Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Đằng sau bức ảnh nổi tiếng: O du kích nhỏ


  "Nhưng thật không công bằng nếu chúng ta quên đi công “biên tập” của ông TBT báo đã đưa bức ảnh ra công chúng, cũng như chúng ta quên đi người đã cùng o Lai giải viên phi công Mỹ về. 
 Theo tôi nếu không có công biên tập của ông TBT thì bức ảnh O du kích nhỏ dã không nổi tiếng như thế."

O du kích nhỏ là một tác phẩm của nghệ sĩ Phan Thoan (sinh năm 1924) thực hiện vào ngày 21 tháng 9 năm 1965. Ra đời trong bối cảnh Không quân Hoa Kỳ oanh tạc dữ dội miền Bắc Việt Nam, tác phẩm mô tả hình ảnh một nữ dân quân có vóc dáng nhỏ bé đang cầm súng áp giải một viên phi công Mỹ to lớn đang cúi đầu. Bức ảnh sau khi ra đời đã gây được tiếng vang rất lớn trong dư luận Việt Nam và được coi là nguồn động viên cho cuộc chiến đấu của quân đội và nhân dân miền Bắc Việt Nam chống lại chiến tranh phá hoại của Không quân Hoa Kỳ.


Năm 1966 bức ảnh O du kích nhỏ ( lúc đầu tác giả đặt tên cho bức ảnh là Uy thế không lực Hoa Kỳ ), được trưng bày trong Triển lãm ảnh toàn quốc và lập tức gây được tiếng vang lớn. Khi xem bức ảnh này, Nhà thơ Tố Hữu đã nẩy ra những câu thơ hay, có thể coi là mẫu mực của loại thơ "xem ảnh đề thơ" hoặc là "vịnh ảnh" và bình bức ảnh bằng bốn câu thơ:“O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế to gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu”.

Trong cuộc chiến tranh phòng không chống lại Không quân Mỹ, bức ảnh O du kích nhỏ cùng bốn câu thơ bình kèm của Tố Hữu đã lập tức được nhiều người yêu thích. O du kích nhỏ còn gây được tiếng vang ở cả tầm quốc tế.

Theo QĐND Online - Cô gái tuổi 17 tươi trẻ năm nào giờ đã là một phụ nữ tuổi lục tuần, lên chức bà, tóc lốm đốm bạc, nhỏ nhắn, hiền hậu. Trong căn nhà nhỏ tại ngõ 5 đường Xuân Diệu, tổ 16, phường Bắc Hà, thị xã Hà Tĩnh, chị vui khi nhắc lại nguồn gốc bức ảnh “O du kích nhỏ” năm nào:

   “Đó là buổi chiều 20-9-1965. Để cứu đồng bọn trên những máy bay ném bom đã bị ta bắn rơi, ba chiếc trực thăng của Mỹ được phái đến quần lượn trên bầu trời Hương Sơn (Hà Tĩnh). Một trong ba chiếc ấy tiếp tục bị dính đạn, gãy cánh quạt, bọn giặc lái nhảy dù trốn vào rừng, mất dạng. Các lực lượng xã Hương Phong được huy động đi vây bắt.
    Tôi lúc này mới vào dân quân được hai tháng, chưa rành mấy về súng đạn, chỉ biết mỗi động tác khoá an toàn và bóp cò, cũng hăng hái vác súng chạy. Thật bất ngờ, tôi lại là người đầu tiên phát hiện tên giặc lái Ariam Rôbinxơn đang ẩn nấp trong rừng. Biết địch có vũ khí nhưng tôi dạn lắm, không biết sợ là gì, cùng anh chị em trong trung đội xông vào trói hắn lại.
   Nhìn tôi quá bé nhỏ bên tên giặc lại cao lớn dềnh dàng, mọi người trêu: “Để o Lai giải tên Mỹ đi, xem có to bằng bắp đùi của nó không?”. Quả thật, lúc đó tôi chỉ có 37kg, cao 1,48m còn tên Mỹ nặng 125kg và cao đến 2,2m.” 

  Sự tương phản khá độc đáo này đã được phóng viên Phan Thoan của báo Hà Tĩnh bấm máy trong khoảch khắc. Thế là bức ảnh nổi tiếng “O du kích nhỏ” đã ra đời và có tiếng vang cả thế giới.
   Nhưng o Lai, nhân vật chính trong tấm ảnh không hề hay biết gì về sự kiện này. Chị làm dân quân, sau giữ chức xã đội phó, lăn lộn công tác ở địa phương với một sự dẻo dai hiếm có. Chiến trường kêu gọi, chị học lớp y tá cấp tốc rồi xung phong xin vào mặt trận B5, miền Tây Quảng Trị. 

Năm 1967, Lai bất ngờ phát hiện mình trên hình chiếc tem thư. Các anh trong đơn vị ở B5 cũng không tin: “Mày mà có trong ảnh thì ở chi đây?”. Chị cũng không hề biết rằng trong thời điểm đó có rất nhiều phóng viên báo chí trong và ngoài nước “săn lùng” mình. Một số nhà báo phương Tây do không tìm được người thật việc thật nên cho rằng bức ảnh này do dựng lên mà có. 

   Khi đọc đến dòng cuối cùng ở trên, chúng ta đều biết tấm ảnh O du kích nhỏ là ảnh thật 100% nhưng ít người biết rằng đấy chỉ là một phần của bức ảnh thật. Tôi nhớ đã đọc đâu đó trên báo, rất lâu rồi, về sự ra đời của bức ảnh này. Nội dung như sau. Khi bức ảnh “ O du kích nhỏ” gửi lên để đăng báo (hay triển lãm?), bức ảnh có hình ảnh là hai o du kích đang cầm súng giải tù binh Mỹ. Thế nhưng chính Tổng biên tập (TBT) đã quyết định (dùng kéo) cắt đi một o du kích đi bên trái viên phi công Mỹ. Bởi theo ông, chỉ để một o du kích (o Lai) thì bức ảnh sẽ càng có sự tương phản rõ nét và bức ảnh này sẽ có ý nghĩa hơn nhiều. Và ông TBT đã đúng -  bức ảnh O du kích nhỏ (cùng bốn câu thơ bình kèm của Tố Hữu sau này) đã lập tức được nhiều người yêu thích, tới năm 1967 thì tác phẩm này được đưa lên tem thư của Bưu điện Việt Nam. O du kích nhỏ còn gây được tiếng vang ở cả tầm quốc tế.

  Tuy nhiên chi tiết “cắt ảnh” này tôi không tìm thấy trên mạng, không thấy ai nhắc đến nữa. Mà tìm trong báo giấy, tạp chí cũ là điều tôi không thể. Tôi đã thử hỏi tác giả bức ảnh theo số điện thoại 04 3834 9738 nhưng người nhà bảo ông đang rất mệt nên tôi chưa xác minh được.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Phan Thoan được Huy chương vàng Triển lãm ảnh quốc tế tại Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ IX tổ chức tại Xôphia ( Bun ga ri) năm 1968;  theo tôi là cho tác phẩm tiêu biểu - bức ảnh O du kích nhỏ. Năm 2006 tác giả Phan Thoan còn được tặng Giải thưởng Nhà nước cho "Uy thế không lực Hoa Kỳ (O du kích nhỏ 1968)".

 Nhưng thật không công bằng nếu chúng ta quên đi công “biên tập” của ông TBT báo đã đưa bức ảnh O du kích nhỏ ra công chúng, cũng như chúng ta quên đi người đã cùng o Lai giải viên phi công Mỹ về. 

   Theo tôi nếu không có công biên tập của ông TBT thì bức ảnh O du kích nhỏ dã không nổi tiếng như thế. Họ là ai, xin ông Phan Thoan, bà Nguyễn Thị Kim Lai và những cán bộ văn hóa nghệ thuật Ty Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh cho biết. Bởi họ cũng là một phần của nhân chứng lịch sử. 

Việt Minh

5 nhận xét:

  1. Tôi đã tìm được bài báo đã đọc, nói về lịch sử bức ảnh "O du kích nhỏ" đăng trên báo Tia sáng (Số tháng 2 năm 2005, trang 45). Trong đó tác giả bài báo là Hà Huy Khoái đã viết: Khi giải người phi công Mỹ lên trại giam có hai o du kích đi hai bên, chứ không phải chỉ có một o! Người chụp ảnh đã gửi bức ảnh đó đi dự thi, và ông Giám đốc Sở Văn hóa Hà Tĩnh thời ấy đã làm một việc rất thông minh: lấy kéo cắt đi một o!"O du kích bị cắt" bây giờ chẳng còn ai nhớ đến nữa.Thế nhưng, nếu để hai o hai bên thì chắc chắn bức ảnh đã không đoạt giải thưởng. Sẽ thiếu đi một giải thưởng quốc tế, thiếu đi một bức ảnh đẹp, một bài thơ hay, một câu chuyện đáng nhớ cuat hời chiến tranh! Thật là một nhát kéo lịch sử!".

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Gia tri nghe thuat con nam o nhat keo lich su ay.

    Trả lờiXóa
  4. Nguyễn Văn Họclúc 12:06 12 tháng 3, 2016

    Cuộc hội ngộ sau 30 năm

    13/02/2016 - Đời sống & Pháp luật

    Những ngày xuân sang Tết đến, chúng tôi lại tìm gặp o du kích nhỏ (tên thật là Nguyễn Thị Kim Lai, hiện 69 tuổi).

    Không lâu sau cuộc bắt sống phi công Mỹ kỳ thú ấy, o Lai được đi học lớp y tá, rồi xung phong vào mặt trận B5, miền Tây Quảng Trị. Năm 1973 o Lai xuất ngũ, về công tác tại Bệnh viện huyện Thạch Hà và gặp anh thương binh Nguyễn Anh Đức đang điều trị ở đây. Hai người đem lòng yêu thương nhau, trở thành vợ chồng và có với nhau ba người con.

    Chiến tranh ngày một lùi xa, cô Lai tưởng như sẽ không bao giờ gặp lại được anh phi công Mỹ năm xưa bị bà áp giải lên huyện. Thật bất ngờ, một buổi sáng đầu tháng 9/1995, cô Lai đang bồng cháu nội sang nhà hàng xóm chơi thì nghe có người gọi: “Bà Lai về nhà, có mấy người nước ngoài hỏi nhà bà đó”.

    Cô Lai tất tả bồng cháu về đến cổng, ngạc nhiên nghĩ trong đầu: “Ai mà cao to giống như Andrew Robinson hồi mình giải lên huyện ấy nhỉ”. Cô chưa kịp chào hỏi, Andrew đã dang hai tay ôm cùng đứa cháu và xúc động nói: “Nếu như hồi đó một trong hai người chĩa súng bắn về phía bên kia, tôi và bà sẽ không có ngày hôm nay”.

    Andrew Robinson kể cho cô Lai biết về cuộc đời mình sau khi trở lại Mỹ. Andrew phải thất nghiệp sáu năm, sống trong một căn hộ tập thể, chưa có nhà riêng (tính từ ngày gặp cô Lai). Khi nghe cô Lai giới thiệu về gia đình, con cháu của mình, Andrew đã không giấu được nỗi buồn.

    Andrew có đến hai lần cưới vợ. Không có người vợ nào sinh con cho Andrew. Vì thế, Andrew xem hai đứa con gái của người vợ sau như con đẻ của mình. “Sau chiến tranh, ký ức về Andrew Robinson tôi vẫn nhớ y nguyên. Tôi cứ nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại anh ấy. Vậy mà tại cuộc gặp gỡ năm 1995 tôi không ngờ cuộc đời tôi lại hạnh phúc hơn người lính Mỹ ấy” - cô Lai nói.

    Andrew nói với cô Lai là từ lâu rất muốn một lần sang Việt Nam tìm gặp lại cô nhưng hoàn cảnh không cho phép. Đến khi Hãng NHK của Nhật Bản mời Andrew sang Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu Cuộc hội ngộ sau 30 năm thì Andrew mới gặp lại cô Lai và chiến trường năm xưa. Hai người sau đó rủ nhau quay lại tìm hang đá và con đường cô áp giải Andrew lên huyện Hương Khê.

    Vì thời gian, cây cối mọc bao phủ và do có mưa nên hai người không thể đi sâu vào rừng tìm lại hang đá nơi Andrew ẩn nấp. Nhưng những ký ức chiến tranh về cuộc gặp gỡ đó thì cô Lai và Andrew không bao giờ quên.

    NGUYỄN VĂN HỌC

    Trả lờiXóa
  5. O du kích nhỏ giương cao súng
    Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
    Ra thế to gan hơn béo bụng
    Anh hùng đâu cứ phải mày râu

    Họa

    Đại bàng tung cánh khắp năm châu
    Một phút sa cơ phải cúi đầu
    Viễn chinh ngăn trừ loài giặc dữ
    Sá gì tiếng nhạo lũ trẻ trâu

    (Thơ Hà Đông Thụ)

    Trả lờiXóa