Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

ANH TƯ*


   Mọi người cha đều muốn dành cho con những điều tốt nhất mà mình có. Đó là sự chính trực, là danh dự của một người đàn ông. Người đàn ông trong câu chuyện dưới đây cũng vậy. Ông luôn dạy dỗ sắp nhỏ phải thẳng thắn nhận lỗi khi trót làm việc xấu. Nhưng nếu bị ra tòa, ông không biết phải nói với những đứa trẻ như thế nào, trong mắt những đứa trẻ, hình ảnh của cha chúng hẳn sẽ khác đi!Đôi khi trong sự o ép của cuộc sống, không phải bao giờ chúng ta cũng có thể sống đúng như cách mà mình dạy con cái.
 Chẳng biết có đúng không, nhưng tôi vẫn tin rằng 100% những người cha đều không dưới một lần tìm cách nhìn vào mắt những đứa con để xem hình ảnh của mình phản chiếu trong mắt trẻ ra sao.
Bạn bắt đầu nghĩ về điều đó từ khi nào? Hãy đọc câu chuyện  có thật của một người cha dưới đây.


***

 Nhận cuộc gọi khẩn của bên cảnh sát nhờ mình tới dịch cuộc lấy cung một nghi phạm người Việt, tới nơi đã có người đứng đợi chỉ cho mình chỗ đậu xe để vào trong cho nhanh chóng.

Phòng tạm giữ nằm ngầm dưới đất, phải xuống cầu thang và đi đường hành lang dài không cửa sổ, ánh đèn chiếu sáng suốt ngày đêm, làm mất cảm giác về thời gian, chẳng hiểu sao lúc đó mình lại liên tưởng đến mấy cái casino – chả nơi nào có ánh sáng ban ngày, mà toàn là ánh đèn vàng làm người ta ở đó rồi là cứ triền miên không biết đâu là ngày đâu là đêm.


Trong phòng chỉ có hai người cảnh sát còn trẻ, một cậu đang cắm cúi vào cái computer ở cái bệ như quầy lễ tân, chỉ gật đầu chào rồi lại mải miết gì đó, có vẻ không để ý xung quanh; còn cậu này cũng rất trẻ và bảnh trai, mái tóc vàng hơi loăn xoăn, nói nhỏ cho mình hay – vụ̣ ăn cắp ở siêu thị ấy mà. Đồn cảnh sát gần khu shopping lớn ở Sydney, nên việc gì ở đó đều mang vào đây cả.
Rồi là lăn tay, lập hồ sơ, ký biên bản – như thường lệ, người ta hỏi nghi phạm ‘Ông có cần luật sư không?’ Người này cuống lên lắc đầu quầy quậy ‘Không không ạ!’

Anh Tư tuổi ngoài 40, trông khắc khổ, vẻ nhẫn nhục, gương mặt thảng thốt như đang chìm trong cơn ác mộng – ai mà chẳng thế trong cảnh khốn khổ này. Sau một hồi ‘thẩm vấn’ hóa ra là nhà này có bốn con còn đi học, chồng lãnh trợ cấp thất nghiệp, vợ lãnh trợ cấp nuôi con, cũng tạm đủ chi tiêu, nếu thu xếp khéo cũng có chút để dành. Nhân khi đứa lớn đi cắm trại, đứa nhỏ ở chơi với con nhà họ hàng, hai vợ chồng anh rủ nhau đi casino – ảnh bảo không phải là người cờ bạc, đây là lần đầu đi chơi thâu đêm, càng chơi càng thua nên cứ cố gỡ, rồi thua cho đến khi nhẵn túi.

Kẹt cái, trong số tiền thua bạc, có 20 đô là của con gái “biết ba má lên phố nên nó nhờ tôi mua cái băng đô ở chỗ này, cái có bông màu hồng, không còn đồng nào trong túi, về tới nhà thì nó cũng về tới. Quẫn trí, lại thấy chỗ ấy đông người, mà kệ hàng bày ngay gần cửa nên tôi làm liều.”

Người vợ đã được cho về nhà, còn anh nói vì phải chờ tôi vì anh không biết tiếng Anh và để giúp anh xin cảnh sát tha cho anh! Người cảnh sát trẻ ôn tồn giải thích:
- Ông ký vào đây rồi về được rồi. Chúng tôi xong thủ tục để truy tố ông ra tòa. Bên tòa sẽ quyết định có tha ông hay không, nếu không được tha thì tòa quyết định việc phạt. Ông sẽ nhận được giấy báo qua đường bưu điện để biết ngày ra tòa.
- Có cách nào cho tôi biết ngày ra tòa mà không phải nhận giấy qua bưu điện không̣?
- Thế để tôi thu xếp cho cảnh sát tới nhà trao giấy cho ông.
Nãy giờ anh Tư vẫn còn vẻ buông xuôi 'ráng làm ráng chịu' chắc cũng tưởng việc nhỏ rồi bị phạt nhẹ là xong. Khi nghe tới đó, mặt anh trắng bệnh như sáp, trông anh như không còn sinh khí. Anh nhìn tôi cầu cứu trong ánh mắt tuyệt vọng:
- Chị ơi, chị có cách gì nói giúp tôi, tôi không thể nhận giấy, tôi không thể để cảnh sát tới nhà. Tôi sẵn sàng ra tòa, tòa phạt sao tôi chịu vậy, nhưng lỡ có đứa trẻ mở hộp thơ và đọc giấy tờ sẽ biết chuyện, mấy ông cảnh sát tới nhà còn chết tôi hơn, làm sao giấu được chuyện này. Chị ơi làm ơn nói mấy ông giúp tôi.
- Việc ăn cắp bị bắt quả tang là bắt buộc phải truy tố, không có ngoại lệ. Chúng tôi chỉ có hai cách ấy để báo ngày ra tòa thôi.
Đến đây, anh Tư nghẹn ngào: “Sắp nhỏ mà biết chuyện thì tôi làm sao dạy con được nữa. Thế này chắc tôi mất con rồi chị ơi!” rồi anh gục mặt xuống hai đầu gối khóc như mưa.

Người cảnh sát đang tác nghiệp đứng ngây ra nhìn cảnh ấy, còn người cảnh sát kia có vẻ hiểu chuyện, vẫy cậu ra một chỗ nói nhỏ rồi biến đi sau cánh cửa. Một lúc sau cậu này trở lại cùng ông cảnh sát trưởng, dáng bệ vệ với mái tóc hoa râm, ông này nói với anh Tư:
- Tôi được quyền hạn ra quyết định miễn tố. Ông không có tiền án, tiền sự và lúc vi phạm đã mất tỉnh táo, hội đủ tiêu chuẩn để tôi xét chấm dứt vụ này để ông khỏi phải ra tòa. Tôi cũng có con cái. Tôi chỉ mong sẽ không bao giờ phải gặp lại ông vì phạm pháp.

Người cảnh sát đưa anh Tư ra với tự do và ánh sáng mặt trời! Mình còn nán lại làm nốt mấy cái giấy rồi cũng ra, thấy anh còn đứng đó có ý chờ mình.
- Cảm ơn chị đã nói giúp việc của tôi với mấy ông cảnh sát.
- Không có gì đâu anh, tôi chỉ dịch thôi, việc của tôi mà.
Thấy vẻ ngần ngừ của anh như còn muốn nói gì nữa, mình chợt hiểu:
- Anh đừng lo, tôi mà lộ chuyện thì tôi mất việc anh ạ. Anh cứ yên tâm về nhé. Chúng ta coi như chưa bao giờ gặp nhau. Chào anh tôi đi nhé.

Mình lái xe đi, anh Tư* không phải là tên thật của anh ấy, ghi thế để nhớ về người cha tội nghiệp ấy thôi. Từ đó mình cũng chẳng bao giờ gặp lại anh Tư nữa. Thỉnh thoảng chỉ nghĩ, đã hơn chục năm rồi, chắc cô bé thích cái băng đô có bông màu hồng nay cũng người lớn rồi.


 Kim Chi

Không có nhận xét nào: