Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Khúc tưởng niệm Vị Xuyên

Một góc nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang

Phải nói đúng hơn, Vị Xuyên đã từng bị quên lãng. Tuổi Trẻ có những trang báo rất hay về cuộc đụng độ đẫm máu năm 1984 nhưng không thấy nói tới điểm cao 1509 (Lão Sơn). Không phải "một tấc" mà là 0,77 hecta của 1509 thuộc phần đất của ông cha (theo nguyên tắc đường phân tuyến đi qua đỉnh núi), nơi vẫn vùi xương máu của hàng nghìn người lính Việt Nam, hiện đã thuộc về Trung Quốc. Cuộc chiến 1979-1989 đã buộc Việt Nam phải giữ một đội quân thường trực lên tới 1,6 triệu người. Cay đắng hơn, trong 10 năm đó Đặng Tiểu Bình cho luân chuyển tất cả bộ binh của quân đội Trung Quốc đến tham chiến trên vùng Biên giới Việt - Trung. Xương máu của thế hệ chúng tôi, những chàng trai trẻ 17, 18, đã trở thành "thực tiễn chiến trường" cho đội quân "gà công nghiệp" của Đặng lấy làm nơi tập trận. Vì phẩm giá, chúng ta buộc phải cầm cây súng, nhưng cuộc sống cũng vô cùng quý giá. Hãy đọc kỹ những bài viết này trước khi nói tới chiến tranh. (Osin HuyDuc)


  Lần đầu tiên lên Hà Giang, địa điểm đầu tiên mà tôi chọn để dừng lại rất lâu là nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang 18 km.

Thành kính thắp hương trên một số ngôi mộ liệt sĩ xong, tôi tìm gặp và hỏi chuyện một người quản trang ở nghĩa trang này.

Anh Nguyễn Sĩ Nguyện, 35 tuổi, làm quản trang ở nghĩa trang Vị Xuyên từ năm 2001, lại may mắn có nhà ở cạnh nghĩa trang nên gần như suốt cả ngày anh bận rộn với bao nhiêu công việc có tên và không tên tại đây. Anh Nguyện cho biết, nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên có 1.706 ngôi mộ, trong đó chỉ có 8 ngôi mộ là của các liệt sĩ chống Pháp và chống Mỹ, còn lại 1.698 ngôi mộ là của các liệt sĩ hy sinh để bảo vệ chủ quyền quốc gia ngay trên mặt trận Vị Xuyên từ năm 1984 tới 1991. Khi phía Trung Quốc chủ động chọn Vị Xuyên là địa điểm tấn công chính trong một chiến dịch xâm lăng cục bộ vào Hà Giang năm 1984, một trận chiến khốc liệt đã xảy ra tại Vị Xuyên vào ngày 12.7.1984. Quân Trung Quốc từ những đỉnh cao mà họ chiếm lĩnh trước đó nã pháo cấp tập suốt trong 8 giờ đồng hồ liền, hủy diệt tới từng mét vuông đất Vị Xuyên, trước khi tung những “trung đoàn sơn cước” - lính đặc biệt tinh nhuệ của họ tràn ngập các trận địa của bộ đội Việt Nam, dùng chất nổ đánh thẳng vào các hầm hào bảo vệ biên giới của bộ đội ta.

Tôi đọc tên tuổi và năm sinh của các liệt sĩ Việt Nam từ 30 tỉnh thành trong cả nước đã xả thân bảo vệ mảnh đất Vị Xuyên này. Hầu hết, đó là những thanh niên rất trẻ, có người tròn 18-20 tuổi, mới vào bộ đội được 3 tháng, sinh quán từ nhiều địa phương khác nhau trong cả nước.

Một nỗi đau không cách gì tả được ngùn ngụt cháy trong tôi. Tha lỗi cho tôi, vì cho mãi tới năm ngoái, tôi mới biết tới địa danh Vị Xuyên và những trận đánh đẫm máu ở đó, nơi các chiến sĩ chúng ta đã lớp lớp hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi chắc, cũng có rất nhiều người như tôi, biết quá muộn về những gì xảy ra ở Vị Xuyên, Hà Giang vào năm 1984.

Không phải trận đánh bảo vệ biên cương nào chúng ta cũng thắng, dù chúng ta có chính nghĩa và chỉ tự vệ để gìn giữ đất nước mình. Trận Vị Xuyên, cũng như vậy. Nhưng dù phải chịu âm thầm trong bao nhiêu năm, máu của hàng nghìn hàng vạn liệt sĩ chúng ta đổ ra trên mảnh đất Vị Xuyên là không uổng. Sự hy sinh ấy đã dựng lên một bức trường thành lẫm liệt đối diện với dã tâm xâm lược, nó sừng sững và dữ dội hơn cả những dãy núi đá Hà Giang. Đó là bức trường thành của lòng yêu nước, của ý chí xả thân bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Kẻ thù đã phải rút chạy về bên kia biên giới, nhưng những ngôi mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Vị Xuyên nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên một điều: Tổ quốc Việt Nam còn tồn tại tới ngày nay đã được dựng xây và bảo vệ bằng máu, bằng rất nhiều máu như thế đấy!

Ngày 27.7, xin dâng khúc tưởng niệm đớn đau này lên các linh hồn liệt sĩ ở trong và ngoài nghĩa trang Vị Xuyên, bởi có rất nhiều hài cốt liệt sĩ hy sinh năm 1984 còn nằm đâu đó trong lòng đất Vị Xuyên mà những cuộc tìm kiếm kiên nhẫn vẫn đang tiếp tục để đưa các anh về an nghỉ. Tôi đã nghĩ nghĩa trang Vị Xuyên là “nghĩa trang liệt sĩ quốc gia” bởi không chỉ vì số lượng các liệt sĩ an nghỉ tại đây, mà còn vì đã có tới 30 tỉnh thành - gần một nửa số tỉnh thành trong nước - đóng góp xương máu con em mình trong trận chiến giữ gìn mảnh đất Vị Xuyên. Dù trên cổng nghĩa trang chỉ ghi đơn giản: “Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên”.

Thanh Thảo

- Bài đã được đăng lại trên tạp chí Văn hiến Việt Nam số tháng 7 năm 2012, trang 43.

BÀI ĐỌC THÊM:

Tưởng niệm liệt sĩ ở Khánh Khê

Hỡi ôi
Đất nước ngàn năm gây dựng, công lao bao đấng tiền nhân
Biên cương muôn thuở vững bền, máu xương mấy tầng đất đỏ!
Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
Nước muốn trong, nguồn dâng lũ...

Nhớ mùa Xuân một ngàn chín trăm bảy chín:
Đất nước mới thoát họa chiến chinh
Giang sơn đang hồi sinh rạng rỡ
Rừng biên cương chưa kịp vào xuân
Lộc hạnh phúc chỉ vừa hé nụ...
Bọn phản động đê hèn tráo trở, bất luận nghĩa nhân
Lũ bất lương lộ rõ lòng tham, đâu cần quốc sỉ.

Vậy nên
Như hàng ngàn năm trước, giang sơn bỗng gặp bước nguy nan
Nghe trống trận rền vang, chim Lạc lại trùng trùng vượt lửa.

Sư đoàn 337 chúng ta
Rạo rực trong tim thắm đỏ, thiêng liêng dòng máu Lạc Long
Bừng bừng ngọn lửa ngoan cường, khí phách anh hào Nguyễn Huệ
Không thể để quân thù lấn chiếm giang sơn
Chẳng cho kẻ xâm lăng xéo giày mồ mả.
Diệu kỳ như binh pháp Hưng Đạo Vương thuở nào
Thần tốc như chiến dịch Hồ Chí Minh năm ấy
Giã biệt dòng Lam xanh - thành phố đỏ, quân ta cấp tốc hành quân lên Đồi Ngô, Lục Nam.
Đến tả ngạn sông Thương, điểm dừng chân, lệnh trên bất ngờ chuyển hướng về Văn Quan, Đồng Mỏ.

Đặt ba lô chưa kịp nghỉ chân
Đã bật dậy ầm ầm súng nổ
Tiếp ứng cho Trung đoàn 197 - Thái Nguyên tiêu diệt quân thù
Phòng ngự tuyến Tu Đồn - Điềm He - Khánh Khê, kiên cường chống giữ
Đánh trận đầu quyết thắng, chiến sĩ nhìn lên, lòng không thẹn với cờ
Đập tan lũ ngông cuồng, Sư đoàn báo công cùng liệt tông, liệt tổ

Ngày 26 tháng 2 Trung đoàn 4 nổ súng trận đầu, diệt quân địch, bắt sống tù binh, đất Nhạc Kỳ kiêu hãnh chiến công
Ngày 28 tháng 2, đoàn 52 phòng ngự kiên cường, pháo Thần Vũ đập nát kẻ thù, cầu Khánh Khê vững vàng đất mẹ...

Kẻ thù cậy quân đông, như biển kiến ngập tràn
Quân ta tựa lòng đất như Sơn Tinh chặn lũ
Điềm He, Khuông Rì, điểm cao 559, đất sũng máu người
Khuông Luông, Chu Túc, điểm cao 649, cây rừng bốc lửa
Địch cậy lắm xe tăng, pháo binh, toan lấy thịt đè người
Ta dựa vào thế trận lòng dân, trí nhân thay cường bạo
Biết tiến, biết dừng, đập nát mưu toan hòng chia cắt quân ta
Truy kích, phản công, bẻ gãy mũi vu hồi của bầy xảo trá

Mười hai ngày đêm máu trộn đất rừng!
Một trận thư hùng, vang trời sấm nổ
Vạn tinh binh giặc cỏ, ngông cuồng như lũ trâu điên
Cánh cửa thép Lạng Sơn, thế trận hiên ngang thành lũy
Tổ quốc lại lần nữa ngân vang lời Đại cáo bình Ngô
Dân tộc thêm một kỳ hừng hực khí Lam Sơn tụ nghĩa.

Hỡi ôi!
Để giang sơn sạch quân xâm lược, bao chiến sĩ kiên trinh ngã xuống đất này
Cho biên cương yên ả thái bình, bao đứa con hiếu trung không được về với mẹ...
Sông Kỳ Cùng đâu thể phách, đâu máu đỏ dòng xanh
Rừng xứ Lạng đâu cốt nhục, đâu bụi mờ núi thẳm

Máu xương các anh không hề uổng, bia ghi công sẽ sáng chói từng dòng
Trận chiến ngày ấy không thể mờ, chuyện năm xưa đã tạc vào sách sử.
Tổ quốc sẽ khắc ghi:
Trần Minh Lệ dũng lược, ngoan cường; cùng Trung đội đập tan 18 đợt tiến công của địch, giữ chốt mấy ngày đêm
Lịch sử mãi lưu truyền:
Vi Văn Thắng táo bạo, kiên gan; hết đạn, vẫn dương lê lao lên tả đột, hữu xung, khiến quân thù khiếp sợ
Đất Hồng Phong đời đời ghi nhớ chiến công
Rừng Bình Trung mãi mãi tri ân Liệt sĩ

Đất nước thanh bình
Có người về được quê hương, lòng đất mẹ vỗ về ôm ấp
Có người yên giấc nghĩa trang, được Tổ quốc ghi công muôn thuở

Nhưng cũng còn:
Người ra đi không để lại hình hài
Mây gió hồng hoang, cỏ cây là bạn
Phiêu diêu hồn phách, sông suối là nhà

Anh em chúng tôi:
Nặng nghĩa tử sinh, sâu tình đồng đội
Chung tay, góp sức dựng nhà bia

Hôm nay
Chúng tôi, những đồng đội từng một thời nằm gai nếm mật với các anh
Chúng tôi, những chiến sĩ hôm nay tiếp nối ngọn lửa thiêng Sư đoàn 337
Chúng tôi, những cán bộ, công nhân Công ty thủy điện Thác Xăng
Cùng lãnh đạo, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Lạng Sơn, Cao Lộc, Văn Quan - "địa linh nhân kiệt"
Trước tấm bia công tích
Xin cúi lạy vong linh các liệt sĩ anh hùng
Lễ bạc, lòng thành
Mấy dòng tưởng niệm...
Uống nước nhớ nguồn, chốn dương trần đồng bào, đồng đội mãi tri ân
Tổ quốc ghi công, nơi chín suối liệt sĩ ngậm cười yên giấc ngủ
Cầu mong
Đất nước thái bình
Giang sơn vạn thuở
Biên cương thành lũy vững bền
Tổ quốc vẹn toàn lãnh thổ!
Kính cáo!

Đỗ Phấn Đấu
Tháng 7/2012
(Chân thành cám ơn nhà văn Xuân Đức đã dày công chỉnh sửa)

Bài đọc tại Lễ Tưởng niệm!

3 nhận xét:

Phương Lê nói...

Hàng nghìn chiến sĩ thương vong ngày cao điểm trận chiến Vị Xuyên
Ngày 12/7/1984, quân đội Việt Nam phản công giành lại những điểm cao bị Trung Quốc chiếm giữ ở Vị Xuyên (Hà Giang), 820 chiến sĩ đã bị thương, sư đoàn 356 có khoảng 600 người hy sinh.
Tháng 2/1979, Trung Quốc đồng loạt tấn công vào biên giới sáu tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Trải qua 30 ngày chiến đấu ác liệt, các lực lượng vũ trang tại chỗ và đồng bào dân tộc 6 tỉnh biên giới Việt Nam đã dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều, đánh bại "chiến thuật biển người, thọc sâu phá hoại" của quân Trung Quốc, buộc họ phải rút khỏi Việt Nam vào ngày 18/3.
Dù Trung Quốc rút quân, nhưng trong thư gửi chiến sĩ, đồng bào các tỉnh biên giới quân khu 2, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ nhấn mạnh: "chiến sĩ đồng bào cần nêu cao cảnh giác, vì kẻ địch còn ngoan cố và tiếp tục gây thêm nhiều tội ác mới. Cần tăng cường đoàn kết các dân tộc anh em, đoàn kết quân dân, đoàn kết phía trước và phía sau, thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động “phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu” của các lực lượng vũ trang nhân dân".
Đúng như lời dự đoán, Trung Quốc không hoàn toàn rút quân mà vẫn duy trì lực lượng ở biên giới và lãnh thổ Việt Nam khiến cho chiến sự tiếp diễn suốt 10 năm sau đó.
Thị xã Hà Giang đầu năm 1984, đường phố hối hả với đủ loại xe vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược… lên trận địa. Thanh niên các phường, xã hăng say luyện tập bên sườn núi. Hầm trú ẩn được xây dựng khắp nơi, từ trường học đến xí nghiệp, khu chợ. Học sinh nườm nượp đến đơn vị dân quân tự vệ đăng ký lên đường chiến đấu, phục vụ chiến trường biên giới.

Trung Quốc vừa dùng máy bay, thám báo, biệt kích luồn sâu sang đất Việt Nam nắm tình hình, vừa kết hợp bắn cấp tập pháo cối, chế áp các điểm cao, trục đường giao thông và lực lượng bộ binh tấn công lấn chiếm đất ta. Cách đánh của chúng không theo quy luật, không kể ngày đêm, tập trung mật độ lớn với mức độ huỷ diệt vào những khu vực trọng điểm như đồi Đài, Cô Ích, cao điểm 685, Cót Ép, khu 4 hầm. Số lượng đạn, pháo cối địch sử dụng trung bình mỗi ngày từ 10.000 đến 20.000 quả. Có ngày tới trên 65.000 quả (7/1/1987).

Trong hơn 5 năm (1984-1989), số lượng pháo Trung Quốc bắn vào Hà Tuyên là trên 2 triệu quả, trong đó 60% là đạn cối. Phạm vi địch bắn phá tập trung vào hai xã Thanh Đức, Thanh Thuỷ trong khoảng diện tích 20 km2. Thị xã Hà Giang cách biên giới Thanh Thuỷ 20 km không bị bắn phá nên sinh hoạt vẫn diễn ra trong không khí thời bình.

Do Trung Quốc khống chế các tuyến đường bộ nên quá trình vận chuyển thương binh ở hỏa tuyến rất khó khăn. Bộ đội vận tải phải qua vách đá, đèo dốc, nhiều chỗ phải trườn bò, dùng tời đưa thương binh xuống từng vách đá. Tỷ lệ thương vong của bộ đội vận tải tải thương chiếm 30% tổng số thương binh.
Việt Nam cũng 7 lần thay phiên chiến đấu cấp trung đoàn, sư đoàn. Thời gian mỗi đơn vị chiến đấu phòng ngự tại mặt trận Thanh Thuỷ, Vị Xuyên trung bình là 6-9 tháng (trước đó, cuộc chiến phòng ngự ở Thành cổ Quảng trị chỉ 82 ngày đêm, chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum 179 ngày). Hình thức chiến đấu của sư đoàn chủ yếu là phòng ngự, giữ từng mỏm đá, ngọn đồi và các điểm cao.
Mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thuỷ được xác định là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc 1984-1989. Trong vòng 4 tháng (4/1984 - 8/1984), Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 7.500 quân Trung Quốc. Tuy vậy, đến nay chưa có tài liệu chính thức nào công bố tổng số người thương vong của hai phía. Cuộc chiến dù quy mô không lớn nhưng rất quyết liệt, căng thẳng và đau thương.

L Thanh Phong nói...

Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 là cuộc chiến tranh chống quân xâm lược bảo vệ tổ quốc. Đó là chân lý của lịch sử và không ai có thể nói khác.
Nhưng trang sử chống ngoại xâm này chưa được đưa vào trong chương trình giáo khoa lịch sử của Việt Nam. Những người lính hy sinh chưa có một đài tưởng niệm xứng đáng.
Trong bài trả lời phỏng vấn của Báo Lao Động về đề tài này tháng 2 vừa qua, GS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định: “Sự kiện 35 năm nhìn lại cuộc chiến biên giới, có lẽ cần phải được đối xử công bằng và trang trọng như một chiến thắng chống ngoại xâm trong lịch sử”.
35 năm qua, chưa có những lễ kỷ niệm trang trọng và hào hùng để tưởng nhớ những người ngã xuống. 35 năm qua, những thế hệ học trò ít được biết về trang sử vẻ vang và đau thương này.
Lịch sử là trí nhớ của một dân tộc. Kiến nghị xây dựng một đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc của các cựu chiến binh Sư đoàn 356 rất đáng được lưu tâm. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cũng cho rằng, đó là đề xuất rất đúng. Có lẽ không riêng gì ý kiến của bà Bộ trưởng, mà là tâm nguyện của thân nhân gia đình các liệt sĩ, là mong muốn của nhân dân, là đòi hỏi của lịch sử.
Đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến biên giới phía bắc năm 1979, Đài tưởng niệm cho liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc ma năm 1988, và còn phải xây dựng nhiều đài tưởng niệm cho những người đã anh dũng hy sinh bảo vệ tổ quốc trên khắp biển đảo, biên giới của đất nước này.
Xây đài tưởng niệm cho anh hùng liệt sĩ, “xây” lòng yêu nước cho thế hệ sau qua từng trang sách giáo khoa lịch sử, “xây” niềm tin cho dân tộc.

+ Trích facebook chú Thắng Còng nói...

Trong cuộc chiến giữ đất ở Vị Xuyên anh hùng, Liệt sĩ Lê Trần Mãn, y tá C7 D5 E153 trong lúc nguy cấp đã khẩn thiết xin trong bộ đàm "Mưa rào...mưa rào xin mưa rào lên đỉnh E5". Các chỉ huy đã vừa khóc vừa đọc lệnh cho pháo ta bắn cấp tập lên đỉnh E5 để ngăn bước quân thù. Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh với lời thề khắc trên báng súng "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử".

Đã 30 năm trôi qua, các đồng đội tôi chưa được nhắc đến và vẫn nằm đâu đó trên các cánh rừng biên giới. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 E876 Nguyễn Hữu Thanh dẫn đội đột kích đánh thẳng vào trung tâm Đ3 của điểm cao 772 và anh dũng hy sinh cách SCH của địch có 15m, bạn mình thằng Dũng nhà ở Bạch Mai là khẩu đội trưởng cối 82 của C12 D3 E876 dù bị phản pháo vẫn chỉ huy khẩu đội bắn trợ chiến cho lính bộ binh bọn mình và anh dũng hy sinh hôm 12-7.....

Còn nhiều và còn rất nhiều các cán bộ chiến sĩ sư đoàn 356 đã anh dũng ngã xuống trong thời kỳ 1984 -1989. Đã có ai nhớ đến các anh hay chỉ những người đồng đội mỗi lần gặp mặt nhau lại kể cho nhau nghe về những chiến công của các anh gắn liền với các chiến công của sư đoàn. Hàng năm cứ vào ngày 12-7 là các đồng đội lại hẹn nhau lên nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên và lên các điểm cao để thắp hương tưởng nhớ các anh.....

Chúng tôi gọi ngày đó là ngày giỗ trận của sư đoàn.