Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

XÂY DỰNG NHÀ SAI PHÉP: CÁN BỘ PHƯỜNG CÓ “TIẾP TAY” ?!

      Hôm trước tôi đến thăm người bạn tại 62 phố Lý Thường Kiệt. Trong câu chuyện trao đổi tôi có kể về chuyện báo chí nêu ở 24 Điện Biên Phủ. Tưởng ông khen Chính quyền, dù việc nhỏ nhưng vẫn không bỏ qua, hóa ra ông còn bực bội kể chuyện đang xẩy ra tại số nhà ông đang ở và việc khiếu kiện của các hộ trong số nhà ông với hộ bà Nguyễn Xuân Huyền đang xây dựng sai phép. Ông bảo: đấy ông xem, chỗ tôi chỉ cách chỗ ông Vũ có khoảng một ki lô mét, cách hồ Hoàn kiếm cũng ngần ấy, là phường trung tâm của Hà Nội mà cách hành xử của hai Phường sao khác nhau quá. Có mấy người hàng xóm ở đây đã hơn 60 năm rồi, nói đất nhà bà Huyền hiện nay là đất ngõ ngôi biệt thự cổ, người ta lấn chiếm dần dần, rồi thế nào lại có sổ đỏ trên gần 50 mét vuông ở dấy. Giờ bà Huyền xây lên, lại xây chiếm luôn phần đất sử dụng chung, không gian chung, gây ảnh hưởng các hộ liền kề. Đơn gửi đi, Phường mời lên họp, bảo hộ ấy xây đúng phép. Dân nghi ngờ, đề nghị cho xem Giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế, Phường bảo không có trách nhiệm cung cấp. Dân lại bằng cách khác xem được Giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế của nhà bà Huyền (xem phụ lục). Hóa ra họ xây hoàn toàn sai với giấy phép xây dựng. Giấy phép chỉ cho xây nhà trên hai lô đất 27,5 và 22,1 m2 và 2 lô này cách nhau gần 5 mét. Còn hai lô đất sử dụng chung chủ nhà không được phép xây dựng gì. Thế mà chủ đầu tư đã xây toàn bộ bốn lô đất, tổng cộng 79 m2 và đã đổ sàn tầng 2 lên 85 m2. Rồi ông bạn còn đưa tôi xem một tập hồ sơ, giấy tờ các loại. Đây ông xem, trong Nghị định số 180/2007/NĐ-CP quy định rất rõ trách nhiệm của người dứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng đô thị và các biện pháp xử lý công trình xây dựng sai phép. Đây nhé. Điều 13, Khoản 1 nghị định này ghi rõ: Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng. Khoản 2: Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc chủ đầu tư tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng; đồng thời , áp dụng biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này ( tức ngừng cung cấp điện, nước và các dịch vụ khác phục vụ cho công trình)( xem phụ lục).




    Gần một tháng rồi, kể từ khi các hộ dân đưa kiến nghị lên Phường, thế mà họ vẫn đang xây đấy, có sao đâu. Mấy hộ dân chúng tôi thấy Phường xử lý kiểu gì mà hộ bà Huyền vẫn ngày càng khẩn trương đúc cột và chuẩn bị đổ sàn tầng 3. Ông xem, trong hồ sơ cấp phép, hai ngôi nhà này có 5 tầng, đứng độc lập với nhau, có cầu thang bên trong nhà. Điều đặc biệt là trong 5 tầng của cả hai ngôi nhà không có một phòng vệ sinh nào!?(xem phụ lục). Nhưng còn đặc biệt hơn là khi thi công chủ đầu tư lại đổ kín sàn không chừa lối nào cho cầu thang. Thử hỏi khi thi công xong, công trình đưa vào sử dụng, chủ nhà phải lên xuống lầu bằng cách nào? Chẳng nhẽ họ lên bằng thang tre? Còn nếu xây cầu thang bên ngoài thì không có phép.


    Ở ngay trung tâm thủ đô mà người ta cấp phép cho xây những ngôi nhà 5 tầng không nhà vệ sinh, chủ đầu tư lại xây những ngôi nhà 5 tầng không có cầu thang lên xuống; còn nhà chức trách lại quản lý như vậy thì ông có tưởng tượng được không? Tôi hỏi ông, lỡ có cháy thì thoát hiểm bằng cách nào? Tôi và ông không rành chuyên môn mà còn thấy được điều ấy, các ông cán bộ quản lý xây dựng sao không thể không thấy?   
    Nói rồi ông bạn hăng hái dẫn tôi lên lầu 2 nhà ông nhìn sang nhà bà Huyền. Một tốp thợ 5, người đang khẩn trương làm khuôn thép để đổ sàn tầng 3. Khoảng không trên lô đất sát nhà ông người ta đang để thép chờ. Nghĩa là người ta chưa đổ sàn chỗ ấy. Nói là thép “chờ” nhưng là người chờ. Và những ngôi nhà xây như vừa nói ở trên cũng là những ngôi nhà “chờ”. Người ta chờ sự tiếp tay, sự buông lỏng quản lý của chính quyền, chờ khi “mua” được nhà chức trách, chờ thời gian thích hợp…họ sẽ xây tiếp, hoàn thiện nốt công trình sai phép của mình.

     Chúng ta hay trách người dân thiếu ý thức, điều này có thể đúng một phần nào, nhưng ý thức của người dân phần lớn lại phụ thuộc vào cách hành xử của người quản lý, ở mọi cấp. Nếu ai sai cũng xử lý đúng quy định, không vị nể, không xí xóa thì mọi người sẽ tuân thủ tốt hơn. Khi người quản lý không nghiêm, còn có thể bị “mua” được thì dân còn vi phạm, trong mọi lĩnh vực.


    Trước khi chia tay, ông đưa tôi tập hồ sơ, đơn từ và hình ảnh nhờ tôi đưa lên mạng cho công chúng biết. Bởi như ông nói, với chính quyền Phường ông hết lòng tin rồi, ông chỉ trông mong vào công luận nữa thôi.


      Khi tôi viết những dòng này ông gọi điện báo tin. Nghe đâu (nói “nghe đâu” vì mấy khi chính quyền trả lời đơn thư của dân) trên Sở xây dựng có xuống lập biên bản hôm trước thì ngay tối hôm đó họ đã đổ sàn tầng 3 và hiện họ vẫn đang xây tiếp lên cao…trước sự “bất lực” của chính quyền.






Việt Minh

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Có làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh không?

Nguyễn Trọng Vĩnh


Tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết là "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Thực tế thì hiện tại "độc lập không hoàn toàn", vì trong đất nước ta hiện có không ít tô giới của nước ngoài: Trên rừng thì có những nơi bị bán (cho thuê dài hạn), vị trí chiến lược thì bị chiếm đóng, ở đồng bằng thì có những công viên vui chơi giải trí do nước ngoài làm chủ, ở biển thì có khu ăn chơi, đánh bạc và những dải trồng đất cây sinh thái... Những tô giới đó người dân Việt Nam tuy là chủ đất nước nhưng không được tự do đặt chân đến. Trên biển thì quần đảo bị chiếm đoạt, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế bị xâm phạm, ngư dân Việt Nam không được tự do đánh bắt hải sản. Vậy, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chí Minh chưa được thực hiện như Người mong muốn nếu không nói là đang bị vi phạm.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là: "Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội". Nhưng trong thực tế thì không thấy gì gọi là mầm mống sơ khai của chủ nghĩa xã hội, văn kiện Đảng thì luôn nói đến "định hướng xã hội chủ nghĩa" nhưng không thấy "định hướng" biểu hiện như thế nào, mà chỉ thấy doanh nghiệp tư bản nước ngoài, doanh nghiệp tư bản bản xứ, xí nghiệp liên doanh... phát triển mạnh.

Có một số "tập đoàn" và Công ty Nhà nước thì có cái lỗ vốn lớn, những cái khác thì đóng góp cho ngân sách không đáng là bao, lấy gì làm "chủ đạo"? Hơn nữa, trong một số tập đoàn có cổ phần rất lớn của một số vị có chức quyền, chứ đâu phải hoàn toàn của Nhà nước. Nói thẳng ra là đất nước ta đương phát triển chủ nghĩa tư bản, đâu còn chế độ xã hội chủ nghĩa như tên nước và mong muốn của Bác Hồ.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là "đại đoàn kết dân tộc". Nòng cốt của đại đoàn kết là khối lớn công, nông, trí thức, lực lượng chủ yếu trong cách mạng, trong kháng chiến, kiến quốc. Hiện nay khu vực nông thôn, nông dân là khu vực vẫn nghèo vì ít được đầu tư, một bộ phận nông dân còn bị thu hồi ruộng đất để làm giàu cho những nhà kinh doanh địa ốc; công nhân thì trừ ở một số ngành như dầu khí, điện lực, ngân hàng... có lương cao, còn nói chung lương thấp, không có nhà ở (nếu có loại nhà cho người thu nhập thấp như nghe nói thì cũng hai trăm triệu một căn hộ, công nhân lương thấp từ dưới một triệu đến ba triệu, ăn tiêu còn eo hẹp, bao giờ có được hai trăm triệu để mua nhà?); công nhân ở các xí nghiệp của người nước ngoài bị bóc lột, bắt làm nhiều giờ, đối xử tàn tệ... cũng không được tự do đình công để đòi quyền lợi. Học phí, viện phí ngày càng tăng cao cũng lại chính là đánh vào công nhân, nông dân. Vậy thì làm sao tập hợp được họ trong khối "đại đoàn kết"! Đối với trí thức cũng vậy. Họ không được coi trọng (trừ việc tôn vinh Tiến sĩ Ngô Bảo Châu vừa rồi). Nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, hàng ngàn trí thức góp ý kiến, phân tích rất khoa học, có tình có lý, đều bị bỏ ngoài tai, họ không được tự do phát biểu chính kiến, không được phản biện công khai. Như thế thì làm sao đoàn kết được trí thức? Nói thật, nói thẳng ra là "hiện tình, đại đoàn kết chỉ có danh mà không có thực".

Tư tưởng Hồ Chí Minh là "Dân làm chủ, cán bộ, chính quyền là công bộc của dân, dân có quyền tự do dân chủ", thể hiện trong Hiến pháp: "Nhân dân sử dụng quyền lực, Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân". "Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân". "Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân...". Văn kiện Đảng cũng từng ghi: "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" và "Mở rộng dân chủ cơ sở". Thực tế thì dân đâu có được làm chủ, đâu được tự do phát biểu ý kiến, trí thức thì bị cấm phản biện công khai, dân bị oan khuất kêu cũng ít khi được giải quyết, người tâm huyết tố cáo sai phạm thì bị trừng trị, kẻ bị tố cáo thì được huân chương và được thăng chức, báo đăng bài của vị khai quốc công thần Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì Tổng biên tập bị mất chức, phóng viên đưa tin về vụ bê bối PMU 18 do người điều tra cung cấp thì bị tù, vụ Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô giao cấu với gái vị thành niên và vụ Tập đoàn Vinashin tự tung tự tác gây thiệt hại 86.000 tỷ vừa được công bố thì liền sau đó báo chí được chỉ thị thôi đưa tin và bình luận. Việc khai thác bauxite Tây Nguyên đã cam kết từ trước với nước ngoài, dân đâu có biết, khi dân biết phản đối quyết liệt thì bị bỏ ngoài tai; việc mở rộng thủ đô, xóa sổ hẳn một tỉnh chỉ thấy Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội biểu quyết tán thành trước khi Quốc hội bàn và quyết định, dân đâu được bàn; việc phá Hội trường Ba Đình, di tích lịch sử quan trọng có một không hai của cả nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phản đối, lão thành cách mạng, đông đảo cựu chiến binh và nhân dân phản đối, vẫn cứ chi tiền tỷ thuê phá vội cho bằng được, rồi để đất không gần ba năm nay! Đảng viên (cũng là dân) không được tự do ứng cử vào các cơ quan dân cử; quyền dân chủ tối thiểu của dân là ở bầu Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường để thay mặt mình kiến nghị, giám sát, chất vấn, phê bình cơ quan hành chính, cũng sắp bị tước đoạt nốt! Rõ ràng là không tôn trọng quyền làm chủ, quyền dân chủ của dân như tư tưởng Hồ Chí Minh.

Lẽ đời là dân chủ, trong sạch, công minh thì được lòng người, đoàn kết được rộng rãi, được dân ủng hộ. Tham nhũng, cấm đoán, chuyên quyền thì mất lòng tin và chỉ chuốc lấy sự bất bình và phản kháng thôi.

Tư tưởng Hồ Chí Minh rộng lớn mênh mông và trên mọi lĩnh vực. Ở đây chỉ dám nêu lên một số nét để đối chiếu với hiện thực xem trong "Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh" có thấy điều gì thể hiện được tư tưởng của Người không? Quả thật chỉ thấy tình hình như các phần trên đây đã viết.

Còn học tập đạo đức Hồ Chí Minh thì sao?

Đạo đức Hồ Chí Minh vô cùng trong sáng, cao đẹp, thể hiện trên mọi mặt. Dưới đây tôi chỉ dám mạo phạm nêu gọn Đạo đức Hồ Chí Minh là: chí nhân, chí nghĩa, chí dũng, chí tín, chí khiêm (chí – hết mức, tột bậc) và cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phát động "học tập đạo đức Hồ Chí Minh", nhưng không có vị đạo cao đức trọng nào đứng ra diễn giảng đạo đức Hồ Chí Minh để dạy cho mọi người, báo chí cũng chỉ nêu được phần nào. Những người có chức quyền là người rất cần học thì nói chung không học, cán bộ, nhân viên, dân ai thích thì giở báo ra mà tự học, ai không học cũng chẳng sao. Trên TV thỉnh thoảng cũng thấy một vài cán bộ bình thường, giáo viên, học sinh, thanh niên, một bác nông dân... lên báo cáo điển hình thu hoạch qua học tập đạo đức Hồ Chí Minh. Không thấy vị Chủ tịch hoặc cán bộ cao cấp nào lên TV báo cáo điển hình rằng: "Trước đây tôi trót nhận hối lộ, hoặc bán đất trái phép thu lợi, hoặc báo cáo dối thành tích để được cấp trên khen thưởng, đề bạt, hoặc trót mua bằng cấp giả, hoặc trót ăn chặn tiền cứu trợ của dân gặp thiên tai... nay học tập đạo đức Hồ Chí Minh tôi tỉnh ngộ ra, thấy sai trái, xấu hổ, tôi xin sửa chữa, tu dưỡng để trở thành cán bộ tốt, trong sạch".

Trong giới lãnh đạo, nắm quyền các cấp không thấy mấy ai hội đủ những đức tính như: thương người, yêu dân (nhân), ăn ở có trước có sau, nghĩa hiệp, vị tha (nghĩa), dám công khai đấu tranh bảo vệ quyền lợi của Tổ quốc, chống lấn át, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, dám nói thẳng nói thật (dũng), giữ lời hứa, nói tốt làm tốt, nói hay làm hay, không nói một đằng làm một nẻo (tín), khiêm tốn, giản dị, không khoe khoang, hách dịch, tự cao, tự đại (khiêm) theo đạo đức Bác Hồ.

Tham nhũng, lãng phí không ngăn chặn được, vẫn diễn biến tinh vi phức tạp; mua quan bán chức vẫn diễn ra; những vụ án chứng cứ đã rõ ràng, nhưng vì liên quan dây mơ rễ má nên kéo dài; tội tham ô thì chỉ bị xử tội đánh bạc; người làm lợi cho Nhà nước, lo cải thiện cho công nhân, tự mình không mưu lợi riêng thì bị bỏ tù; người tố cáo tham nhũng, lộng quyền thì bị trù dập, trị tội, kẻ bị tố cáo có bằng chứng hẳn hoi lại vô can...

Vậy là, cuộc phát động học tập Đạo đức Hồ Chí Minh hầu như không mấy hiệu quả, hình thức nhiều hơn thực chất.

N. T. V.

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Tác giả, nhà cách mạng lão thành, gửi trực tiếp cho BVN.

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

Làm người yêu nước chân chính như Fidel Castro đâu khó?


09/09/2010 Kami.

Theo: Kami posts


” … Khi trả lời câu hỏi ” Liệu hệ thống kinh tế của Cuba có còn đáng để xuất cảng ra nước ngoài hay không?” thì cựu Chủ tịch Fidel Castro đã không ngần ngại tuyên bố thẳng thắn với phóng viên Jeffrey Goldberg rằng : “Mô hình Cuba không còn hoạt động được nữa”.


- Xem thêm: Chuyện của những du học sinh Việt nam tại Cuba


***


Thật sự tôi không tin vào mắt mình nữa khi tôi đọc bản tin trên trang VOA news với tựa đề “”Cựu Chủ tịch Cuba tuyên bố mô hình Cuba không còn hoạt động được nữa ” hôm nay (09/9/2010). Đây là bản tin ngắn trên trang web site của Đài tiếng nói Hoa kỳ (VOA) cho biết, phóng viên Jeffrey Goldberg của Tạp chí The Atlantic trong một cuộc phỏng vấn với cựu Chủ tịch Fidel Castro đã cho biết, trong một bữa ăn trưa sau một cuộc thảo luận kéo dài 3 giờ đồng hồ về vấn đề Iran và Trung Đông. Khi trả lời câu hỏi “ Liệu hệ thống kinh tế của Cuba có còn đáng để xuất cảng ra nước ngoài hay không?” thì cựu Chủ tịch Fidel Castro đã không ngần ngại tuyên bố thẳng thắn với phóng viên Jeffrey Goldberg rằng : “Mô hình Cuba không còn hoạt động được nữa”.


Ngoài ra, bản tin còn cho biết thêm rằng tuy nhiên ông Fidel Castro không giải thích thêm và phía Chính phủ Cuba hiện chưa đưa ra lời bình luận nào về bài viết của ông Goldberg. Đồng thời theo bà Julia Sweig, một chuyên gia về Cuba tại Hội đồng các Quan hệ Đối ngoại, người có mặt tại cuộc gặp gỡ nói là bình luận của ông Fidel Castro có vẻ như một sự thừa nhận là theo “mô hình Cuba”, nhà nước đóng một vai trò quá lớn trong đời sống kinh tế của đảo quốc này không thể còn hoạt động được nữa.


Đường phố thủ đô La Havana giờ cao điểm
Ngược dòng lịch sử cách mạng XHCN đi theo học thuyết Marx -Lenin khoảng 20 năm trước đây, với sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống XHCN, vốn từng có một thời oanh liệt, đã từng là đối thủ đáng sợ và là mối đe dọa của hệ thống các nước dân chủ đứng đầu là Hoa kỳ. Điều kỳ lạ là sự sụp đổ của tất cả các nước XHCN ở Đông Âu với người anh cả là Liên xô, hầu như không chịu ảnh hưởng nhiều từ những tác động bên ngoài của các thế lực phản động quốc tế, mà hầu như là do sự suy sụp dẫn tới tự sụp đổ, bởi một cơ chế và mô hình kinh tế chính trị không phù hợp quy luật khách quan, không đáp ứng nổi nhu cầu tối thiểu của đời sống xã hội và cuộc sống của nhân dân, đó là hậu quả của nền kinh tế chỉ huy tập trung quan liêu bao cấp, nên kinh tế đặc trưng của CNXH theo học thuyết Marx – Lenin.


Tuy nhiêntrong cơn hỗn loạn ấy, còn 4 quốc gia thành viên phe XHCN còn sống sót đó là Trung quốc, Việt nam, Bắc Triều tiên và Cu ba vẫn tồn tại đến giờ phút này. Trong số 4 nước trên duy chỉ có Cu ba và Bắc Triều tiên (xin không nói tới BTT vì là chế độ độc tài loại điên khùng)vẫn cố bám lấy học thuyết Marx – Lênin với nguyên tắc cơ bản là kinh tế tập thể, chống bóc lột và sở hữu công cộng đối với tất cả tư liệu sản xuất. Hai quốc gia này, họ theo đuổi hệ tư tưởng CNXH chính thống, đó là hệ thống tư tưởng duy nhất có quyền tự gọi mình là “chủ nghĩa xã hội”. Đó là quan điểm lập trường Marxist-Leninist-Stalinist-Maoist … liên quan đến chủ nghĩa xã hội, tuyệt nhiên không chấp nhận bất cứ vai trò loại nào đó của thị trường mà theo họ là sản phẩm xấu xa của CNTB. Không những thế, Cu ba đã từng lên tiếng công kích Việt nam và Trung quốc khi hai quốc gia này tự đổi mới (quay lại với cái cũ), đi theo con đường kinh tế TBCN, chấp nhận bóc lột và sở hữu tư nhân trong hầu hết các lĩnh vực là bè lũ thiếu kiên định và phản bội Chủ nghĩa Marx – Lê nin.

Người Cuba sôi động và cởi mở


Việc bảo thủ của những nhà lãnh đạo hai nước Bắc Triều tiên và Cu ba trong hai thập kỷ qua đã dẫn đến tình trạng đất nước tiêu điều, dân chúng đói khát, thiếu thốn và nghèo khổ như Việt nam những năm trước đổi mới 1986. Với việc từ bỏ kinh tế XHCN của Trung quốc và Việt nam đã mang lại cho đất nước và con người những cải thiện đáng kể, gặp hái được những thành quả kinh tế đáng khâm phục. Đặc biệt là điều đó đã nâng vị thế của đất nước mình lên cao trong quan hệ quốc tế.


Trong hai nước Việt nam và Trung quốc cũng có sự khác biệt đáng kể về việc điều hành kinh tế. Trung quốc có tiến bộ phi thường về kinh tế, tháng 7/2010 đã chiếm vị tí nền kih tế lớn thứ 2 trên thế giới từ tay người Nhật. Nguyên nhân chính được cho là chính quyền Trung quốc đã khuyến khích và ủng hộ kinh tế tư nhân ở mức cao nhất có thể có. Ngược lại với khối kinh tế nhà nước họ giảm thiểu tới mức thấp nhất có thể, bằng chứng mới nhất là với kinh tế nhà nước sắp tới Trung quốc có kế hoach thuê lãnh đạo người nước ngoài cho các tập đoàn kinh tế chủ lực của nhà nước để tăng hiệu quả kinh tế.


Với tuyên bố mạnh mẽ của cựu Chủ tịch Cu ba Fidel Castro khi cho rằng mô hình kinh tế của Cu ba không thể hoạt động được nữa, với những người cộng sản “giả cầy” ở Việt nam là một điều đau xót về mặt thực tiễn đối với những người bấy lâu nay vẫn dùng cái chiêu bài CNXH theo học thuyết Marx – Lenin mà Bác Hồ đã chọn cho dân tộc là đúng đắn, để lòe bịp nhân dân lao khổ, ít có điều kiện tiếp cân với các thông tin trung thực.


Việc bày tỏ của Chủ tịch Fidel Castro xin đừng coi đó là lời thú nhận sự thất bại và phá sản của quốc gia cuối cùng còn cố bám giữ Chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Marx -Lê nin, xin hãy coi đó là cũng hiệu lệnh cho công cuộc đổi mới của đất nước Cu ba tươi đẹp, một thời trước cách mạng 1959 đã từng mệnh danh là hòn ngọc của vùng biển Caribian. Hy vọng, với sự thay đổi về quan điểm của người lãnh đạo đứng đầu đất nước này sẽ đưa nhân dân Cu ba tiến lên với một cuộc sống thoát khỏi đói nghèo và nhanh chóng hòa vào dòng chảy của xã hội loài người tiến bộ, văn minh.


Tôi có ấn tượng tốt với nhân dân Cu ba nói chung và cựu Chủ tịch Fidel Castro nói riêng, đặc biệt là câu nói nổi tiếng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đó là ” Với Việt nam, nhân dân Cu ba sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả máu của mình”. Tuy nhiên bay giờ cũng vẫn không đồng tình, ủng hộ với cái tư tưởng bảo thủ và tham quyền cố vị của Chủ tịch Fidel, cái mà vốn là đặc trưng cố hữu của những người cộng sản.


Hãy biết thương đồng loại và người dân của đất nước mình, giá như không có trận ốm thập tử nhất sinh vài năm vừa qua, dẫn đến việc Chủ tịch Fidel phải nhường vai trò lãnh đạo cho người em trai Raul Castro thì Chủ tịch Fidel không có thời gian nghiên cứu các tài liệu lý luận, các tin tức thời sự để cho vốn kiến thức cũ rích mà nhân loại đã vứt bỏ vào sọt rác để đi đến một quyết định đúng đắn như hôm nay. Điều buồn cười nhất là đối với những lãnh đạo cộng sản ở quốc gia nào cũng thế, khi họ được nghỉ ngơi, có điều kiện tham khảo, tìm hiểu kiến thức và tin tức bỗng họ hóa thân thành những con người hoàn toàn khác không ngu ngốc như so với lúc họ đương chức, đương quyền(?!)


Thiết nghĩ đây cũng là bài học cho các nhà lãnh đạo vốn ít học nhưng thừa sự dốt nát, nhưng bù lại lại có rất nhiều bằng cấp các loại ở Việt nam. Xin các đồng chí hãy bắt đầu nhớ lịa và làm đúng khẩu hiệu nổi tiếng của Lê nin “Học, học nữa, học mãi …” để bổ xung kiến thức cho minh để phụng sự đất nước tốt hơn. Hãy xóa bỏ ngay các khoảng ngăn cách, các bức tường lửa và cho tự do báo chí để người dân có thể tìm đến những thông tin họ muốn biết để nâng cao dân trí xã hội, chứ xin đừng để tình trạng quan trí của Đại biểu Quốc hội , đại biểu của nhan dân mà đến bây giờ còn chưa biết search google là gì?


Đời con người ta ai mà không có lúc lầm lạc, vấp ngã. Ngày xưa Vua chúa còn có lúc nhầm nữa huống chi là Bác Hồ. Vào thời điểm khi cách mạng XHCN trên toàn cầu đang ở thế thượng phong thì Bác Hồ nhầm khi chọn CNXH cho đất nước và dân tộc Việt nam là chuyện đương nhiên, vì Bác chỉ là con người bình thường như mọi người chúng ta, có hơn là hơn ở chỗ nằm trong lăng mà thôi. Nhưng ngày nay, thời và thế đã khác, Chủ nghĩa cộng sản mà núp dưới cái từ Chủ nghĩa xã hội một thời từng là ước mơ của bao thế hệ con người đã bị lật tẩy, nó đã bị phơi bày những cái tàn ác, xấu xa và đã bị loài người lên án và đưa vào danh sách tội ác chống nhân loại.


Với Chủ nghĩa cộng sản là chuyên chính và áp bức, cái chủ nghĩa quái dị ấy đã tước đoạt mọi quyền tự do của con người, hơn nữa đẩy con người vào đói khổ, nghèo nàn và lạc hậu. Chủ nghĩa xã hội ấy bây giờ chỉ còn là cái dĩ vãng, người ta nhớ đến vào những ngày giỗ mà thôi. Điều đơn giản như vậy mà ai ai từ người già đến trẻ con trên trái đất này cũng biết. Vậy mà hôm nay ở Việt nam còn có những kẻ ảo tưởng và lừa mọi người rằng kiên định với cái đang nằm trong sọt rác để bảo vệ quyền lãnh đạo đất nước, để thỏa mãn cơn thèm khát quyền lực của một vài cá nhân bọn họ lại là vì nhân dân.(?!)


Xin các đồng chí lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam, các đảng viên cộng sản và toàn thể nhân dân hãy dũng cảm như cựu Chủ tịch Cu ba Fidel và hãy nhắc lại câu khẩu hiệu bất tử một thời của Fidel Castro mà mỗi người cộng sản đều ghi nhớ “Tổ quốc hay là chết!”. Cái đó đồng nhĩa với sự quyết tâm vứt bỏ cái CNXH “giả cầy” mà Bác Hồ đã chót chọn nhầm. Sai thì phải sửa, người biết sai mà sửa cho đúng là người đáng kính trọng cho dù họ là cộng sản hay không cộng sản.


Tuy lời thú nhận của cựu Chủ tịch Fidel Castro là quá muộn màng, khi mà sau hơn năm 50 năm ông ta mới chợt hiểu ra, xong muộn còn hơn không, xin hãy nghĩ rằng đó là sự ngộ nhận của một lãnh tụ gọi là vĩ đại về một chủ thuyết có vẻ hào nhoáng bên ngoài dễ đánh lừa mọi người trong quá khứ. Chắc chắn suy nghĩ & lời phát biểu này của Fidel Castro là đúng đắn, sẽ được đông đảo người dân Cu ba đồng tình và ủng hộ nhiệt thành.


Chỉ đơn giản như thế, nhân dân sẽ biết ơn và gọi các đồng chí bằng cái câu trìu mến như họ đã từng dành cho Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong, Nguyễn văn Trỗi, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Thanh Nghiên … và nhiều người khác nữa, đó là câu “Những người yêu nước chân chính”


Ngày 10/9 /2010






Nỗi buồn tướng Vịnh


09/09/2010
Hà Văn Thịnh

Tôi là người viết nhiều. Vậy mà, sau khi nghe, đọc những điều ông Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói “với Trung Quốc” ngày 25.8, ngòi bút của tôi bỗng như bị khô mực, ý tưởng bỗng trở nên rối loạn. Tôi hoang mang khi không thể phân định được những lẽ đúng sai mà tướng Vịnh đã nói, đã ám chỉ. Vì đã có rất nhiều bài bình luận về chuyện này, nên tôi không đi vào chi tiết, chỉ lạm bàn dưới dạng tản văn…


1. Cái nguyên tắc “ba không” mà tướng Vịnh đưa ra đã lạc hậu và xưa cũ lắm rồi. Chính trị, ngoại giao thì cũng chỉ là “cuộc đời lớn” của chính con người – hình đồng dạng của sự ứng xử trong đời. Cay đắng nhất của kiếp người là mỗi chúng ta có rất nhiều “bạn”, nhưng lúc gian khó, tuyệt vọng, tất cả các dạng thức “bạn” đó đều bỏ chạy.


Đừng trách người mà hãy tự trách mình: Bắt cá nhiều tay như thế thì chẳng khác gì câu thành ngữ của phương Tây – một con chim trong tay hơn rất nhiều con trên cây. Làm bạn với tất cả mọi quốc gia cũng chẳng khác gì nói tôi yêu tất cả loài người – bao gồm cả tội phạm ma túy, trộm cướp, găng-tơ, những kẻ giết người…

Cách nói đó cũng là “mô hình” chung của mệnh đề rất quen tai: một số đồng chí chưa tốt, một số con sâu. Nó phản ánh cái nửa vời, cái đoản kiến của tư duy, cái lập lờ của tình cảm (chân thành), cái bối rối của phương pháp tiếp cận, cái dại dột cũ mòn trước một thế giới đang được rạch ròi hóa, cụ thể hóa.


Chưa bao giờ đất nước Việt Nam cần một đồng minh chiến lược như lúc này. Đừng tự hào vì “tài năng” đi giữa Liên Xô – Trung Quốc để mưu lợi một cách cơ hội nữa. Vì dẫu có thành công trong một giai đoạn nào đó thì về lâu dài, chẳng ai tin anh. Đã không tin thì không thể có hợp tác chân thành, không thể có sự hết mình với tư cách là đồng minh.


Trong cuốn sách Biểu tượng thất truyền, Dan Brown có cho biết rằng thuở xa xưa, những người thợ điêu khắc đã “sửa chữa” sai lầm của mình khi tạc tượng (đá nứt nẻ, mẻ, sứt) bằng cách nấu sáp nóng chảy để xóa mờ các dấu vết chắp vá, hàn kết. Vì vậy, một pho tượng có giá trị là pho tượng được khẳng định rằng nó “không có sáp” (sine sera) – và, đó là nguồn gốc của chữ “chân thành” trong tiếng Anh (sincerely). Như vậy, nếu không có chân thành, nếu quan hệ ngoại giao mà khi nào cũng ngập tràn sáp, ngập tràn sự nửa vời của son phấn thì cái kết cục tất yếu sẽ là sự tan chảy dưới ánh nắng mặt trời nghiệt ngã của chân lý. Mà chân lý là cụ thể: Không thể chân thành với tất cả mọi hạng người, nhưng nhất thiết phải có sự chân thành trong quan hệ đồng minh chiến lược theo nguyên tắc ràng buộc của các lợi ích chiến lược, đó là con đường sống còn khi tình thế hiểm nguy, phức tạp trở thành mối đe dọa lừng lững trên đầu mình. Làm gì bảo vệ được lợi ích chiến lược nếu bấy giờ mình là kẻ thân cô, thế cô vì cứ muốn ôm chân cả kẻ thù và bạn hữu? Bài học từ Hoàng Sa năm 1974, từ chiến tranh biên giới năm 1979, từ Trường Sa năm 1988…, chẳng lẽ chưa đủ thuyết phục về cái cách tìm sai “bạn” đồng minh chiến lược hay sao? Hãy giở Hiệp ước hữu nghị Việt – Xô, 3.11.1978 ra sẽ thấy Liên Xô đã cam kết thế nào và đã rất “lấy làm tiếc” khi Trung Quốc tấn công Việt Nam ra sao.


2. Tướng Vịnh tuyên bố với phóng viên mạng Hoàn cầu của Trung Quốc rằng “về phần Việt Nam, chúng tôi sẽ không bao giờ trở thành đồng minh quân sự của Mỹ”(!)?


Có lẽ, tướng Vịnh chưa bao giờ đọc lịch sử để biết các chính khách phương Tây ăn nói ra sao? Ví dụ, khi phê phán Chính phủ Pháp vong ân bội nghĩa về chuyện Mỹ cứu nước Pháp khỏi phát xít Đức năm 1945 mà quay ra phê phán Mỹ quyết liệt trong chuyện tấn công Iraq, TT Bush nói: “Người Pháp là dân tộc không thích nghĩ về quá khứ” (tức là ăn cháo đái bát!). Hoặc, để đe dọa Liên Xô, trong diễn văn nhậm chức năm 1981, R. Reagan nói rằng “và, các kẻ thù tiềm tàng của nước Mỹ cần phải biết rằng chúng ta sẽ tăng cường sức mạnh vì chúng ta biết rõ đó là cách tốt nhất để khỏi phải đem sức mạnh đó ra dùng”…


Cụm từ “không bao giờ” là cụm từ hầu như không có trong tự điển ngoại giao, bởi vì nó không đúng, nó vô lý và nó… dại khờ, nói trắng ra là ngu xuẩn. Không có cái gì được hạn định bởi không bao giờ! Đó là chân lý của muôn đời vì sự biến thiên của nhận thức, sự không tưởng có thật đã được lịch sử chứng minh rất nhiều lần. Tại sao lại không thể nói là “trong một tương lai xác định (có thể nhìn thấy được), Việt Nam chưa có ý định liên minh quân sự với bất kỳ nước nào”? Nói như tướng Vịnh chẳng khác gì ném vào mặt Ngoại trưởng Mỹ một cái gì đó thật đau lòng, bởi chỉ cách đó mấy ngày, chính bà Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định vai trò của Mỹ trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, và người Trung Hoa đã tức tối vô cùng. Họ tức tối có nghĩa là Việt Nam đã giành điểm tối đa. Vì sao lại không hiểu cái lẽ tối thiểu thông thường đó?


3. Không thể hòa giải với Trung Quốc chừng nào họ không thật tâm giải quyết cái lưỡi bò, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi sự níu kéo chỉ là vô ích.


Xin hỏi tướng Vịnh là nếu nhà hàng xóm lấn chiếm đất đai của ông, đánh đập vợ con ông thì ông có hữu nghị với họ không, khi họ không trả lại phần đất lấn chiếm, khi họ cứ tiếp tục đánh đập, hãm hại những người thân thiết (ngư dân Việt Nam)? Chắc chắn là không. Đừng có ảo tưởng tin vào lòng tốt của bá quyền đại Hán. Một trong những đại Hán có thể “nói chuyện” được nhất là tướng Lưu Á Châu đã nói thẳng ra rằng “Mục đích duy nhất của quyền lực là thay đổi để có quyền lực lớn hơn nữa” (Viet Studies).


Làm sao tướng Vịnh có thể nói “sự phát triển của Trung Quốc, trong đó có quốc phòng (Tân Hoa xã dịch là phát triển quân sự), Việt Nam ủng hộ và vui mừng”? Thứ nhất, nếu Tân Hoa xã dịch sai thì ông phải đính chính cho công luận biết. Thứ hai, chẳng có nước nào lại vui mừng khi nước láng giềng tăng cường sức mạnh quân sự trừ phi giữa hai nước đã có hiệp ước liên minh quân sự. Thứ ba, những điều tướng Vịnh nói chỉ diễn ra mấy ngày sau khi Trung Quốc thăm dò dầu khí cách bờ biển Quảng Ngãi có 90 hải lý – trắng trợn chà đạp chủ quyền, an ninh của Việt Nam, nên không thể chấp nhận được. Vui mừng cái nỗi gì khi chúng nó ba bề bốn bên toa rập, bao vây và ép Việt Nam như ép mía trên mọi lĩnh vực? Không thể nhân nhượng, không thể đan tay vào nhau (bó tay) hoặc cúi mình khúm núm đưa cả hai tay ra vồ lấy một tay của người ta được nữa (cứ nhìn ảnh sẽ thấy).


Đôi khi tôi chợt nghĩ hoang mang rằng phải chăng rất nhiều người đang sợ sự phát triển của lòng yêu nước? Họ sợ vì cho rằng một khi lòng yêu nước được dâng lên vô bờ bến sẽ trở thành những đợt sóng có sức mạnh phi thường cuốn trôi đi tất cả mọi rác rưởi của sự ngu tối, đớn hèn, tham lam, thiển cận? Ước gì điều tôi nghĩ bị sai.


Cách đây mấy năm, con gái tôi đi học quân sự về nói: “Ba ơi, các thầy nói “thằng Clinton”, “thằng Bush”; trong khi ba dặn không được nói như thế, làm sao hở ba”? Tôi không thể trả lời. Cách đây ít ngày, con trai tôi đi học quân sự về, kể: “Các thầy nói các em chuẩn bị tinh thần chứ rất có thể Tàu nó sẽ đánh mình”. Lời kể đó là liều doping cần thiết để cho tôi viết những dòng này. Ít nhất, tôi tin, không ít sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã ý thức được mối nguy hiểm cận kề. Tại sao tướng Vịnh lại không hiểu?


Cách đây hàng chục năm, tôi đã thuộc nằm lòng bài thơ Tố Hữu viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Trong đó có bốn câu thật hay, tôi xin đọc lại cho tướng Vịnh nghe: Tưởng lại đưa anh ra chiến trường/ Đường về vó ngựa thẳng dây cương/ Ngày mai ai biết chiều nay phải/ Vĩnh biệt anh nằm dưới bóng dương. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không bao giờ lầm tưởng. Là người lính, ông luôn thẳng dây cương trước mọi kẻ thù chứ chẳng bao giờ bó gối, đan tay. Chắc ông sẽ không tin “Ngày mai ai biết chiều nay phải vĩnh biệt” những can trường, sự hy sinh và lòng dũng cảm vô bờ của người lính trước những đe dọa, chà đạp thô bạo của kẻ thù? Bởi đó quả là nỗi buồn xa xót đến tận cùng trong mọi trái tim Việt đang nhức nhối, đớn đau…


Huế, 5.9.2010


HVT