Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

"Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi"

01/03/2011  Tương Lai

LTS: Tại Hội nghị lần thứ ba Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam (khóa VII) khai mạc sáng 27/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Một trong những hình thức phát huy dân chủ vừa qua là đóng góp ý kiến phản biện để xây dựng đất nước". Ngay sau bài phát biểu "vo" gây chú ý của Tổng Bí thư, GS Tương Lai đã đăng đàn tại Hội nghị, đóng góp ý kiến làm thế nào để mặt trận phát huy chức năng phản biện.

Tuần Việt Nam giới thiệu bài phát biểu của GS Tương Lai như một góc nhìn riêng để tham khảo.


     Báo cáo kết quả hoạt động của MT (Mặt trận) năm 2010 ở trang 12 nêu rõ : "Công tác giám sát và phản biện xã hội còn hạn chế". Cách đó mấy dòng lại ghi : "Công tác giám sát và phản biện xã hội của MT và các tổ chức thành viên chưa có cơ chế, quy định rõ ràng nên khó thực hiện". Và rồi, trong số báo ĐĐK ra 14.2.2011 khi nói về việc giám sát hoạt động bầu cử QH sắp tới, ông Tổng thư ký UBTƯMTTQVN tuyên bố rành mạch rằng: "Giám sát của Mặt trận có nghĩa là làm cho quá trình dân chủ được phát huy cao nhất, bảo đảm cho luật pháp về bầu cử được áp dụng đúng đắn ở mọi lúc mọi nơi, bảo đảm cho quyền công dân của mỗi người được phát huy một cách tích cực, đầy đủ trách nhiệm với xã hội" .
    Tôi xin được hỏi "còn hạn chế" là do đâu? Do sự yếu kém của MT hay do đâu nữa? Vì sao mà "chưa có cơ chế và quy định rõ ràng"? Ai định ra cơ chế, và vì sao mà cơ chế chưa rõ ràng? Và một khi mà cơ chế chưa rõ ràng như thế thì làm sao để MT "làm cho quá trình dân chủ được phát huy cao nhất, bảo đảm cho luật pháp về bầu cử được áp dụng đúng đắn ở mọi lúc mọi nơi, bảo đảm cho quyền công dân của mỗi người được phát huy một cách tích cực, đầy đủ trách nhiệm với xã hội" được? Và nếu không làm được như vậy thì MT của ta tồn tại để làm gì, và liệu "quá trình dân chủ" này có còn gây nên nỗi "ám ảnh là dân chủ hình thức" mà một vị ủy viên Đoàn chủ tịch MT đã phát biểu cũng trên số báo này?

     Hơn một phần tư thế kỷ là thành viên UBTUMT, tôi nghiệm ra rằng, chính cái "cơ chế" mà báo cáo nêu lên này đã chi phối hoạt động của MT. Tùy thuộc vào lúc cơ chế "cởi ra" hay là lúc cơ chế "buộc vào" nương theo tư duy của bộ phận lãnh đạo cao nhất mà hoạt động MT đi vào thực chất hay chỉ đóng vai trò là "cây kiểng".
      Hơn một phần tư thế kỷ là thành viên UBTUMT, tôi nghiệm ra rằng, chính cái "cơ chế" mà báo cáo nêu lên này đã chi phối hoạt động của MT.
     Còn nhớ cách đây hơn 20 năm, anh Lê Quang Đạo, lúc bấy giờ đảm trách Chủ tịch UBTUMT, đã nói rất rành rọt là "MT phải phấn đấu vượt lên chính mình để đảm đương cho được sứ mệnh cao cả mà nhân dân kỳ vọng". Tôi hiểu câu nói tế nhị của anh Đạo lúc bấy giờ, "vượt lên chính mình" cũng bao hàm vượt khỏi những cơ chế ràng buộc vô lý "cởi ra rồi lại buộc vào như chơi" mà Đại hội VI của Đảng đã kiên quyết từ bỏ.
     Vừa qua, Đại hội Đảng XI nhắc lại tinh thần của Đại hội VI "nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật" . Có lẽ vì thế mà người ta cả gan chiếu bộ phim "Bí thư tỉnh ủy" đúng vào dịp này. Những hình tượng điện ảnh đã hiển hiện rành rẽ, đập vào mắt người xem để rồi không khỏi suy ngẫm về cái cơ chế lạ lùng đã trói buộc cả dân tộc, trước hết là những người nông dân vốn đã đổ xương máu trong cách mạng và kháng chiến nay lại khốn khổ quằn quại trong cái cơ chế mà ông Trung Chính, ông Bao phái viên TƯ, ông Đình, thường vụ, Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh ủy, những nhân vật điện ảnh được xây dựng từ nguyên mẫu, là những người đại diện!
      Cái cơ chế mà Phạm Văn Đồng trong "Văn hóa và Đổi Mới" xuất bản năm 1994 đã tự phê phán : "Sao mà mình có thể quay lưng lại với biết bao sự thật hàng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với những cái giá đắt phải trả. Rõ ràng đây là một sự thiếu sáng suốt trong nhận thức và hành động, trong lý luận và thực tiễn" (tr.36)!
       Liệu cái cơ chế mà báo cáo MT nêu lên có phải là cái "cơ chế" đã "quay lưng lại với biết bao sự thật hàng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với những cái giá đắt phải trả" không? Thế thì rồi làm sao đây, ai đây nói được như Phạm Văn Đồng? Mà nếu không nói được như vậy thì hãy nhắc lại nguyên văn lời của Phạm Văn Đồng, chứ không thể ngửa mặt lên trời mà than suông: "Xanh kia thăm thẳm từng trên. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này" [lời người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm] hoặc ngậm ngùi mà day dứt: "Trẻ tạo hóa đành hanh quá đáng. Chết đuối người trên cạn mà chơi"[Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều].
       Xin mở ngoặc nói thêm: trường hợp chị Ba Sương, từng là thành viên của UBTƯMT TQVN mấy khóa trước, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới là bị can của vụ án tại "Nông trường sông Hậu", vốn gây phẫn nộ tronng công luận. Tòa phúc thẩm xử đã hủy bản án, nay vụ án Ba Sương lại đang được khởi động với những lời buộc tội đanh thép đối với người phụ nữ không chồng, không con, không mái nhà che thân, không nơi đặt bàn thờ để thắp nhang cho Bố – cũng là một anh hùng thời kỳ Đổi Mới – có thể xem là một trường hợp "chết đuối người trên cạn mà chơi" không? Liệu Mặt trận có cần phải lên tiếng ở đây không, một tiếng nói phản biện, thực hiện vai trò giám sát với một người từng là Ủy viên UBTƯMT?
       Đã có biết bao hội thảo với những lời hùng hồn có cánh về "chức năng quan trọng", "chức năng cao cả" của MT là thực hiện phản biện xã hội mà Nghị quyết của Đảng đã khẳng định, nhưng rồi đâu lại vào đấy để rồi MT lại bằng lòng được "khởi sắc" trong các hoạt động từ thiện của một Hội từ thiện vĩ đại!
       Mà thật ra, để tháo gỡ cái cơ chế đã làm cho việc giám sát và phản biện của Mặt trận gặp trở ngại chỉ cần thực hiện có 4 chữ DÂN CHỦ và DÂN TỘC.
     Dân Chủ, nói giản đơn là để cho dân được mở miệng, điều Bác Hồ đã chỉ ra từ những ngày chính quyền cách mạng còn trong trứng nước. Vừa rồi ông tân Tổng Bí thư cũng đã nhắc đến hai chữ này một cách hùng hồn.
         Dân tộc, là phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khẩu hiệu nằm lòng của Mặt trận. Lúc này đây là hòa hợp dân tộc bằng những chính sách và giải pháp cụ thể để cho hơn 87 triệu người Việt Nam, cả trong nước và đang ở nước ngoài, cảm thấy không bị phân biệt đối xử khi chiến tranh đã lùi vào quá khứ hơn một phần ba thế kỷ, phân biệt đối xử vì vấn đề ý thức hệ, để mỗi người Việt Nam có thể cảm nhận được một cách cụ thể : đất nước do cha ông mình để lại là của mình mà dốc lòng xây dựng, bảo vệ.
        Dân tộc gắn liền với dân chủ. Không có dân chủ thật sự thì dân tộc không thể được phát huy, không thật sự mở rộng dân chủ thì cũng không thể thật lòng đại đoàn kết dân tộc được. Dân tộc là điểm nhạy cảm bậc nhất trong tâm thức Việt Nam, chạm đúng vào điểm này sẽ bật ra mọi phản ứng dây chuyền. Cho nên, hai khái niệm đó gắn với nhau như bóng với hình, tuy hai mà một. Điều này phải được thể hiện bằng hành động, trong hành động chứ không dừng lại ở khẩu hiệu hay ở những lời rao giảng. Nên nhớ rằng: "Cái sọt rác của lịch sử chứa đầy những cương lĩnh, những kế hoạch rất hay, chỉ có điều chúng không được thực hiện hoặc không thực hiện được".
        Bởi vậy, tại diễn đàn của kỳ họp UBTƯMTTQ kỳ này, tôi chỉ xin nêu một điểm "cơ chế" để quý vị xem xét, tháo gỡ.
Xin trân trọng cám ơn!
T. L.
Nguồn: Tuanvietnam.vietnamnet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét