Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

"Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi"

01/03/2011  Tương Lai

LTS: Tại Hội nghị lần thứ ba Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam (khóa VII) khai mạc sáng 27/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Một trong những hình thức phát huy dân chủ vừa qua là đóng góp ý kiến phản biện để xây dựng đất nước". Ngay sau bài phát biểu "vo" gây chú ý của Tổng Bí thư, GS Tương Lai đã đăng đàn tại Hội nghị, đóng góp ý kiến làm thế nào để mặt trận phát huy chức năng phản biện.

Tuần Việt Nam giới thiệu bài phát biểu của GS Tương Lai như một góc nhìn riêng để tham khảo.


     Báo cáo kết quả hoạt động của MT (Mặt trận) năm 2010 ở trang 12 nêu rõ : "Công tác giám sát và phản biện xã hội còn hạn chế". Cách đó mấy dòng lại ghi : "Công tác giám sát và phản biện xã hội của MT và các tổ chức thành viên chưa có cơ chế, quy định rõ ràng nên khó thực hiện". Và rồi, trong số báo ĐĐK ra 14.2.2011 khi nói về việc giám sát hoạt động bầu cử QH sắp tới, ông Tổng thư ký UBTƯMTTQVN tuyên bố rành mạch rằng: "Giám sát của Mặt trận có nghĩa là làm cho quá trình dân chủ được phát huy cao nhất, bảo đảm cho luật pháp về bầu cử được áp dụng đúng đắn ở mọi lúc mọi nơi, bảo đảm cho quyền công dân của mỗi người được phát huy một cách tích cực, đầy đủ trách nhiệm với xã hội" .
    Tôi xin được hỏi "còn hạn chế" là do đâu? Do sự yếu kém của MT hay do đâu nữa? Vì sao mà "chưa có cơ chế và quy định rõ ràng"? Ai định ra cơ chế, và vì sao mà cơ chế chưa rõ ràng? Và một khi mà cơ chế chưa rõ ràng như thế thì làm sao để MT "làm cho quá trình dân chủ được phát huy cao nhất, bảo đảm cho luật pháp về bầu cử được áp dụng đúng đắn ở mọi lúc mọi nơi, bảo đảm cho quyền công dân của mỗi người được phát huy một cách tích cực, đầy đủ trách nhiệm với xã hội" được? Và nếu không làm được như vậy thì MT của ta tồn tại để làm gì, và liệu "quá trình dân chủ" này có còn gây nên nỗi "ám ảnh là dân chủ hình thức" mà một vị ủy viên Đoàn chủ tịch MT đã phát biểu cũng trên số báo này?