Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Trung Quốc đang bị chỉ trích nghiêm khắc ở Biển Hoa Nam [Biển Đông]

Giản Quân Ba [Jian Junbo] và Vũ Trọng [Wu Zhong]

Ngày 24 tháng 6 năm 2011


LUÂN ĐÔN và HỒNG KÔNG – Ngày 1 tháng 7 tới Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm lần thứ 90 ngày lập Đảng. Mặc dù để tồn tại đến ngày hôm nay thì Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chịu đựng được nhiều thử thách gay go, song rõ ràng là đang có những thử thách ở phía trước. Một vấn đề phải giải quyết trước mắt là tình hình căng thẳng leo thang ở biển Hoa Nam với các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam.



Đối với Bắc Kinh thì đây không đơn thuần là một vấn đề thuộc về quan hệ quốc tế. Tình hình căng thẳng còn gây tác động lớn tới chiến lược về một “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc và sự ổn định trong nước. Điều này lý giải vì sao cho đến lúc này Bắc Kinh vẫn cố gắng tự kiềm chế trước những gì mà Bắc Kinh xem là những hành động khiêu khích của Việt Nam. Trong những hành động đó có cả việc cố tình công khai tập trậm ở những lãnh thổ tranh chấp, đưa ra những tuyên bố có lời lẽ cứng rắn lên án “sự xâm lược của Trung Quốc” và để xảy ra những cuộc phản đối sôi sục chống Trung Quốc.



Trước nay Bắc Kinh đều phản ứng một cách hạn chế. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Hồng Lỗi đã nhắc lại hôm 16 tháng 6 rằng Trung Quốc luôn tìm kiếm một giải pháp song phương cho những bất đồng về biển Hoa Nam và sẽ không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hồng Lỗi còn nói thêm rằng Trung Quốc sẽ hợp tác với tất cả các bên để thực thi một cách thực sự Tuyên Bố về Ứng xử của các Bên ở biển Hoa Nam và duy trì sự ổn định trong khu vực.  

Có rất nhiều lý do giải thích việc Trung Quốc muốn làm dịu những căng thẳng với Việt Nam. Thứ nhất, những tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Nam giữa Trung Quốc và Việt Nam không phải là một vấn đề mới mẻ – sự tranh chấp này hầu như đã xuất hiện vào những năm 1970 sau khi trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt ở đó được phát hiện.

Việt Nam (và một số nước Đông Nam Á) đã bắt đầu dần dần đưa người tới định cử ở một số hòn đảo và thăm dò dầu khí ở những vùng biển mà trước đó Hà Nội đã công nhận là lãnh thổ của Trung Quốc. Chẳng hạn, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 4 tháng 9 năm 1958 đã đưa ra một bản tuyên bố xác định lãnh hải của Trung Quốc bao gồm Quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa).

Thủ tướng của Bắc Việt Nam khi đó là Phạm Văn Đồng đã gửi một công hàm ngoại giao tới Thủ tướng Chu Ân Lai nói rằng, “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định này và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước tôn trọng khoảng cách 12 hải lý [19m km] của lãnh hải của Trung Quốc trong tất cả những mối quan hệ trong lĩnh vực hàng hải với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.” Bức công hàm ngoại giao này được viết vào ngày 14 tháng 9 và được đăng trên tờ Nhân Dân số ra ngày 22 tháng 9 năm 1958. [1]

Để tập trung vào cải cách và mở cửa để phát triển kinh tế của chính Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình khi ấy đã đề ra chính sách “tạm gác lại những tranh chấp để cùng nhau khai thác” biển Hoa Nam.

Sau ba thập niên cải cách và mở cửa nay Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới. Nhưng hiện nay Bắc Kinh đang nhận ra đầy đủ những vấn đề ở trong nước. Về mặt này, một môi trường quốc tế hòa bình là điều mang tính quyết định đối với Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đang theo đuổi một “sự trỗi dậy hòa bình” nhằm làm dịu mối lo ngại cho rằng Trung Quốc có thể đang theo đuổi bá quyền thế giới.

Trong những năm gần đây ngày càng xuất hiện những lời kêu gọi, nhất là từ phía Hoa Kỳ, rằng Trung Quốc hãy cư xử như một “người chơi có trách nhiệm” trong những vấn đề quốc tế.

Vì thế mà Bắc Kinh không muốn có những hành động ăn miếng trả miếng chống lại Việt Nam để hủy hoại hình ảnh của mình.

Trung Quốc có lẽ cũng xem những hành động khiêu khích của Việt Nam là có liên hệ với những vấn đề trong nước của nước này. Nền kinh tế của Việt Nam đang ốm quặt quẹo và dân chúng ngày càng tỏ ra bất bình. Người Trung Quốc có câu châm ngôn cổ (Việt Nam chịu ảnh hưởng rất mạnh từ văn hóa Trung Quốc) là một kẻ thù ngoại bang có khi lại có ích lớn trong việc làm dịu căng thẳng trong nước.

Bắc Kinh không muốn bị Hà Nội chọc tức. Mặt khác, Trung Quốc mới đây lại phải để mắt canh chừng Hoa Kỳ kể từ sau khi Washington tuyên bố họ “quay lại châu Á”. Việt Nam đã công khai kêu gọi Hoa Kỳ can thiệp vào biển Hoa Nam thế mà nếu Bắc Kinh cũng phản ứng dữ dội thì chuyện này có thể tạo cho Hoa Kỳ cái cớ để nhảy vô.

Bởi Bắc Kinh bao giờ cũng phản đối mọi ý định quốc tế hóa vấn đề biển Hoa Nam cho nên sự can thiệp của Hoa Kỳ sẽ làm cho vấn đề phức tạp thêm.

Hôm 22 tháng 6, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân [Cui Tiankai] đã cảnh báo Hoa Kỳ hãy đừng can thiệp vào những căng thẳng leo thang ở biển Hoa Nam:

Tôi cho rằng một số nước đang đùa với lửa. Và tôi hi vọng rằng Mỹ sẽ không “để lửa bén vào người mình”. Trước đó có vẻ như ám chỉ tới lời phát biểu của Washington về tự do hàng hải ở biển Hoa Nam, Hồng Lỗi đã nói: “Việc Trung Quốc duy trì chủ quyền ở biển Hoa Nam … sẽ không bao giờ ảnh hưởng tới tự do hàng hải của các nước khác ở biển Hoa Nam.”

Vì những yếu tố nói trên mà Bắc Kinh đã có sự phản ứng bình tĩnh. Nhưng cách giải quyết này có nghĩa là đang chấp nhận những rủi ro nào đó ở mặt trận trong nước. Công chúng Trung Quốc đã phê phán chính phủ “quá yếu đuối” và “nhu nhược” trong vấn đề biển Hoa Nam và đòi “một cuộc trừng phat nghiêm khắc thứ hai” đối với Việt Nam – các quan chức Trung Quốc gọi cuộc chiến tranh chống Việt Nam năm 1979 là một “cuộc chiến tranh trừng phạt ” vì Việt Nam đã xâm lược Campuchia.

Mặc dù các công dân mạng không chỉ trích các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc nhưng họ đã nhắm vào những tướng lĩnh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng như những quan chức và nhà bình luận truyền thông đã kêu gọi giữ bình tĩnh. Các trang web của nhà nước là diễn đàn nổi bật để những người có tinh thần dân tộc có thể bày tỏ sự thất vọng.

Một trong những lời “còm” thu hút sự chú ý được thấy trên diễn đàn trực tuyến của trang web Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo trực thuộc tờ Nhân dân Nhật báo là tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc:

Trước một đất nước hu-li-gân như vậy và trước những tổn thất lãnh thổ của đất nước, các ông, những tướng lĩnh và quan chức nhu nhược phải lắng nghe tiếng nói của nhân dân: “Chúng ta phải đánh trả! Chúng ta phải lấy lại lãnh thổ đã mất bởi vì cái chính sách bội tín gác lại tranh chấp để cùng nhau phát triển.” Hôm nay đất nước Trung Quốc đang lâm nguy chủ yếu là bởi vì chính phủ của đất nước này tràn ngập những quan chức tham nhũng …và đảng viên và cán bộ giờ đây đã mất lòng tin! Giờ đây chỉ những người dân không quyền, không tiền nhưng giàu lòng hi sinh và lòng can đảm mới là những người yêu nước.

Một “còm” khác cũng ở trên diễn đàn này nói rằng Trung Quốc phải học Mỹ ở chỗ Mỹ dám “bắt nạt những nước nhỏ”.

Bắc Kinh đang đi trên dây giữa một bên là cư xử như một “người chơi có trách nhiệm” trên vũ đài quốc tế và một bên là đối phó với những sức ép trong nước nói trên. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang có rất nhiều hành động lấy lòng cả hai bên nhất là trước khi diễn ra lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng là dịp mà Đảng sẽ lợi dụng bằng cách ngợi ca những thành tựu quá khứ để biện minh cho sự chính đáng của việc họ tiếp tục duy trì sự cai trị

Nếu như Đảng Cộng sản Trung Quốc thấy nguy cơ có thể đánh mất sự ủng hộ của nhân dân đối với một chính sách nào đó, khi ấy Đảng sẽ phải thay đổi chính sách đó. Khỏi cần nói, “lợi ích cốt lõi ” của mọi “lợi ích cốt lõi” đối với Đảng CS Trung Quốc là phải tiếp tục duy trì sự cai trị đất nước Trung Quốc. So sánh với điều này thì những vấn đề khác, chẳng hạn như vấn đề duy trì hòa bình trong khu vực và mối quan hệ tốt với các nước khác hoặc cư xử như “một người chơi có trách nhiệm” thảy đều là thứ yếu.

Dường như để đối phó với lòng yêu nước đang dâng cao trước “những khiêu khích” của Việt Nam thì Trung Quốc đã lặng lẽ tiến hành một số biện pháp, chẳng hạn như tập trận ở Đảo Hải Nam và cử một tàu tuần tra biên giới tới Singapore qua nẻo biển Hoa Nam.

Tạm thời thì Bắc Kinh vẫn cảm thấy yên tâm đối với cơn giận dữ bày tỏ tinh thần dân tộc chừng nào mà sự bày tỏ vẫn hầu như chỉ giới hạn trong không gian ảo (Internet). Không hề có một lời chỉ trích gay gắt nào nhằm vào chính sách của Bắc Kinh trong vấn đề nhà nước kiểm soát các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc nhằm vào bất kỳ một cuộc phản đối tự phát nào ngoài đường phố để phản đối ”sự xâm lược của Việt Nam “. Sự ồn ào tạm thời vẫn chưa đủ lớn để gây ra sự bất ổn xã hội mà Đảng CS Trung Quốc coi là một mối đe dọa.

Nhưng nếu Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì căng thẳng leo thang, và nhất là nếu như Mỹ đứng về phía Việt Nam, khi ấy Bắc Kinh sẽ buộc phải có những hành động triệt để hơn. Mặc dù giữ lập trường không gây ồn ào, song Bắc Kinh đã hình dung mọi kịch bản khả dĩ và đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.

Vì lợi ích của “sự trỗi dậy hòa bình” của mình cho nên chiến tranh là điều mà chính phủ hoặc nhân dân Trung Quốc không hề mong muốn tí nào. Thật may là cho tới nay không có dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể leo thang thành một cuộc xung đột bạo lực.

Thay vì thế, diễn biến mới nhất cho thấy là những căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam đã dịu đi. Tân Hoa Xã trong tuần đã đã đưa tin rằng trang web của Bộ quốc phòng Trung Quốc đã đăng thông báo hải quân Trung Quốc và hải quân Việt Nam tiến hành tuần tra chung ở vùng biển Beibu (Vịnh Bắc Bộ) (nằm giữa Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc) từ ngày 19 đến 20 tháng 6.

Sau cuộc tuần tra chung, một phái đoàn hải quân Việt Nam sẽ tới thăm thành phố duyên hải Trạm Giang [Zhanjiang] thuộc tỉnh Quảng Đông ở phía Nam Trung Quốc từ ngày 21 đến 24 tháng 6. Bản thông báo nói rằng các cuộc tuần tra chung và các chuyến ghé thăm của tàu hải quân là nằm trong một kế hoạch trao đổi song phương thường niên đã được sắp xếp từ trước, song nhấn mạnh đây là “một hoạt động trao đổi hữu nghị giữa quân đội hai nước”.

Việc một hoạt động như vậy mà lại có thể diễn ra vào thời điểm này là bằng chứng rõ ràng cho thấy những căng thẳng về biển Hoa Nam giữa hai nước cho tới nay đã không ảnh hưởng tới các kênh thông thường.

Ghi chú:

1. Nguồn Tư liệu: Công hàm ngoại giao năm 1958 của Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai1958 diplomatic note from Pham van Dong to Zhou Enlai, Wikimedia

Tiến sĩ Giản Quân Ba là giáo sư của Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Phúc Đán [Fudan] ở Thượng Hải, Trung Quốc. Hiện nay ông đang được mời tới nghiên cứu tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính Trị Luân Đôn, Anh Quốc. Vũ Trọng là biên tập phụ trách mục Trung Quốc của tờ Asia Times Online.

Người dịch: Hiền Ba

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét