Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Về những chiến binh tử nạn tết Mậu Thân 1968 ở Tân Sơn Nhất.


Trần Mạnh Hảo: Theo báo “Tuổi Trẻ” số ra ngày thứ ba 27-6-2017, trang 18,19 bài “Phía đường băng còn đó các anh nằm” có in một tấm bia của những người lính Việt Nam cộng hòa đặt trên nấm mồ tập thể của cả trăm người lính giải phóng chết trong ngày tết Mậu Thân trong sân bay Tân Sơn Nhất như sau : “Nơi đây an nghỉ những chiến sĩ lầm đường đêm mùng một tết Mậu Thân . Linh thiêng xin các bạn hãy giúp cho xứ Việt Nam thân yêu của chúng ta mau thái bình”. Báo “Tuổi Trẻ” khi in đã bỏ hai chữ “lầm đường” thành ra sai sự thật.
Viết khi đọc lời cầu hồn ưu ái của người lính Việt Nam cộng hòa dành cho nấm mồ tập thể của đối phương :
 CÁM ƠN KẺ THÙ
Thơ Trần Mạnh Hảo
 Trên nấm mồ chung của đối phương họ cầu hồn và sẻ chia
Trân trọng gọi kẻ thù vừa chết kia là chiến sĩ
Hỡi những ai suốt cuộc chiến tranh chỉ biết căm thù mất hết lý trí
Có bao giờ thương tử sĩ phía bên kia ?
 Sài Gòn 29-6-2017
***

Đã có ý kiến chất vấn đương kim Bộ trưởng - Đại tướng Ngô Xuân Lịch rằng: "Là tướng chính trị, làm chính sách, 42 năm quản lý Sân bay Tân Sơn Nhất, các ông vẫn để đồng đội nằm trong các hố chôn tập thể (có biển tưởng niệm) đến 49 năm!"

Còn nhà báo Nguyễn Thông (*) thì cho rằng nguyên nhân là những tấm biển tưởng niệm do quân đội Hoa Kỳ và Quân lực VNCH dựng lên đã bị huỷ hoại nhằm phi tang trận chiến thất bại đẫm máu tết Mậu Thân 1968 với cả ngàn chiến binh dũng cảm hy sinh ở Tân Sơn Nhất.

Theo tôi, việc phá huỷ những tấm bia mộ khổng lồ này phải là chủ trương của cấp cao nhất trong Quân uỷ Trung ương. Chứ mấy anh sỹ quan cấp uý như anh Lịch thời điểm đó không dám tự tiện làm cái việc tầy đình ấy!
(Trích tiểu sử Ngô Xuân Lịch: 11/1974 – 10/1978: Trung úy, Trung đội trưởng, Chính trị viên phó, Chính trị viên đại đội, Đảng ủy viên Đảng ủy Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 55, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4.)

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu những tấm bia kia không có hai chữ LẦM ĐƯỜNG là những từ "nhạy cảm" thì chưa chắc đã bị đập bỏ. Nhưng luận điểm này khó đứng vững vì nếu chỉ vì hai chữ trái tai đó thì có thể đục bỏ (giống như người ta đã làm ở Biên giới phía Bắc) thậm chí thay hẳn tấm bia khác nếu công tác qui tập chưa tiến hành được ngay sau 30/4/1975. Nhưng lúc đó anh Ba Duẩn đang say men chiến thắng (tuyên bố: "từ nay non sông ta vĩnh viễn sạch bóng quân thù...") và không muốn thừa nhận những sai lầm trong quá khứ (như "Đèn cù" và "Bên thắng cuộc" mà 2 tác giả Trần Đĩnh và Huy Đức đã đề cập).

Một câu hỏi đặt ra: Tại sao đã ém nhẹm được hơn 42 năm rồi mà bây giờ lại bung bét ra làm lay động dư luận cả nước như vậy?
Phải chăng "Các thế lực thù địch" bên kia Thái Bình Dương chúng tung hồ sơ lưu trữ về việc chôn cất hàng ngàn "chiến-sỹ lầm đường" từ ngót nửa thế kỷ trước hay do "Diễn biến và Tự diễn biến từ bên trong và bên trên"?
Xin các cao nhân chỉ giáo giúp cho?!
Cuong Pham

(*) Stt của nhà báo Nguyễn Thông:

Kẻ đại gian đại ác

Hai ngày nay không có thông tin gì mới về việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tự đáy lòng mình, tôi thầm cầu mong liệt sĩ sống khôn chết thiêng hãy phù hộ cho đội quy tập sớm tìm thấy các anh, mỗi người dù chỉ một mảnh xương (điều này thật khó bởi chôn không có áo quan, mà đã gần 50 năm rồi) để đưa về nghĩa trang, cho linh hồn các anh có nơi nương náu, chấm dứt cảnh lang thang vật vờ suốt nửa thế kỷ.

Có điều này tôi nghĩ nhiều người biết nhưng ngại nói ra, nhưng tôi thấy cần phải nói: Trong 2 ngày đầu tết Mậu Thân 1968 (mùng 1 và 2 tết), bộ đội hy sinh rất nhiều (không phải là thắng lợi rực rỡ, vẻ vang như lâu nay họ tuyên truyền). Dù những người chết là kẻ thù, là đối phương nhưng người Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã gom các thi thể chiến binh CS lại và chôn cất khá tử tế, dựng hẳn bia mộ rất to, ghi rõ trên bia, dường như để đánh dấu nhằm sau này dễ việc tìm kiếm. Rồi chiến tranh chấm dứt 7 năm sau đó, người CS đã chiến thắng, họ làm chủ miền Nam, tất nhiên làm chủ cả sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau ngày 30.4.1975, không phải ai cũng có thể ra vào khu vực sân bay, nhất là nó được quân đội quản lý. Vậy có thể đặt ra câu hỏi: Ai (những ai) đã ra lệnh, đã phá 2 tấm bia mộ đánh dấu mộ tập thể chôn cất hàng trăm liệt sĩ kia. Họ phá đi để làm gì, liệu có phải nhằm xóa một dấu tích không lấy gì hay lắm đối với họ? Cứ cho là phá cũng được đi, nhưng tại sao không tiến hành cất bốc hài cốt liệt sĩ ngay lúc đó? Hàng trăm chiến sĩ mấy năm trời bị vùi trong đất, nếu lúc ấy mà cất bốc đưa về nghĩa trang có thể xương cốt vẫn còn nguyên vẹn. Vậy mà người ta nỡ lòng nào ỉm đi, xóa sạch dấu tích, để các anh nằm mãi trong đất lạnh tới nửa thế kỷ, không nén nhang, không hương khói, không vòng hoa tưởng niệm; để nhiều gia đình hàng mấy chục năm trời ngóng chờ tin tức con em mình. Nhà nước cứ tổ chức đi tìm hài cốt liệt sĩ ở khắp nơi, cả bên Lào và Campuchia nhưng ngay giữa thành phố Sài Gòn, nơi mà người ta biết từng có rất nhiều chiến sĩ hy sinh chưa tìm được thi thể thì người ta lại lờ đi không tìm.

Tôi cho rằng kẻ nào đã ra lệnh phá 2 tấm bia mộ tập thể nói trên, cố tình san lấp mộ phần chiến sĩ là những kẻ đại gian đại ác, trời không dung, đất không tha. Thiết nghĩ dù hơn 40 năm đã trôi qua nhưng tìm ra kẻ đại gian ác đó không phải là khó, để chuộc lỗi với các liệt sĩ, chỉ có điều chế độ này chẳng dại gì vạch áo cho người xem lưng.

Nguyễn Thông 

Không có nhận xét nào: