Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

“TRỜI SINH MỘT CẶP THỂ - KIÊN



Bài của Nguyễn Tiến Tường. Chửi ra chửi!
Anh Thể và anh Kiên nên đọc bài này.
“TRỜI SINH MỘT CẶP THỂ - KIÊN
Ký một lúc 20 dự án BOT, ông Nguyễn Văn Thể nói đa số là đề xuất của địa phương. Ký một lúc 20 dự án BOT, ông Thể nói chuyển thành “trạm thu giá” cho linh động, vì là sản phẩm của doanh nghiệp.
Sản phẩm của doanh nghiệp mà án ngữ trên đường, tài sản quốc gia do tiền dân mà có. Khác nào lục lâm thảo khấu chặn thu lộ phí, quan bổ đầu bảo kê.
Ký một lúc 20 BOT, ông Thể vẫn nói là sản phẩm của giai đoạn trước. Ông Thể nói như nói thật, tỉnh ruồi không chớp mắt. Như thể gắp một thanh sắt nóng trong lò rèn, dúi vào tay ông Đinh La Thăng. Dúi tội cho một kẻ đã sống như chết. Tôi thật, ông tận cùng đê tiện !

Từ xung đột Cai Lậy tới giờ, ông như một mình một chợ, muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói. Hết sắm vai Võ Tòng chuyển Phan Kim Liên. Hết đánh bùn sang ao thì gắp lửa bỏ tay người. Hết bạo biện thì lươn lẹo, cố sống cố chết bảo vệ DN.
Trọn hay trời ban một ông Thể, khuyến mại thêm một Nguyễn Đức Kiên cho dân Việt trọn kiếp lưu đày. Cả hai sinh không cùng tháng cùng ngày nhưng nguyện suy đồi cùng lúc.
Ông Thể hệt một ông vua còn ông Kiên như một thằng hề. Khi dân phẫn uất đỉnh điểm, vua lui về cánh gà, hề ra múa quạt pha trò.
Đến trẻ nít còn biết, BOT sẽ tăng chi phí vận chuyển và đội giá hàng tiêu dùng, tác động gay gắt nhất của nó, là người nghèo. Ở trình tiến sĩ, ông Kiên phán: BOT không ảnh hưởng đến người nghèo, vì người nghèo đi xe máy xe đạp, người giàu đi xe hơi !
Giờ, giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, ông bảo: Thu giá hay thu phí thì luật cũng đã gọi rồi, cứ đóng đi đã. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng nổi tiếng mà cu Tý cũng thế thôi. Ở đây em là Hoa là Lụa nhưng ở quê em là H.. là Cà.

Là Phó chủ nhiệm một ban ở Quốc Hội bảo vệ một khái niệm vô nghĩa, ông có vấn đề về kỹ năng ngôn ngữ. Giữ chức năng giám sát mà ông bắt dân phải chấp hành một điều luật vô lý, thì ông có vấn đề về chuyên môn.
Ấy thế mà cả ông Thể lẫn ông Kiên đều chễm chệ ở cơ quan lập pháp quyền lực cao nhất. Làm đại diện cho nhân dân, ăn lương của dân để chống lại dân. Thật không còn ra thể thống gì nữa.
Cả hai là tiến sĩ, ngay những điều sơ đẳng cũng không hiểu thì ai tin? Lỗ hổng của các ông không phải là não trạng, mà đó là lỗ hổng nhân cách.
Trời sinh một cặp Thể - Kiên
Dân nuôi "giá" tiền, "giá" cả oxy !”

3 nhận xét:

Dương Phong nói...

Khi câu chuyện "trạm thu giá BOT" đang nóng hôi hổi, ông nghị Nguyễn Đức Kiên lại một lần nữa gây sốc dư luận và cử tri khi cho rằng đây là vấn đề đã được "luật hóa".

Qua trả lời của ông Kiên với báo giới bên hành lang Quốc hội, có thể hiểu nôm na rằng: "thu giá" là khái niệm đã được luật định, cứ thế mà thi hành, dư luận bức xúc là việc của dư luận.

Nói thẳng: Là Đại biểu Nhân dân, xin ông đừng xem thường người dân chúng tôi như thế!
Trong lúc nổ ra lùm xùm BOT giao thông, ông Kiên chính là người đã mạnh miệng bênh vực BOT và cho rằng người nghèo chả bị ảnh hưởng gì. Nay, khi dư luận đang bức xúc về một khái niệm mơ hồ, vô nghĩa thì lại nhận được từ ông một phản hồi đanh thép: "luật là luật". Xin hỏi ông Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân ở đâu và được tôn trọng như thế nào?!

Thượng tôn pháp luật là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, điều đó ai cũng rõ. Nhưng, luật và các khái niệm được luật định phải làm sao cho dân hiểu, và khi dân hiểu thì mới thi hành được chứ? Là một Đại biểu Quốc hội, tham gia xây dựng pháp luật, việc tối thiểu là ông phải giải thích cho dân rõ khái niệm được luật định, ở đây là "thu giá" hay "trạm thu giá", là cái gì. Ông đâu thể ví von một khái niệm được luật định theo kiểu nói chuyện dân gian như thế. Đó là chưa nói đến trách nhiệm của ông và những người xây dựng pháp luật phải phổ biến, giáo dục, nâng cao hiểu biết của người dân về pháp luật.

Từ sự ví von của ông Kiên còn cho thấy dường như không hề có sự khác biệt về bản chất giữa "thu giá" và "thu phí", vì: "ở đây em là Hoa, là Lụa, nhưng ở quê em là H..., là Cà, thì cái chuyện ấy nó không quan trọng, bởi vẫn là em". Thưa ông Kiên, đây chính là một trong những mấu chốt làm dư luận dậy sóng, đặt vấn đề với lập luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Và như vậy, dư luận cho rằng ở đây có sự đánh tráo khái niệm để bảo vệ quyền lợi, bao che cho những khuất tất của BOT giao thông là hoàn toàn chính xác, chẳng có gì sai. Một vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của người dân như thế mà ông ví von nhẹ như không thì đúng thật là không thể hiểu nổi!

Nặc danh nói...

PGS-TS Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định việc dùng các cụm từ “thu giá” và “trạm thu giá” là không đúng. Đồng thời, PGS-TS còn khẳng định trả lời báo chí của ĐBQH Nguyễn Đức Kiên là không chính xác.
Phóng viên: Thưa ông, Bộ GTVT giải thích lý do của sự thay đổi này là do sự khác biệt giữa phí (do nhà nước ấn định, chịu sự quy định của luật về phí) và giá (do doanh nghiệp ấn định, chịu sự quy định của Luật Giá) và cho rằng việc thay đổi từ “phí” sang “giá” giúp các doanh nghiệp BOT linh động hơn, điều chỉnh dễ dàng hơn giá/phí qua trạm BOT. Ông bình luận gì về ý kiến này?
PGS-TS Nguyễn Hồng Cổn: Mặc dù lời giải thích này có vẻ thỏa đáng về khía cạnh pháp lý và kinh tế, nhưng việc dùng các cụm từ “thu giá” và “trạm thu giá” theo tôi là không đúng. Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, 2000) thì phí là khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ, cho nên có thể nói nộp phí, thu phí, theo nghĩa là nộp hay thu một khoản tiền phải trả cho một công việc hay dịch vụ nào đó. Ví dụ thu phí qua cầu, nộp phí dịch vụ.
Ngược lại, từ giá có hai nghĩa. Một là, biểu hiện giá trị bằng tiền (ví dụ cái áo này giá 50.000 đồng); hai là, tổng thể nói chung những gì phải bỏ ra, tiêu phí (thường là nhiều) cho một việc làm nào đó. Ví dụ phải trả giá cho hành động phiêu lưu; hoàn thành nhiệm vụ bằng bất cứ giá nào. Như vậy, khác với từ phí, trong tiếng Việt hiện nay từ giá không được hiểu là khoản tiền phải trả. Vì vậy không thể nói nộp giá hay thu giá theo cách nói như nộp phí, thu phí được. Tôi cho rằng, dư luận không tán thành các cụm từ thu giá, trạm thu giá có lẽ không chỉ vì việc chuyển lắt léo từ phí sang giá của Bộ GTVT mà còn là do các cụm từ này được sử dụng không hoàn toàn đúng với quy tắc ngữ pháp của tiếng Việt.

Nặc danh nói...

Thưa ông, bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trả lời báo chí cho rằng luật đã quy định là thu giá thì phải gọi là “thu giá”, chưa thể sửa được, ví như “ở đây em là Hoa, là Lụa, nhưng ở quê em là H..., là Cà, thì cái chuyện ấy nó không quan trọng, bởi vẫn là em”? Ông có đồng tình với kiến giải đó?
Sau khi nghe ông Kiên trả lời báo chí, tôi đã kiểm tra rất kỹ 2 luật về giá và phí. Tôi rất muốn đại biểu chỉ hộ trong Luật Giá 2012 có quy định các thuật ngữ/khái niệm thu giá, nộp giá, người thu giá, người nộp giá, trạm thu giá… không? Chúng nằm ở chương nào, điều nào, khoản nào của luật? Hoàn toàn không có những khái niệm này trong luật, mà Luật Giá chỉ có những khái niệm về giá, thẩm định giá, niêm yết giá...
Vì thế, tôi khẳng định trả lời của ông Kiên là không chính xác. Nếu không có quy định trong luật thì căn cứ vào đâu để áp dụng như thông tư của Bộ GTVT? Nếu áp luật về thu giá thì áp dụng theo luật nào, vì rõ ràng không có luật nào quy định về thu giá, nộp giá. Trong khi đó, khác với Luật Giá, ở Luật Phí và lệ phí 2015, các thuật ngữ/khái niệm tương tự là thu phí, nộp phí, tổ chức thu phí, người thu/nộp phí... lại được định nghĩa và quy định rõ ràng trong nhiều chương, điều, khoản của luật. Như vậy, chúng ta có thể đặt vấn đề thông tư của Bộ GTVT không theo luật nào là sai.
Bên cạnh vấn đề phí, giá, mới đây người dân TPHCM không khỏi ngạc nhiên và sốc trước khái niệm mới của Trung tâm Chống ngập TPHCM “tụ nước” khi báo cáo về cơn mưa chiều 19-5 đã gây ngập như thế nào ở thành phố. Ý kiến của ông về việc này ra sao?
Tôi cho là có chuyện một số cơ quan chức năng đang cố gắng dùng những từ ngữ để làm nhẹ vấn đề đi, giảm bớt đi tính nghiêm trọng của vấn đề. Bản chất là ngập nước, còn tụ nước là mô tả những trường hợp nước bốc lên và tụ lại. Các cơ quan cần sử dụng đúng những từ ngữ mà tiếng Việt thể hiện đúng bản chất vấn đề.
Xâu chuỗi lại các vụ việc liên quan đến từ ngữ đó, ông có cho rằng đang có tình trạng một số cơ quan quản lý đang cố tình đánh tráo khái niệm và né tránh trách nhiệm trong xử lý các vấn đề?
Tôi cho là đằng sau những vụ việc liên quan đến ngôn ngữ là sự không minh bạch, rõ ràng trong cách suy nghĩ, tư duy quản lý và sâu xa hơn nữa là có vấn đề liên quan đến trách nhiệm, xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Đó là hiện tượng không lành mạnh. Trong đời thường, ngôn ngữ phải phản ánh đúng bản chất của sự vật, sự việc và trong quản lý nhà nước cũng vậy, phải gọi tên đúng sự việc thì chúng ta mới có cách tư duy đúng và xử lý đúng vấn đề. Còn nếu cố né tránh thì chỉ làm sai lệch vấn đề, làm giảm hiệu quả công việc điều hành. Đơn cử trong vấn đề BOT, Bộ GT-VT phải giải quyết đúng bản chất của vấn đề là những bất cập về mức giá, về khoảng cách các trạm thu, về vị trí đặt trạm thu… chứ không phải là việc gọi tên phí hay giá.
Về pháp lý, có sự khác biệt về phí và giá như Bộ GTVT giải thích, điều đó về mặt logic, kinh tế thì cũng có thể đúng. Nhưng từ đó mà dẫn đến việc dùng từ thu giá, trạm thu giá để diễn đạt việc thu phí bao lâu nay thì lại có vấn đề. Rõ ràng hoàn toàn có thể có cách diễn đạt khác như thu cước, trạm bán vé BOT, trạm thu cước BOT… Khái niệm giá là về giá trị, quy ra bằng tiền, không phải là một khoản tiền để trả, do đó không thể dùng là thu giá, trạm thu giá. Ở đây, về ngôn ngữ là không chuẩn mực, còn các vấn đề khác thì như tôi đã nói ở trên.