Có một cô giáo gọi điện hỏi tôi: Trong số các Hoa hậu Việt N...am kể từ Bùi Bích Phương (hoa hậu năm 1988) cho đến nay, anh thấy ai đẹp nhất?
Tôi hỏi: Để làm gì?. Em bảo: - Để em giảng cho học sinh về cái đẹp. Tôi đành ậm ừ nói là cho anh suy nghĩ và trả lời em sau. Bởi đánh giá cái đẹp hình thức thì dễ nhưng đánh giá cái đẹp nội tâm không dễ chút nào...
Tôi không biết ở nước ngoài người ta tổ chức các cuộc thi, bình chọn cho các sự kiện như thế nào, tiêu chí ra sao. Nhất là việc bình chọn về cái đẹp.
Nhưng tôi có thể khẳng định, ở Việt Nam việc bình chọn, chấm giải, tổ chức sự kiện...diễn ra thì hầu hết là “dính chưởng”, là scandal, là lình xình, kể cả người thi và người chấm gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đó là chưa kể các hoa hậu, người đẹp Việt Nam làm hổ danh con cháu bà Trưng, bà Triệu.
Nhiều hoa hậu sau khi đăng quang đã làm xấu đi hình ảnh của người phụ nữ Việt. Chỉ xin đơn cử một vài trường hợp (chứ kể ra thì còn nhiều lắm) mà báo chí “Quốc doanh” đã đưa tin. Đằng sau ánh hào quang và vương miện, đằng sau sân khấu là một cuộc sống bình thường với vô vàn những yêu ghét, được mất, những dung nhan hàng đầu của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng không thoát khỏi nỗi truân chuyên.
Hà Kiều Anh (hoa hậu 1992) là một trong những Hoa hậu Việt Nam đăng quang ở độ tuổi trẻ nhất, lúc đăng quang cô chỉ mới 16 tuổi. “Là người đẹp nên Hà Kiều Anh đã may mắn loạt vào mắt xanh của những đại gia có tiền, có địa vị xã hội và đại gia may mắn được người đẹp đem lòng yêu thương là Nguyễn Gia Thiều, một đại gia vô cùng có tiếng ở Sài Gòn. Nói về Nguyễn Gia Thiều thuở mặn nồng, Hà Kiều Anh không tiếc lời vàng ngọc khi nhận xét về tình yêu này: Anh định cư tại Pháp từ năm 11 tuổi, một mình phấn đấu tạo lập sự nghiệp ở xứ người. Anh ấy yêu mình bằng một tình yêu rộng lớn, yêu cả cái tốt lẫn cái xấu. Kiều Anh thích sau này sẽ sinh thật nhiều con và dạy chúng theo tính cách của anh ấy.
Tới năm 2005, đại gia và người đẹp đã đăng kí kết hôn nhưng chưa kịp tiến hành tổ chức đám cưới thì Nguyễn Gia Thiều bị kết án 20 năm tù giam vì tội buôn lậu và trốn thuế. Hà Kiều Anh cũng bao phen rơi nước mắt khổ sở khi bị mời hầu tòa vì tội danh của Nguyễn Gia Thiều. Hình ảnh cô tới lui các phiên tòa, nước mắt ngắn dài khóc cho số phận của mình và chồng ngập tràn trên các trang báo đồng nghĩa với việc hình ảnh của cô mất bớt vẻ trong sáng trong mắt công chúng. Hứa sẽ đợi chồng về, nhưng sau 5 năm Nguyễn Gia Thiều ngồi bóc lịch thì Hoa hậu Hà Kiều Anh cũng làm đơn li dị và lấy chồng mới, hiện đã có một bé trai bụ bẫm. Cô cũng lặng lẽ sống và làm tròn nghĩa vụ của một người vợ và hầu như không còn tham gia bất cứ một sự kiện giải trí nào.”
Nguyễn Thu Thủy (HH 1994) “cô được biết tới là một phụ nữ thông minh, có tài kinh doanh và sở hữu sắc đẹp “bất chấp thời gian”. Vốn là hoa hậu không có scandal, thế nhưng tới năm 2010 trên cương vị là BGK cuộc thi HHVN, cô đã có một phát ngôn khá sốc khi khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng “Bản thân cái đẹp đã là một tài năng…”
Câu nói này chẳng khác nào cô chỉ tôn vinh và đề cao cái đẹp ngoại hình quá mức mà quên đi các giá trị khác của đạo đức, tinh thần và trí tuệ. Báo giới tốn không ít giấy mực, người dân bức xúc với quan điểm về cái đẹp của một người đang nắm trong tay quyền “chọn mặt gửi vàng” ai sẽ là người đại diện cho phụ nữ Việt Nam. Không ít người cho rằng Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy đã quá thông minh khi sử dụng “chiêu bài” này để tạo scandal nhằm hâm nóng tên tuổi dường như đã “nguội lạnh” của mình.
Trước khi đăng quang, Phan Thu Ngân (HH 2000) “...là con một gia đình lao động nghèo, sống bằng nghề bán bánh canh ngoài chợ. Cô gặp Mai Thanh Hải (con trai nguyên Thứ trưởng thương mại Mai Văn Dâu), và trở thành phu nhân của chàng công tử này. Một ngày, sự thật phũ phàng đến với cô khi bố chồng, chồng bị bắt vào tù vì tội tham nhũng và làm giả giấy tờ tài liệu. Đến lúc này bộ mặt thật của chồng hoa hậu mới được báo chí phanh phui: Mai Thanh Hải là đại gia ăn chơi khét tiếng, nghiện hàng trắng.”
Nguyễn Thị Huyền (HH 2004) “Chưa kể, chuyện Huyền “cạo trọc đầu” để đóng phim (?). Bẵng đi một thời gian, sau khi bỏ dở việc học hành tại Anh để đi lấy chồng, Nguyễn Thị Huyền trở về Việt Nam và tham gia làm MC cho phần thi phụ “Người đẹp áo tắm”, trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Trái đất. Không ai nghi ngờ gì về khả năng tiếng Anh của cô hoa hậu đã từng du học và làm việc tại Anh hơn 4 năm, cho tới khi chương trình này kết thúc. Cách nói ấp úng thiếu chuyên nghiệp, không gãy gọn, phát âm sai, pha trộn tiếng Anh và tiếng Việt của Huyền đã khiến không ít người thất vọng, dẫn tới những nghi ngờ về chất lượng học tập 4 năm tại Anh của cô.”
Trở về VN cùng chồng và con gái, hạnh phúc ngập tràn và tự hào về gia đình bé nhỏ. 6 tháng sau, tin đồn Huyền bị chồng bỏ lan truyền. Không đính chính, không phủ nhận, cô chỉ lấp lửng: “Tôi lo cuộc sống của người thân bị ảnh hưởng nên sẽ không trả lời". Thế nhưng với phát biểu của một ca sĩ nổi tiếng vốn là bạn rất thân của cô, có lẽ mọi người cũng không cần cô phải giải thích thêm nữa.
Xin kể một vài trường hợp về các hoa hậu Việt như vậy để bạn đọc có thể cảm thông và tha thứ cho những lỗi lầm, những nỗi buồn của họ. Trong số đó, có người đang “phục hồi danh dự” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Tôi không có ý làm xấu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Bởi người phụ nữ Việt Nam, rất nhiều người không đi thi hoa hậu nhưng họ đẹp trong mắt của hàng triệu triệu trái tim Việt Nam.
Vậy là tôi không mất thời gian để bình chọn “Người đẹp trong mắt tôi” 6 tháng đầu năm 2011. Tôi chưa dám bình chọn cả năm vì lý do...chưa hết năm, và như thể sẽ “chặt chẽ hơn”.
Người mà tôi bình chọn ở đây là một cô gái không đi thi bất cứ ở một cuộc thi nào. Dĩ nhiên là cô gái ấy chưa bao giờ để người ta xăm soi 3 số đo, không thi ứng xử theo tiêu chí của Ban Tổ chức giải. Nghĩa là cô gái ấy không phải đi lại uốn éo trên sân khấu với các loại trang phục. Không phải cao giọng hoặc thậm chí học thuộc lòng, có cô nói “nhạt như nước ốc” về hiểu biết xã hội như các cuộc thi hoa hậu.
Tôi chọn theo tiêu chí của cụ Hồ: “Phụ nữ Việt Nam, anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Và, đã là bình chọn thì cũng phải chọn cái đẹp hình thức nữa. Nhưng hình thức chỉ là sự lựa chọn thứ hai.
Vậy là tôi đã chọn Trịnh Kim Tiến.
Hoa hậu VN Trịnh Kim Tiến |
Anh mong em Trịnh Kim Tiến (lẽ ra phải gọi là chú cháu) đừng quá khiêm tốn mà “xin rút”. Em là một biểu tượng đẹp về lòng yêu nước “Gác hận thù, vì nghĩa lớn”. Xứng danh con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.
Trịnh Kim Tiến trong cuộc biểu tình ngày 24/07/2011 tại Hà Nội |
Viết xong bài này, tôi gọi điện cho cô giáo và bảo: Anh chọn Hoa hậu Trịnh Kim Tiến. Phía đầu dây bên kia ấp úng: - Em không biết Hoa hậu Trịnh Kim Tiến là ai? thi bao giờ vậy anh?
- Vậy là em rất lười đọc...thì em cứ chịu khó lên mạng, đọc sẽ biết.
Tôi tắt máy và nghĩ về em Tiến. Nghĩ đến bức ảnh mà anh chàng “Tây” nhìn em như bị...hút hồn!
Quốc Toản
Theo Blog NGUYỄN XUÂN DIỆN, 27/7/2011
Tôi cũng chọn cô Trịnh Kim Tiến là Hoa hậu Việt Nam bởi cách cô đã hành xử vẹn toàn trong "Thù nhà - Nợ nước" của mình và cô cũng rất đẹp. Và cô sinh viên Hà Nội Trịnh Kim Tiến, người tham gia biểu tình trong ngày 24/7, cũng được cộng đồng Mạng phong tặng danh hiệu "Miss Áo dài Hoàng-Trường Sa", "Miss Biểu Tình", "Miss Biển Đông"...
Trả lờiXóa