Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Xem phim The Vietnam war, nghĩ về chiến tranh

Đứa con nhỏ ngồi trong lòng người cha bị lính Mỹ bắt vì nghi là du kích trong chiến dịch Móng vuốt Đại bàng ở Bồng Sơn ngày 17/2/1966.

Sáng thứ Bảy, đi chợ nông dân, vào gian hàng của bà cụ áng chừng 75. Mua cải xanh, mướp hương, khoai lang bở, những mớ xanh tươi đậm mùi nguyên quán. Bà cụ hỏi tôi từ đâu đến. Nghe hai tiếng Vietnam, khóe miệng bà giật liên hồi, như thể vừa nghe đâu đó "tiếng đại bác ru đêm" hay nhìn thấy bóng ma thắt "dải khăn sô cho Huế". Lẽ ra người Mỹ chúng tôi không nên đến đó, đất nước xinh đẹp của các bạn. Lời bà nói, không phải lần đầu tiên tôi nghe. Không phải lần đầu tiên tôi lắc đầu thay câu trả lời. Cái lắc đầu, chính tôi cũng không hiểu ý nghĩa, đồng ý hay phản bác. Cái lắc đầu mông lung. Người Mỹ không đến, chiến tranh vẫn xảy ra. Nhưng kết thúc sớm hay muộn hơn, kết thúc thế nào, không ai dám chắc. Quá khứ không thể quay trở lại, quá khứ đã thành lịch sử. Nhưng tương lai đang đến, tương lai đó rồi sẽ thành lịch sử cho con cháu chúng ta. Sống thế nào, phải làm gì, không làm gì để con cháu mình khỏi khó khăn lắc đầu vô định...

Có hai cảnh ấn tượng nhất với tôi trong phim The Vietnam war khiến rơi nước mắt. Là hình ảnh bà mẹ Mỹ kể lại giây phút, qua cửa sổ nhìn ra, thấy cha tuyên úy và người mặc quân phục tiến đến ngôi nhà, bà biết con mình đã chết, trên chiến trường Vietnam, một xứ sở xa lạ trước đó chưa bao giờ nghe tên. 
Tôi nghĩ tới hàng vạn bà mẹ Vietnam hai miền Nam Bắc. Nghĩ về đứa con trai bé bỏng của mình. Xin thưa, nếu chiến tranh lại xảy ra, tôi sẽ không bao giờ để con mình đi chiến đấu. Trốn lính, hối lộ, chặt ngón tay... bằng mọi cách có thể. Hèn nhát, phản bội, ai nói gì cũng được. Nếu chẳng may con tình nguyện đăng ký, bà mẹ hổ báo, chuyên quyền, điên loạn này sẽ từ ngọt tới đắng, từ nhẹ nhàng sang gầm thét can thiệp để nó từ bỏ ý định. Chưa bao giờ tôi ghét những khẩu AK văn thơ còn cái lai quần cũng đánh, những lưỡi lê bài ca đường ra trận mùa này đẹp lắm như lúc này, lúc bình yên ngồi xem từng khối máu, từng khối thanh xuân tràn ra từ lớp lớp thân thể trai trẻ, xây nên chiến thắng, xây nên ngai vàng cho kẻ chỉ biết quật roi, hô vang hô vang.
Vậy nên, thằng Tàu nó làm càn, ta tức thật, biểu tình cứ biểu tình, cà chua trứng thôi ném cật lực, kiện cáo cứ kiện cáo tứ tung, nhưng đừng nghĩ tới chuyện đánh nhau, sống chết một phen... Bức xúc quan tham quan ác, tìm cách đấu tranh mà thay đổi, từ nhiều cái nhỏ tất thành việc lớn. Xin chớ nuôi ý tưởng bạo động lật đổ này kia, máu quan chảy ít máu dân đổ nhiều. Cũng đừng trông chờ thế lực bên ngoài nào. Việc không "quan hệ" đến họ, họ tới làm gì. Có tới, cuộn len khó gỡ lại thành mớ len rối bung nhung.
Cảnh thứ hai là những xác người ở Huế, Tết Mậu thân. Suốt bộ phim, đạo diễn đổ "công" và "tội" của miền Bắc cho một mình Lê Duẩn. Vẫn biết, chính danh hay thủ đoạn, vào lúc đó, Lê Duẩn là người cầm sào của đất nước - chỉ huy cuộc chiến phe cộng sản. Nhưng một mình Lê Duẩn không thể đẩy được cây sào. Chẳng phải mùa xuân ấy, Hồ chủ tịch vĩ đại của chúng ta đã lên đài thúc giục " tiến lên, toàn thắng ắt về ta" đấy sao? Toàn thắng lý tưởng, xẻ thây nghìn nghìn vạn vạn mạng người. 


Một lính Mỹ giơ hai tay lên cao để chỉ dẫn trực thăng hạ cánh xuống một khu rừng gần thành phố Huế, tháng 4/1968. Nhiều binh sĩ khác xung quanh anh đang bị thương. Đây là bức ảnh của nhiếp ảnh gia Art Greenspon.

Một binh sĩ Mỹ không rõ danh tính đội mũ cối với dòng chữ "Chiến tranh là địa ngục" (ảnh trái). Dù một mắt bị thương, binh sĩ Thomas Cole vẫn cố gắng giúp trung sĩ Harrison Pell chữa trị vết thương.

Hôm nay, tôi từ chối trả lời phỏng vấn một nhà báo về bộ phim. Cảm nghĩ ư? Lẫn lộn. Còn nhiều bí mật chưa giải mã, còn nhiều kiến thức tôi chưa biết, nhất là lòng người, mà người lại không còn. Chỉ biết tôi không muốn chiến tranh. Không bao giờ, không khi nào, ở Vietnam, hay bất cứ đâu... 

nhà văn Đỗ Hoàng Diệu

Không có nhận xét nào: