Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

HẠ TUỒNG ĐI, ĐỪNG BỠN CỢT NỮA

Công Lý là một diễn viên hài.
Mấy hôm nay, có lẽ chuyện để cười, và cười ra nước mắt, chính là chuyện "nuôi gà vịt, nuôi lợn" mà có thể xây được biệt phủ. Lúc đầu đọc, tôi cứ nghĩ là chuyện phiếm. Nhưng không, cuối cùng là phát ngôn thật, là lý lẽ thật!
Và rồi, "anh em nhà lý do" lại được trình làng. Người ta xem lại những lý giải kiểu lý giải khôi hài trước đây như làm ruộng sứt cả tay chân để giàu có; bán chổi đót để thành đại gia; bán men rượu, chạy xe ôm để thành tỷ phú, để tập hợp thành những lý do giàu có chỉ có ở xứ ta.
Những điều này, cứ bỡn cợt như mấy bác nông dân ở quê vui tính kể với nhau những điều không thể chỉ để cười cho sảng khoái ngoài đồng ruộng để quên đi mệt nhọc cơ cực.
Mấy ông quan cũng lại khôi hài bỡn cợt, nhưng lại không giúp những trận vui cười sảng khoái. Mà có cái gì đó đắng đắng, đau đau. Đắng đắng cho những người nuôi lợn, nuôi gà, bán chổi, chạy xe ôm chân chính, đổ mồ hôi sôi nước mắt để lo toan cuộc sống mưu sinh.
Và có cái gì đó, rất ác, rất thách thức.
Thách thức một cách rất bỡn cợt, rất cùn. Cùn như "đại gia điếu cày", bị điểm tên chỉ mặt vụ thuế má thì đốp chát: "Đi mà hỏi ông Khương ấy".
Thế đấy. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi thứ đều có thể đùa cợt, kể cả đó là những nỗ lực lớn lao của toàn dân vì một xã hội trong sạch và liêm chính, thì người ta vẫn có thể cợt nhả như thế!
Nhìn đi thì có nhìn lại, sự cợt nhả ấy phải chăng do "chờn thuốc"? Và tôi có thể đặt câu hỏi ngược lại, việc chống tham nhũng và quyết tâm chống tham nhũng ở Việt Nam đã thực sự là "chống" và thực sự là "quyết tâm" hay chưa? Thì chắc có lẽ là chưa.
Chưa thì mới có những kẻ bỡn cợt kiểu này chứ!
Sẽ không quá khó nếu chứng minh tài sản của một con người, nhất là một ông cán bộ. Vấn đề là chứng minh hay chưa. Phép tính đơn giản nhất là thời gian cơ học, ông làm một ngày bao nhiêu tiếng, ông giao dịch những gì mà có nhà cao cửa rộng, ông lấy tiền đâu ra mà xây biệt phủ..., chẳng có gì là khó. Ông kinh doanh buôn bán gì? Ông nộp thuế ở đâu? Ông vay tiền ngân hàng để xây nhà to thì ông lấy tiền đâu trả lãi?
Ngay cả các ông ấy, khi nói mình "nuôi lợn", các ông thừa biết là mình nói bỡn cợt, nói thách thức pháp luật, thách thức luôn cả đất nước, nhưng vẫn nói, kiểu nhơn nhơn làm gì được tao nào!
Mà nói thật, các quan cấp tỉnh nào, không biệt phủ thì cũng nhà cửa cao ngất khiến muôn dân phải ngước nhìn thèm muốn. Mấy ai là không xe sang, con toàn đi học nước ngoài tiêu tiền như rác?
Thử khui ra đi, lại bỡn cợt, lại thách thức ngay ấy mà. Hôm nay thì lợn thì chổi, mai thì giàu nhớ bán đồ thùng, bán hủ tiếu gõ, bán bong bóng bên vỉa hè không chừng. Và bao nhiêu nghề nghiệp chân chính của người nghèo khổ lại bị đưa ra diễn tuồng cười cợt.
Nhưng, không cười nổi rồi đấy!
Tham nhũng xưa nay người ta chỉ nhìn ở góc độ tham nhũng vật chất. Là nhà là xe là tiền. Còn nữa, tham nhũng chức tước. Một người làm quan thì kéo theo cả dây anh em họ hàng cùng làm. Còn nữa, tham nhũng nhân phẩm. Lên quan lên chức kéo phe kéo cánh đấu đá. Việc cho dân thì không làm. Nồi của mình thì khư khư giữ và đấu đá.
Hôm qua, tôi có đọc một bài viết, là một người Nhật sống ở Việt Nam, nhìn về Việt Nam, họ không ngần ngại nói rằng, dù xã hội Việt Nam phát triển nhưng VN không thể ngóc đầu lên nổi, vì cái thói hư tật xấu của style làng xã ăn vào máu người Việt.
Ăn vào máu, để dân thì thành gian, quan thì tham khủng; tham kéo theo cả họ cùng tham cùng hưởng. Ăn vào máu để xem tham là bình thường và thoả hiệp với cái tham ấy, cũng bình thường.
Dân sống mất căn bản. Quan sống mất lương tri. Cuối cùng thì quan cứ thế mà thách thức, mà bỡn cợt với dân với nước. Dân thì cùng lắm chế vài chuyện hài cho vui, rồi đâu ra đấy. Công Lý vẫn mãi mãi là một diễn viên hài.
Lại kiểm điểm. Lại luân chuyển. Có gì mới hơn không? Có gì mạnh tay hơn không để dân tin, để dân yêu, để dân đồng hành? Có gì xoá được cái nạn cười cợt và hạ những cái tuồng cười này không?
Để minh oan cho Công Lý, rằng anh ấy là nghệ sĩ ưu tú chứ không phải anh hề. Để trả lại sự trong sạch cho đám gà lợn, chổi chít và men nấu rượu và vô số những nghề sắp đưa ra để bỡn cợt nữa.
Trong lúc chờ đợi chút gì tươi sáng, thôi việc của ta là hãy dạy những đứa trẻ theo cách của một người chân chính rằng cái gì không phải của mình thì đừng lấy. Đừng nói dối. Biết tôn trọng tài nguyên và thiên nhiên. Biết yêu thương đồng bào mình, những người khốn khổ đang làm các nghề như xe ôm, nuôi lợn nuôi gà và đừng bỡn cợt với họ bao giờ. Họ khổ lắm rồi.

Dạy, để chúng sống cho ra một con người.
fbker Hoàng Nguyên Vũ

Không có nhận xét nào: