Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

TÌNH SỬ BÙI GIÁNG

 


Tình sử Bùi Giáng & Kim Cương
Cõi đời một kiếp yêu em
Dẫu là bỏ cuộc, mộng tìm dáng xưa
Kỳ nữ Kim Cương chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời, trong tâm hồn và trong sáng tác của Bùi Giáng. Trong tâm hồn ông, Kim Cương là “đệ nhất mỹ nhân“ trong thiên hạ. Ông yêu Kim Cương bằng một tình yêu lạ lùng nhất thế gian. Chỉ có thể nói đó là một tình yêu bất tử. Đã có rất nhiều giai thoại xung quanh mối tình kỳ bí này.
Đối với Kim Cương, tuy là mối tình đơn phương từ phía Bùi Giáng, nhưng nữ nghệ sĩ đã rất trân trọng tình yêu của ông, một sự trân trọng vô cùng cảm động và hiếm thấy. Nhiều năm qua, nghệ sĩ Kim Cương có những lý do riêng nên đã không lên tiếng một cách chính thức. Lần đầu tiên, bà tiết lộ với Báo Thanh Niên một số sự thật về thiên tình sử này, vì đã đến lúc bà không còn lý do để tiếp tục im lặng ...

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

Con gái Hà Nội xưa dưới góc nhìn của một người con Sài Gòn

Các thành viên gia đình Hãng nước mắm Vạn Vân  

Mẹ tôi nể phục mấy cô gái Hà Nội lắm. Dưới con mắt của người nhà quê ra Hà Nội làm việc vặt, bà thấy các thiếu nữ nơi đây ứng xử khôn khéo, nói năng lễ độ, và khuôn phép lắm. Đó là chưa kể thêu thùa may vá, nữ công gia chánh … Nói chung là đảm. Mỗi khi thấy mấy cô Sài Gòn tân thời quá, tự nhiên quá, bà lại chép miệng, con gái Hà Nội đâu có thế. Bà nói riết, nói riết … khiến tôi ngờ … bà muốn thằng con của bà nên đi tìm một thiếu nữ Hà Nội.
Nhưng thế giới của tôi lại khác. Tôi sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Sài Gòn, bạn bè Sài Gòn, trong đầu tôi, nếu có, cũng chỉ là con gái Sài Gòn cho hợp … thủy thổ.

Mà con gái Bắc (di cư 54) hồi đó gớm lắm, vờn qua vờn lại, làm duyên, đá lông nheo, õng ẽo làm điêu đứng con trai Nam Kỳ đến là khổ. Một thanh niên xứ Biên Hòa đã phải cay đắng thế này:

Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền,
Nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang,
Nhớ duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt…

Tôi không có ý kiến gì về bài thơ trên, mà cũng chẳng dại gì có ý kiến. Mấy bà mấy cô Bắc Kỳ đọc bài thơ trên có nổi cơn tam bành rủa xả, thì chắc cũng chỉ mình rủa mình nghe thôi, chứ tác giả, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên chết rồi, chết trong một chiếc xe hơi cũ kỹ ở sân chùa bên California.
Dù sao cũng nên đọc tiếp thêm vài câu nữa mới thấy “cảm thương” cho tác giả:

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

G Ặ P G Ỡ L Ư N G Đ È O

Vợ chồng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và người con gái đầu lòng.

Ảnh chụp năm 1952 

 Read more at: https://anhxua.net/album/nhac-si-doan-chuan-gia-dinh_81.html

 

G Ặ P G Ỡ L Ư N G Đ È O
1
Thời gian trôi, chớp mắt đã quá nửa thế kỷ. Không thể níu kéo nó, không thể bắt nó dừng. Thời gian đã đi rồi là hết, là vô vọng. May chăng còn rớt lại cái bóng.
Tôi có giữ được một cái bóng có thể thêm vào chuyện đời một người đáng nhớ. Người ấy có thể là người quen của bạn, người ấy có thể bạn không quen nhưng cũng không xa lạ. Biết đâu đấy.
Chuyện là thế này.

Cuộc kháng chiến chống Pháp đã vào năm thứ tư. Con đường hàng tỉnh từ Tuyên Quang đi Thái Nguyên vốn hẹp nay không có ô tô qua lại còn trở nên hẹp hơn nữa. Những bụi cây lúp xúp tràn ra mặt đường. Cỏ gà, cỏ mần trầu mọc thành bụi ở những ổ gà. Ở đôi chỗ hoa lau loà xoà quệt vào mặt khách bộ hành.
Ba lô trên vai, tôi cắm cúi đi.
Một mình.
Nắng chói chang.
Đường vắng ngắt, không bóng người. Thỉnh thoảng lắm mới thấy một chiếc xe đạp lọc cọc vượt qua.

Đang đi bỗng tôi thấy người ngây ngấy sốt. Cảm giác ấy tăng dần. Chết cha, lại sốt rét rồi! Cái bệnh tai quái này, thật khốn nạn, lại không đến khi mình còn ở cơ quan tĩnh tại hoặc ở một trạm thu dung nào đó, mà lại nhè đúng vào lúc mình đang trên đường mà hành. Thật không còn gì tệ hơn.
Tôi sốt đùng đùng và rét run cầm cập.
Thứ ánh sáng tàn nhẫn của nắng quái chiều hôm ra sức thiêu đốt tất tật mọi thứ nó đụng tới. Những bụi rậm ven đường rũ xuống, lá nào lá ấy quắt queo.
Đến lúc không còn chịu đựng được nữa, tôi đánh liều tạt ngang, lao bừa vào rừng qua những bụi rậm gai góc và dây leo chằng chịt. Chỉ ở trong ấy, dưới những tán lá rậm rạp của cây cao mới có chỗ cho tôi trú khỏi cái nắng chết người.

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

H Ồ D Z Ế N H


 

H Ồ D Z Ế N H
(đưa lại nhân ngày giỗ lần thứ 30 nhà văn kiêm nhà thơ bậc thầy của tôi)
Nhà văn Thanh Châu có một giang sơn riêng – một gác xép bằng gỗ ghép giống hệt gác xép của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, người chúng tôi gọi đùa là “ông Giê Su ở phố Hàng Thuốc Bắc”..

Một thời nhiều nhà có thứ gác xép như thế. Nó tăng diện tích ở không được bao nhiêu, nhưng tạo ra một mảng riêng tư.
Gác xép của Thanh Châu được dành riêng cho ông làm việc và tiếp bạn, người nhà không lai vãng. Để lên cái gác xép ấy tôi phải leo một cái thang dựng ngược, bám cứng vào hai thành lung lay của nó mà nhích từng bước rồi mới chui qua một lỗ vuông hẹp.

Từ khi nhà nước cách mạng về tiếp quản Hà Nội, Thanh Châu biến mất khỏi văn đàn. Đề tài, bút pháp thuộc dòng lãng mạn nay đã không hợp thời, lại còn bị coi là nọc độc. Tác giả Tà Áo Lụa, Bóng Người Ngày Xưa… giờ ngồi lặng lẽ nơi mảnh đất con con tự tạo bên bàn trà đã lên màu cánh gián với bộ ấm đất gan gà tí tẹo.

Người thường xuyên có mặt trên gác xép của Thanh Châu là Kim Lân, cây bút số một về chuyện nhà quê. Người thứ hai là Bùi Xuân Phái. Gày còm, xanh xao, với gương mặt rất giống Chúa Cứu Thế, tự xưng “nhát gan bậc nhất Hà Thành”, hễ gặp quá ba khách đến trước là anh lịch sự bắt tay mỗi người một cái rồi ù té.

Từ cái lỗ vuông ấy, vào một ngày không còn nhớ, nhô lên một mái đầu chải ngược, đường ngôi rõ ràng, một khuôn mặt xạm đen với nụ cười phô những cái răng dài.
- Hồ Dzếnh đấy! - Thanh Châu nói khẽ với tôi.
Tôi không quên được hình ảnh ấy – nó gắn chết vào trí nhớ.
Con người lộc ngộc, xương to, thịt ít, ngồi xuống bên tôi:
- Vũ Thư Hiên?
Thanh Châu gật.

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Bức tường Berlin (1)- Nước Đức chia cắt


 Churchill, Truman và Stalin tại hội nghị Potsdam tháng 8.1945. Mọi chi tiết chia cắt nước Đức thành 4 miền và quy chế chia cắt Berlin được khẳng định.

Bức tường Berlin (1)- Nước Đức chia cắt
Vào ngày này cách đây 60 năm, đêm 12, rạng sáng ngày 13.08.1961, bức tường Berlin đã bất ngờ được dựng lên, chia thành phố này ra Đông và Tây, gây đau khổ cho hàng vạn gia đình Đức.
Sáu năm sau, hè 1967, tôi đến Berlin với quan niệm Địch-Ta khá rõ ràng. Chúng tôi được dạy dỗ rằng bức tường Berlin là bức tường chống phát xít, bức tường bảo vệ hòa bình, rằng các bạn Đông Đức, Bắc Triều Tiên là những người đồng chí cùng cảnh ngộ, đang cùng đấu tranh thống nhất đất nước như người Việt mình.
Sau khi học xong tiếng Đức tôi nhận ra rằng, nước Cộng hòa Dân chủ Đức không hề muốn thống nhất. Họ chỉ muốn được công nhận như một nhà nước bình đẳng với CHLB Đức ở phía Tây. Tây Đức thì ngược lại, luôn đòi xóa bỏ biên giới, hiệp thương hai miền. Phía CHDC Đức coi đó là âm mưu thôn tính mà họ phải chống lại bằng mọi cách. Mấy ông cán bộ Việt Nam hay quen mồm „Chúc các đồng chí mau chóng thống nhất đất nước“ làm họ rất khó chịu.
Tôi hiểu rằng CHDC Đức muốn chia cắt đất nước. Nhưng vì coi nửa kia nước Đức là tư bản, là đế quốc nên chàng trai 17 tuổi thấy chia cắt là tốt.
Chúng tôi ở Königs Wusterhausen, cách Berlin 30km về phía Nam nên mỗi khi chạy trên đường cao tốc (Autobahn-Berliner Ring) tôi vẫn thấy hàng rào thép gai bao bọc Tây Berlin. Bên trong thấp thoáng những chiếc xe ô tô đẹp, bóng loáng, khác hẳn những chiếc xe Trabant khiêm tốn của các thầy cô tôi.
-Ừ, trong đó giàu có thật. Nhưng ác và xấu như tư bản thì thì vứt - Thằng tôi tự nhủ vậy.
Là kẻ luôn đi sâu vào bản chất của sự việc, tôi đã đọc, xem rất nhiều tài liệu về quá trình chia cắt nước Đức và lịch sử của bức tường.

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

NIÊN BIỂU HỮU LOAN



Thưa cả nhà

Những ai chưa rõ lắm về nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi tiếng "Màu tím hoa sim", một nạn nhân liên quan tới chính sách văn nghệ phát xít thập niên 50 - 70 ở miền Bắc, thì nên đọc bài này. Dài nhưng ra tấm ra món, mất thời gian nhưng đáng đồng tiền bát gạo.

Người chép là bác Thái Kế Toại (nhà thơ Lê Hoài Nguyên), chuyên gia hàng đầu về vụ Nhân văn giai phẩm với những sử liệu, văn liệu vô cùng chắc chắn.

Tôi share về đây để khỏi bị trôi mất, cũng để cho ai muốn biết về Hữu Loan. Xin cảm ơn bác Toại kính mến.

*** 


Tôi phải viết về Hữu Loan theo kiểu mô tả tiểu sử của ông, bởi vì tiểu sử của ông không phức tạp nhưng các sự việc sai số nhiều quá. Giữa ngay lời kể của ông và người thân qua các thời kỳ, giữa các nhà báo với nhau. Không ai chịu xem xét sự sai số đó. Hữu Loan thì không có thói quen ghi chép, viết nhật kí. Ông ỷ nại vào trí nhớ nhưng đến khi được giải tỏa thì ông đã già, trí nhớ không thể chính xác. Đến nay thì ông và hầu hết nhân chứng cũng mất đã lâu.

Tôi đã phải rất vất vả so sánh nhiều nguồn tư liệu khác nhau tính toán sắp xếp một cách hợp lí các sự kiện trong cuộc đời của ông. Tất nhiên là niên biểu này chưa thể hoàn thiện. Mong gia đình ông, các con cháu, bạn bè văn nghệ sĩ vong niên, có thể giúp cho sự đính chính quý báu.

 

Nhà thơ Hữu Loan sinh năm 2-4-1916 tại làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Có nguồn nói ông sinh năm 1914.

Thưở nhỏ ông học ở quê.

Khoảng từ năm 1932 được gia đình cho lên thị xã Thanh Hóa học thành chung.

Sau đó đi dạy học và tham gia Mặt trận Bình dân năm 1936 ở thị xã Thanh Hóa (nay là Tp.Thanh Hóa).

Năm 1941 ông ra thi tú tài ở Hà Nội. Đỗ tú tài bán phần. Cùng khóa có những người như Nguyễn Đình Thi , Hồ Trọng Gin, Trịnh văn Xuấn , Đỗ Thiện …

Tú Loan dạy Pháp văn ở Thanh Hóa

1936-1940 Vừa dạy học vừa làm gia sư cho nhà ông Lê Đỗ Kỳ Chánh thanh tra Nông Lâm Đông Dương, ĐBQH khóa I Thanh Hóa.

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Huyền thoại Cuba (3)

 

Khẩu hiệu mới của người Cuba "Patria y Vida" (Tổ quốc và cuộc sống), thay cho khẩu hiệu "Patria o Muerte" (Tổ quốc hay là chết) từ 60 năm qua.

Vấn đề trầm trọng nhất ở Cuba không phải là lương thấp + giá cả cao như đã kể. Khan hiếm hàng hóa mới kinh khủng. Ở Việt Nam nhiều người nghèo không có gì ăn, nhưng hàng hóa lúc nào cũng tràn ngập. Có tiền thì mua gì cũng có. Ở Cuba các cửa hàng đều trống trơn. Trong các cửa hàng dùng thẻ MLC cho dân có ngoại tệ cũng chỉ có 3-4 mặt hàng.
Cuba vẫn nhập được hàng từ các nước láng giềng không theo lệnh cấm vận. Nguyên nhân chính là không có kinh tế tư nhân, không tạo ra nền kinh tế hàng hóa. Cải cách kinh tế của ông Raul Castro chỉ cho phép tư nhân làm các nghề vặt: Cắt tóc, taxi, nhà trọ, tiệm ăn, trồng trọt v.v. nhưng không ai đươc mở các xí nghiệp công nghiệp hoặc các cơ sở nông nghiệp ra hồn. Trong khi đó các xý nghiệp quốc doanh đã rệu rã từ khi hết viện trợ của Liên Xô 1991.
Thống kê của Ngân hàng thế giới và của CIA đều cho thấy GDP chính thức quy ra USD (GDP official exchange rate) của Cuba năm 2020 là 100 tỷ, trong đó nông nghiệp chiếm 4,3%, công nghiệp 22,7%, dịch vụ 73%. Việt Nam có GDP official là 272 tỷ USD, trong đó nông nghiệp 15,3%, công nghiệp 33,3%, dịch vụ 51,4%. Mỗi năm Cuba xuất khẩu hơn 2 tỷ USD hàng hóa, nhập vào 11 tỷ USD, nhập siêu 9 tỷ. Việt Nam xuất 233 tỷ, nhập 245 tỷ. [1]
Tư nhân hóa ở Việt Nam tuy còn xa mới thỏa mãn yêu cầu xã hội, nhưng sản xuất hàng hóa của Việt Nam hơn hẳn Cuba, nền nông nghiệp đủ cung cấp lương thực cho 100 triệu dân.