Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

“Cơm có thịt” từ nước Nga xa xôi gửi các trẻ em nghèo Việt Nam



Ở Nga hiện nay có khoảng 6000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam. Họ tiếp nhận học vấn đại học và trên đại học, làm luận án Tiến sĩ... trong các trường đại học khác nhau trên khắp đất nước Nga rộng lớn, nhưng hầu hết là tại thủ đô Nga. Về cơ bản, mục tiêu của các chàng trai cô gái Việt trong những năm tháng sống ở Nga là thu nhận và tích lũy kiến thức chuyên môn tối đa để trở thành chuyên viên tốt cho các ngành nghề trong nước đang đòi hỏi. Vì thế, điều gắn kết các sinh viên Việt Nam với nhau cũng như với các cơ sở đào tạo Nga là thái độ nghiêm túc và kết quả tốt trong học tập, nghiên cứu.

Và gần đây đã xuất hiện thêm một động lực đoàn kết – phong trào xã hội “Cơm có thịt”. Được khởi xướng theo sáng kiến của một cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Lomonosov tại Việt Nam cách đây một năm, qua thời gian đó, hoạt động thiện nguyện này lôi cuốn sự sự tham gia của các sinh viên người Việt tại Mỹ, Australia, Nhật Bản, Thụy Điển, Hàn Quốc và Trung Quốc... Tháng 11 năm 2012, phong trào đã nhận được hưởng ứng từ nước Nga. Chỉ sau một thời gian ngắn, đã có sự tham gia nhiệt tình của sinh viên Việt Nam từ 12 thành phố trong cả nước - từ Saint-Peterburg ở phía tây cho đến Irkutsk ở phía đông Nga. Các sinh viên, nghiên cứu sinh quyên góp tiền để giúp đỡ trẻ em các dân tộc miền núi Việt Nam, hiện sống trong điều kiện khó khăn. Mỗi đứa trẻ cần được có thịt cho bữa cơm, nước uống sạch, quần áo và sách bút khi đi học – đó là mục tiêu của phong trào "Cơm có thịt".



Trẻ em miền núi đang thiếu ăn ...
Sinh viên Việt Nam ở Nga thu thập tiền ủng hộ theo nhiều cách khác nhau. Ai đó dành một phần sinh hoạt phí, những người khác làm các món ăn dân tộc đem bán, có người đi làm thêm ở trung tâm thương mại, người khác lo phân phối những cuốn lịch gửi từ Việt Nam sang...Với tâm niệm “1 rúp yêu thương cho các em bé Việt Nam” và bằng nhiều cách thức đa dạng, trong chưa đầy hai tháng những chuyên gia tương lai này đã tập hợp được 240.000 rúp (khoảng 8.000 dollar). Trong kỳ nghỉ Năm mới, khoản tiền nặng nghĩa tình này sẽ được chuyển về nước.

Đơn vị đi đầu ở Nga hưởng ứng phong trào “Cơm có thịt” là tập thể lưu học sinh trường Đại học Bách khoa Tomsk ở Siberia, một trong những trường đại học kỹ thuật ưu tú nhất trong Liên bang. Từ năm nay, tại cơ sở Tomsk bắt đầu đào tạo chuyên viên cho các nhà máy điện hạt nhân sẽ được kiến thiết ở Việt Nam. Hiện nay nhóm các cử nhân Việt Nam sẽ chuyển tiếp lên học chương trình thạc sĩ bằng tiếng Anh. Rời giảng đường và phòng thí nghiệm của Đại học Bách khoa Tomsk, các thanh niên Việt sẽ trở thành chuyên viên, không chỉ có thể đối phó với bất cứ thử thách trong công tác với các lò phản ứng hạt nhân, mà còn có hướng phát triển nhiên liệu hạt nhân mới, hoàn thiện qui trình vận hành các lò phản ứng và công nghệ phóng xạ, - Giáo sư Igor Shamanin cho biết.

“Đại học Bách khoa Tomsk hiện nay là trường duy nhất trên không gian Liên Xô cũ mà trong khuôn viên có lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động dành để đào tạo sinh viên. Các sinh viên của chúng tôi học cách khởi động lò phản ứng hạt nhân, đưa nó đến công suất làm việc và kiểm soát tất cả những thông số cần thiết cho hoạt động an toàn của lò phản ứng”.

Các chuyên viên nguyên tử tương lai cho Việt Nam còn được đào tạo cả ở thành phố Obninsk vùng ngoại ô Matxcơva. Những hướng học tập cơ bản ở đây là xây dựng nhà máy điện hạt nhân, lắp đặt và vận hành thử các thiết bị, điều khiển nhà máy và đảm bảo duy trì an toàn hạt nhân. Thời điểm này ở Obninsk có 110 chàng trai cô gái sinh viên người Việt. Họ cũng là thành viên tham gia tích cực vào hoạt động tình nguyện giúp đỡ trẻ em trong nước. Chủ nhiệm khoa Vật lý-Năng lượng của Viện Năng lượng nguyên tử, ông Vladimir Belozerov, rất hài lòng về các sinh viên Việt Nam này..


Giáo sư Belozerov nhận xét: “Sinh viên Việt Nam học tập rất tốt. Các em giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi toàn Nga và quốc tế về Toán và Vật lý. Các bạn trẻ này đều rất có chí hướng, muốn xứng đáng với quê hương đất nước đang gửi gắm hy vọng vào họ như những chuyên gia trong tương lai và dành cho họ mọi điều kiện thuận lợi cho việc học tập ở Nga”.

Còn thêm một thành phố khác, tham gia trong hoạt động “Cơm có thịt” – là Voronezh. Thành phố tọa lạc cách Matxcơva 500 km, mới đây đã trở thành đô thị triệu dân thứ 15 của nước Nga. Trường Đại học Xây dựng-Kiến trúc Voronezh nhiều năm nay đào tạo các nhà xây dựng và kiến trúc sư cho Việt Nam. Hơn 100 chuyên gia người Việt đã nhận tấm bằng tốt nghiệp trường Đại học này, - Giáo sư Marina Shitikova phụ trách Phòng Hợp tác quốc tế của nhà trường cho biết.

Giáo sư Shitikova khái quát: “Chúng tôi đào tạo chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau nhất. Đó là xây dựng công trình công nghiệp và dân dụng, cầu đường, sân bay, mạng lưới cung cấp nhiệt, khí gas và nước. Sinh viên của chúng tôi còn có thể học chuyên ngành phục hồi di tích lịch sử, tái thiết các tòa nhà, vạch đồ án kế hoạch phát triển đô thị. Và theo tất cả các chuyên môn này, chúng tôi đã và đang đào tạo chuyên viên dành cho Việt Nam”.

Hiện tại ở trường Đại học Xây dựng-Kiến trúc Voronezh có 35 sinh viên và 19 nghiên cứu sinh người Việt. Thời gian qua, ghi nhận xu hướng gia tăng những người chọn học chương trình Cử nhân trong nước, sau đó sang Nga để học nâng cao lấy bằng Thạc sĩ và làm nghiên cứu sinh. Những năm gần đây ở Đại học Xây dựng-Kiến trúc Voronezh đã có 18 công dân Việt Nam bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.

Các bạn thân mến, trong bài viết này, chúng tôi mới điểm qua một vài trường đại học Nga có lưu học sinh từ Việt Nam theo học ủng hộ "Cơm có thịt". Cuộc làm quen với các bạn trẻ này sẽ còn tiếp nối trong năm mới. Sinh viên Việt Nam nhận được tại Nga khối kiến thức về những ngành nghề khác nhau, mà quê hương đang cần đến.

Nhân dịp này, ban Việt ngữ Đài "Tiếng nói nước Nga" xin chúc các lưu học sinh người Việt tại Nga đạt những thành tích mới trong học tập. Hãy để những năm tháng ở đại học Nga không chỉ là kỷ niệm đẹp mà còn trở thành bệ phóng vững vàng cho sự nghiệp và cuộc đời của mỗi người!

Elena Nikulina (Đài "Tiếng nói nước Nga")
Đan Thi Moscow dịch

Không có nhận xét nào: