Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

HONG KONG CHỈ LÀ ĐIỂM KHỞI ĐẦU


Năm 2014 là một năm với mình – một người được đào tạo chuyên ngành về quan hệ quốc tế, thật là sôi động. Đầu tiên, các sự kiện ở Ucraina, Nga “nhảy” vào Crimée, “Người Tân Cương ở Bắc Phong Sinh”; rồi sau đó là sự kiện giàn khoan HD-981...

Mình đã từng viết vào thời điểm đó, ở chỗ nào đó: chưa bao giờ chúng ta thấy “chông chênh” đến vậy. Lúc đó khi chat chit với các bạn cùng chia sẻ quan tâm, rằng “Trung Quốc hoàn toàn không hề mạnh như người ta tưởng khi hành động ở biển Đông như vậy”, mình rất nhớ đến câu nói của nhân vật chính trong chuyện “Tuyết bỏng” của Iuriy Bondarev: “Không nên tin rằng sức mạnh của địch là vô hạn.” Có bạn hỏi: “Trung Quốc họ ghê gớm như thế, giàu có như thế, họ gây sự là mình (Việt Nam) chết!” – đúng vậy, họ gây sự là ta mệt mỏi. Nhưng họ cũng chưa đủ mạnh để quậy được lâu hơn và xa hơn, nên họ chỉ quậy như vậy ở địa bàn như vậy thôi. Mà họ mới chỉ có làm như vậy, Việt Nam ta đã lao đao rồi – với Trung Quốc một Việt Nam như hiện nay cùng tương đồng về thể chế chính trị, có lợi hơn là để một Việt Nam đại loạn. Với Trung Quốc, Việt Nam đại loạn không khác gì Tân Cương Tây Tạng Nội Mông đại loạn. Vì thế, hồi đó mình đã có ý kiến, mối nguy của Trung Quốc không chỉ là nạn tham nhũng ở trong nước, mà có một mối nguy lớn hơn, là ly khai. Không ở chỗ nọ, thì ở chỗ kia. Và từ cách đây mấy tháng, Hong Kong đã manh nha, thì nay những cơn phản kháng đã nổ ra.
Ông Tập Cận Bình rõ ràng chưa giải được bài toán dân chủ của dân Hong Kong đang đòi. Vậy dân chủ là cái gì? Xin nói sơ lược về điều này, vì mấy hôm nay có nhiều bạn trẻ có vẻ rất… “dư luận viên”, viết chỗ này, chỗ khác… rằng “đừng có mơ dân chủ kiểu phương Tây”. Thật lòng mình không rõ, dân chủ kiểu phương Tây là cái kiểu gì, nhưng xin cắt nghĩa lại một lần nữa, điều mình đã được học và viết nhiều lần ở các diễn đàn trực tuyến khác nhau. “Dân chủ” là một từ có nguồn gốc Hy Lạp, “Democratic” hay tiếng Hy Lạp “Demokratia (δημοκρατία)” trong đó “Demos” là nhân dân và “Kratos” là chính quyền, quyền lực – khi học về Nhà nước Athens thì sinh viên luật nào cũng phải học điều này cả. “Dân chủ” như thế, là người dân phải được tham gia vào quản lý xã hội, mà một trong những biểu hiện của nó là “cộng hòa” (“Republic”) – chính là chế độ phổ thông đầu phiếu, tùy luật từng nước mà người ta quy định chế độ bầu cử sẽ khác nhau, nhưng điều cốt lõi là người dân phải được quyền bầu lên người quản lý xã hội cho mình, và theo luật thì người dân phải giám sát được người đó và bãi miễn, miễn nhiệm người đó nếu như anh ta không hoàn thành nhiệm vụ, còn nếu anh ta lại còn ăn cắp, tham nhũng nữa, thì phải nghiêm trị theo pháp luật. Đó, “dân chủ” chỉ đơn giản vậy thôi, chúng ta toàn là những “con ếch” ngồi trong cái giếng ở Việt Nam, chẳng biết “dân chủ phương Tây” hay “dân chủ phương Đông” mồm ngang, mũi dọc ra sao, cứ nên bám lấy cái khái niệm sơ lược như vậy đó.
Do đó, một xã hội mà người dân không quyết định được việc bầu lên ai đại diện quản lý xã hội, và cũng chẳng biết cái anh quản lý đó làm gì (lĩnh vực tuyệt mật), lại càng không thể bãi nhiệm anh ta, thì đó là một xã hội phi dân chủ. Nếu như dân chủ kiểu phương Tây mà cũng như thế này, thì nó cũng chẳng ra cái gì. Câu này rất cần sự giải thích của những người đã dè bỉu nền “dân chủ phương Tây”. Còn với cá nhân mình, không có khái niệm “dân chủ phương nào” cả, nó sinh ra ở Hy Lạp, một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, điểm giao thoa của các nền văn minh Đông – Tây.
Vậy tại sao mình nói, Hong Kong chỉ là điểm khởi đầu? Vì Trung Quốc là một đất nước rất lớn, một nền kinh tế rất lớn, nhưng cái hố ngăn cách giàu nghèo cũng rất lớn và do đó sự phản kháng của các tầng lớp dân chúng cũng khác nhau. Với dân nghèo, nông dân… thì là các cuộc biểu tình mất đất, với công nhân làm thuê là phản kháng với giới chủ - đây là những tầng lớp dễ xoa dịu bằng quyền lợi, tuy không thể coi thường. Còn với thị dân, tầng lớp “tiểu tư sản” hay “cổ cồn trắng” mới là tầng lớp quan tâm đến quyền công dân, đến “dân chủ”. Năm 1989, họ là những sinh viên. Năm 2014, họ vẫn là những sinh viên. Như vậy về tương quan lực lượng dân chủ Trung Quốc còn yếu, chưa thể gây nên được những biến cố trong xã hội Trung Quốc, do đó mình đánh giá “li khai” sẽ là yếu tố dễ làm nên chuyện hơn.
Chúng ta hãy nhớ, năm 1911 Trung Quốc đã nổ ra cuộc Cách mạng dân chủ tư sản, và những gì mà Tôn Trung Sơn để lại, là cả một gia tài lớn, chính nó là nền móng cho Thiên An Môn năm 1989 và Hong Kong năm 2014. Ý thức về “dân chủ” của người Trung Quốc, chúng ta hoàn toàn không nên coi thường.
(Trung Quốc có Tôn Trung Sơn thì Việt Nam có Phan Chu Trinh, thật tiếc, cụ không gặp thời.)
Ông Tập chỉ có thể “đả hổ” – “đánh” được các quan chức tham nhũng mà người ta cho rằng, là tay chân vây cánh của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, nhưng ông Tập sẽ không bao giờ có thể “đánh” được tầng lớp tư sản dân tộc như Mao Trạch Đông trước đây, nhưng từ năm 1976 cải cách kinh tế đã làm cho tầng lớp này xuất hiện trở lại và lớn mạnh hơn bao giờ hết. Quan hệ khăng khít của họ với giới tài phiệt Hoa Kiều cũng cực kỳ chặt chẽ, và ngay cả tài phiệt Hoa Kiều cũng hướng về quê hương, một quê hương không chỉ giàu mạnh mà còn “dân chủ.”
Với những bài toán đó, mình đoán rằng, ông Tập sẽ không thể giải quyết được, tất nhiên Trung Quốc hôm nay không phải là Liên Xô năm 1990, và ông Tập Cận Bình cũng không phải là Mikhail Gorbachev – nhưng có một điều hết sức triết học và logic, là không có cái gì tồn tại vĩnh viễn, một triều đại bao giờ cũng phát triển đến cực thịnh, suy vi rồi sụp đổ, quá trình đó trong thời đại thế giới phẳng, thời đại của mạng internet kết nối toàn cầu nó trở nên mau chóng hơn nhiều.
Như vậy đừng gò cho người Hong Kong cái điều mà chưa chắc họ đang mong muốn: họ muốn dân chủ phương Tây. Đơn giản, họ chỉ mong muốn được bầu cử nên một người tử tế, quản lý tốt xã hội. Điều này không giống với cung cách tổ chức bầu cử của chính quyền Trung ương Bắc Kinh đang làm. Xung đột chắc chắn sẽ xảy ra, không thể tránh khỏi.

Như vậy sự tan rã của Trung Quốc sẽ diễn ra một cách tất yếu, “dân chủ” và “li khai” là hai yếu tố chủ đạo để thúc đẩy tiến trình này.

Không có nhận xét nào: