Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

ĐỪNG LẬP LỜ ĐÁNH LẬN CON ĐEN



Facebooker Trần Đình Thu vừa viết phản biện bài “Mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Bắc Âu hiện nay và những gợi mở, tham chiếu cho Việt Nam” (TC Lý luận Chính trị, 25 Tháng 3/ 2019); tuy nhiên ông chủ yếu phân tích về lý thuyết Marx và phi Marx...

Tiêu đề bài báo trên “đánh lận con đen” giữa “Việt Nam Xã hội chủ nghĩa” và “Xã hội dân chủ Bắc Âu”; sự lập lờ đó có thể khiến nhiều người hiểu lầm, Việt Nam đang đi theo mô hình Bắc Âu? Sự thật là Việt Nam chả có gì giống mấy nước Bắc Âu cả! Tôi xin nói rõ mấy điều cụ thể.
1.Việt Nam là nước XHCN, do độc đảng cộng sản toàn trị, độc quyền lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Marx – Lenin Tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, áp đặt ý thức hệ cho toàn xã hội...

Trong khi đó các nước Bắc Âu (Thủy Điển, Đan Mach, Na Uy, Phần Lan, Iceland) đều là những nước đa nguyên chính trị, đa đảng cạnh tranh nhau để dân tự do bầu cử, được thắng cử đa số thì cầm quyền (Mỗi nước đều có chừng 10 đảng chính trị và thường không có đảng nào chiếm quá bán số ghế trong quốc hội);
2. Không có nước Bắc Âu nào xưng danh là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” như Việt Nam; không lật đổ và phủ định sạch trơn truyền thống của các thể chế cũ như Việt Nam.
Các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy đều là “Vương quốc”, có Nhà Vua, Quốc huy đều có Vương miện trên đầu; nước Iceland và Phần Lan là nước Cộng hòa (không có XHCN gì cả)! Đặc biệt Phần Lan, sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917, từ một Công quốc của Nga hoàng, đã thức thời tách ra thành một nước độc lập. May mắn, ông Lenin ký một phát, thế là thoát nạn cộng sản. Nhờ đó Phần Lan không có Mac – Lê, độc đảng; mà có đến 9 đảng chính trị cạnh tranh cầm quyền, theo tự do bầu cử của nhân dân. Năm 1939 -1940 Stalin gây chiến với Phần Lan; Phần Lan có 5 triệu dân, dám chiến đấu với Liên Xô vĩ đại, quyết bảo vệ nền độc lập của mình, dù có bị mất một rẻo đất biên cương... Nhờ cứ phát triển bình thường, không “quyết tâm, quyết liệt thi đua tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN”, không “vĩ đại”, “muôn năm” như Liên xô, nên GDP bình quân đầu người của Phần Lan nay là 43.545 usd/người, còn Nga là 10.743 usd/người (2017).
3. Tất cả các nước Bắc Âu đều theo thể chế Đại nghị, Tam quyền phân lập, Hiến pháp là tối cao, bầu cử dân chủ, công khai minh bạch; Xã hội dân sự, tự do lập hội, lập đoàn, tự do báo chí...
Việt Nam ngược lại: Quốc hội 98% thành viên của một đảng CS; Quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp đều trong tay 1 đảng CS; Cương lĩnh của đảng trên cả Hiến Pháp; Bầu cử Quốc hội, Chính quyền các cấp và lãnh đạo các Hội, Đoàn xã hội đều do “Đảng cử dân bầu”, phải là người của Đảng... Như vậy làm gì còn xã hội dân sự, tự do, dân chủ?...
4. Về kinh tế các nước Bắc Âu bảo vệ quyền Tư hữu về ruộng đất, tư liệu sản xuất, tài sản cá nhân; kinh tế tư nhân tự do phát triển bình đẳng theo cơ chế Thị trường tự do, không vi phạm pháp luật là được (không có định hướng XHCN)... Hệ thống Luật pháp của các nước Bắc Âu được xây dựng khá hoàn chỉnh từ những năm 1880 – 1890 và vẫn tiếp tục duy trì đến ngày nay, (chứ đâu cứ thay đổi soành soạch như Việt Nam).
Việt Nam thì ruộng đất là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý (thực chất là chính quyền các cấp tùy tiện cưỡng chế, thu hồi đất của dân); Coi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, được ưu tiên mọi mặt, kinh tế tư nhân bị chèn ép đủ bề (gần đây Đảng đã sáng suốt, có phát hiện “mới”: Kinh tế tư nhân cũng là một động lực phát triển quan trọng và “cởi trói”, “cho phép”, “tạo điều kiện” cho nó phát triển)...
5. Phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu rất cao: Giáo dục miễn phí từ mầm non đến Đại học; Y tế theo bảo hiểm (Nhà nước trả chi phí chữa bệnh cho người dân nhóm yếu thế); Người già yếu, thất nghiệp được trợ cấp để đủ sống khá đầy đủ. Khoảng cách giầu – nghèo, bất bình đẳng xã hội ngày càng thu hẹp... Được như vậy vì Chính quyền liêm chính, ít tham nhũng, lãng phí, sản xuất phát triển lành mạnh, nguồn thu ngân sách dồi dào mới đảm bảo chi cho phúc lợi xã hội ngày càng tốt hơn...
Việt Nam tuy khoe khoang GDP tăng trưởng 6-7%, xuất khẩu tăng mạnh...nhưng GDP vào túi ai, nên dân vẫn nghèo, ngân sách thâm hụt? Y tế, Giáo dục thì “thu đúng, thu đủ” mới đảm bảo chất lượng! Có nước văn minh nào trên thế giới này ngành Y tế và Giáo dục đểu như Việt Nam không? Vậy mà cứ nói phét lấy được: “Không để người dân nào tụt lại phía sau”; “Không để em học sinh nào tụt lại phía sau”(!?)... Lấy gì thực hiện những lời hứa ấy, khi ngân sách thu không đủ chi, quỹ bảo hiểm xã hội có nguy cơ bị vỡ?!
6. Nền giáo dục, môi trường văn hóa- xã hội của các nước Bắc Âu đều hướng vào phát triển con người tự do, nhân bản, tôn trọng tự do sáng tạo, sự khác biệt của mỗi cá nhân trong mối quan hệ hài hòa với đời sống xã hội và thiên nhiên... Cho nên các nước Bắc Âu đều có chỉ số HDI, chỉ số Hạnh phúc... ở tốp đầu thế giới. Các công dân của họ được giáo dục là công dân toàn cầu, nên thường biết 2-3 ngoại ngữ, đến đâu họ cũng có thể thân thiện với dân bản địa và lan tỏa những điều tốt đẹp...
Trong khi đó, môi trường tự nhiên cũng như môi trường văn hóa - xã hội của Việt Nam đã và đang suy thoái nghiêm trọng, gây nhiều ảnh hưởng xấu cho giáo dục, cho phát triển con người. Thực trạng xã hội và con người Việt Nam hiện nay ra sao, người Việt Nam ra nước ngoài gây ảnh hưởng thế nào, mọi người đều thấy rồi.
Nhưng có lẽ khác biệt lớn nhất là những người lãnh đạo ở các nước Bắc Âu, dù ở đảng phái nào, họ phải là những người trí thức, có học thật, họ trưởng thành từ các hoạt động phục vụ xã hội, cạnh tranh với nhau quyết liệt để nhân dân theo dõi, đánh giá và tự do, dân chủ lựa chọn những người xứng đáng trong số họ bầu vào bộ máy chính quyền phục vụ nhân dân, đất nước.
Còn những người gọi là lãnh đạo ở các cấp của Việt Nam đều do 1 đảng CS chọn lựa trong số 4 triệu đảng viên của họ, mà tiêu chuẩn số một là (phải tỏ ra) tuyệt đối trung thành, phục tùng lãnh đạo cấp trên; phải suy nghĩ, phát ngôn theo đúng quan điểm Mac – Lê, tư tưởng HCM (còn làm thì biến báo); những người đó cốt sao bảo vệ được sự tồn tại của cái đảng CSVN là trên hết, trước hết, vì đó là nhóm lợi ích lớn của họ, trong đó bao gồm nhiều nhóm lợi ích nhỏ và lợi ích cá nhân của mỗi quan chức. Vì thế, dù ai là người yêu nước, có tâm, có tài đến đâu trong gần trăm triệu người Việt Nam, mà bảo: “Phải đổi mới thế chế, đa đảng, tam quyền phân lập, xã hội dân sự”... thì bị quy kết là “thành phần bất hảo”, “suy thoái”, “phản động”!... Vậy lấy đâu ra người lãnh đạo như ở Bắc Âu mà đòi so với người ta?
TÓM LẠI, Việt Nam chẳng có gì giống các nước Bắc Âu nhất là về thể chế chính trị. Đem so sánh với các nước ấy thật là bi hài! Nếu thấy rằng, mô hình phát triển của các nước Bắc Âu tốt, đẹp, Việt Nam phải thay đổi thể chế, theo con đường/mô hình các nước ấy, thì tuyệt quá. Còn mập mờ bảo rằng, “các nước Bắc Âu là mô hình XHCN mà Việt Nam XHCN đang hướng tới” là đại lừa bịp, lập lờ đánh lận con đen, thấy người sang bắt quàng làm họ, xấu hổ chết mất!
18/8/2019
Mạc Văn Trang 


***
Tin liên quan:


KHÔNG LẬP LỜ VẤN ĐỀ CỦA CÁC NƯỚC BẮC ÂU ĐỂ KẾT LUẬN CNXH Ở VIỆT NAM LÀ ĐÚNG ĐẮN
Ngày 25 tháng 3 năm 2019, Tạp chí “Lý luận chính trị”, Cơ quan nghiên cứu và ngôn luận của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết “Mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Bắc Âu hiện nay và những gợi mở, tham chiếu cho Việt Nam”, không đề tên tác giả, trong đó đề cập đến mô hình nhà nước ở một số nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy điển, Na Uy, Đan Mạch để từ đó chứng minh rằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn đúng đắn.
Bài báo kết luận:
“Phân định tính chất TBCN hay XHCN của một mô hình xét đến cùng, bao giờ cũng là hạnh phúc đạt được của nhân dân, của đa số trên thực tế. Ở những nước Bắc Âu, chế độ TBCN vẫn là một thực thể hiện tồn nhưng nó cũng đang tự phủ định bằng cách tích lũy những nhân tố, tiền đề XHCN trong lòng nó thông qua các tiến hóa xã hội hướng tới nâng cao mức sống của nhân dân.
Đây là một hướng tìm tòi của nhân loại để hướng tới CNXH, là một cách để phủ định CNTB. Nên coi nó như là một phương thức tiệm tiến để phát triển của thực tiễn. Những nhận định mang tính tả khuynh, phân liệt của giai đoạn trước đây về CNXH dân chủ tuy đã bị phê phán, vẫn cần đề phòng sự rơi rớt ảnh hưởng của nó trong tư duy về CNXH hiện thực hiện nay”.
Tôi xin trao đổi với Ban biên tập tạp chí về bài viết này sau đây.
Trước hết, tôi xin nhắc lại vấn đề của Venezuela. Cách đây mười mấy năm, Việt Nam từng mời nhiều đại diện của Venezuela đến Việt Nam để tọa đàm cũng như cử nhiều cán bộ Việt Nam qua Venezuela học tập một mô hình XHCN kiểu mới đang phát triển, coi đó là minh chứng rằng con đường đi lên CNXH vẫn luôn đúng đắn. Hồi đó nhiều người vui mừng hớn hở như là bắt được bí kíp, nhưng kết quả ở Venezuela như thế nào thiết tưởng không cần phải nhắc lại.
Khi Venezuela sụp đổ, các nhà lý luận không còn chỗ bám víu đã quay qua một số nước Bắc Âu. Nhưng tôi xin khẳng định ngay từ đầu, mô hình các nước này hoàn toàn khác với mô hình CNXH ở Việt Nam, khác một cách sâu sắc tới mức không thể coi là đó là hình mẫu để dẫn chứng chứng minh.
Tôi từng viết một số bài lý luận về các trường phái CNXH trên trang này, nay xin nhắc lại.
CNXH có nhiều trường phái khác nhau nhưng có thể phân ra làm 2 nhóm, nhóm “Marx-Lenin” và nhóm “phi Maxr”.
Có một vài trường phái trung gian chẳng hạn như trường phái “CNXH thế kỷ 21” của Venezuela trong đó nghiêng về nhóm “Marx-Lenin” thì đã thất bại thảm hại.
Sự khác nhau giữa 2 nhóm “Marx” và “phi Marx” như sau:
Ở nhóm “phi Marx”, tư tưởng CNXH chỉ thể hiện ở chỗ nhà nước cố gắng san bớt khoảng cách giàu nghèo trong xã hội về mặt phúc lợi, chứ còn nền kinh tế vẫn là tư bản hoàn toàn, ít can thiệp vào cơ chế vận hành của nó.
Về mặt chính trị, xã hội trong nhóm “phi Marx” vẫn giữ đa nguyên chính trị. Có thể những đảng phái chủ trương thực hành tinh thần XHCN phi Marx nắm quyền lãnh đạo để họ có thể thực hiện việc san bớt khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, nhưng vẫn tồn tại các đảng phái khác có đủ sức kiềm chế đảng cầm quyền không đi sai lạc đường lối.
Tính dân chủ trong các nước này rất cao. Toàn thể nhân dân có thể tham gia chính trị chứ không phải chỉ một nhóm nhỏ nào đó.
Điều cuối cùng, việc xếp các nước này vào nhóm XHCN là của các nhà nghiên cứu còn với các nhà chính trị bản địa, họ không tự nhận họ có tư tưởng XHCN mà chỉ có tư tưởng “dân chủ xã hội” mà thôi.
Đó là nhóm “phi Marx”.
Còn nhóm “Marx-Lenin”, bao gồm Việt Nam hiện nay, câu chuyện hoàn toàn khác hẳn. Nhóm này có 3 đặc trưng:
Thứ nhất, các nhà chính trị nhóm này luôn chủ trương lật nhào toàn bộ thiết chế xã hội cũ để lập nên một thiết chế mới hoàn toàn khi họ nắm quyền chứ không chấp nhận cải biến từ từ xã hội đó. Thí dụ như ở Cuba, các nhà chính trị đã xóa bỏ hoàn toàn thiết chế xã hội tư bản trước đó vốn đã khá phát triển để làm lại từ đầu. Nói theo ngôn ngữ triết học là họ sẽ “phủ định sạch trơn” khi nắm quyền, một cách phủ định bị phê phán bởi chính người thầy của họ là Karl Marx.
Đặc trưng thứ 2 là họ chủ trương kế hoạch hóa toàn bộ nền kinh tế. Tuy rằng về sau này khi kinh tế kế hoạch hóa lộ rõ sự bất hợp lý, họ chuyển qua kinh tế thị trường, nhưng họ vẫn lập luận đó chẳng qua chỉ là chiến thuật. Ai có đọc mấy bài của ông Hoàng Hải Vân thì sẽ thấy cách giải thích này.
Đặc trưng thứ 3 là họ tiêu diệt đa nguyên chính trị, thiết lập cơ chế một đảng toàn trị, nhân dân không thể tham gia chính trị một cách dễ dàng và thuận lợi như nhóm “phi Marx”.
Như vậy thông qua phân tích 2 nhóm XHCN, chúng ta thấy bản chất khác nhau một trời một vực. XHCN “phi Marx” thực chất là một mô hình giảm bớt khoảng cách giàu nghèo trong xã hội thông qua hình thức san sẻ phúc lợi nhà nước cho những nhóm công dân kém may mắn. Hay nói cách khác đây là mô hình “nhà nước làm từ thiện”, nên dù có phát triển hàng vạn năm nữa cũng không thể chuyển thành CNXH Marx-Lenin.
Vì lẽ đó, việc dẫn chứng câu chuyện ở các nước Bắc Âu nói trên để cho rằng Việt Nam có thể tiếp tục đi lên theo con đường CHXH là một lập luận phi khoa học không thể chấp nhận.
Cần phải khẳng định rằng CNXH Marx-Lenin là một bước đi sai lầm của phân nửa nhân loại, đã đến lúc không nên và không thể tồn tại. Việc lý luận loanh quanh để mà cố giữ nó chỉ kéo dài sự thống khổ cho nhân dân mà thôi.

Không có nhận xét nào: