Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

HỒNG VÀ CHUYÊN


          Từ khi rời ghế nhà trường, đi thoát li, tôi luôn nghe thấy nói tiêu chuẩn của cán bộ nhà nước là phải hồng và chuyên. Lúc đầu nói vừa hồng vừa chuyên, sau rồi bốc đồng (hay nịnh lãnh đạo) mà chuyển lên thành hồng là thứ nhất, thứ hai mới đến chuyên. Một số tỏ ra lập trường cao còn khẳng định : hồng là chính chuyên là phụ, thậm chí cần hồng chứ không cần chuyên. Tôi đau lòng thấy lối xếp thứ tự ấy đã dẫn đến trình độ và trách nhiệm nghề nghiệp cứ tụt dốc liên tục. 

          Từ lúc ra khỏi quân ngũ, tôi làm nghề biên tập, xuất bản và báo chí, tôi thấy rất rõ tai hại của cái "tiêu chuẩn" ấy. Hồi ấy tôi thấy việc sửa bản in hết sức cẩn thận. Ngay tại xưởng in, mỗi bộ phận sắp chữ đều có nhân viên chuyên trách sửa bản dập thử (morassier), đánh dấu tất cả các lỗi rồi trả lại công nhân sắp chữ sửa chữa. Khi bộ phận sắp chữ của xưởng in  đã hoàn thành công việc, bản in được dập thử một lần cuối rồi chuyển đến cơ quan chúng tôi, Phòng quản lý xuất bản của Nhà In Quốc Gia (lúc ấy đóng tại 44 Phố Tràng Tiền, nay là trụ sở Tổng Công ty Phát hành Sách, Nhà In Quốc Gia ấy sau đổi thành Cục Xuất bản). Chúng tôi lại rà soát lần cuối hết sức cẩn thận rồi mới trả lại nhà in để in ra thành sách (hoặc báo).

          Nếu lỗi nhiều hơn quy định thì chúng tôi gửi trả lại xưởng in để họ sửa lại trên máy rồi chuyển cho bộ phận chúng tôi rà soát lại lần nữa. Thường các bản dập thử ấy (gọi là mo-rát, phiên âm từ Pháp morasse) đều khá nhiều lỗi cho nên chúng tôi làm việc này rất cẩn thận và có trách nhiệm. Công việc do hai người làm, một người đọc mo-rát, đọc cả các dấu (chấm câu, dấu phẩy, chấm than, dấu chấm xuống dòng…), nói rõ gi hay d hay r, ch hay tr… chỗ nào còn nghi ngờ thì giở Từ điển Chính tả ra kiểm tra. Một người nhìn bản thảo của nhà xuất bản để đối chiếu kiểm tra. Cho nên sách báo hồi ấy hầu như không có lỗi in ấn, hoặc có thì cũng rất họa hoằn. Ông Trường Chinh tính nghiêm túc, rất coi trọng tính chính xác của chữ in. 

"Hồng quan trọng hơn chuyên" dần dần được hiểu là "không cần chuyên" nên càng ngày lỗi ấn loát trong sách báo càng nhiều, khiến các tác giả vô cùng đau lòng. 

Tôi gặp nhiều trường hợp cay đắng mà chẳng biết kêu ai. Lấy một thí dụ. Năm 1986 Nhà Xuất bản Thanh niên in cuả tôi cuốn "Kể chuyện Sếch-xpia" và giao cho nhà thơ Phan Xuân Hạt chịu trách nhiệm biên tập. Hôm in xong, anh Hạt báo tôi đến nhận sách và tiền nhuận bút. Tôi đã có kinh nghiệm, bèn mở trang ra đọc thử, rất uất giận thấy in sai nhiều quá. Ngay trang đầu (sau mấy trang tiêu đề) đã có ba chục lỗi. Tôi đọc tiếp, thấy có những chỗ mất cả một đoạn hoặc đảo đoạn này sang chỗ của đoạn kia. Tôi cay đắng quá, nhưng anh Hạt là chỗ bạn bè thân thiết nên tôi không nỡ nặng lời, chỉ nói nhẹ : "In sai nhiều quá !" Anh Hạt cầm đọc thử, thấy đúng là in sai quá nhiều. Anh buồn rầu nhận lỗi : "Mình chủ quan không kiểm tra…" Tôi còn biết nói sao nữa ? Đành đem về cất cả vào ngăn tủ, không dám tặng ai.

          Khoảng năm 1980, nhà thơ Lưu Trọng Lư tặng tôi cuốn hồi ký "Nửa đêm sực tỉnh". Tôi mở ra thấy thay vì lời đề tặng thì tác giả chỉ viết : "Sách in nhiều lỗi quá, Phòng vui lòng sửa giùm." Rồi ký tên Lưu Trọng Lư !

          Về sau tôi rút kinh nghiệm là tự sửa lỗi thay nhân viên chuyên trách của nhà in. Nhờ đấy, những cuốn sách của tôi không chứa lỗi ấn loát. Nhưng nhiều trường hợp, do bận quá, hoặc do đi công tác xa, tôi đành để Nhà xuất bản làm nhiệm vụ ấy, và lần nào cũng cay đắng thấy lỗi ấn loát quá nhiều và quá nguy hiểm.

          Hồng quan trọng hơn chuyên ! Nhận thức ấy phổ biến đến mức không còn ai quan tâm đến những nguyên tắc trong nghề nghiệp nữa. Tôi nhiều lần thấy Thư ký Tòa soạn Báo hoặc Tạp chí, trước hết là "Tạp chí Sân Khấu" tự ý quyết định nhiều việc ngoài phận sự của mình. Một lần tôi hỏi, cậu có biết nhiệm vụ và quyền của Thư ký Tòa soạn không, thì cậu ta nói rất lung tung. Thí dụ cậu ta không biết rằng Thư ký Tòa soạn chỉ có thể đăng hoặc không đăng một bài gửi đến, chứ không có quyền sửa nội dung. Trường hợp nếu thấy cần sửa thì phải đề nghị tác giả bài báo tự sửa. Đằng này anh ta cứ tự tiện cắt, dán, thêm bớt vào văn của tác giả… đơn giản là anh ta được cử làm Thư ký Tòa soạn nhưng không ai "dạy" cho anh ta chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của Thư ký Tòa soạn ! Và anh ta cứ làm theo cách hiểu đơn giản sẵn có của anh ta.

          Tôi có ông chú là công nhân nguội, kể chuyện xưa kia, thời đế quốc sài lang, thầy rất tỷ mỷ và nghiêm khắc dạy, từ cách ngồi cũng phải đúng cách, lưng thẳng thế nào, bàn tay đặt ở đâu, khuỷu tay đặt lên chỗ nào… chưa nói tư thế cầm cái cưa, cái giũa bằng tay nào, đặt thanh kim loại cách sao… tỷ mỷ đến từng ly mét và không cho phép bất cứ một sai sót nào.

          Ông bạn vong niên (hơn tuổi và tôi coi như anh) của tôi là Thiếu tướng Trần Nguyên Độ, khi được cử làm Chính ủy Trường Sĩ quan Đà Lạt. đơn vị ta tiếp quản của chính quyền cũ, sau một thời gian, đã hết lời ca ngợi cách dạy và học của Trường. Anh nói, sĩ quan tốt nghiệp của Khoa Kỹ thuật Thông tin biết tỷ mỷ và chu đáo từng chi tiết, biết tự lắp đài thu thanh, và nhiều thiết bị thông tin khác…thông thạo đến mức bất cứ học viên nào tốt nghiệp ở đấy ra cũng có thể mở xưởng sản xuất và sửa chữa TiVi, các loại đài, các thiết bị thu thanh và phát thanh thành thạo không kém một công nhân chuyên nghiệp thuộc lĩnh vực ấy (có học hành chu đáo, chứ không phải chỉ có học chính trị như ở các trường đào tạo công nhân của ta). Anh nhận xét là Trường sĩ quan của ta mải dạy lý thuyết chính trị mà coi quá nhẹ phần tay nghề chuyên môn, dạy rất đại khái.

          Thân sinh một nữ diễn viên của tôi là thợ sửa xe đạp. thấy xe tôi cũ kỹ, ông bảo để ông sửa và sơn lại. Ông làm hết sức cẩn thận, thậm chí khi buộc vào cái đèo hàng của xe khác để tôi chở về ông cũng buộc rất bài bản, cẩn thận để khỏi tróc nước sơn mới, và dặn dò tôi chu đáo cách đi đường và cách gìn giữ. Ông kể chuyện mấy hiệu sửa xe ngoài mặt phố Hàng Bông gần đấy, trang trí sang trọng lòe loẹt, nhưng vắng tanh, trong khi ông ở sâu trong ngõ thì lại quá nhiều khách đem xe đến sửa, cứ phải hẹn dài ngày, nhiều khi phải thoái thác... Nguyên nhân chỉ vì ông làm cẩn thận, bài bản, có tay nghề và có trách nhiệm còn mấy chủ hiệu ngoài mặt phố làm ẩu, không có tay nghề đã đành mà còn vô trách nhiệm. Sơn xe đâu phải đơn giản là cứ đánh giấy ráp cho hết nước sơn cũ rồi sơn nước mới ? Cần phải có tay nghề vững vàng, để nước sơn bền và đẹp.

VDP (theo vudinhphongblog)

Không có nhận xét nào: