Sáng cà phê, mấy ông bạn già théc méc: Ông có bài viết về giọng Quảng Nôm đọc cũng… tồm tộm mà sao hổng thấy viết cái giọng Sè Goòng? Về lục được bài cũ rích trong kho. Thôi thì nêm nếm trình làng cho khuây nỗi ế ẩm cách ly.
Chẳng biết từ bao giờ, giọng Sài Gòn (SG) được xem là chuẩn của Nam Bộ, cũng như giọng Hà Nội (HN) là chuẩn của Bắc Bộ, chả thế mà được tivi và đài phát thanh Trung ương xài. Đồng bào Trung Bộ chạnh lòng, kiện, thế là đem giọng Huế ra đọc thử. Được một dạo rồi lặng lẽ giã từ dĩ vãng.
Giọng SG không sang trọng điệu đà điêu luyện như giọng HN, chẳng thanh nhẹ trầm lắng như tiếng Huế, không ngọt ngào như Tây Nam Bộ sông nước đậm đà phù sa, cũng chẳng cục mịch chân chất như miền Đông gian lao mà anh dũng. Giọng SG ngọt, nhưng là cái ngọt thanh nhẹ của chất thành thị đầy kiêu hãnh, ứ lẫn vào đâu được. Là nơi quy tụ lủ khủ các nền văn hóa, nên tiếng SG học hỏi, vay mượn của các dân tộc khác quá trời ông địa.
Theo sách Ngôn ngữ SG xưa của Ng.Ngọc Chính, các từ lì xì (mừng tuổi), hên xui (may rủi), chạp phô (tạp hoá), tía (cha), ly (uống nước), tài xỉu (đại tiểu- lớn nhỏ) là mượn của người Hoa; xà quầng, mình ên là pha tiếng Khmer; cà rịch cà tang, cà rề cà rà do biến thể từ tiếng Chăm; cù lao (pulaw) của Mã Lai; trái banh (ball- quả bóng), dây sên (chaine- xích), nhà ga (gare), xà bông (savon) là tiếng Tây... bồi. Tiếng Tây bồi là gì? Là thứ tiếng của những người Việt làm bồi bàn, phục dịch cho Tây, lõm bõm câu được câu chăng. Kiểu như để tả con cọp, anh bồi nói với ông chủ Tây: Tí ti giôn, tí ti noa, lủy xực me-xừ, lủy xực cả moa: Một chút vàng vàng (jaune), một chút đen đen (noir), nó ăn thịt ông (monsieur), nó ăn thịt cả tôi (moi).