Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH ?


Học tập và làm theo...
Người chết thì đã chết rồi, tôi không nhắc nữa, cứ để thiên hạ "cái quan định luận" (luận bàn sau khi đóng nắp quan tài). Nhưng tôi nói tới người sống. Tôi rất thất vọng về ông Nguyễn Phú Trọng. Ông là người cầm đầu, có tiếng nói quyết định mà ông làm ngược di chúc của cụ Hồ, trong khi lúc nào ông và đồng chí của ông cũng hô hào phải học cụ, noi gương cụ. 
Cụ viết: "Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân". 
Kể từ ông Lê Duẩn trở về sau, các ông có truyền thống làm sai lời cụ, cụ nói một đằng, các ông làm một nẻo. Không thể tin các ông được nữa.
Tôi gửi ông trang di cảo của cụ, để ông xem tôi nói có đúng không. 
Nguyễn Thông 
                                ***
Chúng tôi ở Miền Nam không biết gì ngày 3/9/1969, nay đổi thành ngày 2/9. Sau 30/4/1975 chúng tôi mới nghe kể rằng, cả Miền Bắc đã tiếc thương chủ tịch Hồ Chí Minh khi ông đi xa.
Căn cứ vào những dòng trạng thái trên Facebook thì tình cảm cư dân mạng dành cho chủ tịch Trần Đại Quang khi ông trút hơi thở cuối cùng kém xa, thậm chí có thể nói là trái ngược với tình cảm nhân dân Miền Bắc dành cho cố chủ tịch Hồ Chí Minh.
Và nếu trung ương làm đúng theo di chúc của ông là không tổ chức ma chay tốn kém khi nhân dân còn nghèo, hỏa táng ông như lệ thường, đem tro rải 3 miễn đất nước, thì giờ đây sự kính trọng dành cho ông còn tăng lên gấp trăm lần.
Thử tưởng tượng sau khi rắc tro cốt của ông trên 3 miền đất nước, lập một tượng đài duy nhất tại quảng trường Ba Đình để tưởng nhớ ông, không cho xây bất cứ tượng đài nào khác, thì giờ đây sự ngưỡng mộ dành cho ông là vô giá. Toàn nước sẽ luôn hướng về đó.
Vừa không tốn tiền xây lăng, không tốn tiền nuôi một đội quân bảo vệ và trông coi khổng lồ, vừa tăng sự kính trọng dành cho một chủ tịch suốt đời sống cần kiệm vì dân vì nước, vừa không tạo cớ cho quan tham xây tượng đài hoang phí khắp nơi để rút ruột kiếm chác gây phàn nàn trong dân.
Tiếc rằng trung ương đã quá sai lầm khi đi ngược lại di chúc của ông, vừa mang tội lớn với người đã khuất vì không thực thi di chúc, vừa làm giảm bớt sự ngưỡng mộ của hậu thế dành cho ông.
Ông Phidel Castro may mắn hơn cố chủ tịch HCM là có em trai Rạul làm chủ tịch nên đã hỏa thiêu, không đặt tên đường, làm đúng di chúc,..làm cho Fidel trở nên vĩ đại hơn.
Ông Lý Quang Diệu cũng thế, cũng có con trai Lý Hiển Long làm thủ tướng nên đã thực hiện đúng di nguyện của cha là không hoang phí tổ chức quốc táng rườm rà linh đình vô bổ, hỏa thiêu ông, nên đã đưa tượng đài của ông vào trong lòng nhân dân Singapore, và đó mới chính là tượng đài bền vững nhất, vĩ đại nhất. Đó cũng chính là điều mà cố chủ tịch HCM đã mong muốn, nhưng không đạt được vì tầm nhìn của trung ương quá thấp không nhìn ra...nên đã phụ lòng ông.
Qua đó càng thấy di chúc của cố chủ tịch vừa khôn khéo, vừa nhân văn vừa tính tế...và đó mới chính là đạo đức của ông. Tiếc là...nói đầy đủ hơn là rất tiếc trung ương đã không làm đúng di chúc của ông nên đã tạo ra một tiền lệ không đáng có, là các lãnh đạo và quan chức đua nhau làm quốc tang, làm đám ma hoành tráng rườm rà, xây lăng mộ nguy nga hoang phí, gây phản cảm trong dân khi nhân dân còn cơ cực, nhiều người còn thiếu đói, trường học bệnh viện không đủ, hạ tầng cơ sở nông thôn lạc hậu... Đã vậy còn bỏ hàng ngàn tỷ tiền thuê mồ hôi nước mắt của dân làm nghĩa địa cao sang để chôn các lãnh đạo cao cấp thì phải nói là... Thật khó để coi trọng, vì quá coi thường nhân dân.
Không phải cố chủ tịch không có nổi một cơ ngơi đồ sộ để ăn ở và làm việc, nhưng ông ở trong nhà sàng là muốn gửi đến cán bộ tín hiệu về sự cần kiệm liêm chính. Nhờ đó ông mới kêu gọi được vàng bạc trong dân để giúp nhà nước lúc khó khăn.
Ngày nay các quan sống sa hoa đài các trong những biệt thự vi la, đi xe sang, đi nước ngoài như ăn gỏi, tiêu xài hoang phí...mà kêu gọi vàng đô trong dân thì thật là nực cười. Xưa nhân dân chắc bóp nộp hết vàng bạc cho nhà nước, thì nay tại sao cán bộ không dám bán hết tài sản cơ ngơi hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn tỷ của mình để giúp nhà nước trả nợ công do mình ít nhiều gì cũng đã góp phần gây ra khối nơi công đó? Sống giản dị và thiếu hụt như nhân dân khổ và khó với giai cấp cầm quyền đến vậy sao?
Nói tóm lại, thật khó để tìm ra một cán bộ cần kiệm liêm chính như cố chủ tịch, nên những người kêu gọi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có miệng lưỡi bẻm mép lắm không? Có phải đó là lý do giải thích vì sao càng phát động học tập làm theo tấm gương thì tham nhũng lảng phí càng gia tăng, xã hội càng xuống cấp ?
Thiển nghĩ đám ma chủ tịch Trần Đại Quang nên làm giống di chúc của cố chủ tich HCM để lấy lại phần nào tình cảm trong nhân dân. Nếu cố tình xây đại lăng mộ trên ba mẫu đất lúa, là đã vô tình đánh mất luôn sự quý trọng ít ỏi trong nhân dân.
(P/c xin các bạn đừng comment lời lẽ khiếm nhã về cố chủ tịch HCM. Vì stt này chỉ muốn cán bộ đảng và nhà nước làm theo tấm gương HCM mà đảng và nhà nước đã rêu rao. Cảm ơn các bạn)

1 nhận xét:

Đỗ Ngọc Thống nói...

LĂNG MỘ VÀ LÒNG DÂN

Sau sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất (2013), ông được đưa về quê hương chôn cất theo nguyện vọng cá nhân, người ta thấy nhiều công thần cao cấp có tiêu chuẩn ở nghĩa trang Mai Dịch dường như cũng bắt chước tướng Giáp, xin về quê an nghỉ sau khi “băng hà”.

Bắt đầu từ ông Nguyễn Bá Thanh (2-2015), Trưởng ban nội chính TW, tiếp đến Thủ tướng Phan Văn Khải (2-2018) và bây giờ là Chủ tịch nước Trần Đại Quang (9-2018). Mỗi ông đều có một khu đất rộng rãi để xây lăng mộ làm nơi an nghỉ cuối cùng. Nghe nói nhiều nguyên lão cũng đã chuẩn bị những khu lăng mộ như thế để nay mai “đi gặp các cụ Các-mác, Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác”; đi gặp Bác Hồ. Cứ theo đà này, tôi bảo đảm tất cả các quan chức Việt Nam lớn bé đều sẽ có lăng mộ như thế.

Lần giở bản nguyên văn Di chúc của Bác thấy đoạn cuối Người nói về về việc riêng như sau: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn. Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn...” (1)

Bác mất, việc xây lăng Hồ Chí Minh có lí do đặc biệt, nhưng dù sao thì cũng đã không làm đúng di nguyện của Người. Các công thần sau Bác lần lượt vào nghĩa trang quốc gia ở 2 đầu đất nước. Còn bây giờ mở ra 1 trang mới, cho phép các vị về yên nghỉ tại quê nhà. Tôi nghĩ việc các công thần sau khi mất về với quê hương, nơi chôn rau/nhau cắt rốn của mình cùng những người thân là đúng. Suốt đời hoạt động cách mạng, xa gia đình, tổ tiên, ông bà, cha mẹ… nay thác về 9 suối nên được đoàn tụ 1 nơi là phải.
Nhưng điều quan trọng là cần thực hiện như lời Bác dặn: “chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân…” và cần tuân thủ quy định của pháp luật. “Tiêu chuẩn quốc gia mộ và bia mộ” mục 5.1 nêu rõ: “Diện tích đất tối đa cho một phần mộ hung táng: người lớn không lớn hơn 5,0 m2; trẻ em không lớn hơn 3,0 m2; mỗi mộ cát táng không lớn hơn 3,0 m2.”(2)

Tôi không rõ các vị đã làm theo gương Bác và chấp hành pháp luật ở đâu?
Ai cũng hiểu, có được lòng dân là do tài năng, đức độ của mỗi công thần. Lăng mộ dù to đến mấy cũng không lấy được lòng dân; thậm chí để bia miệng muôn đời. Thế thì làm thế để làm gì?

HN 25-09