Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Sự ra đi hụt của một "Tâm Tư"?

Sáng nay anh Lãng lét mắt đọc trang tin tiếng anh của DPA, trang tin chính thức của Cộng Hòa Liên Bang Đức, thì thấy một tin rất giật mình:
link: Vietnam defence minister dies in France after cancer treatment (Bộ trưởng QP Việt Nam chết ở Pháp sau điều trị ung thư phổi)

Tin tức này ngay lập tức gây một cơn bão truyền thông ở Việt Nam. Vì tính chất nghiêm trọng của nó, khác với lối làm việc chậm chạp thường ngày, nhiều quan chức Việt Nam nhanh chóng cải chính. Theo lời Trung Tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng, tin tức này hoàn toàn không chính xác, bản thân DPA đã liên lạc với ông và sẽ cải chính.

Đến 16h ngày 20/07/2015 giờ Hà Nội, trang tin DPA, điều chỉnh thông tin như sau:

Vietnam denies report of defence minister's death

Bangkok (dpa) - The Vietnamese government Monday denied a report that the defence minister died in a Paris hospital at the weekend. 
General Phung Quang Thanh's health was "stable" after surgery in the Georges Pompidou European Hospital in Paris, said Lieutenant General Vo Van Tuan, deputy chief of the General Staff of the Vietnam People's Army. 
"I talked to him yesterday," he told dpa. "He will return to Vietnam at the end of this month." 
An earlier dpa report said the general died Sunday after receiving treatment at the hospital, citing a source at the hospital. 
In early July, Pham Gia Khai, a member of the Board for Protection and Care of the Health of Central-Level Officials, confirmed that Thanh was recovering from surgery for a lung tumour in France.
Thanh has been considered a likely candidate to be made president at the country's next party congress.

Như vậy sau khi đưa thông tin Bộ trưởng Phùng Quang Thanh qua đời vào ngày chủ nhật 19/07/2015 tại một bệnh viện của Pháp, sau một thời gian điều trị căn bệnh ung thư phổi ở đây, DPA đã cải chính thông tin theo đó chính phủ Việt Nam phản bác thông tin rằng Bộ trưởng QP đã chết tại một bệnh viện Pháp vào cuối tuần. Từ một tin tức mang tính khẳng định, trở thành một sự kiện có tính nghi vấn. Đây là sai sót đáng tiếc của hãng truyền thông danh tiếng hàng đầu nước Đức. 

Điểm lại các sự kiện liên quan, thì hoạt động gần nhất của Đại tướng Phùng Quang Thanh là cuộc gặp với Bộ trưởng quốc phòng Pháp vào ngày 19/06/2015. Khi đó, trông ông còn rất khỏe mạnh:


Ngày 02/07/2015, nhiều tờ báo trong nước loan tin, ngày 30/06/2015, ông Phùng Quang Thanh đã được phẫu thuật khối u tại một bệnh viện của Pháp, dẫn nguồn từ Ban bảo vệ sức khỏe Trung Ương. Đây là tin tức chính thống duy nhất về ông Phùng Quang Thanh sau nhiều đồn đoán xôn xao trên các trang web phi chính thống. Cũng theo các nguồn tin này, khối u của ông Thanh không phải ung thư, và kết quả sau phẫu thuật là rất khả quan. 

Sau 20 ngày, thông tấn xã Đức đăng tin ông Thanh qua đời (và cải chính dưới dạng để ngỏ) 
Chuỗi các sự kiện diễn ra rất gần nhau, khiến người ta không thể không liên tưởng đến những yếu tố bất thường. 

Ngày 19/06/2015, ông Thanh gặp mặt chính thức Bộ trưởng quốc phòng Pháp tại Paris. 11 ngày sau đó, tức ngày 30/06/2015, ông được thông báo đã phẫu thuật khối u phổi tại một bệnh viện Pháp. Là một nhân vật trọng yếu trong Bộ chính trị Việt Nam, việc ông Thanh qua Pháp trị bệnh chắc chắn phải là kết quả của một quá trình thu xếp lâu dài, chứ không thể là một quyết định đột ngột. Việc ông có chuyến công du chính thức gặp người đồng cấp tại Paris, với một dáng vẻ rất khỏe mạnh, rồi nhập viện phẫu thuật 11 ngày sau đó, khiến có nhiều đồn đoán đáng ngờ. 

Điểm lại con đường hoạn lộ của Đại Tướng Phùng Quang Thanh, có thể nói cuộc đời binh nghiệp của ông dường như được xếp sẵn để leo lên vị trí cao nhất. Thành tích chói sáng trong cuộc đời ông, là việc được phong anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 1971 sau nhiều thành tích trong chiến đấu. Ông tiếp tục phục vụ trong quân đội, được cử đi đào tạo nhiều khóa nâng cao, và liên tục được phong hàm trong suốt quá trình tại ngũ. Năm 2006, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Năm 2007, ông leo lên đến đỉnh cao nhất của hệ thống phong hàm Việt Nam với hàm Đại tướng. Kể từ đó đến nay, ông Thanh đã giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng được hơn 9 năm. Là một nhân vật trọng yếu nắm trong tay Bộ Quốc Phòng, ông có chân trong cơ quan quyền lực nhất của Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính Trị. Có nhiều đồn đoán, sự nghiệp của ông sẽ còn lên cao nữa trong đại hội 2016 vào năm sau, nhiều khả năng ông sẽ nắm cương vị Chủ tịch nước, với quyền Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nếu xảy ra chiến tranh. 

Một sự nghiệp bằng phẳng và chói sáng, nếu nó không có một vết nhơ. Theo nhiều thông tin phi chính thống được loan tải trên mạng, thì con trai của ông Thanh là Phùng Quang Hải, một quân nhân chen ngang, gia nhập quân đội chỉ vài năm và được phong quân hàm đại tá, nắm trong tay một Tổng công ty lớn của quân đội với vô số dự án đặc quyền. Ông Phùng Quang Hải được cho là sở hữu khối tài sản lên tới nhiều trăm tỷ. Không có tin phản bác chính thức nào được đưa ra, nhưng độ xác thực của các thông tin trên mạng khiến hầu hết người dân đều tin chúng là thật, khi nguồn tin cung cấp chụp rõ từng ngôi nhà, từng sổ đỏ và từng hợp đồng mua bán sở hữu nhà đứng tên ông Phùng Quang Hải. 

Tuy nhiên vết đen lớn nhất trong sự nghiệp chói lọi của Đại Tướng Phùng Quang Thanh, lại là từ những câu phát ngôn của ông với tư cách là người đứng đầu các lực lượng vũ trang Việt Nam về Trung Quốc. Năm 2014, tại Shangrila, ông dùng những từ miêu tả quan hệ mâu thuẫn gia đình để mô tả mâu thuẫn Việt Nam - Trung Hoa. Tại hội nghị này, Trung Quốc gánh chịu những lời chỉ trích quyết liệt về các hành động xâm lấn lãnh thổ từ các nước tham dự hội nghị, trong đó Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp nhất. Đặc biệt khi trước đó chỉ ít tuần, Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào hoạt động sâu trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, dẫn đến cuộc đối đầu kéo dài hơn 71 ngày của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng hải quân Trung Quốc. Lời tuyên bố của ông Thanh có lẽ không có vấn đề gì lắm nếu ông ta là Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, vốn là một nơi nghệ thuật ngôn từ được áp dụng nhiều hơn trong các quan hệ quốc tế. Là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, ông Thanh được chờ đợi sẽ gửi những thông điệp mang tính dứt khoát, rõ ràng về quan điểm của Việt nam đối với các quyền lợi quốc gia. Ông ta đã không làm điều đó. 

Ngày 29/12/2014, tại hội nghị chính phủ về việc triển khai nghị quyết Quốc hội về các nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2015, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh khiến dư luận gần như bật ngửa với lời phát biểu: "Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc". Lời phát ngôn của người đứng đầu lực lượng vũ trang khiến nhiều người Việt Nam thấy rất "tâm tư", nhưng không giống với sự "tâm tư" của ông Phùng Quang Thanh. Hầu hết người Việt nam đều biết những gì đã diễn ra trong hệ thống tuyên truyền trong 30 năm qua. Cuộc chiến năm 1979 hầu như không được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông kể từ năm 1990 cho đến mãi tận gần đây. Trước năm 2007, thậm chí việc tàu đánh cá Việt Nam liên tục bị cướp bóc và tông chìm bởi tàu Trung Quốc vẫn chỉ được nhắc đến với mật danh đã thành kinh điển: Tàu lạ". 

Có thể nói hệ thống tuyên truyền Việt Nam đã cố hết sức để làm người Việt Nam không ghét Trung Quốc, kể cả với việc bưng bít thông tin và ém nhẹm các nguy cơ về an ninh quốc gia. Tuy nhiên sự phổ biến của Internet và đặc biệt là dã tâm không ngừng nghỉ của Trung Quốc đã làm nỗ lực ấy của cả hệ thống tuyên truyền Việt Nam đổ sông đổ biển. Các hình ảnh ngư dân Việt nam bị cướp bóc được lan truyền khắp hệ thống mạng, đặc biệt là đoạn Clip quay cảnh tàu chấp pháp Trung Quốc rượt đuổi và đè bẹp tàu cá Việt Nam được đăng tải trên mạng khiến dư luận bàng hoàng về những gì đang diễn ra ở Biển Đông. Sự việc lên đến cao trào khi Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào lãnh hải Việt nam ngang nhiên khoan thăm dò. Trong cùng thời gian, Trung Quốc bồi lấp 7 đảo nhân tạo với kích cỡ khổng lồ tại khu vực Trường Sa. Là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, với hệ thống tin tình báo quốc phòng trong tay, ông Thanh biết những điều đó trước bất cứ ai. Nhưng riêng ông vẫn thấy "tâm tư và lo lắng" không hiểu tại sao người Việt Nam cứ ghét Trung Quốc. Trong bối cảnh quyền lợi quốc gia đang bị đe dọa sống còn, sự "tâm tư" ấy của Bộ Trường Bộ Quốc Phòng khiến nhiều người Việt Nam "tâm tư", nhưng theo một cách hoàn toàn khác. 

Việc ông Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm và hội đàm chính thức với Tổng thống Obama ngày 08/07/2015 gây một cơn bão truyền thông cả trong và ngoài nước. Ảnh hưởng của nó lớn đến nỗi có một tờ báo Trung Quốc đăng tin về sự thất thế của "phe thân Trung Quốc" trong hệ thống chính trị Việt Nam. Cũng theo tờ báo Trung Quốc này, thì phe thân Trung Quốc ấy có tên đích danh của ông Phùng Quang Thanh. Dù sao thì đây là một tờ báo thuộc nước lạ. Chúng ta không nên tin theo những lập luận được đài địch nêu ra :) Anh Lãng không bình luận về sự thật của nội dung này. Anh rất "tâm tư". 

Cũng trong thời gian ngắn ngủi vài tuần ông Thanh trị bệnh, một loạt vị trí trọng yếu của Bộ Quốc Phòng có sự thay đổi, trong đó có vị trí Tư lệnh và Chính ủy Quân khu thủ đô, đồng loạt được thay thế trong cùng thời điểm. Đây là những vị trí rất trọng yếu, nắm quyền bảo đảm an ninh cho hệ thống chính trị Việt Nam, nói cách khác là ngoài nghĩa vụ chống ngoại xâm, thì đây là lực lượng chống đảo chính trọng yếu khi trấn giữ sự an toàn cho trung tâm đầu não chính trị của Việt nam. Những sự thay đổi đột ngột này, đặc biệt khi gắn với sự biến mất của ông Thanh, càng khiến có nhiều đồn đoán. 

Theo thông tin mới nhất, ông Thanh mới chỉ ra đi hụt. Một việc đáng mừng cho ông và gia quyến. Tuy nhiên sự chết đi sống lại của ông trên truyền thông cho thấy khiếm khuyết cơ bản của hệ thống truyền thông chính thống nằm dưới sự quản lý của nhà nước ở Việt Nam, khi các tin tức nhạy cảm luôn nằm trong vùng mờ và khiến những tin đồn có đất sống mãnh liệt. Điều đó khiến đa số người dân ngày càng có xu hướng tìm kiếm thông tin từ báo chí nước ngoài và các trang mạng thay vì nguồn tin báo chí trong nước.

Trong 9 năm làm ông Thanh làm Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, Việt Nam vẫn cần mẫn và chịu khó mua sắm vũ khí hàng năm. Tất nhiên cần phải hiểu rằng, chính sách quốc phòng mua sắm trang bị để phòng thủ của Việt Nam luôn nhất quán kể từ năm 1990 đến nay, qua rất nhiều đời Tổng Bí Thư, Thủ Tướng và Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng. Do đó không thể nói ông Thanh là người thúc đẩy chu trình ấy. Ngoài ra, cơ chế quyết định của Bộ Chính Trị Việt Nam, cơ quan quyền lực tối cao, là một cơ chế mang tính tập thể. Thành ra thực sự ông Thanh nghĩ gì trong đầu thì chỉ mình ông biết. Ông ấp ủ bí mật của riêng mình, giống như nhiều nhân vật cấp cao ở vị trí của ông. 

Sự ra đi hụt của ông Thanh, khiến người ta nhớ tới câu: "Cát bụi trở về với cát bụi". Vài năm trước, một vị Đại Tướng Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng khác về với thời gian là Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, có hàng chục vạn người đến viếng lễ tang ông một cách hoàn toàn tự nguyện. Từ đó đến nay, mộ ông Giáp có hàng vạn người đến viếng mỗi năm. Một dấu ấn không thể mờ phai cho những gì mà lịch sử và dân tộc ghi nhận cho cống hiến của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đối với nền độc lập quốc gia. Khi ông Giáp còn sống, ông chỉ là một người bị tước bỏ quyền lực trong nhiều chục năm, còn ông Thanh đang nắm trong tay mọi quyền hành của một ủy viên bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Ông Giáp chỉ có trong tay sự kính trọng còn ông Thanh nắm trong tay quyền lực. 

Giờ đây ông Thanh chết đi để rồi sống lại khi còn đương chức. Ông Thanh có dịp may hiếm có quan sát phản ứng của người dân trước tin tức về cái chết của mình để trả lời câu hỏi: "Lịch sử và dân tộc sẽ có đánh giá gì cho ông về những điều ông đã làm cho đất nước này?" Những nhân vật chính trị còn đương chức khác, giờ có một dịp may để quan sát và chứng kiến sự khác biệt. Trong một thiên Lãng luận bàn về di sản của "Đại Tướng Võ Nguyên Giáp", anh Lãng cũng từng phân tích về điều mà ông Giáp tác động đến lịch sử ngay cả khi ông đã chết. Những quan chức cấp cao Việt Nam, một lúc nào đó, chính họ sẽ phải đặt câu hỏi rồi chuyện gì sẽ diễn ra khi đến lượt mình? 

Một lời chúc mừng dành cho ông Thanh, hiếm ai có cơ hội chết đi sống lại trên truyền thông và gây một cơn bão dư luận như ông. Tuy nhiên, những sự kiện diễn ra quanh scandal truyền thông này khiến một câu hỏi trở nên nhức nhổi: "Chết là hết, nhưng mỗi sự ra đi rồi sẽ để lại thông điệp gì cho lịch sử và hâu thế?"


P/S Anh sửa lại note này, thông tin giữ nguyên và phù hợp hoàn toàn với tin tức hiện nay mà DPA đã loan báo gần nhất. Mọi nội dung phân tích đều giữ nguyên, chỉ chỉnh những đoạn về cái chết của ông Thanh thành phủ định. Thật ra câu chuyện của ông Thanh chỉ là cái dẫn đề và hoàn toàn không ảnh hưởng tới ý tứ toàn cục mà anh muốn truyền tải. 

Theo Facebooker Lang Anh

3 nhận xét:

nguyentandung.org nói...


Bộ trưởng BQP Phùng Quang Thanh bức xúc thông tin sai lệch của DPA

Trao đổi với PV chiều ngày 20/7, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam khẳng định thông tin Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh qua đời tại Pháp chỉ là tin đồn thất thiệt, không chính xác.
“Tôi vẫn trực tiếp liên lạc với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. Sức khỏe của Bộ trưởng hoàn toàn ổn định, không có vấn đề gì. Tôi có trao đổi với bác Thanh về thông tin mà DPA đưa tin về sức khỏe của ông và ông đã rất bức xúc trước thông tin này” – ông Tuấn cho biết.
Trung tướng Tuấn cho biết, hiện sức khỏe Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, đang tiến triển tốt.

Lê Tiến Độ nói...

Tin ai???

Cả tuần lễ nay vấn đề sống-chết của “hèn tướng quân” đã chiếm nhiều giấy mực và thời giờ của bà con khiến trở nên nhàm chán, mình cũng đã nói về vấn đề này rồi, nhưng hôm nay có vài điều xin nhấn mạnh:
Trước tiên mình quan niệm là thông tin cần nghiêm chỉnh, chính xác. Các stt có thể bêu riếu, khôi hài hoá cái chế độ ngốc nghếch này, nhưng khi loan tải thông tin thì cần phải thận trọng về mức độ chính xác, không thể nói lòng dân muốn những tên ăn hại này chết sớm nên có thể chế ra đủ mọi tin tức theo chiều hướng này để đáp ứng thị hiếu chung. Chúng ta cần tạo mức độ khả tín của làng “báo tư nhân” để mọi người thấy rõ nó khác tin tức sai lạc nhảm nhí của báo chí nhà nước.

Hiện nay có 2 bản tin: của DPA nói ông Thanh đã chết, và của báo nhà nước nói ông Thanh còn sống. Chúng ta tin vào bản tin nào?

Đã sống và làm việc ở Đức gần 20 năm, mình biết báo chí Đức rất thận trọng khi đưa tin và tin của họ khá đứng đắn, chính xác. Nếu có điều gì sai lạc thì họ sẵn sàng cải chính, xin lỗi. Ngược lại, báo VC thì đã nổi tiếng là sai lạc, dối trá, chà đạp sự thật. Đó là yếu tố thứ 1 để nhận định, tin người không hề dối trả hay tin kẻ chuyên dối trá xài bạc giả? Trả lời: lợi thế về phiá DPA.

Kế tiếp, cả 2 bên đều không đưa ra được chứng cứ cụ thể. Có người nói DPA lấy tin của 1 người VN ở VN... điều này không quan trọng, vì dù lấy tin của ai nhưng họ phải bảo vệ nguồn tin mà không tiết lộ người, thì khi đã dán nhãn DPA thì đó là của DPA chứ không còn là từ cá nhân nào nữa. Ngược lại, phiá nhà nước VN rất dễ dàng để chụp 1 tấm hình tướng Thanh đang đọc tờ báo Pháp (Le Figaro chẳng hạn) có đăng ngày tháng mới nhất là đủ cải chính, thay vì loay hoay phỏng vấn hết “đồng chí” này đến ông tướng kia mà dư luận nhất quyết không tin. Ở điểm chứng cứ, nhà nước VC cũng bất lợi hơn.

Chưa nói đến việc báo nhà nước đăng tin DPA cải chính, xin lỗi mà chẳng thấy dẫn nguồn gì cả. DPA chỉ bổ túc việc nhà nước VN bác bỏ tin của họ, nhưng vẫn xác định tin hôm trước đã loan (Xem: http://thuymyrfi.blogspot.com/…/ong-phung-quang-thanh-con-s…). Ở điểm thái độ loan tin, mình cho rằng DPA già dặn, bản lãnh hơn phiá VC.

Từ vài nhận định căn bản như trên, thuần trên lý thuyết, mà không vì căm ghét hay thù oán gì ông Thanh, mình tin theo bản tin của DPA. Việc nhà nước sẽ dàn dựng về cái chết này như thế nào là chuyện sẽ xẩy ra trong thời gian ngắn, nhưng nó không phải là chuyện dể dàng vì không phải chỉ là cái chết của 1 cá nhân “hèn tướng”, mà còn phơi bầy sự đấu đá ngày càng quyết liệt giữa 2 khuynh hướng “lạy Tầu” và “ôm Mỹ” trong đảng CSVN.

Nguyễn Thúy Hạnh nói...

Dư luận người Việt trong và ngoài nước, trên internet hay ở vỉa hè, trong những gia đình hay trên từng ngõ hẻm... đều dậy sóng thông tin về Tướng Thanh bị bắn, phẫu thuật ung thư phổi, bị quản chế, Thanh giả, Thanh thật. v.v... với những lời bình luận đầy khinh bỉ, căm ghét, phẫn nộ...
Thanh còn sống, bị quản chế, đang bệnh tật hay vẫn ôm quyền lực, điều đó đâu còn quan trọng, bởi Thanh cũng đã chết hẳn trong lòng dân Việt, chết một cách nhục nhã bằng những lời nguyền rủa. Điều quan trọng là, sự kiện này cho thấy dân ta không hề thờ ơ với vận nước, người Việt ta ngàn đời căm ghét Tàu và những kẻ bán nước, dẫu đảng bấy lâu nay cố dùi vào tai dân, vừa dọa vừa dỗ dân rằng Trung Quốc là bạn vàng, là anh em môi răng cật ruột... Đặc biệt những kẻ đang rắp tâm bán nước đã lộ mặt hoặc chưa lộ mặt thấy đây mà kinh cái kết cục của chúng nếu vẫn cố tình bán rẻ những tấc đất thấm đẫm máu xương của ông cha ngàn đời.
Tiền của không thể mang theo xuống mồ, nhưng cái nỗi nhục và tội ác bán nước thì ngàn đời gắn chặt với tên tuổi đó, nhân dân ngàn đời vẫn còn nguyền rủa.