Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Truyền thông Trung Quốc: Tốt "khoe", xấu đừng "che"

Tác giả: Guo Ke (Trung Quốc)*

Bài đã được xuất bản.: 22/02/2011 05:00 GMT+7

Khi đang tìm tư liệu để viết cuốn sách "Contemporary External Dissemination" (Tạm dịch: Truyền thông đối ngoại (Trung Quốc) hiện nay) vào năm 2003, tôi có ghé thăm một số lãnh đạo các hãng truyền thông tiếng Anh lớn nhất Trung Quốc để thảo luận vấn đề xây dựng hình ảnh quốc gia qua truyền thông của Trung Quốc.
Cuộc thảo luận này đã đi đến một kết luận rằng Trung Quốc cần một hình ảnh truyền thông về quốc gia chân thực, một hình ảnh phản ánh cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, một hình ảnh phù hợp với lợi ích quốc gia và chiến lược phát triển lâu dài của Trung Quốc.
Tôi cho rằng kết luận đó đến nay vẫn còn giá trị.
Phản ánh cả mặt tích cực lẫn tiêu cực


Với sự phát triển của Trung Quốc, trật tự của thế giới chắc chắn sẽ thay đổi. Kết quả là, các quốc gia hưởng lợi từ trật tự thế giới hiện thời sẽ vấp phải những bất ổn. Tuy nhiên, những quốc gia đó cũng sẽ nắm giữ tiếng nói và sự chi phối trong giới truyền thông quốc tế.



Có thể lấy ví dụ, trong thời đại Internet phát triển, các thông tin bằng tiếng Trung trên Internet (bao gồm cả tiếng Trung tại các quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc) chỉ chiếm có 5% toàn cầu. Trong khi đó, các địa chỉ website đưa thông tin bằng tiếng Anh chiếm tới 80%. Trung Quốc vẫn chỉ là nước nhận thông tin trong dòng chảy thông tin quốc tế. Do đó, việc giới thiệu hình ảnh chân thực về Trung Quốc cho toàn thế giới không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.


Sau 30 năm phát triển, Trung Quốc hiện tại đã trở thành một nước lớn, nếu không muốn nói là một siêu cường quốc. Nhưng sâu trong tiềm thức, chúng ta (Trung Quốc - ND) vẫn giữ tâm thế một "nước yếu". Đôi khi, chúng ta thiếu khả năng dung nạp những quan điểm khác biệt.


Tâm lý quốc dân có thể ví như "phẫn thanh" (angry youth)** trên Internet. Khi được ca ngợi, chúng ta tin rằng mình có bạn bè ở khắp mọi nơi; còn khi bị chỉ trích, chúng ta coi những người phê bình mình như kẻ thù.


Mặc dù mong ước quảng bá hình ảnh là chính đáng, tuy nhiên người khác, đặc biệt là người phương Tây sẽ không tin vào những thông tin một chiều do chúng ta đưa ra khi cố gắng giới thiệu hình ảnh Trung Quốc với thế giới, ngay cả khi những thông tin đó chính xác.


Là một quốc gia lớn với sự phát triển vượt bậc và có lịch sử phát triển lâu đời, hình ảnh quốc gia chân thực của Trung Quốc phải có cả mặt tích cực và tiêu cực. Muốn các thông tin do chúng ta cung cấp được người khác tiếp nhận nghiêm túc, chúng ta cũng cần phải mở rộng đầu óc để tiếp nhận quan điểm của họ.


Thay đổi tâm lý quốc gia


Chúng ta cần thay đổi tâm lý quốc gia. Quá trình thiết lập một hình ảnh quốc gia chân thực đòi hỏi rất nhiều thời gian, vì vậy việc cấp bách hiện nay là phải học cách nhìn thẳng vào một Trung Quốc hiện thực.


Hiện nay, khi nền kinh tế đang tăng trưởng chóng mặt, nhịp sống đang thay đổi, và cách nhìn của con người cũng thay đổi, việc giữ vững quan điểm không thành kiến nên được coi là một mục tiêu quốc gia. Chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể bình tĩnh đối mặt với rất nhiều nhận định trái chiều trong thời kỳ đầy biến động này, từ từ tháo gỡ các rắc rối và xử lý những vấn đề do sự tăng trưởng quá nhanh gây ra.


Thêm vào đó, chúng ta cần nâng cao khả năng chấp nhận tư tưởng và ý kiến của cộng đồng quốc tế. Khi bị người khác phê bình, việc đầu tiên cần làm là đứng trên quan điểm của họ để hiểu được lý do và bối cảnh nảy sinh những ý kiến phê bình đó.


Trên thực tế, kể từ đại dịch SARS năm 2003, Trung Quốc đã không ngừng cải thiện hệ thống xã hội dưới những áp lực bên ngoài là quan điểm của cộng đồng quốc tế. Thực tế chứng minh, trong quá trình cải thiện khả năng tiếp thu quan điểm của quốc tế và khả năng chịu áp lực từ bên ngoài, Trung Quốc cũng đã từng bước giới thiệu được hình ảnh chân thực của mình.


Vai trò của Chính phủ
Hiện nay, mọi phương pháp và các kênh truyền tải hình ảnh chân thực của Trung Quốc đều phụ thuộc vào Chính phủ.


Tuy nhiên việc này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía các quốc gia phương Tây do họ có truyền thống tôn trọng "dân chủ" và không tin tưởng các thông tin tuyên truyền của chính phủ, cho dù đó là những thông tin hoàn toàn chính xác.


Do vậy, để nâng cao kỹ năng truyền thông quốc tế của Trung Quốc, cần phải thiết lập một phương thức truyền thông đa kênh do Chính phủ đứng đầu, kết hợp với các kênh thông tin cá nhân khác. Với một chính phủ vững chắc hiện tại, vấn đề đặt ra là làm cách nào củng cố tiến trình truyền thông toàn cầu, và các kênh của xã hội dân sự, đặc biệt là trong các trường đại học và các viện nghiên cứu khác.


Tóm lại, để quảng bá hình ảnh của Trung Quốc, việc đầu tiên là phải lan tỏa tâm lý quốc gia chân thực - yếu tố có thể trở thành một phần trong thông điệp hòa hợp quốc tế - đồng thời thể hiện tư tưởng cởi mở của Trung Quốc tới toàn thế giới.
Một hình ảnh chân thực của Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành một phần trong sức mạnh thông minh của chúng ta, cũng như phục vụ cho chiến lược phát triển hòa bình và những lợi ích lâu dài của quốc gia.

-----
* Tác giả bài viết - Guo Ke - là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Quốc tế về Trung Quốc, thuộc Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét