Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Chuyện chưa kể về cuộc thi ... thả thơ Tố Hữu ở Hải Phòng

Nhà thơ Tố Hữu thời trẻ

Tháng 10-1984, tại Hội nghị Sơ kết công tác xây dựng huyện toàn quốc, nhà thơ Tố Hữu (hồi đó đang là Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tương đương chức vụ Phó thủ tướng Chính phủ hiện nay) đã gặp Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, vui vẻ nói:

- Mình có một bài thơ mới làm để cổ vũ những thành tích và cố gắng của thành phố Hải Phòng. Nhưng bài thơ mới chỉ có 3 câu thôi, nội dung thế này:
Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô!
Đào kênh, lấn biển, dựng cơ đồ.
Làm ăn hai chữ, à ra thế.
 ……….

Sau khi ngân nga đọc, nhà thơ Tố Hữu nói tiếp:

- Thực ra đó là một bài thơ tứ tuyệt có tên là “Mừng Hải Phòng”, mình cố ý để trống và “thả” một câu. Các cậu về phát động toàn Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng làm tiếp câu thứ tư nhé!

Chỉ với ba câu thơ trên đã chứng tỏ nhà thơ Tố Hữu nắm rất vững tình hình của Hải Phòng hồi đó, không chỉ qua bản báo cáo của Thành uỷ. Bốn cống ở Hải Phòng vừa được xây dựng hồi ấy là: cống Thượng Đồng, cống Trung Trang, cống Rỗ và cống Cái Tắt. Ba cầu mới được hoàn thành: cầu Niệm, cầu Rào và cầu An Dương. Năm cửa ô: Trước đó, Hải Phòng mới có bốn cửa ô đi các hướng Hà Nội, Quảng Ninh, Đồ Sơn và Kiến An, mới thêm cửa ô phía tây nam (cầu An Dương). Những ngày ấy, còn đang thời kỳ bao cấp, kinh tế các địa phương nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn, cần tháo gỡ và tìm ra một hướng làm ăn mới để thoát ra khỏi sự trì trệ. Những việc mà Hải Phòng làm được như xây cầu, cống, đào kênh, lấn biển... trở thành “điểm sáng” về làm ăn kinh tế được dư luận cả nước quan tâm.

Nhận được “đề thi” của nhà thơ Tố Hữu giao cho, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng rất phấn khởi. Về tới thành phố, ông cho gọi ngay Ban Tuyên giáo Thành uỷ đến để bàn gấp. Có người hiến kế: Việc này nên giao cho Báo Hải Phòng, vừa dễ phát động quần chúng, vừa có công cụ để tuyên truyền.

“Thơ hay nườm nượp” bay về

Tổng biên tập Báo Hải Phòng hồi đó là ông Vũ Long, giờ đã nghỉ hưu, nhưng đã nhớ rất chính xác công việc của mình cách đây gần 20 năm. Ông khẳng định rằng: Trong cuộc đời làm báo mấy chục năm, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc phát động, cuộc thi, nhưng chưa thấy cuộc nào lại rầm rộ và lớn đến như thế. Mà kỳ lạ lại là thi... thả thơ!

Báo Hải Phòng đã phát động tuyên truyền liên tục trong nhiều số liền, viết cả xã luận hô hào các đảng viên và quần chúng cùng hưởng ứng cuộc thi sáng tác câu thơ thứ tư. Vậy là, suốt mấy tháng trời, hầu như cuộc họp nào của Thành uỷ, uỷ ban, của các sở, ban, ngành, quận, huyện; thậm chí cả phường, xã... người ta đều bàn luận về câu thơ thứ tư. Người Việt nam mình quả là một trong những dân tộc yêu thơ nhất thế giới! Ai ai cũng có thể làm thơ và sẵn sàng trở thành một nhà thơ. Mà không chỉ riêng ở Hải Phòng hưởng ứng, nhiều tác giả ở mãi Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình... cũng gửi bài về dự thi.

Tính đến ngày 28-12-1984, Ban tổ chức đã nhận được 10.523 câu thơ của 3.250 tác giả thuộc đủ mọi thành phần và lứa tuổi. Trong đó, có hơn 3.400 câu thơ của 1.958 tác giả đã được giới thiệu trên báo. Báo Hải Phòng ra hằng ngày đã liên tục dành một diện tích “đất” trang trọng ở trang 1, ngay dưới “măng sét” để in thơ dự thi trong chuyên mục “Thơ hay nườm nượp bay về”. (Trong lịch sử báo chí nước ta, có lẽ khó lặp lại điều lãng mạn và ưu ái thơ ca đến thế!).

Một hội đồng tuyển chọn những câu thơ hay nhất đã được thành lập gồm: Đại diện Ban Tuyên giáo, Báo Hảí Phòng và Hội Văn nghệ Hải Phòng, các nhà thơ Nguyễn Viết Lãm và Trịnh Hoài Giang được mời làm giám khảo.

Trong 10 câu thơ được xếp loại A, câu đầu tiên có nội dung là: “Nghĩa Đảng, tình dân, ý Bác Hồ”. Người may mắn đứng đầu danh sách là tác giả có tên Bùi Văn Lê, ở địa chỉ số 6, Lương Văn Can, Hải Phòng.

Tác giả được xếp thứ 8, với câu thơ “Lái vững, buồm căng vượt sóng xô” là ông Đống Ngạc. Ông cũng chính là trợ lý của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tác giả loại A được xếp cuối cùng là ông Trần Tháo, một nông dân ở xã Đông Khê, huyện An Hải, Hải Phòng với câu thơ “Bác dạy vì dân gắng sức lo”.
Trừ những tác giả là cán bộ Nhà nước, có danh tính và địa chỉ rõ ràng, với những người còn lại, Ban tổ chức đều phải cẩn trọng cử người đi xác minh nhân thân của họ. Vì người ta lo xa: nếu một trong số họ có vinh dự được là “đồng tác giả” với nhà thơ Tố Hữu, thì lý lịch phải được đảm bảo và tư cách cũng phải “sạch sẽ”, không làm tổn hại đến uy tín của nhà thơ lớn.
                                                                               Dự kiến, lễ trao thưởng sẽ được tiến hành long trọng cho các cá nhân và tập thể, ngay sau khi báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của nhà thơ Tố Hữu.

Bất ngờ khi xin ý kiến chỉ đạo của nhà thơ Tố Hữu

Chiều ngày 29-12-1984, sau khi đọc biên bản kết quả làm việc và kiến nghị của Hội đồng tuyển chọn, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng đã cử Phó bí thư Thành uỷ và Tổng biên tập Báo Hải Phòng về Hà Nội báo cáo kết quả cuộc vận động thi “thả” thơ và xin ý kiến của nhà thơ Tố Hữu về việc trao thưởng và công bố bài thơ tứ tuyệt mà ông đã tặng Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng.

Theo nhà báo Vũ Long kể lại: Hôm đó nhà thơ Tố Hữu rất vui. Ông đánh giá cao thành công của cuộc vận động và cho đó là một cách làm công tác tư tưởng thông minh, sáng tạo; vừa nhẹ nhàng, vừa ít tốn kém, mà lại gây được phấn chấn lòng người. Nhà thơ Tố Hữu bày tỏ sự cảm kích trước tấm lòng nhân dân Hải Phòng đã dành cho mình.

Đọc 30 câu thơ đã được Hải Phòng tuyển chọn xong, nhà thơ Tố Hữu tươi cười và nói: - Đây thật sự là những câu thơ tự đáy lòng người dân yêu quý đất nước, gắn bó với quê hương và có lòng tin mãnh liệt vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc câu thơ nào cũng hay, cũng xứng đáng... Nhưng bài thơ “Mừng Hải Phòng” của mình không chỉ có bốn câu đâu... Cả Phó bí thư Thành uỷ Hải Phòng và Tổng biên tập Báo Hải Phòng đều nhìn nhau, không khỏi ngạc nhiên.

Rồi nhà thơ Tố Hữu bất ngờ hỏi: - “Thành Tô” có nghĩa là gì với Hải Phòng nhỉ? Phó bí thư Thành uỷ Hải Phòng đưa mắt nhìn Tổng biên tập Báo Hải Phòng, ý bảo “Cậu giải thích đi”. Nhà báo Vũ Long vội đứng lên: - Thưa, đấy không phải là tên chính thức của Hải Phòng, nhưng có một thời uy tín của đồng chí Tô Hiệu rất lớn ở Hải Phòng. Nhân dân đã tự đặt tên cho thành phố của mình là Thành Tô (thành phố của Tô Hiệu).

Nhà thơ Tố Hữu lắng nghe, gật gù, rồi bất ngờ tuyên bố: - Thế thì hay lắm. Thực ra, bài thơ mình tặng cho Hải Phòng gồm 3 khổ, 12 câu cơ. Mình xin đọc trọn vẹn bài thơ này:

 Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô!
Đào kênh, lấn biển, dựng cơ đồ.
 Làm ăn hai chữ, à ra thế.
Chèo chống ngàn tay một tiếng hô...

 Nhộn nhịp Sáu Kho vui bến cảng
 Khang trang Tam Bạc rộn Thành Tô
 Giá còn nữ tướng Lê Chân nhỉ
Ắt cũng khen con cháu Bác Hồ.

 Triều dâng, sóng dậy, đời ca hát
 Gió tự Đồ Sơn mát... Thủ đô
Tám nghề, Bảy chữ đừng tham nhé
Chín chắn mười mươi cũng chớ phô!

Nhà thơ Tố Hữu giải thích: Trong bài thơ của ông có đủ các số từ Một đến Mười, tượng trưng cho sự phát triển đầy đủ toàn diện và mạnh mẽ của Hải Phòng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng riêng khổ thơ thứ ba, bốn câu cuối cùng, chỉ là “tặng thêm”, thì không được công bố rộng rãi. Nghĩa là khi cho in, chỉ được giới thiệu hai khổ với tám câu thơ chính thức (!?) Còn bốn câu phụ thì chỉ được nói thêm và giải thích ngoài lề. Vũ Long cứ băn khoăn mãi: Tám nghề, Bảy chữ nghĩa là gì nhỉ? Hỏi nhà thơ Tố Hữu thì không tiện, nhưng không hỏi thì khi về Bí thư Thành uỷ yêu cầu giải thích, biết trả lời sao đây? 

May quá, đêm ấy khi giở Truyện Kiều ra đọc, đến câu thứ 1210 “Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề” thì Vũ Long đã “ngợ” ra được thâm ý của nhà thơ. Đó là những nghề, những chữ cấm kị, đáng xấu hổ; những người đứng đắn, tử tế đều cần phải tránh xa... Sau này, chính bốn câu cuối không được in công khai nói trên lại được người ta bình luận nhiều nhất, vì cho rằng đó là sự “nhắc nhỏ” của nhà thơ Tố Hữu với Hải Phòng. Phải chăng, nhà thơ đã tiên đoán” rất tài tình, thâm thuý, sâu sắc về sự phát triển của Đồ Sơn trong “cơ chế thị trường” ắt sẽ đụng chạm tới “Tám nghề, Bảy chữ”? Ông đã cảnh báo và khuyên răn ai đó đừng “tham lam” và chớ có “phô” quá, kẻo tự mình làm hại chính mình!.

Bất ngờ lớn: đáp án hay nhất không được giải!

Nói tiếp chuyện thi thơ của báo Hải Phòng.
Rất nhiều câu thơ gửi đến dự thi, cuối cùng cũng có phát giải (nhất, nhì, ba, giải khuyến khích), ngoài ra còn và đăng câu của chính Tố Hữu . 

Chuyện ấy rất nhiều người biết, nhưng chỉ lạ là có một chi tiết rất đắt giá sau đây mà báo chí cố tình quên, và không mấy ai nhắc lại: Đó là một câu thơ tuy không đươc giải gì nhưng mọi người nghe thấy đều cho là “tuyệt cú”, phải khuyên cho nó chục cái khuyên son . Xin chép lại câu thơ nổi tiếng ấy, nhưng xin chép lại cả bốn câu, đọc liền mạch nghe mới “sướng cái bụng” :

Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô,
Đào kênh, lấn biển, dựng cơ đồ.
Làm ăn hai chữ, à ra thế:
Phải cống, phải cầu, phải có ô !!!

Không biết tác giả câu thơ là ai.

Theo Nguyễn Xuân ChúcKim Cương.

Việt Minh biên tập

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tố Hữu không phải tiên đoán về Đồ Sơn thế đâu, mà hồi đó có nghề đó rồi, anh ấy lạ gì (: