Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Sống như Anh (Đà Linh)

Sao một người thông mình, tốt bụng như anh lại chết trẻ?
Chúng ta, người viết và độc giả nhớ anh, mang ơn anh. Ao ước có người mới nào đó còn sống, đủ dũng cảm như anh.(DHD)

1. Chiều muộn một ngày tháng Sáu, trong ngôi nhà ngói cũ, chuông điện thoại ngân dồn. Đương dở bữa cơm, bố chạy vào cầm máy rồi nghiêm nghị bước ra. "Ông Nhà xuất bản Đà Nẵng. Không in ấn gì thời điểm này con nhé. Mới có một tý trên Văn Mới mà đã no đòn." Tôi đứng dậy cười cười giả lả trấn an bố: " Trời ơi! Bố nghĩ sẽ có giấy phép à bố?" Bố tôi thở dài, cái thở báo hiệu cơn giông bão chuẩn bị đổ xuống tuổi 26 non nớt của con gái mình. Bởi đầu dây bên kia là nhà văn Đà Linh, Tổng biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng. 

Điềm đạm, từ tốn, chậm rãi, ông nói sẽ cấp phép cho Bóng Đè với một vài điều kiện. Đó là lần đầu tiên tôi "gặp" Đà Linh, người mà đa số anh chị văn chương hay dùng các mỹ từ để miêu tả. "Diệu về quê giỗ bà nội hay bà ngoại?" Câu anh hỏi khiến tôi ngạc nhiên, thể hiện sự quan tâm tới người đang giao tiếp một cách thật lòng. Tôi cũng nhớ cách dùng từ, dùng câu của Đà Linh. Lịch lãm, chừng mực, không lạnh, cũng chẳng vồn vã. Chuyện hiếm trong giới văn nghệ sĩ nước ta, nhất là với tác giả Bóng Đè, thời điểm ấy. Khi cuộc trao đổi đến cao trào, khi anh nói điều kiện tiên quyết để cấp giấy phép là phải để ra "Tình Chuột", "Những sợi tóc màu tang lễ", "Cô gái điếm và năm người đàn ông", tôi nghe Đà Linh cười. Một cái cười nhẹ, như nói Diệu hãy hiểu, thế đã quá sức rồi, mây đen đang dần tích tụ trên đầu tôi, nhìn đi. Đặc biệt, anh dùng từ để ra, mà không bỏ bớt hay cắt đi. Tôi gọi ấy là ngôn ngữ cẩn trọng. Kiểu cẩn trọng có từ kiến thức, tâm hồn và lối sống. Cái cẩn trọng không cần uốn lưỡi dù chỉ một lần trước khi nói. Và tôi đã đồng ý các điều kiện anh đưa ra. Dù trước đó, tôi từng cảnh báo bầu sách Dương Thắng : một chữ cũng không được cắt, không in thì thôi! Quyết định đó đã mang đến bước ngoặt trong đời tôi. 

Cũng nên nói một chút lịch sử trước tờ giấy phép của nhà Đà Nẵng. Khoảng 2002, để in sách cho bố, tôi qua lại nhà xuất bản Văn học vài lần, tiếp xúc với biên tập viên Anh Vũ. Biết tôi từng có giải Tác phẩm tuổi xanh, và thỉnh thoảng vẫn viết, anh hỏi sao không làm một cuốn đi. Thời gian đó, tôi gặp nhiều chuyện, đang giữa vòng mê lú, nghĩ chuyện in sách biết đâu bớt lú mê. Bèn tập hợp một số truyện đưa cho Anh Vũ. Mà hồi đó chưa hề có "Bóng đè", "Vu quy" hay "Dòng sông hủi". Vài tuần sau, tôi nhận điện thoại của một người xưng tên Minh, Phòng văn học trong nước. Ông nói bản thảo của cháu là một trong vài bản thảo hay nhất mà chú nhận được gần đây, nhưng rất tiếc không thể cấp phép, vì vấn đề nhạy cảm. Tôi lặng im mà cười. Mấy ngày sau, người dự định tài trợ cho tôi in sách về Hà Nội, buồn thiu nghe kết quả. Ông cứ hỏi tại sao tại sao. Tôi bấm điện thoại của ông Minh rồi đưa máy cho Việt kiều Mỹ ngây thơ, nói người này sẽ giải thích. Có vẻ ông Minh rất tử tế, kiên nhẫn diễn giải tình hình, còn cả lời xin lỗi nên Việt kiều hạ hỏa. Ba năm sau, khi Bóng Đè ra đời, trong một bài phỏng vấn, ông Giám đốc NXB Văn học Nguyễn Văn Cừ ngạo nghễ vuốt râu ha ha: trước có xin chỗ tôi, nhưng tôi đời nào cấp phép cho loại sách ấy! Nên nhắc lại một lần nữa, bản thảo mà tôi gửi Văn học gồm nhiều truyện khác với tập Bóng Đè mà Đà Nẵng xuất bản. Thế mà ông Cừ phán như thể ông ta đã đọc và đã hiểu nó, nên khôn ngoan chối từ! 

Kể ra chuyện này để thấy cái tầm của người biên tập sách Đà Linh. Dù đặt anh cạnh Nguyễn Văn Cừ thì thật có lỗi. Qua trò chuyện, tôi biết anh đã đọc không sót một chữ tập bản thảo của tôi, anh lựa lời đề nghị nên bỏ ra từ này từ kia với thái độ có hiểu dụng ý của tác giả nhưng muốn sách in ra được phát hành, buộc phải làm thế, khi tái bản sẽ tính sau. Giả dụ nếu người khác nói thế, có khi tôi sừng cồ, nhưng với Đà Linh tôi đã đồng ý. Vì tôi nghĩ anh hiểu chuyện và anh có tâm. 

Thế là, trên điện thoại, một chiều hè gắt, số phận Bóng Đè được định đoạt. In truyện nào, gạch từ nào, xong xuôi hết. Cúp máy, thông báo với bố, rồi tôi gọi phone nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông nói có Bóng Đè là ổn rồi, những truyện khác tìm cơ hội sau. Đà Linh dám in à? Giỏi thật!

2. Sáng, nhà hàng, đường Trần Hưng Đạo. Cái bắt tay của Đà Linh nhẹ nhưng ấm. Lần đầu tiên gặp " ông chủ Đà Nẵng" , tôi có chút ngỡ ngàng. Sáng, trắng, thanh, gọn, hiền. Không đúng tiêu chuẩn nhà văn của " bố già" Châu Diên: nhờ nhờ ,cũ cũ, bẩn bẩn. Lúc này Bóng Đè đã phát hành, ông bầu Thắng đang " nặng túi". Sau dăm câu thăm hỏi, Đà Linh bất ngờ hỏi thẳng: "Em được bao nhiêu tiền nhuận bút?" Tôi ngó Dương Thắng thay câu trả lời. Mặt Đà Linh nghiêm lại quay sang Dương Thắng: "Sách bán chạy thế, tăng phần trăm nhuận bút lên cho Diệu. Ít nhất cũng phải 15%" 

Khung cảnh nhà hàng trên phố Trần Hưng Đạo hôm đó, tôi nhớ rõ. Từng lời Đà Linh nói, tôi thuộc. Bởi không chỉ "cả gan" cho in Bóng Đè, nhà văn Đà Linh còn thật lòng quan tâm đến quyền lợi của tác giả, chuyện không phải trách nhiệm của anh. Chỉ vài cử chỉ, dăm ba lời nói, ấn tượng mà anh để lại trong tôi rất khó quên. Thực tế, tôi không biết nhiều về Đà Linh, tác phẩm của anh đến bây giờ mới chịu tìm đọc.

3. Đi Hải Phòng thăm chú Bùi Ngọc Tấn. Xe 12 chỗ  kín "lão làng", chuyện như pháo nổ suốt hành trình. Chỉ hai người gần như không nói gì, hoặc có nói hay cuời cũng rất nhẹ. Một trong hai là Đà Linh. Tôi đã nghĩ có thể anh không muốn chuyến đi này, có thể tâm trí anh đang ở đâu đó. Nhưng anh là người khởi xướng, chẳng lý nào...Thắc mắc, bố già Châu Diên cười toáng : "người ta lịch lãm thế, đâu có bắng nhắng như cái thằng đầu bạc". Cũng phải. 

Khi chúng tôi ghé thăm nhà cô Đoàn Lê, có chi tiết khó quên. Mọi người, ông cầm tay cô Đoàn Lê trìu mến, ông ngó nghiêng giá sách, ông xuýt xoa ngắm vườn vặt ổi, thì Đà Linh đi nhặt rác. Anh lom khom xếp gọn đôi dép nơi góc sân, vun những chiếc lá rụng vào góc khác. Giống người em trai ở xa mới về thương chị yếu già.

Bữa tối chia tay chú Tấn ở một nhà hàng, mỗi tôi đàn bà con gái. Khổ nỗi, từ nhỏ tới lớn tôi chỉ quen ăn hại, không biết nấu nướng đã đành đến nhặt rau cũng khó khăn phân biệt lá già cọng non. Nên nồi lẩu nước cứ sôi, mấy bác cứ nói chuyện, cứ chờ đợi giống tôi. Đà Linh từ đầu bàn rời ghế đi lại. "Em lại chỗ kia ngồi cho đỡ khói, nói chuyện với anh Thái." Quả khói thật, tôi đổi chỗ ngay. Rồi Đà Linh đứng cạnh nồi lẩu tay đũa tay thìa thoăn thoắt chần thịt chần rau cho mọi người. Trên đường về, tôi nói vài câu cám ơn anh và chống chế cho sự vụng về của mình. Anh cười thật hiền, có gì đâu em, phụ nữ thì phải được ưu tiên.

4. Lần thứ tư, lần cuối cùng, chiều nực vỡ một ngày giữa hè 2012, bệnh viện Việt Đức. Anh xanh xao mỏi mệt sau cuộc đại phẫu. Nhưng nụ cười hiền vẫn nhẹ hiện khi Phạm Xuân Nguyên, Trần Trọng Văn và tôi bước vào. Không kêu ca đau đớn, không kể lể bệnh tình, anh gắng gượng hỏi thăm chúng tôi. Diệu mới về à, Nguyên cắt tóc hay sao thế? 

Chiều ấy, rời bệnh viện, về khách sạn, tôi gọi điện cho chồng : "Ông chủ Đà Nẵng bị bệnh nặng lắm". " Ông làm Ba Người Khác phải không?" Không chỉ Ba Người Khác mà rất nhiều rất nhiều người khác phải cảm ơn anh ấy. Giải thích cho một công dân Mỹ chuyện này khó biết chừng nào.


Ohio ngày mưa tháng Bảy năm 2014
Theo DHD

Tin liên quan: 

Ám ảnh Trung Hoa trong “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu

Không có nhận xét nào: