Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

“Thơ … Vui” của thầy Tôn Gia Các



"Mình mà đi trước mình ơi
Mình lo kiếm sẵn cho tôi một bà
Không trẻ quá,  cũng đừng già
Biết lo thu xếp việc nhà cho tôi".

  Tôi biết đến tập “Thơ … Vui” của thầy Tôn Gia Các gần đây, một cách tình cờ. Hôm ấy cả đoàn  giáo chức đang trên ô tô đi thăm quan Tràng An, thì có một thầy mang tập thơ này ra đọc góp vui. 

Đây là tập thơ "nghiệp dư", khổ A5, 48 trang, lưu hành nội bộ trong gia đình và bạn bè. Cứ theo lời bạt của tập “Thơ .. Vui” thì Tôn Gia Các là cựu thành viên của lớp Văn đầu tiên của Trường Đại học Văn khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp thầy Các được giữ lại làm giáo viên của Trường. 


Trong “ Lời nói trước” của tập  “Thơ .. Vui” Tôn Gia Các có ghi: Những bài thơ chợt hứng chợt làm, thỉnh thoảng đọc để mọi người nghe cho vui. Một số bạn đề nghị chép lại, tôi xin nghe theo. Không mong so sánh với ai…”

Đây là tập hợp 43 bài thơ Tôn Gia Các đã đọc trong những lần họp lớp và khi thù tạc với bạn bè, đồng nghiệp. Qua tập thơ này ta có thể “thấy”  chân dung chân thực của thầy Tôn Gia Các:
 Thầy Tôn Gia Các sinh năm 1936, quê Nghệ An, một vợ, 3 con (1 gái, 2 trai), mất năm 2004?
  Cũng như bao người  thuộc thế hệ của mình, thầy Tôn Gia Các sống và làm việc trong thời kì vô cùng gian khó ở miền Bắc của đất nước. Cuộc sống đầy lo toan cơm áo gạo tiền với các bài “Lo xa”, “Lo chết sau”, “Than thở”,  “Hết việc”, “Thăm thầy”...  Gia cảnh cũng nhiều lo nghĩ khi phải “Khóc con”, “Trách con”, “Hoảng hốt – Lo toan”, “Bài thơ về vợ”…

Tôn Gia Các hóm hĩnh, thầy hay tự diễu mình và phê phán những thói hư tật xấu của người và cả của mình trong “Em ơi thầy hư lắm”, “Lấy Tây”, “Mắc lừa”, “Bằng giả bằng thật”, “Thăm bạn cũ”, “Đơn xin làm cố vấn”…

Điều đặc biệt là trong 43 bài thơ thì có đến 9 bài nói đến cái chết, trong đó có 4 bài là Di chúc của thầy Các, được viết trong gần 40 năm. 

Mấy ai đã viết di chúc. Viết di chúc khá nhiều, mà viết khi còn rất trẻ, mới 24 tuổi chưa có gia đinh, chắc chỉ có Tôn Gia Các.

NSGV - Xin được giới thiệu một vài bài thơ của thầy giáo Tôn Gia Các. Hy vọng bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò của thầy Tôn Gia Các sẽ ủng hộ.



      LO CHẾT SAU

Mình mà chết trước không sao
Vợ mà chết trước lao đao vô cùng
Bơ vơ nửa cụ nửa ông
Ăn không nên bữa ngủ không ấm giường

Có cô em đứng bên cồn
Làm cho ông cụ tâm hồn cháy lên
Về thắp hương, khấn vợ hiền
Xin âm dương, mấy đồng tiền cứ quay

Chắc rằng cô chẳng cho thầy
Đi thêm bước nữa những ngày tàn thu
Than ôi cái tuổi sương mù
Cái răng thì rụng, cái cu thì mềm…

Ừ thì cũng thói thường quy luật
Được mấy ai đầu bạc răng long
Người chết vợ, kẻ góa chồng
Đời là bể khổ long đong kiếp người.

Mình mà đi trước mình ơi
Mình lo kiếm sẵn cho tôi một bà
Không trẻ quá,  cũng đừng già
Biết lo thu xếp việc nhà cho tôi.

Nhưng mà thôi, nhưng mà thôi
Để tôi chết trước cho vui cửa nhà
Để cho mình đỡ hát ca
Để cho mình khóc anh à anh ơi

Để cho mình được đổi đời
Từ nay mình sẽ là người thong dong
Khổ nhất là cái nợ chồng
Tôi đi nhẹ gánh tang bồng mình ơi

Thương mình nước mắt đầy vơi…


BÀI THƠ VỀ VỢ

Vợ là thân nhất trên đời
Vợ là mãi mãi chẳng rời chẳng xa
Vợ là tình cảm thiết tha
Vợ là gió mát cũng là bão dông
Vợ là một đóa hoa hồng
Vợ là sư tử Hà Đông kinh người
Vợ là tình cảm tuyệt vời
Vợ là ân ái … rụng rời chân tay
Vợ là một ổ men say
Vợ là cái đắng cái cay trong lòng.
Có người nhờ vợ nên ông
Có người vì vợ mất không cơ đồ!


VĂN MÌNH VỢ NGƯỜI

Văn tao tao cũng còn chê
Vợ người tao chẳng thèm mê con nào
Tao chỉ dùng cái của tao
Suốt đời tao chỉ tắm ao nhà mình
Ao người dẫu nước trong xanh
Thèm thì thèm đấy nhưng mà chịu thôi


CA DAO MỚI
                   Ghẹo bà Đào

Bây giờ Mận mới hỏi Đào
Vườn hồng ông tướng có rào hay không?
Đào rằng Mận hỡi đừng mong
Vườn hồng ông tướng cắm chông rất nhiều
Mận ơi Mậm hỡi đừng liều
Trên người ông tướng súng đeo đầy mình
Mận nghe Đào nói cả kinh
Thôi thôi Đào nhé, Mận đành Good-bye !


DI CHÚC 2   (1986)

Tôn Gia Các viết cho các con, khi đã ở tuổi “tri thiên mệnh”:

Chắc rằng cha sắp “quy tiên”
Bởi cha đến tuổi “tri thiên mệnh” (*) rồi
Mặc dầu sức khỏe còn dồi
Nhưng mà sống chết, số trời biết đâu
 Nay cha dặn lại mấy câu
Khi cha chết, cứ như sau mà làm:
Thấy cha thẳng cẳng, chỉ nằm
Để bông vào mũi, không còn bay bay
Mấy thằng phải phóng đi ngay
Báo cô Thu Tiết cha mày hết hơi
Một thằng phi xuống chợ Giời
Mua cha cỗ ván, rộng dài bằng cha
Mua xong chở thẳng về nhà
Thằng đầu, thằng cẳng, khênh cha bỏ vào
Các con đừng khóc, đừng gào
Cha chết là phải, sống nào ích chi
Cỗ bàn bày biện làm gì
Chúng mày không đói, cha thì nghỉ ăn
Cũng đừng mũ, mấn, áo khăn
Mỗi thằng một mẩu băng tang được rồi
Đừng nên bắt chước mọi người
Phịa ra trướng đối, lôi thôi phiền hà
Mai táng phí, lĩnh cho cha
Làm sao tính toán tiêu pha cho vừa
Cũng nên lưu ý phòng ngừa
Nếu bệnh truyền nhiễm thì đưa đi liền
Mẹ mày cùng với o Tiên
Tuổi già lắm bệnh chớ nên khóc nhiều
Ông mày chắc sống còn lâu
Phải giữ sức khỏe mới hầu được ông
Cha chết đi, rất yên lòng
Ngậm cười chín suối, cha không hận gì
Từ nay thôi hết thị phi
Đổi mới, bảo thủ, kiểu gì cũng xong
Văn chương chôn chặt ngoài đồng
Tung hê, hồ thỉ, tang bồng mặc ai

Nhưng mà có lẽ con ơi
Phải xin bác Mạnh một bài điếu văn
Khi truy điệu đọc một lần
Đến khi hạ huyệt, nếu cần đọc thêm
Nghe người, con hiểu cha hơn
Rằng cha cũng chẳng “tầm thường” lắm đâu
Người ta sẽ nói có câu
Rằng “cha cống hiến bấy lâu, rất nhiều”
Rằng cha “đáng kính đáng yêu”
Cha chết  “tổn thất không sao đền bù”
Nghe văn con chớ gật gù
Văn cho người chết bao giờ cũng hay!

Các con ơi! Thôi từ nay
Âm dương cách biệt, chúng mày thiếu cha
Chúng mày sẽ mở mắt ra
“Trăm năm trong cõi người ta” nhọc nhằn
Dễ gì kiếm được miếng ăn
Cha còn sống, nói bao lần chẳng nghe
Phận cha sống gửi, thác về
Thiên đường, địa ngục âm ty mặc dầu!
Đời cha chẳng thiết sống lâu
Các con ơi! đấy là câu cuối cùng!


P/s: (*) - Tuổi “tri thiên mệnh” - "Ngũ thập nhi tri thiên-mệnh" có nghĩa là khi người ta tới 50 tuổi mới có thể thông-suốt chân- lý của tạo-hoá, tức là hiểu được mệnh của trời. Không phải bất cứ ai tới 50 tuổi là đạt được trình-độ "tri thiện-mệnh" Muốn đạt được trình độ "tri thiên-mệnh," con người cũng phải có căn-bản vững-vàng về giáo-dục, kiến-văn, và kinh-nghiệm sống.

Comments:

+ Nỗi lòng người sắp quy tiên
   Người cha tri mệnh dạy con bao điều
   Đọc đi đọc lại ngẫm nhiều
   Thấu từng lời lẽ: thói đời – lòng cha

+ Di chúc nghe thật ngậm ngùi
   Bao nhiêu gửi gắm của người ra đi
   Sự đời hiếu hỉ xưa nay
   Những lời trăng trối đẫm đầy lệ châu.


Không có nhận xét nào: