Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Quan hệ Ba Lan – Nga và sự kiện Katyń

Quan hệ Nga-Ba sẽ lại căng thẳng sau khoảng 3 đến 6 tháng nữa, mặc dù thảm khốc ở Smolensk vừa qua đã làm cho 2 nước xích lại gần nhau hơn. Đó là nhận định của ông Bogdan Borusewicz – chủ tịch thượng viện Ba Lan.Sau vụ tai nạn máy bay của tổng thống Ba Lan, người Nga đã tỏ ra đồng cảm với người Ba Lan và người ta tưởng rằng việc đó sẽ tiếp tục trong tương lai. Tuy nhiên, khoảng cách vẫn còn rất lớn. Nếu như hai nước chỉ chấm dứt sự ghét bỏ và thù hằn nhau thì cũng đã là sự kiện lớn rồi.

Chủ tịch Thượng viện Ba Lan cho rằng Katyń không phải là vấn đề của Ba Lan mà là vấn đề của Nga. Bởi vì đối với người Ba Lan, tất cả đều đã rõ ràng còn người Nga liệu có dễ dàng từ bỏ những truyền thống do chủ nghĩa Stalin để lại hay không?Quá khứ đã để lại cho dân tộc Ba Lan một mối thù hận không thể xóa nhòa trong một thời gian ngắn.
Ảnh tư liệu sự kiện sát hại những tù binh của Ba lan ở Katyń

Rất nhiều người nước ngoài sống ở Ba Lan không sao hiểu được tại sao người Ba Lan lại ghét người Nga đến thế. Loại bỏ đi sự tuyên truyền quá đáng trong những thời gian trước đây, người ta vẫn phải công nhận rằng dân tộc Ba Lan phải mang ơn hồng quân Liên xô vì đã giải phóng họ khỏi sự thống trị của chủ nghĩa phát xít Đức. Tuy nhiên, đồng thời với việc giải phóng thì người Nga lại áp đặt cho dân tộc Ba Lan một chính thể mà người Ba Lan không muốn. Trong hoàn cảnh tự trọng của dân tộc bị xúc phạm nhưng do yếu thế vì là nước bé nên người Ba Lan đã phải làm những điều không muốn trong một thời gian dài. Sự chịu đựng đó giống như cái lò xo bị nén, chỉ chờ điều kiện là bung ra, phá vỡ những gì đè lên nó.Chính thể của nhà nước Ba Lan từ năm 1945 đến năm 1990 luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ bị phá vỡ bởi hai lí do:

- Người Ba Lan cho rằng họ bị nước Nga xâm lược thông qua hiệp ước Warszawa và Hợp tác kinh tế XHCN. Mối thù hận từ hàng trăm năm nay do sự xâm lược của Nga Hoàng cùng với vụ tàn sát hơn 20 nghìn người Ba Lan tại Katyń và nhiều nơi khác làm cho họ càng căm ghét người Nga.


- Chính phủ lưu vong mà tổng thống cuối cùng của nó là ông Ryszard Kaczorowski (người vừa bị tai nạn trong vụ máy bay của tổng thống ở Smolensk) đã luôn luôn trung thành với quyền lợi của người Ba Lan và đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc.

Lịch sử Ba Lan bây giờ vẫn luôn coi sự tồn tại của chính phủ Lưu vong từ 1945-1990 là quan trọng đối với dân tộc. Bởi chính phủ đó là đại diện cho nền cộng hòa thứ II được hình thành từ 11 tháng 11 năm 1918 do Józef Piłsudski khởi sướng. Từ tháng 6/1945 Anh, Mỹ và nhiều nước khác không công nhận chính phủ này nữa, sau đó liên hợp quốc cũng đã công nhận chính quyền cộng sản ở Ba lan dẫn đến việc chấm dứt quyền lợi chính trị của chính phủ lưu vong.

Tuy vậy, chính phủ lưu vong vẫn hoạt động „bí mật” nhằm chống lại quá trình cộng sản hóa ở Ba Lan lúc bấy giờ. Ông R. Kaczorowski là một trong hững người họat động tích cực cho chính phủ này. Ông từng là lãnh đạo của Hướng đạo sinh tại hải ngoại trong nhiều năm, tham gia quốc hội lưu vong và năm 1986 được giao chức vụ bộ trưởng về những vấn đề đất nước. Năm 1989 sau cái chết đột ngột của tổng thống lưu vong Kazimierz Sabbata ông nhậm chức tổng thống. Đến ngày 22/12/1990, sau khi Lech Wałęca đắc cử tổng thống ở trong nước ông đã trở về Ba Lan trao trả quyền lực và tuyên bố giải thể chính phủ và nhà nước lưu vong của Ba Lan.

Trở lại quan hệ giữa Nga và Ba Lan, trong những năm 1989-1991 chính phủ Ba Lan có quan hệ dè dặt và khôn khéo với Liên Xô do vẫn chưa dứt ra khỏi Hiệp ước Warszawa.

Ngày 15/11/1990 hai nước bắt đầu bàn đến việc rút quân đội Liên Xô ra khỏi Ba Lan và cho phép Liên Xô chuyên chở binh lính từ Đức về qua lãnh thổ Ba Lan. Tháng 1/1991, khi các nước cộng hòa của Liên Xô vùng Ban tích tuyên bố độc lập, Ba Lan đã lập tức lên tiếng ủng hộ và công nhận. Tháng 2/1991 Ba Lan đòi giải thể hiệp ước Warszawa và kết quả là từ 31/03/1991 đã bắt đầu quá trình giải thể khối quân sự này.

Ngày 10/12/1991 hai nước kí „hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác”. Sau khi Liên Xô bị giải thể, hiệp ước này vẫn tiếp tục làm cốt lõi cho quan hệ giữa hai nước (Ba lan và Nga kí lại hiệp ước này ngày 22/05/1992). Từ đây mở ra một thời kì mới trong quan hệ giữa hai nước mà bao trùm là quan hệ bình đẳng, không xâm lược và công nhận chủ quyền lãnh thổ của nhau.Sau khi đã bình ổn được mối quan hệ với Nga, Ba lan bắt đầu tìm kiếm các đối tác ở Tây Âu và chủ trương trở thành thành viên của khối NATO. Ban đầu mọi sự xảy ra êm ả nhưng từ năm 1993 Nga bắt đầu chống lại sự bành trướng của NATO dẫn đến quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi. Sau đó với việc chống lại cuộc chiến tranh của Nga ở Czeczenia quan hệ giữa hai nước Nga-Ba Lan lại càng tồi tệ.

Quan hệ Nga-Ba Lan được cải thiện sau chuyến thăm Nga của tổng thống Alexsander Kwaśniewski (10/07/2000) và của tổng thống Putin tại Ba Lan (16-17/01/2002). Trong thời gian đó hai nước đã bắt đầu bàn đến việc xem lại những vấn đề lịch sử để lại. Tuy nhiên sự kiện sát hại những tù binh của Ba lan ở Katyń (cũng như ở một số nơi khác) vẫn chưa được phía Nga công nhận. Đến tháng 3/2005 Nga tuyên bố ém lại việc điều tra vụ Katyń.

Sau đó là thời kì quan hệ xấu đi giữa hai nước. Nga đã cấm nhập khẩu thịt và sau đó là hạn chế nhập các đồ thực phẩm của Ba Lan. Tháng 1/2006 Nga gây khó khăn việc cung cấp khí đốt cho Ukraina và cả Ba Lan. Phía Ba Lan tuyên bố sẽ không giữ bí mật những kế hoạch can thiệp của Liên Xô vào các nước thuộc khối Warszawa trước đây, làm cho chính quyền Nga bực bội. Cho đến khi Warszawa muốn Mỹ đặt căn cứ „lá chắn tên lửa” ở Ba Lan thì Matxkva đã không giấu nổi việc coi Ba Lan là kẻ thù của mình.Năm nay, 70 năm sau vụ thảm sát Katyń, chính quyền Ba Lan muốn tổ chức kỉ niệm lớn và nhân đó ép phía Nga phải có những công nhận và điều tra rõ ràng những gì xảy ra trong vụ thảm sát này.

Thực ra thì chính quyền nước Nga đứng đầu là Tổng thống Miedwiediew và thủ tướng Putin đã có những thay đổi rất lớn trong việc xem xét vụ Katyń. Trong những phát biểu trong dịp lễ kỉ niệm (07/04/2010) và sau đó, họ đã phê phán không nương nhẹ thể chế độc tài của Stalin và công khai nhận rằng hàng binh của Ba Lan bị giết hại tại Katyń (và một số nơi khác trong cùng thời gian đó) là do chỉ thị của Stalin và bộ chính trị của ông ta.Chỉ có một điều chưa hiểu là tại sao khi dự định cùng tổ chức lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện Katyń, phía Nga không muốn mời tổng thống Lech Kaczyński tham gia.

Đây có thể là do thủ tướng Putin coi việc đến Katyń của mình (chứ không phải là TT Miedwiediew) là sự trân trọng nhất đối với dân tộc Ba Lan. Vậy thì để cùng tổ chức với ông phải là người đồng nhiệm, thủ tướng Tusk của Ba Lan.

Việc Ba Lan đơn phương muốn tổ chức một ngày nữa lễ kỉ niệm tại Katyń vào ngày 10/04/2010 làm cho người Nga không hài lòng nhưng họ cũng không phản đối. Chính vì vậy mà ngay sau khi xảy ra tai nạn máy bay, chính quyền nước Nga đã muốn làm hết sức mình để chính quyền và người dân Ba lan không thể nghi ngờ về những cử chỉ đang tốt lên của mình. Và hơn lúc nào hết, tất cả mọi người Ba lan và trên thế giới đều cảm thấy nước Nga đang đi những bước dài để xích lại gần Ba Lan.

Ông Michail Gorbaczow, tổng thống cuối cùng của Liên Xô cũng đã phát biểu với Radio ZET rằng: „Kể từ sau cuộc chiến tranh chống phát xít, hai dân tộc chúng ta chưa bao giờ xích lại gần nhau như sau vụ tai nạn máy bay khủng khiếp này”. Có thể nói, trong những ngày tang thương đó, thủ tướng Putin đã làm việc không mệt mỏi và tạo mọi điều kiện cho các nhà chuyên môn, thân nhân của những người bị nạn đến nước Nga để làm các việc cần thiết. Tất cả đều được chính quyền Nga thu xếp và miễn phí. Một ngày sau vụ tai nạn, truyền hình Nga „Rassija” đã cho phát lại bộ phim „Katyn” của đạo diễn Wajda. Những cử chỉ cao đẹp đó của chính quyền Nga làm cho người dân Ba lan rất cảm động và mở ra khả năng xây dựng mối quan hệ bình thường giữa hai nước trong tương lai.

Tuy nhiên, theo ông Andrzej Halicki, trưởng ban đối ngoại của quốc hội Ba Lan, thì quan hệ giữa hai nước sẽ phải bắt đầu con đường giống như cách đây 20 năm của quan hệ Ba Lan – Đức. Đó là một quá trình tự nhiên trong đó dần dần tạo dựng niềm tin lẫn nhau không chỉ giữa các nhà chính trị mà cả những người công dân bình thường. Ông Halicki cho rằng bước đầu chúng ta cần có những sự giao lưu của thanh niên, sự hợp tác trao đổi giữa các thành phố hay các trường đại học. Các nhà chính trị chỉ có thể tạo ra bầu không khí còn thực hiện để đưa đến những quan hệ tốt đẹp phải là các cơ quan, các tổ chức và người dân.
(Nguồn: Các báo của Ba Lan)

Cơ quan lưu trữ Nga bạch hoá các tư liệu về vụ Katyn




Việt Hùng (NuocNga.net) tổng hợp từ Newsru, Izvestia

Người dân mang băng rôn "Katyn 1940-2010" trong lễ tưởng niệm cố Tổng thống Lech Kaczynski và các nạn nhân tai nạn máy bay tại quảng trường Pilsudski, thủ đô Warsaw, Ba Lan, hôm 17/4.

Ảnh: Reuters

■(Rừng Katyn Nơi xảy ra vụ thảm sát trong lịch sử)

Hôm nay thứ tư 28/4/2010, giám đốc cơ quan lưu trữ Liên bang Nga Andrey Artizov tuyên bố với báo giới các tài liệu liên quan đến vụ Katyn sẽ được cơ quan này đưa lên website của mình. Ông Artizov nói:” Tôi muốn nói một lần nữa, rằng các tài liệu này chưa bao giờ được đăng trên các website chính thức của Chính phủ và đây là lần đầu tiên được đăng tải trên trang điện tử của chúng tôi”.

Cũng theo ông Artizov, các tài liệu mật này đã được lưu trữ lâu năm trong các Kho lưu trữ quốc gia. Ông cũng nói rằng hiện có những người nghi ngờ tính xác thực của các tài liệu tuyệt mật đang lưu trữ, họ sẽ cho đó là tài liệu giả mạo làm theo đơn đặt hàng, rằng không có vụ thảm sát nào diễn ra ở Katyn và đó chính là do quân Đức gây nên.

“Vì vậy, quyết định bạch hoá các tài liệu mật trên trang web của chúng tôi đã được đưa ra, đó là các tài liệu lưu trữ trong Cơ quan lưu trữ Liên bang Nga, phần Lịch sử chính trị xã hội”.

Ông Artizov cho biết thêm trong các tài liệu được giải mật có tập hồ sơ số 1 đã hàng chục năm được lưu trữ trong kho của Bộ chính trị Đảng CSLX, ở hạng mục “Tối mật”. Trong tập hồ sơ này có bút tích cuả Bộ trưởng Nội vụ Beria tháng 3/1940 về việc thảm sát các tù binh người Balan. Trong văn bản này có bút tích của Stalin và các uỷ viên BCT như Voroshilov, Molotov, Mikoyan. Trong tập hồ sơ này còn có văn bản đề ngày 5/3/1940, nội dung đồng ý đề nghị của Beria về việc xử bắn các sĩ quan Balan”.

Vụ Katyn tưởng sẽ vĩnh viễn chìm vào im lặng, nếu như tháng 10/1990, tổng thống Nga lúc đó Boris Eltsin không chỉ thị trao bản sao một số văn bản mật về vụ này cho tổng thống Balan bấy giờ là Lech Valensa và ông này ngay lập tức đã cho công bố trên báo giới Balan.

Bạn đọc NNN nếu quan tâm, xin mời ghé thăm trang web của Cơ quan lưu trữ Liên bang Nga với các tài liệu được đăng tải lần đầu vào ngày hôm nay:

http://www.rusarchives.ru/publicatio...n/spisok.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét