

Viết như thế này rất hại cho Đảng. Đảng là con của Dân tộc, con của Đất nước Việt Nam. Đảng ta luôn “khiêm nhường, giản dị”, ở trong dân sao họ cứ tâng Đảng lên trên tất cả. Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau..." (Trần Nhương).


Thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Việt kiều tại Pháp năm 1952.( Bản gốc, do gia đình ông Trần Mạnh Tuyên lưu giữ.)






   Vừa rồi đi Bất Bạc (Ba Vì, Hà Tây cũ), ngang qua thị trấn nhỏ Tây Đằng, thấy dọc phố có nhiều cờ. phướng; trong đó có ghi câu “Mừng Đảng, mừng Xuân”.
    Nhớ đầu năm 2011 trên trannhuong.com đã có nêu: “Nhớ Tết năm ngoái báo giấy, báo mạng bàn mãi về Mừng Đảng, mừng xuân.... Nhà báo lão thành Hữu Thọ phải dẫn ra chỉ thị của Ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo) năm 2000 đã chỉ thị không được để Mừng Đảng trước mừng nhân dân đất nước.
 
   Vậy mà năm nay Hà Nội vẫn chơi kiểu cũ, không chịu thực hiện chỉ thị đã có từ lâu rồi.

    Mấy ngày đầu xuân Tân Mão năm vừa qua, tôi có dịp theo một tour du lịch đi qua mấy tỉnh miền Tây, rối xuống tận đất mũi Cà Mau. Tôi có để ý thấy trên các cơ quan, công sở, trường học...các câu khẩu hiệu “Mừng Xuân”, mừng “Năm Mới” … khá khác nhau. Phần nhiều ghi “Chúc mừng Năm Mới”, rồi “Mừng Đảng, mừng Xuân”, “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới”…
  Trước kia, cách đây hai, ba mươi năm ta chỉ thấy “Chúc mừng Năm Mới”, “Năm Mới thắng lợi mới”, “Mừng Năm Mới, mừng Xuân Mới”… Khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân” hình như chỉ xuất hiện “rộ” lên hơn chục năm nay. Theo tôi, có thể vì trước đây chúng ta kỷ niệm ngày thành lập ĐCSVN vào ngày 3 tháng Ba -  thường sau Tết Nguyên Đán khá xa. Từ khi Đảng CSVN đính chính lại ngày thành lập ĐCSVN vào ngày 3 tháng Hai thì 2 sự kiện này lại gần như cùng một thời điiểm – Tết âm Lịch. Có thể, một năm nào đấy, ngày thành lập ĐCSVN (3/2) trước Tết một vài ngày, nên có "anh đánh máy" hoặc "anh cắt chữ" nào đó đã có “sáng kiến” lấy câu khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân” cho tiện. Sau, Ban Tuyên huấn thấy đúng ý mình nên không “nhắc nhở” gì, và người sau cứ thế làm theo, thành quen!?




"Mừng  Đảng, mừng Xuân" hiện diện khắp nơi.

 Tuy nhiên, đúng như trannhuong.com đã viết khá chính xác: “ Viết như thế này rất hại cho Đảng. Đảng là con của Dân tộc, con của Đất nước Việt Nam. Đảng ta luôn “khiêm nhường, giản dị”, ở trong dân sao họ cứ tâng Đảng lên trên tất cả. Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau...Còn nội dung khẩu hiệu thì vừa không hay vừa cũ mòn sáo rỗng...”

   Tôi tin nhiều người còn nhớ, những năm trước 1969, cứ đúng 12 giờ đêm giao thừa, trong rất nhiều gia đình VN (ở miền Bắc) đều tụ họp đông đủ để nghe chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết trên Đài Tiếng nói Việt Nam . Có tất cả hai mươi hai bài thơ chúc tết của Bác. Bài thơ chúc tết đầu tiên là “ Thơ chúc Tết 1942”, xuân Nhâm Ngọ. Bài thơ cuối cùng là “ Thơ chúc Tết 1969”, xuân Kỉ Dậu. Tuy nhiên, bài thơ chúc Tết 1947 ( xuân Đinh Hợi) là bài thơ lần đầu tiên Bác đọc qua làn sóng phát thanh. Lúc bấy giờ Đài Tiếng nói Việt Nam đang tạm sơ tán tại chùa Trầm ( Hà Tây cũ). Từ đó trở thành một nét đẹp văn hoá đã được định hình và được xem như một phong tục.
     Tuy nhiên, nếu tìm hiểu các bài thơ chúc Tết của chủ tịch Hồ Chí Minh, suy ngẫm kĩ từng câu, mỗi ý ẩn chứa trong từng dòng thơ dung dị, chúng ta sẽ thấy đó là cả một sự chọn lọc, cân nhắc của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã từng có lời khuyên rằng: “  Trước khi viết, phải nghĩ cho chín và phải sắp đặt cẩn thận”. Vã lại, Bác muốn toàn dân, bất kì biết chữ hay chưa biết chữ, ai cũng nhớ lấy đường lối, nhiệm vụ cách mạng, nên Bác ghép các khẩu hiệu lại thành bài văn vần cho dễ nhớ.
  Chỉ riêng những bài thơ chúc tết, chúng ta thấy Bác có sự thay đổi trong cách dùng từ như đầu đề bài “ Thơ chúc Tết năm Nhâm Thìn”( 1952), “ Thơ mừng Tết Quý Tị”( 1953), “ Thơ chúc Tết Giáp Ngọ”( 1954) đã nói lên sự quan tâm của Bác đến thói quen gọi tên năm tháng cổ truyền, nên dần dần Bác đưa cách nói mới vào “ Thơ mừng xuân 1966”, “ Mừng xuân 67”, “ Mừng xuân 68”, “ Mừng xuân 69”. Cả cách hành văn mới, thể thơ cũng thay đổi giữa các bài thơ.
  Mùa xuân Tân Mão (1951), Bác chúc (trích):
“Nhiều xuân kháng chiến/Càng gần thành công”
  
    Và xuân năm sau:
  “…Mấy câu thành thật nôm na
     Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân
. (1952, Hồ Chí Minh)

   Xuân 1961, Bác chúc:
   "Mừng năm mới mừng xuân mới 
    Mừng Việt Nam mừng thế giới!"...

   “Mừng năm mới/Cố gắng mới/Tiến bộ mới…” 
    (Xuân Quý Mão-1963),

    Xuân Giáp Thìn, 1964:
...Mấy lời thân ái nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”   

 “ Mừng miền Nam rực rỡ chiến công”...( Xuân Bính Ngọ-1966).

   Trong 22 bài “thơ chúc Tết” không có dòng nào chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Mừng Đảng, mừng Xuân”, và thơ Bác đã đi vào lòng người một cách tự nhiên, giản dị, đã động viên được sức mạnh tổng hợp của toàn dân giành lại độc lập cho dân tộc.

   Học tập chủ tịch Hồ Chí Minh, trước tiên đó phải là những đảng viên ĐCSVN, đi đầu là các vị lãnh đạo Đảng các cấp. Hãy học cách dùng từ, ngữ của Bác trong tuyên truyền của Đảng, sao cho nhân văn, gần gũi, thiết thực...

Hãy đơn giản vậy thôi, nhưng đầy tự tình dân tộc!

   Cờ đỏ búa liềm của đảng, trước kia chỉ treo khi đại hội Đảng, kết nạp đảng viên mới ... (các sinh hoạt của đảng), nay treo khắp nơi, mọi lúc, treo trên cả cờ Tổ quốc.

   Thiết nghĩ, trong dịp xuân mới Nhâm Thìn 2012, và trong cuộc vận động “chỉnh đốn Đảng” hiện nay, hãy cất đi câu khẩu hiệu phản cảm ở trên. 

    Một sản phẩm đã có hơn 80 năm tuổi mà vẫn còn phải tự quảng cáo rầm rộ, mọi nơi, mọi lúc, chen lấn với các sản phẩm mới, đó là một sản phẩm đã lỗi thời, không còn lòng tin của người tiêu dùng.

   Càng tự đề cao mình “quang vinh”, “muôn năm”, “bách chiến bách thắng”…, càng "hiện diện" nhiều, càng cho thấy Đảng đang ngày càng mất lòng dân mà thôi!
    Viet Minh

   Bài liên quan:
1. VẪN MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN 

2.Những khẩu hiệu quái đản

7 nhận xét:

Viet Minh nói...

Khi bài này đã đăng tải, hôm nay tôi mới thấy là Ban Tuyên giáo TW đã có Hướng dẫn "chỉ đạo" đầu năm 2011:
V. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
1. Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Tân Mão!
2. Nhiệt liệt chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng !
...
Nhưng "HỌ" không đọc Chỉ thị, hay cố tình lờ đi?! Họ đưa "Mừng đất nước đổi mới" ra sau cùng. Chắc với Họ "đất nước đổi mới" không quan trọng bằng " Đảng quang vinh" Bởi sai, nhưng có lợi cho Đảng thì không sao chắc?
Xem link: http://www.tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/huongdanchidao/2011/1/27700.aspx

Nặc danh nói...

Đây chính là sự nguy hiểm: tâng bóc , tôn vinh đảng quá lố , đặt trên hay ngang hàng với tổ quốc...đến một lúc lẩn lôn,hơn cả một tôn giáo huyền bí , thì đảng viên xem ĐẢNG quan trọng hơn cả quốc gia, đảng là trên hết. Sự sống còn của đảng quan trọng hơn sống còn quốc gia. Mất quốc gia nhưng không mất đảng!

Nặc danh nói...

Cùng một ý đồ, ta thấy trong câu'' còn đảng còn minh'' thay vì còn tổ quốc , còn đồng bào hay còn bất cứ gì... cớ sao lại '' còn dảng'' ? Hơn nửa đây là một khẩu hiệu rất tồi tệ, đầy phản cảm , nói lên sự bần tiện , ích kỷ...chỉ cho mình thay vì cho dân, cho đất nước, cho công lý, cho bất cứ gì ngoài cái ...'' còn mình'' hổi ôi!!
Ngoài ra, công an cảnh sát đúng ra là phải không -vụ lợi -khách quan- trung thực - công bằng -không phụng sự quyền lợi của một phe phái riêng nào cả . Chỉ phụng sự cho tổ quốc , cho dân , vì dân

Nặc danh nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Thái Bá Tân nói...

MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN

Đất nước vui, đón Tết.
Một năm chỉ một lần.
Thế mà thằng khẩu hiệu
Lại “Mừng đảng, mừng xuân”.

Mọi khẩu hiệu đều chối.
Chối nhất khẩu hiệu này.
Xuân, khái niệm trời đất.
Đảng dính gì vào đây?

Mà còn mừng đảng trước.
Rồi mới được mừng xuân.
Tức là đảng có ý
Nhắc nhở khéo người dân.

Chắc có thằng tuyên huấn,
Vừa ngu dốt vừa lười,
Xưa tớn lên, chấp bút,
Đặt đảng ngang với trời.

Chối thì phải sửa lại,
Không thì dẹp nó đi.
Đảng được khen kiểu ấy
Cũng chẳng hay ho gì.

Dân người ta biết hết.
Đảng mà coi thường dân.
Thì dân coi thường lại,
Chỉ mừng đón mùa xuân.

Thái Bá Tân nói...

KHÔNG CÓ ĐẢNG LÃNH ĐẠO...

Không có đảng lãnh đạo,
Sáng suốt và tài tình,
Thế mà thằng tư bản
Cái gì cũng hơn mình.

Nhờ ơn đảng, chính phủ,
Dân làng có con đường.
Có cả trạm phát điện,
Máy bơm và ngôi trường.

Tự nhiên ngồi đuỗn mặt:
Thằng tư bản thì sao?
Không ơn đảng, chính phủ,
Chúng biết sống thế nào?

Thế mà chúng vẫn sống.
Đèn còn sáng hơn ta.
Cũng có cả trường học
Ở vùng sâu, vùng xa.

Nhờ ơn đảng, chính phủ,
Cụ Tân được đi Tây
Học được mấy cái chữ,
Không thì vẫn đi cày.

Đúng thế, ơn lớn thật.
Cụ có quịt ơn đâu.
Vẫn viết thơ trả nợ,
Còn khổ hơn con trâu.

Lần nữa lại đuỗn mặt:
Ừ nhỉ, sẽ ra sao,
Nếu cụ ở nước khác,
Đời cụ sẽ thế nào?

Tức là không có đảng,
Không có cháo mà ăn,
Không có bát mà đá…
Sẽ thế nào, cụ Tân?

-- THÁI BÁ TÂN
_______________

Thông Luận nói...

SAO PHẢI MỪNG ĐẢNG

Cứ vào dịp cuối năm âm lịch là từ đô thị sầm uất đến nông thôn hẻo lánh, đâu đâu cũng có câu khẩu hiệu “mừng đảng, mừng xuân”. Nhưng hỏi “đảng” là cái gì? Tại sao phải “mừng”? Thì ngay cả chính những người viết câu khẩu hiệu cũng không trả lời thuyết phục được.

1. “Đảng” là cái gì?

Tìm hiểu từ Hiến pháp trở xuống các văn bản pháp luật dưới nữa, không thấy định nghĩa “Đảng là cái gì?”

Còn tra từ điển tiếng Việt online: “đảng” là danh từ chỉ nhóm người kết nối với nhau để cùng thực hiện một mục đích chung nào đó, trong sự đối lập với những nhóm người khác; đồng nghĩa với bè, phái, phe.

Còn có ai muốn biết “đảng là cái gì” rõ hơn nữa thì nên đọc “Cửu bình” trên Google.

Bài viết này nên hiểu “đảng” (không viết hoa) theo định nghĩa tiếng Việt.

2. Tại sao phải “mừng đảng”?

a. Báo Thanh tra: “GDP 190 tỷ USD, mất 20-40 tỷ USD vì tham nhũng”. Tức là tham nhũng đã lấy đi mất lên đến 21,1% tổng sản phẩm trong nước. Nói nôm na là bạn là làm ra 5 đồng thì mất tiêu 1 đồng vì tham nhũng.

b. Theo nhận định của ông Lê Minh Trí – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ươngthì “Tham nhũng chỉ có cán bộ đảng viên thôi…”

c. Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an Tp HCM thì nói thẳng “Hầu hết đối tượng gây ra hành vi tham nhũng từ đảng viên”

Suy luận logic: với abc nêu nêu trên, thì suy ra: “đảng” sinh ra đảng viên, tham nhũng chỉ có (hoặc hầu hết) là đảng viên; riêng tham nhũng lên đến 20% GDP.

Ông Minh còn nói thêm “mà công an không được tổ chức trinh sát đảng viên”, có nghĩa tham nhũng vẫn cứ tồn tại khi còn đảng viên, tức là còn “đảng”.

Vậy là vì có “đảng” mà nhân dân bị mất 20% tài sản và sẽ còn tiếp tục mất nữa. Mà đây là khoản mất phi pháp; còn những khoản mất hợp pháp, con số này cũng không nhỏ đâu!

Ai muốn mừng thì cứ mừng, mừng cũng là quyền con người, miễn đừng ai ép bạn “mừng” là được.

Nếu người bạn mừng đã trấn lột 20% số tiền của bạn thì bạn sẽ “vui mừng” hay “thù hận”?

(Nguồn: Thông Luận)