Nguyễn Trọng Vĩnh
Tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết là "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Thực tế thì hiện tại "độc lập không hoàn toàn", vì trong đất nước ta hiện có không ít tô giới của nước ngoài: Trên rừng thì có những nơi bị bán (cho thuê dài hạn), vị trí chiến lược thì bị chiếm đóng, ở đồng bằng thì có những công viên vui chơi giải trí do nước ngoài làm chủ, ở biển thì có khu ăn chơi, đánh bạc và những dải trồng đất cây sinh thái... Những tô giới đó người dân Việt Nam tuy là chủ đất nước nhưng không được tự do đặt chân đến. Trên biển thì quần đảo bị chiếm đoạt, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế bị xâm phạm, ngư dân Việt Nam không được tự do đánh bắt hải sản. Vậy, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chí Minh chưa được thực hiện như Người mong muốn nếu không nói là đang bị vi phạm.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là: "Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội". Nhưng trong thực tế thì không thấy gì gọi là mầm mống sơ khai của chủ nghĩa xã hội, văn kiện Đảng thì luôn nói đến "định hướng xã hội chủ nghĩa" nhưng không thấy "định hướng" biểu hiện như thế nào, mà chỉ thấy doanh nghiệp tư bản nước ngoài, doanh nghiệp tư bản bản xứ, xí nghiệp liên doanh... phát triển mạnh.
Có một số "tập đoàn" và Công ty Nhà nước thì có cái lỗ vốn lớn, những cái khác thì đóng góp cho ngân sách không đáng là bao, lấy gì làm "chủ đạo"? Hơn nữa, trong một số tập đoàn có cổ phần rất lớn của một số vị có chức quyền, chứ đâu phải hoàn toàn của Nhà nước. Nói thẳng ra là đất nước ta đương phát triển chủ nghĩa tư bản, đâu còn chế độ xã hội chủ nghĩa như tên nước và mong muốn của Bác Hồ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là "đại đoàn kết dân tộc". Nòng cốt của đại đoàn kết là khối lớn công, nông, trí thức, lực lượng chủ yếu trong cách mạng, trong kháng chiến, kiến quốc. Hiện nay khu vực nông thôn, nông dân là khu vực vẫn nghèo vì ít được đầu tư, một bộ phận nông dân còn bị thu hồi ruộng đất để làm giàu cho những nhà kinh doanh địa ốc; công nhân thì trừ ở một số ngành như dầu khí, điện lực, ngân hàng... có lương cao, còn nói chung lương thấp, không có nhà ở (nếu có loại nhà cho người thu nhập thấp như nghe nói thì cũng hai trăm triệu một căn hộ, công nhân lương thấp từ dưới một triệu đến ba triệu, ăn tiêu còn eo hẹp, bao giờ có được hai trăm triệu để mua nhà?); công nhân ở các xí nghiệp của người nước ngoài bị bóc lột, bắt làm nhiều giờ, đối xử tàn tệ... cũng không được tự do đình công để đòi quyền lợi. Học phí, viện phí ngày càng tăng cao cũng lại chính là đánh vào công nhân, nông dân. Vậy thì làm sao tập hợp được họ trong khối "đại đoàn kết"! Đối với trí thức cũng vậy. Họ không được coi trọng (trừ việc tôn vinh Tiến sĩ Ngô Bảo Châu vừa rồi). Nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, hàng ngàn trí thức góp ý kiến, phân tích rất khoa học, có tình có lý, đều bị bỏ ngoài tai, họ không được tự do phát biểu chính kiến, không được phản biện công khai. Như thế thì làm sao đoàn kết được trí thức? Nói thật, nói thẳng ra là "hiện tình, đại đoàn kết chỉ có danh mà không có thực".
Tư tưởng Hồ Chí Minh là "Dân làm chủ, cán bộ, chính quyền là công bộc của dân, dân có quyền tự do dân chủ", thể hiện trong Hiến pháp: "Nhân dân sử dụng quyền lực, Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân". "Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân". "Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân...". Văn kiện Đảng cũng từng ghi: "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" và "Mở rộng dân chủ cơ sở". Thực tế thì dân đâu có được làm chủ, đâu được tự do phát biểu ý kiến, trí thức thì bị cấm phản biện công khai, dân bị oan khuất kêu cũng ít khi được giải quyết, người tâm huyết tố cáo sai phạm thì bị trừng trị, kẻ bị tố cáo thì được huân chương và được thăng chức, báo đăng bài của vị khai quốc công thần Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì Tổng biên tập bị mất chức, phóng viên đưa tin về vụ bê bối PMU 18 do người điều tra cung cấp thì bị tù, vụ Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô giao cấu với gái vị thành niên và vụ Tập đoàn Vinashin tự tung tự tác gây thiệt hại 86.000 tỷ vừa được công bố thì liền sau đó báo chí được chỉ thị thôi đưa tin và bình luận. Việc khai thác bauxite Tây Nguyên đã cam kết từ trước với nước ngoài, dân đâu có biết, khi dân biết phản đối quyết liệt thì bị bỏ ngoài tai; việc mở rộng thủ đô, xóa sổ hẳn một tỉnh chỉ thấy Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội biểu quyết tán thành trước khi Quốc hội bàn và quyết định, dân đâu được bàn; việc phá Hội trường Ba Đình, di tích lịch sử quan trọng có một không hai của cả nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phản đối, lão thành cách mạng, đông đảo cựu chiến binh và nhân dân phản đối, vẫn cứ chi tiền tỷ thuê phá vội cho bằng được, rồi để đất không gần ba năm nay! Đảng viên (cũng là dân) không được tự do ứng cử vào các cơ quan dân cử; quyền dân chủ tối thiểu của dân là ở bầu Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường để thay mặt mình kiến nghị, giám sát, chất vấn, phê bình cơ quan hành chính, cũng sắp bị tước đoạt nốt! Rõ ràng là không tôn trọng quyền làm chủ, quyền dân chủ của dân như tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lẽ đời là dân chủ, trong sạch, công minh thì được lòng người, đoàn kết được rộng rãi, được dân ủng hộ. Tham nhũng, cấm đoán, chuyên quyền thì mất lòng tin và chỉ chuốc lấy sự bất bình và phản kháng thôi.
Tư tưởng Hồ Chí Minh rộng lớn mênh mông và trên mọi lĩnh vực. Ở đây chỉ dám nêu lên một số nét để đối chiếu với hiện thực xem trong "Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh" có thấy điều gì thể hiện được tư tưởng của Người không? Quả thật chỉ thấy tình hình như các phần trên đây đã viết.
Còn học tập đạo đức Hồ Chí Minh thì sao?
Đạo đức Hồ Chí Minh vô cùng trong sáng, cao đẹp, thể hiện trên mọi mặt. Dưới đây tôi chỉ dám mạo phạm nêu gọn Đạo đức Hồ Chí Minh là: chí nhân, chí nghĩa, chí dũng, chí tín, chí khiêm (chí – hết mức, tột bậc) và cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phát động "học tập đạo đức Hồ Chí Minh", nhưng không có vị đạo cao đức trọng nào đứng ra diễn giảng đạo đức Hồ Chí Minh để dạy cho mọi người, báo chí cũng chỉ nêu được phần nào. Những người có chức quyền là người rất cần học thì nói chung không học, cán bộ, nhân viên, dân ai thích thì giở báo ra mà tự học, ai không học cũng chẳng sao. Trên TV thỉnh thoảng cũng thấy một vài cán bộ bình thường, giáo viên, học sinh, thanh niên, một bác nông dân... lên báo cáo điển hình thu hoạch qua học tập đạo đức Hồ Chí Minh. Không thấy vị Chủ tịch hoặc cán bộ cao cấp nào lên TV báo cáo điển hình rằng: "Trước đây tôi trót nhận hối lộ, hoặc bán đất trái phép thu lợi, hoặc báo cáo dối thành tích để được cấp trên khen thưởng, đề bạt, hoặc trót mua bằng cấp giả, hoặc trót ăn chặn tiền cứu trợ của dân gặp thiên tai... nay học tập đạo đức Hồ Chí Minh tôi tỉnh ngộ ra, thấy sai trái, xấu hổ, tôi xin sửa chữa, tu dưỡng để trở thành cán bộ tốt, trong sạch".
Trong giới lãnh đạo, nắm quyền các cấp không thấy mấy ai hội đủ những đức tính như: thương người, yêu dân (nhân), ăn ở có trước có sau, nghĩa hiệp, vị tha (nghĩa), dám công khai đấu tranh bảo vệ quyền lợi của Tổ quốc, chống lấn át, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, dám nói thẳng nói thật (dũng), giữ lời hứa, nói tốt làm tốt, nói hay làm hay, không nói một đằng làm một nẻo (tín), khiêm tốn, giản dị, không khoe khoang, hách dịch, tự cao, tự đại (khiêm) theo đạo đức Bác Hồ.
Tham nhũng, lãng phí không ngăn chặn được, vẫn diễn biến tinh vi phức tạp; mua quan bán chức vẫn diễn ra; những vụ án chứng cứ đã rõ ràng, nhưng vì liên quan dây mơ rễ má nên kéo dài; tội tham ô thì chỉ bị xử tội đánh bạc; người làm lợi cho Nhà nước, lo cải thiện cho công nhân, tự mình không mưu lợi riêng thì bị bỏ tù; người tố cáo tham nhũng, lộng quyền thì bị trù dập, trị tội, kẻ bị tố cáo có bằng chứng hẳn hoi lại vô can...
Vậy là, cuộc phát động học tập Đạo đức Hồ Chí Minh hầu như không mấy hiệu quả, hình thức nhiều hơn thực chất.
N. T. V.
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Tác giả, nhà cách mạng lão thành, gửi trực tiếp cho BVN.