Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Chuyện tình Cam-Ranh

Shamil Galyautdinov đến Việt Nam vào năm 1984. Chàng thanh niên trẻ đến từ Kazan phục vụ trong một căn cứ hải quân ở Cam Ranh. Tại đây ngoài sự hiện diện của các sĩ quan quân đội Liên Xô còn có các quân nhân Việt Nam, và trong số đó có cô gái 19 tuổi tên Trang.

Trang


Phục vụ cùng trong một căn cứ quân sự và Trang nhanh chóng để ý đến chàng trai có khuôn mặt đáng yêu, dễ gần này. Hàng ngày, vào mỗi buổi chiều, cô thường ngồi trên một tảng đá từ xa và chỉ nhìn chăm chú vào anh, không dám tiếp cận lại gần. Chàng trai cũng bối rối và sau nhiều lần ngập ngừng, anh đã quyết định tiến lại làm quen với cô gái trẻ.

Mối quan hệ của hai người đã phát triển rất nhanh chóng mặc dù nội quy đơn vị không cho phép điều này. Nhưng không hiểu sao cuối cùng câu chuyện đã đến tai chính trị viên-chỉ huy đơn vị của Shamil, và ông đã quyết định tách riêng cặp đôi yêu nhau này.

Một lần Shamil gặp người yêu của mình trên đường, nhưng thay vì những cử chỉ dịu dàng và vui vẻ như trước thì Shamil lại thấy ánh lên trong mắt cô sự căm ghét, oán hờn. Cô đi ngang qua mà không thèm nói với Shamil một lời. Sau này nhờ một người bạn Việt Nam, Shamil mới biết được rằng viên sĩ quan chính trị ngày ấy của ông đã gặp gỡ chỉ huy của Trang và kể về chuyện tình của họ. Và Shamil đã bị hiểu nhầm là người tiết lộ chuyện này mặc dù anh không hề phản bội cô.

Kể từ đó do hoàn cảnh công tác, Shamil đã không gặp lại được Trang nữa, ngay cả địa chỉ của cô, ông cũng không kịp tìm hiểu. Và suốt 25 năm sau, Shamil phải chịu đựng nỗi oan này mà không có cơ hội giải thích.



Shamil trước ngôi nhà dành cho lính Nga ngày ấy ở Cam Ranh còn sót lại.
Shamil ngày ấy (bên trái)

Năm 2007, Shamil Galyautdinov đã đến Việt Nam để theo một chuyến du dịch để về thăm lại căn cứ xưa, nơi ông đã từng thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ông không dự định đi tìm Trang, bởi để tìm được một người trong số gần 100 triệu người ở một đất nước khác với ngôn ngữ khác là chuyện không thực tế. Nó giống như tìm kim đáy bể vậy.

Lúc đầu đơn thuần Shamil chỉ muốn được nhìn lại căn cứ nơi mà năm xưa ông đã từng phục vụ. Nhưng thật tình cờ ông đã gặp lại một người đồng nghiệp – sĩ quan Việt Nam đã cùng cộng tác với mình năm xưa. Sau đó, khi ôn lại các kĩ niệm cũ, xem lại các bức ảnh bất chợt Shamil nhìn thấy hình ảnh của Trang và Shamil được biết rằng cha mẹ cô hiện đang sống cách căn cứ có 20 km mà thôi.

Trong đầu Shamil lúc này chợt bừng lên ý nghĩ về việc gặp lại người con gái – mối tình đầu năm xưa của mình. Ông cần phải giải thích lại với Trang về sự thật đã xảy ra trong mối quan hệ giữa họ. Shamil nhanh chóng lên đường. Tuy nhiên, khi gặp gỡ, bố mẹ của Trang đã rất ngạc nhiên và nói với Shamil rằng: Trang đã lấy chồng và hiện đã cùng chồng chuyển đến sinh sống ở tỉnh Cà Mau.

Shamil không nản chí, ông nhanh chóng đáp máy bay đến thành phố Hồ Chí Minh và sau đó vượt qua 400 km đường rừng, đường sông để đến được nơi Trang ở.

Và cuối cùng ông đã được gặp Trang ở ngay trước cửa nhà của cô.

Shamil bồi hồi nhớ lại: ”thật không dễ dàng để có thể mô tả lại được sự xúc động mà chúng tôi đã trải qua trong cuộc gặp gỡ này sau bao năm xa cách – Khi chúng tôi đã ngồi vào bàn, cô ấy còn nhiều lần rụt rè chạm vào tay tôi để chắc chắn rằng tôi thực sự đang ngồi trước mặt chứ không phải chỉ là một giấc mơ thoáng qua của cô”.

Khi chỉ còn lại một mình với Trang, Shamil cuối cùng đã loại bỏ được nỗi niềm áy náy đã đeo đuổi ông bao năm nay và giải thích lại về những gì thực sự đã xảy ra. Cô Trang nói trong nước mắt: “Đừng lo lắng về điều này. Mãi sau này cuối cùng em cũng được biết rằng anh không hề có lỗi và thực chất điều gì đã chia tách đôi ta”.

Trong cuộc gặp gỡ này Shamil cũng được gặp một người con gái của cô Trang có tên là Cẩm Tú. Tất cả các vị khách có mặt trong nhà gần như ngay lập tức nhận thấy sự giống nhau kì lạ giữa một cô gái trẻ Việt Nam và và người đàn ông đến từ Kazan. Nụ cười của cô gái thậm chí giống như đúc nụ cười của ông.


Tuy nhiên sự việc cũng chỉ dừng lại ở đây và Shamil chỉ ở lại với gia đình cô Trang được một ngày. Thời hạn chuyến đi đã kết thúc, ông đã phải quay lại thành phố Hồ Chí Minh để lên chuyến bay quay lại Nga.


Trong hai năm sau chuyến đi Shamil vẫn giữ liên lạc với những người bạn mới tìm lại được qua email. Trong những lá thư của mình, cô Trang không hề tiết lộ dù chỉ một từ, rằng Cẩm Tú là con gái của ông. Nhưng một năm sau, Shamil nhận được một lá thư đặc biệt đến từ chồng của cô Trang. Bức thư khá ngắn gọn và trong đó Shamil đã được biết rằng Cẩm Tú chính là con gái của ông.


Không có từ nào có thể diễn tả nỗi cảm xúc của Shamil Galyautdinov khi biết được rằng mình đã có một cô con gái sau 25 năm xa cách. Shamil muốn Cẩm Tú được học tập tại Nga và đã lên kế hoạch đưa cô tới Kazan, nhưng đáng tiếc là trong thời gian này Cẩm Tú đã kết hôn. Trong lá thư gần đây nhất, cô Trang đã viết cho ông rằng: ông sẽ sớm trở thành  ông ngoại.


Hiện nay Shamil đang mong đợi được sớm quay trở lại Việt Nam để gặp gỡ những người thân và những người bạn Việt Nam của mình.

Đình Linh – Kazannet. 

                                        *    *
                                           *
Miền trung :
Đây quả là một câu chuyện tình cảm động giữa 2 người thanh niên nam và nữ tuổi mới đôi mươi, dù họ không hiểu được hết ngôn ngữ của nhau, tập quán văn hóa khác nhau... nhưng họ vẫn cảm mến nhau và rất hạnh phúc khi ở bên nhau. Chỉ tiếc là hoàn cảnh lịch sử ngày ấy (những năm giữa 80) đã là một thế lực vô cùng lớn ngăn cách và chia rẽ họ.

Tôi đã đọc một mạch hết câu chuyện còn lại (bức thư của Samin gửi cho trang web Вьетнам и многое другое ) và rất khâm phục tình cảm lớn của anh khi qua lại VN năm 2007, bằng mọi khả năng có thể anh đã tìm cách liên hệ cất công đi đến tận cùng VN (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) để gặp lại người con gái yêu thương ngày xưa ở một vùng đất giữa sình lầy của rừng U Minh tít tắp tận cùng Cà Mau, sau khi đã vượt qua hàng trăm Km từ Nha Trang tới Cần Thơ rồi Cà Mau và sau đó là hàng tiếng đồng hồ trong bóng đêm bằng ghe lãi qua hàng chục kênh rạch chằng chịt của vùng Đất Mũi để đến ngôi nhà trong vùng rừng đước mênh mông rậm rạp, nơi cô Trang cùng gia đình chồng con của cô đang sống… Cuộc hội ngộ đã diễn ra giữa nửa đêm với biết bao cảm xúc…( lúc này hai người đã có thể nói hết những gì cần nói về mối tình hơn 20 năm trước nhưng chỉ tiếc cho họ lại phải nói qua người thứ 3, đó là … phiên dịch). Còn sáng ngày hôm sau anh Samin lại phải về SG để kịp làm các thủ tục cho chuyến bay về nước Nga, về Ka Zan xa xôi…


Trang web bức thư của Samin (gồm 3 trang, trong đó có khá nhiều ảnh về các nhân vật chính và cuộc gặp gỡ của họ năm 2007):

http://www.nhat-nam.ru/forum/viewtopic.php?f=7&t=673


Xin chào, Nicolai Nicolaevich! 

 
Tôi quyết định viết thư cho đồng chí và xin phép được kể về câu chuyện đời tôi – một câu chuyện giống như chuyện cổ tích -- gắn liền với nước Việt Nam xa xôi mà tôi không bao giờ quên. Đó là một câu chuyện mà ngay chính tôi nhiều khi cũng cảm thấy khó tin – cứ như là một giấc mơ!

Trong những năm 1984-1986 (tức là gần 20 năm sau những năm tháng chiến tranh ác liệt mà đồng chí đã tham gia chiến đấu với tư cách chuyên gia quân sự trong binh chủng tên lửa của QĐND Việt Nam) tôi là một người lính xô-viết đóng quân tại quân cảng Cam Ranh. Tuy là thời bình, nhưng những năm tháng trong quân ngũ của tôi tại Việt Nam cũng có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Vào thời gian đó vẫn còn một Liên bang Xô viết hùng mạnh với những chiến hạm và phi cơ ném bom tuần tra trên khắp các đại dương mà chẳng làm cho ai ngạc nhiên, và việc Liên Xô đặt căn cứ quân sự ở đâu đó là chuyện bình thường chứ không phải như bây giờ – khi mà các phương tiện thông tin đại chúng ầm ĩ lên mỗi khi máy bay Nga tuần tra hoặc tàu chiến Nga ghé vào một cảng nào đó. Căn cứ Cam Ranh có một vị trí địa-chính trị quan trọng, và các cuộc ghé thăm của không quân chiến lược hoặc hạm đội Liên Xô vào Cam Ranh vào những năm trước “cải tổ” là chuyện rất bình thường. ở Cam Ranh chúng tôi – những người lính xô viết – để phục vụ Tổ Quốc và cảm thấy tự hào về Tổ Quốc hùng mạnh của mình.


Mùa xuân năm 1984 trong bộ quần áo dân sự và với tấm hộ chiếu công vụ trong túi tôi để đến Cam Ranh trên một chuyến tàu thuỷ. Vào thời điểm đó tại căn cứ Cam Ranh có khoảng 300 nhân viên quân sự Liên Xô (không kể đội ngũ sĩ quan và binh lính trên các tàu chiến). Số chuyên gia dân sự trong căn cứ vẻn vẹn chỉ có vài người. Nhưng ngay sau đó căn cứ được xây dựng một cách khẩn trương, một vài Công ty xây dựng của Liên Xô cũng đưa kỹ sư và công nhân đến. Quan hệ giữa hai nước Liên Xô - Việt Nam không còn được nồng ấm như những năm trước. Tại Liên Xô thì quá trình “cải tổ” chưa bắt đầu, còn ở Việt Nam thì công cuộc đổi mới cũng chưa được triển khai. Tình hình miền Trung Việt Nam chưa thực sự yên tĩnh – tàn quân FULRO vẫn còn lẩn quất trong rừng rậm, các nhóm phản động lưu vong vẫn đang tìm cách đột nhập vào Việt Nam từ phía biên giới Lào và Campuchia để gây rối và khủng bố. Những điều này góp phần tạo nên một sự căng thẳng cho những người Liên Xô không những tại căn cứ Cam Ranh mà còn ở cả Đà Nẵng và Phan Rang. Và vì là căn cứ quân sự nên quân cảng Cam Ranh được canh giữ nghiêm ngặt – các đơn vị bộ đội Việt Nam canh giữ vòng ngoài, còn chúng tôi thì canh giữ vòng trong. Tại khu vực hậu cần thì các ngôi nhà của bộ đội Việt Nam và bộ đội Liên Xô nằm xen kẽ nhau. Tuy thế nhưng cả hai phía Việt Nam và Liên Xô đều cố gắng hạn chế những tiếp xúc không cần thiết giữa sĩ quan và binh lính Liên Xô với dân chúng địa phương. Điều này cũng dễ hiểu – dù sao thì đây cũng là căn cứ quân sự. Nhưng điều này cũng đã ảnh hưởng đến số phận của hai con người đã tình cờ gặp nhau cách đây gần một phần tư thế kỷ.


Khi tôi đến Cam Ranh thì tại khu vực hậu cần có 6 ngôi nhà, trong đó 3 ngôi nhà thuộc quyền sử dụng của phía Liên Xô, 3 ngôi nhà kia thuộc phía Việt Nam. Các ngôi nhà của phía Việt Nam được dành cho bộ phận phục vụ, chỉ huy bộ phận này là đại uý Am, sau đó là thượng uý Lân. Bộ phận này có khoảng trên 30 người, trong số họ có 6-7 cô gái. Tôi nhanh chóng có khá nhiều bạn quen trong đơn vị bộ đội Việt Nam ngay bên cạnh và cả trong các làng gần căn cứ nữa. Tôi ở Cam Ranh chừng 2-3 tháng gì đó thì tại bộ phận phục vụ xuất hiện một cô gái lạ. Cô ta nhỏ bé, mảnh khảnh – thoạt nhìn chỉ như cô bé 14 tuổi, với hai vành tai nhỏ hơi vểnh như trẻ con, mái tóc đen dài được bện lại thành hai bím và cặp mắt đen láy tinh nhanh, cô ta thật duyên dáng và dễ thương, tính cách lại cởi mở dễ gần. Giọng nói của cô gái mới đến trong trẻo và có cái gì đó ngân vang như tên của cô - Trang, nghe cứ như một tiếng chuông ngân. Tôi nhanh chóng nhận ra là mỗi khi gặp tôi thì cô ta bối rối và nhìn xuống.


Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy cô ta ngồi trên một tảng đá cách chỗ tôi đứng gác không xa và kín đáo quan sát tôi. Trong thời gian đầu tôi thấy cô ta hay đi cùng với một chàng trai tên là Hiền. Điều này khiến tôi hơi ngạc nhiên vì anh chàng Hiền này – theo như tôi được biết – thì tính cách hơi “thoáng” trong quan hệ với nữ giới (bản thân anh ta cũng chẳng cố gắng giấu diếm điều này), nhưng các đồng nghiệp Việt Nam của tôi thì lại cười cười và giải thích cho tôi rằng họ chỉ là bạn thôi. Chính tôi đề nghị Hiền làm quen tôi với cô gái mới đến, từ đó thì tôi mới biết tên cô ta là Trang. Hình như Trang thường xuất hiện trùng với những ca trực của tôi. Tôi còn nhớ: thỉnh thoảng các bạn tôi đánh thức tôi dậy và bảo: “Người yêu của cậu đến đấy!”. Tôi ngạc nhiên: “Sao các cậu lại bảo cô ấy là người yêu của tớ?” thì các bạn tôi nói: “Cô ấy đến và gọi: “Xa-min! Xa-min!”. Chúng tớ úp hai bàn tay vào nhau đặt một bên má ra hiệu: cậu ấy đang ngủ! Thế là cô ấy bỏ đi”. Có lần tôi gặp Trang đi cùng các cô gái khác ngoài đường. Họ vẫy tôi, nói to: “Trang yêu Xa-min!” rồi cười vui vẻ. Trang xấu hổ đấm thùm thụp lên lưng các bạn gái bằng nắm tay nhỏ bé của mình.


Chẳng cần phải giải thích cũng có thể hiểu được tâm tư của một chàng lính trẻ 19 tuổi đang phục vụ xa Tổ Quốc và xung quanh chẳng có lấy một đồng nghiệp nữ nào. Tôi không thể (và cũng không muốn!) làm ra vẻ như không biết gì về những tín hiệu quý mến phát ra từ phía cô gái Việt Nam. Có một lần tôi đang gác thì thấy Trang đến. Tôi bước lại gần và hỏi: “Bánh mì không?”. Trang nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên pha lẫn vẻ buồn buồn rồi quay người bước đi. Tôi nhận ra là mình đã làm cho Trang tự ái bèn kêu lên: “Một phút!” và chạy vội vào phòng đem ra cuốn an-bum ảnh gia đình và bè bạn của tôi. Trang thoắt vui lên ngay, cũng chạy về phòng đem những ảnh của gia đình mình đến.


Thế là từ hôm đó giữa chúng tôi nảy sinh mối quan hệ thân thiết. Vào những lúc rảnh rỗi chúng tôi “nói chuyện” bằng một mớ những từ tiếng Anh, tiếng Việt xen lẫn với những cử chỉ và điệu bộ. Tiếng Việt rất phức tạp (đã thế lại có nhiều thổ ngữ khác nhau), nhưng nhờ có Trang nhiệt tình uốn nắn và chỉ bảo nên chỉ một thời gian sau tôi đã có thể nói được một số từ đơn giản, thậm chí đôi khi còn hiểu được cả ý nghĩa của câu chuyện giữa người Việt với nhau. Để giấu không cho mọi người xung quanh biết về mối quan hệ của mình, chúng tôi hẹn hò gặp nhau qua anh bạn tên là Hiền – thường là chúng tôi gặp nhau ở chỗ ngôi nhà thờ bỏ hoang cách chỗ chúng tôi đóng quân không xa hoặc cạnh một làng nhỏ có tên là Mỹ Cả nằm bên bờ vịnh. Đôi khi chúng tôi gặp nhau ngay trong ngôi nhà không sử dụng đến ngay trong khu vực đóng quân của bộ phận hậu cần. Vì được phép đi khắp bán đảo Cam Ranh nên tôi thỉnh thoảng lại biến mất khỏi tầm quản lý của các sĩ quan chỉ huy trong một quãng thời gian nào đó – nhưng quãng thời gian êm đẹp đó chỉ kéo dài đến đầu năm 1985.


Những cuộc gặp gỡ của chúng tôi tràn đầy sự dịu dàng và mối quan tâm đến nhau giữa hai bên. Theo truyền thống thì phụ nữ Việt Nam rất quan tâm đến người đàn ông của mình, vì thế lần nào đến chỗ hẹn Trang cũng đem đến cho tôi một món quà nhỏ nào đó – có thể là chai bia “333” hoặc bao thuốc lá “Bông Sen”. Khi đó chúng tôi còn rất trẻ (đều 19 tuổi), vì thế đến bây giờ mối quan hệ trong sáng, chân thành và không chút vụ lợi giữa chúng tôi ngày ấy cứ như là một giấc mơ. Hệt như những đứa bé giấu “kho bí mật” con con của chúng, chúng tôi cũng cố gắng giấu cái thế giới dịu dàng nhỏ bé của chúng tôi khỏi những ánh mắt cảnh giác của các chú sĩ quan chính trị viên (của cả hai bên) vốn có thói quen “nâng quan điểm” luôn lo lắng sợ rằng bọn tư bản nó mà biết được “sự thoái hoá đạo đức” của quân nhân xô-viết thì chết!  

........
Linhami


Shamil, Trang và con gái Cẩm Tú của họ

Cẩm Tú và chồng của cô trong ngày cưới.

Nguyen Hong tổng hợp 

Không có nhận xét nào: