Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Nguyễn Bá Thanh: “Làm, ăn, lạnh, tử”



Ông Nguyễn Bá Thanh, vua một cõi tại Đà Nẵng, giờ đang nằm điều trị bệnh ung thư tại Mỹ.

Ông vẫn giữ chức danh Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Người ta nói nhiều về ông, về tính cách bộc trực hiếm có ở người làm chính trị, về việc ông tung hoành như thế nào tại Đà Nẵng, về ông chống quan liêu và xây dựng Đà Nẵng ra sao, về cả việc ông hành xử tàn bạo như thế nào với vị tướng công an và cả cách ông ăn đất nữa… Nói về ông là nói đến một con người - “ăn và làm”.

Làm


Đà Nẵng cách đây 20 năm trước là một đô thị nhỏ loại 2, với 5 trục đường chính là Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Ông Ích Khiêm, Trần Phú, Bạch Đằng. Khu vực Liên Chiểu là khu đất cát trắng, nghĩa trang kéo dài lên tới Huế, quận 3 là những cụm nhà lụp xụp… Nạn ma túy, mại dâm, băng nhóm tràn lan. Nay Đà Nẵng khang trang, đẹp đẽ, an ninh tốt hơn.

Dù rằng, sự quy hoạch đó được thừa hưởng bởi khoảng trống về đất đai của thành phố trẻ, nơi mà trục đường biển Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ vẫn là những bãi cát hoang sơ; khu vực quận quận 3 với con đường kéo về phía nam là vùng đất rộng chưa có nhiều người ở; khu Liên Chiểu là vùng cát trắng với bãi tha ma kéo dài. Khu vực sầm uất Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Tri Phương là bãi ao rau muống… Chưa kể, Đà Nẵng được ưu ái rất nhiều từ T.Ư, nhất là mảng ngân sách.

Nhưng rõ ràng, công của ông Nguyễn Bá Thanh trong vai trò lãnh đạo, quyết định đối với sự phát triển của thành phố là không thể bác bỏ. Ông đã dựng nên được một thành phố Đà Nẵng có quy hoạch tốt, một hạ tầng cơ sở quy củ. Đà Nẵng dưới thời Nguyễn Bá Thanh là nơi dám triển khai mục tiêu 5 không: không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không có giết người cướp trong giai đoạn 5 năm (2001-2005) và đạt được nhiều thành quả. Trong đó hoàn thành xóa bỏ nạn đói (2001); nạn mù chữ (2002); lang thang xin ăn (2003). Thành phố sau đó tiếp tục ban hành 5 không trong các giai đoạn tiếp theo như 2006-2010; 2010-2015 nhằm giải quyết việc làm, đảm bảo an ninh, và nâng cao chất lượng y tế, thể thao, giáo dục.

Thành phố định hướng phát triển du lịch và dịch vụ an dưỡng. Việc siết nhập cư với số dân chưa đầy 1 triệu, là cách thức mà ông Thanh giữ được sự bình yên đó.

Vì thế, so với các thành phố biển như Nha Trang, Hải Phòng, hay các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên thì Đà Nẵng xanh-sạch-đẹp- bình yên hơn nhiều. Thành phố cũng liên tục dẫn đầu 63 tỉnh, thành về tốc độ cải cách hành chính nhanh nhất nước; top 10 thành phố bền vững về môi trường tại ASEAN; top 20 thành phố sạch nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng dưới thời Nguyễn Bá Thanh có hơi hướng giống Macau khi cho phép mở Casino với giá trị đầu tư 1,6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010 nhằm phục vụ cho khách đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông.

Sau 4 năm, lượng khách ngoại đến Đà Nẵng vẫn mang yếu tố Trung Quốc. Không những vậy, giờ đây, du khách từ quốc gia, lãnh thổ đó còn có ý định mua bất động sản thành phố có 2 tên đường “Hoàng Sa – Trường Sa” để thực hiện dự án nghỉ dưỡng, giải trí, theo báo cáo của Công ty dịch vụ bất động sản CBRE gần đây.

Nhìn tổng thể, Đà Nẵng có nhiều cái được trong mắt người dân, nhưng cái được lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua, theo lời ông Nguyễn Bá Thanh chia sẻ với báo giới, đó chính là được lòng dân.

Cái được đó khiến hầu hết người dân Đà Nẵng – Quảng Nam, từ một người lao động bình thường cho đến một viên quan chức đều có ấn tượng tốt về ông.

Mỗi khi có cuộc tiếp xúc cử tri, hay buổi nói chuyện của ông Thanh mà được truyền hình trực tiếp trên DVTV (truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng) và DRT (truyền hình Đà Nẵng), phần lớn đều bật tivi mà nghe ông nói chuyện.

Thích cái chỗ ông ăn nói bộc trực, không cầm giấy đọc, thích cái cách ông truy vấn các vị viên quan chức thuộc các sở phòng về việc công một cách quyết liệt, gay gắt, rõ ràng, đâu vào đấy. Ông lại có những hành vi được xem như sâu sát trong công việc, gần gũi với dân thông qua tiếp dân tại nhà, cách chức, kỷ luật một số vị quan chức không làm tròn trách nhiệm, thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thành phố được đi vào triển khai... Không rõ ông có thạo PR chính trị hay không, nhưng rõ ràng, hiện tượng Nguyễn Bá Thanh đang dần lan tỏa ra cả nước qua những phát ngôn được đăng tải trên phương tiện truyền thông báo chí. Vẫn cách nói lửa trong các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc nói chuyện với cán bộ, quản lý các cấp ở Đà Nẵng.

Đà Nẵng vì thế, không khác gì một Trùng Khánh của Trung Quốc, và Nguyễn Bá Thanh chính là Bạc Hy Lai.

“Ăn”

Lòng dân Việt thì dễ lấy, trong cái vũng bùn lầy, người nào ít dính bùn nhất thì dân việc mê như điếu đổ. Là vì dân Việt cảm tính nhiều hơn lý tính, do đó không phải ai cũng biết về lớp bọc bên ngoài ấy, nhất là thông qua sự trợ giúp nhiệt tình của truyền thông.

Ít ai tỉnh táo nhận ra, ông Thanh vẫn là người cơ chế, và ông đang sống trong cái thể chế mà quyền lực tuyệt đối chi phối, băng hoại con người. Tham nhũng, độc tài là điều không thể tránh khỏi.

Từ vụ việc bị cáo buộc nhận hối lộ 4,4 tỷ đồng (năm 2000) trong vụ cầu Sông Hàn, và hệ thống đường Bắc-Nam qua Đà Nẵng khi ông còn giữ chức Chủ tịch UBND thành phố cho đến việc ông thu mua đất giá rẻ của người dân, bán hoặc cho nhà đầu tư thuê với giá đắt đỏ đã đem lại cho ông những khoản tiền không nhỏ. Việc bán đất để phát triển Đà Nẵng là điều mà nhiều người hay đề cập khi nói đến bản chất sự phát triển xanh-sạch-đẹp của thành phố. Với khối lượng đất đai được mua đi bán lại không phải để phát triển, mà chủ yếu là sự đầu cơ.

Do đó, khi ông rời khỏi Đà Nẵng, ông để lại cho người kế nhiệm những dự án đất trị giá triệu đô đang bị bỏ hoang từ những lần bắt tay trước và trong cơn sốt đất năm 2009-2011. Trong nội đô thì nổi lên dự án Viễn Đông Meridian Tower 48 tầng, có tổng vốn đầu tư hơn 180 triệu USD ở khu đất số 84 Hùng Vương, hay những dự án khu dân cư Vân Đồn (Sơn Trà), Hòa Cường (Thanh Khê), khu đô thị Thien Park (Liên Chiểu), tàn tích nhà đất trên đường biển Nguyễn Tất Thành, khu phức hợp Chi Lăng… Ngoài ra, con đường biển Sơn Trà – Điện Ngọc trước với rừng phòng hộ và bờ biển nguyên sơ, đã bị ông triệt hạ, rồi phân lô bán/cho thuê đất. Giờ đây, đi dọc bờ biển dài này, hiếm khi thấy biển mà chỉ thấy tường rào bằng xi măng hay bằng tôn để giữ đất nền, với nhiều công trình nhà ở cao cấp, khu nghỉ dưỡng, khách sạn bị bỏ hoang. Đó là lý do vì sao trong lần trao đổi với báo chí gần đây, ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, tổ trưởng tổ khai thác quỹ đất, cho biết sẽ tiến hành rà soát các dự án, thu hồi 83 dự án “trùm mền” nhiều năm nay nằm ở Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Hòa Vang.

Những vụ việc bồi hoàn rẻ như rau muống và bán lại đắt như tôm tươi đa phần thuận buồm xuôi gió. Nhưng đôi khi, sự bồi hoàn chênh giá – vốn đem lại phần % cho ông cũng gặp sự phản ứng quyết liệt của người dân, mà ở đây là vụ giải tỏa hơn 2.000 hộ dân (trong đó có 420 hộ giáo dân Cồn Dầu) nhằm lập dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Từ việc bồi thường giá theo đất nông nghiệp, sau đó chuyển thành đất nền để bán, đến việc tái định cư cho người dân vùng giải tỏa không thực hiện khiến cho sự vụ kéo dài đến 4 năm liền (2010-2014). Đáng nói hơn, doanh nghiệp đang dây dưa với những hộ dân còn lại ở Cồn Dầu chính là công ty Cổ phần tập đoàn Mặt trời - một trong những doanh nghiệp được ông Bá Thanh bảo lãnh vốn vay từ ngân hàng BIDV năm 2013.

Kết quả, với 62 hộ dân kiên trì 4 năm khiếu kiện, ngày 17/9 vừa qua, đoàn công tác Bộ Tài nguyên – Môi trường có về làm việc và sẽ có “văn bản trình Thủ tướng”.

Lạnh

Cách hành xử lạnh lùng, độc tài của ông còn thể hiện qua nhiều vụ việc.

Có nhiều người “cảm phục” ông Bá Thanh vì đã xây ngôi đền Thoại Ngọc Hầu (An Hải, Sơn Trà) nhưng cũng chính ông là người xóa sổ ngôi trường Trần Phú (trước đó có tên là Sao Mai), một ngôi trường lâu đời được xây dựng vào năm 1959, với lối kiến trúc Gothic, xóa sổ nhà thờ Cồn Dầu và khu nghĩa trang đã tồn tại hơn trăm năm và tiến hành cưỡng chế - trấn áp, khiến 49 giáo dân phải đi tỵ nạn.

Hình ảnh ông Trần Văn Thanh (Thiếu tướng, nguyên giám đốc Công an Đà Nẵng, chánh thanh tra Bộ Công an) hầu tòa trên băng ca trong tình trạng bất động, thở ô-xi năm 2009, vì đã có hành vi tố cáo ông Nguyễn Bá Thanh nhận hối lộ đến nay vẫn khiến nhiều người rùng mình về cách hành xử độc nhất vô nhị của ông Thanh. Để rồi 2 năm sau (2012), ông Trần Văn Thanh được TAND Tối cao tại Đà Nẵng tuyên án vô tội.

Không nhiều người biết đến điều này, hoặc nếu biết đều dễ dàng bị xoa dịu, mê hoặc trước những phát ngôn đầy “tính dân” của ông.

Giống như trong lần nói chuyện với 4.500 cán bộ, quản lý của thành phố, ông đề cập đến việc, “Cán bộ không nên giống con cá heo biểu diễn chờ cho ăn mới chịu diễn còn không cho ăn thì thôi.” Những câu nói này, được người dân hưởng ứng, vì nó phản ánh đúng bản chất của chế độ với cơ chế “xin-cho” như hiện nay. Khác chăng là ăn ít hay ăn nhiều, ăn lộ liễu hay tinh vi, ăn có đầu tư hay bộc phát… Nhưng không phải ai cũng biết, người nói ra câu nói khiến dân “ưng lắm” đó, cũng không thoát khỏi số phận “giống con cá heo”.

“Tử”

Dù được xem là thành phố trẻ, nhưng thực chất, Đà Nẵng già hơn, lý do vì nó quá bình yên, chỉ thích hợp cho các hoạt động nghỉ dưỡng, an lão, tiềm năng việc làm, cơ hội phát triển không bằng so với Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Hàng năm hơn chục trường ĐH-CĐ đóng tại địa bàn thành phố cho ra số cử nhân đa ngành, đa nghề, nhưng đại đa số phải chạy vào phía Nam để xin việc. Thành phố hiện nay nổi lên ba thứ: Quán nhậu; café; khách sạn và resort. Người dân đa phần theo hướng đó để kinh doanh, ít có dự án đầu tư sản xuất.

Do đó, bên cạnh những thành tựu đạt được, Đà Nẵng vẫn là nơi mà việc làm và môi trường cạnh tranh còn yếu. Nội lực con người không có, dẫn đến việc nội lực kinh tế về lâu dài không bền vững. Ngoại lực của Đà Nẵng chính là dựa vào Trung Quốc, Đài Loan… Nên dễ biến động khi biển Đông có động biến.

Nhưng đánh giá một cách công bằng thì với trách nhiệm và vị trí của mình, ông Thanh đã đưa một Đà Nẵng lem luốt trở nên sạch sẽ, đàng hoàng hơn. Ít nhất là nó đã trở nên như thế. Còn người kế nhiệm của ông là Trần Thọ phải tiếp tục giải quyết những tồn đọng từ các dự án đất đai, vừa phải thoát ra khỏi cái bóng ông Thanh với những “sự yêu mến và nhầm tưởng chết người” từ người dân qua những phát ngôn hào sảng, vừa phải tăng cường chính sách mới kêu gọi tái đầu tư, tạo việc làm và giải quyết thâm hụt ngân sách. Thì may ra, khi ấy Đà Nẵng mới thực sự là thành phố trẻ - năng động. Và khi ấy, ông mới không bị tai tiếng là “phá đổ những thành tựu thời ông Thanh”.


Và sắp tới đây, nếu ông (Bá Thanh) chết đi, sẽ có hàng dài người đưa tiễn ông trên qua các tuyến đường, qua các phương tiện truyền thông báo chí như cái thời ông Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp.

Hòa Cầm.(Theo VNTB)

Không có nhận xét nào: