Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

CHÍNH PHỦ ÚC CHÍNH THỨC XIN LỖI THỔ DÂN ..TỪ ÚC NGHĨ TỚI VIỆT NAM

Lời tựa:
    Trong bài “Một viên đá xây dựng đầu tiên cho Việt Nam” tác giả NDT đã từng đặt vấn đề hòa giải dân tộc: để đặt viên đá đầu tiên cho việc xây dựng lại đất nước, đảng CSVN có thể làm bằng một lời xin lỗi với toàn dân bao gồm cả 'Ngụy' nghĩa là bao gồm cả những người dân miền Nam, những người Bắc khi xưa đi di cư tìm tự do và những Việt kiều đi di tản tìm tự do và hiện đang sống tại hải ngoại.



   Khi đọc lời đề nghị này tôi thật sự không tin là điều này có thể thực hiện được. Bởi chuyện này là chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nhất là từ khi ĐCSVN lãnh đạo đất nước. Vào google tìm “chính phủ việt nam xin lỗi” hoặc “chính quyền việt nam xin lỗi” đều không có kết quả mong muốn.


  Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta mắc sai lầm và phải xin lỗi người khác để được tha thứ. Đó vốn dĩ là một chuyện bình thường, việc đương nhiên phải làm, nhưng thực tế, với một số người, nhất là lãnh đạo các tổ chức, chính quyền, đoàn thể, lời xin lỗi đơn giản ấy lại thật hiếm hoi. Người ta còn không thèm trả lời đơn thư của công dân, dù đó là trách nhiệm của họ.


   Ví dụ về chuyện này ở VN có rất nhiều, nhiều người đã biết, có lẽ không cần kể ra đây nữa.


   Tuy nhiên nhìn ra nước ngoài, gần ta đây, như Nhật Bản, ta thấy rất nhiều.


   Gần đây nhất, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã lên tiếng xin lỗi nhân dân nước này vì xử lý chậm việc rò rỉ phóng xạ khi xảy ra trận động đất, sóng thần vừa qua.
  Ông Naoto Kan không phải là nhà lãnh đạo duy nhất ở Nhật từng thốt lên lời xin lỗi công chúng. Năm ngoái, cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama cũng đã xin lỗi người dân đảo Okinawa vì không giữ cam kết đưa căn cứ quân sự Mỹ ra khỏi hòn đảo này, như ông đã từng hứa khi tranh cử.


   Trước đó, năm 2009, cựu Thủ tướng Nhật Taro Aso đã xin lỗi vì việc Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này đã gà gật như say rượu trong cuộc họp báo ở hội nghị G7. "Tôi thực sự lấy làm tiếc phải thay bộ trưởng tài chính giữa lúc quốc hội đang thảo luận về dự thảo ngân sách", ông Aso nói hôm 19/2/2009.


   Vài câu chuyện trên đây vốn dĩ không hề liên quan tới nhau và cũng ở hoàn cảnh rất khác nhau, nhưng lại có chung một điểm, đó là lối ứng xử khi phạm lỗi. Ở Nhật Bản, cũng như nhiều quốc gia dân chủ khác, xin lỗi là một việc bình thường khi ai đó phạm lỗi dù lớn hay nhỏ. Còn ở Việt Nam, xin lỗi nhiều khi là điều "cực chẳng đã", thậm chí bị "ép" mới chịu thốt ra.


Có mất đâu một lời xin lỗi khi ta phạm phải sai lầm? Khi nhận lỗi và xin lỗi, có nghĩa là mình trưởng thành hơn. Người Nhật vẫn chào người khác bằng cách cúi gập người không có nghĩa họ hạ mình, mà tỏ ý tôn trọng người khác. Tôn trọng người cũng là tôn trọng mình.


  Xin lỗi là dấu chỉ của tự trọng cá nhân, của văn minh xã hội. Vì thế, Tướng De Gaulle của nước Pháp, trong hồi ký của mình, có lần đã “thống kê”: “Số lượng những kẻ ân hận bao giờ cũng lớn hơn nhiều lần số lượng những người dám thú nhận”. Câu nói này rõ một hàm ý: thú nhận bao giờ cũng khó khăn hơn ăn năn, nó đòi hỏi cả lòng dũng cảm… Ân hận là cuộc đối thoại với lương tâm cá nhân, còn thú nhận phải đối diện với lương tâm xã hội. Một lời xin lỗi chân thành thể hiện tinh thần gánh vác trách nhiệm của người có trách nhiệm.


   Dĩ nhiên xin lỗi phải đi kèm với một nỗ lực tối đa để sửa chữa sai lầm, để khắc phục hậu quả. Còn xin lỗi chỉ để mà… xin lỗi lại là một dạng “đầu môi chót lưỡi” khác - không hơn không kém!


Non song gấm vóc xin giới thiệu bài viết sau đây, dù đăng đã lâu, và có thể bạn chưa được đọc, nhưng bài học của nó luôn vẫn là đề tài thời sự.
  Việt Minh


    Ta hãy mường tượng một ngày xa xưa khi ta còn bé, đang sống êm ấm dưới mái tranh nghèo nhưng đầy tình thương đằm thắm cuả mẹ cha - thì một đêm đen, một số người mang xe thùng tới bắt ta ra đi biệt tích. Họ làm công việc này công khai trước mắt mẹ cha ta. Mẹ ta khóc hết nước mắt vì nhớ thương ta, và từ đó cho tới ngày nhắm mắt , bà không một lần được nhìn lại đứa con yêu dấu.

   Còn về phần ta, dù dưới danh nghĩa ‘ bảo vệ’ hay mỹ từ nào khác mà người ta đã mang ta đi - thì từ khi rời bỏ mái ấm gia đình, ta không được còn là ta nữa: ta phải từ bỏ ngôn ngữ, tập quán, sống thui thủi bên những người xa lạ. Nếu ta có màu da đen ( như thổ dân Úc) thì cái nhìn cuả những người da trắng xung quanh làm ta xót xa: ta hoàn toàn không giống họ, ta không thuộc về đám người này. Ta muốn trở về với mái ấm gia đình, với xóm nghèo xa xưa, như con hổ muốn trở về rừng, như con chim muốn bay về tổ... nhưng gia đình, quê hương vẫn mịt mờ biền biệt.

   Câu chuyện trên đây giống như chuyện...mafia bắt cóc người đòi tiền chuộc, nhưng chỉ khác vài điểm: kẻ bắt cóc không phải là mafia mà là.. nhân viên chính quyền, và kẻ chủ trương chuyện bắt cóc này là ... chính quyền Úc: từ năm 1910 tới thập niên 1970 có đến từ một phần mười đến một phần ba trẻ em thổ dân bị đưa ra khỏi gia đình bằng cách đó ( tức là vào khoảng 50,000 em). Lý do: để cho các em này hội nhập vào xã hội Úc ( assimilation). Các em được đưa tới các viện mồ côi, các gia đình cha mẹ nuôi...

   Hậu quả là biết bao gia đình tan nát, những đau thương lầy đất. Tháng ngày qua, chính phủ Úc dần dà cảm nhận được những sự đau thương đó và sự phá sản của chính sách cách ly này, nhưng phải đợi tới ngày 13/02/08 vừa qua, tân thủ tướng Úc Kevin Rud mới có can đảm ngỏ lời chính thức xin lỗi thổ dân trước Quốc hội tại thủ đô  Canberra của Úc.

   Đây là một việc làm rất ý nghiã, tuy hơi muộn, nhưng đã chứng tỏ vài điều chính yếu:

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã lên tiếng xin lỗi nhân dân nước này.
   Người Úc đã nhìn lại và nhận rõ những sai lầm trong quá khứ và có can đảm xin lỗi. Điều này không phải là dễ dàng, vì thông thường, con người ta chỉ nhìn thấy cái lỗi cuả người mà ít khi nhận ra lỗi cuả mình. Người đã nhận ra lỗi của mình là người sáng suốt - mà nhận ra lỗi , rồi lại có can đảm xin lỗi - thì nếu là một cá nhân thì cá nhân đó là một người quân tử - còn nếu là một dân tộc , thì dân tộc đó đã vượt xa các dân tộc khác về tư cách và tình người.

   Nhân chuyện người lại nghĩ tới ta ... Việt Nam quê hương yêu dấu, ngày miền Bắc chiếm miền Nam.

   Nói tới ngày miền Bắc chiếm miền Nam, một số người cho rằng ta nên quên đi dĩ vãng, hướng về tương lai , từ đó ta mới có thể góp phần xây dựng quê hương ... hơn là nhai đi nhai lại những ngày đen tối xa xưa, vì như vậy không phải là thực tế.

   Tuy nhiên nhìn người lại nghĩ đến ta: hôm nay, sau bao năm, người Úc đã nhìn lại những sai lầm của dĩ vãng - và nhận rõ những sai lầm đó ảnh hưởng tới việc hoà hợp dân tộc hiên tại , nên đã can đảm xin lỗi thổ dân . Do đó, hận thù đã một phần được hàn gắn, kể từ nay, nước Úc có thể xếp dĩ vãng lại một bên, người Úc trắng cùng thổ dân sẽ cùng đứng chung trong một mái nhà và cùng nhìn về tương lai.

   Vậy thì, đối với người Việt nam, ta có nên nhìn lại dĩ vãng một lần, và sáng suốt nhận ra những sai lầm của dĩ vãng, rồi thành khẩn tìm cách giải quyết, xoá bỏ hận thù hướng về tương lai hay chăng?

   Theo tôi, câu trả lời là có, nếu quả thực ta muốn quên hận thù để xây dựng đất nước trong tương lai.

  Vậy dĩ vãng là những gì?

    Sau biến cố năm 75, dù đất nước đả thu về một mối, thay vì cùng tạo hoàn cảnh để mọi người Việt từ bắc vô nam cùng nắm tay nhau xây dựng đất nước , thì ngược lại cả triệu người Việt đã bị đưa đi tù cải tạo, cả triệu gia đình ly tán. Điều khốn khổ cho những người này là: họ không bao giờ biết ngày về. Khi gia đình hỏi bao giờ chồng , cha tôi về, thì câu trả lời của nhà nước công sản ngàn lần như một: ‘ Khi nào cải tạo tốt thì sẽ được nhà nước khoan hồng’.. rồi người vợ trẻ với bầy con thơ không biết làm gì để sống, phải cào cấu để kiếm ăn, nuôi con ở ngoài, nuôi chồng trong tù. Có những người phải bỏ chồng lấy "nón cối", có người phải bán thân nuôi miệng, có những đứa con ‘ngụy’ đầu đường xó chợ, móc túi sống qua ngày. Vợ ngụy, con ngụy... là thành phần thấp nhất trong xã hội, đừng cầu mong có một ngày mai.

   Rồi với thế hệ trí thức, tinh hoa cuả dân tộc, thì đây là những người có bằng cấp, do đó, dưới chính quyền cũ, đa số bị trưng dụng: họ đều là sĩ quan, hiện dịch hay trừ bị. Do đó, khi Cộng sản vô miền nam, họ đều phải đi tù, và như đã nói ở trên: không ai biết ngày về. Số trí thức nhỏ nhoi còn lại ở ngoài xã hội thì bị ngược đãi: "Hồng" qúy hơn "Chuyên" ( người có ý thức hệ cộng sản được coi nặng hơn người có kiến thức chuyên môn ). Hậu quả là rất nhiều người có kiến thức muốn quên hận thù, góp tay xây dựng lại đất nước , thì vì bị bỏ tù, bị ngược đãi, khi được thả ra, một số rất lớn đã tìm đường vượt biển ra đi: Như vậy cả một tầng lớp trí thức miền nam đã bị hủy hoại và nhà nước Cộng sản đã đánh mất đi những di sản trí thức, những khối óc quý giá - mà muốn gây dựng lại phải chờ cả 2 thập niên: chờ cho lớp trẻ lớn lên , được đi học để thay thế. Vậy thì 20 năm đó, 20 năm thụt lùi không có kiến thức đó là do lỗi của ai?

    Việc tịch thu tài sản, đánh tư sản mại bản, đuổi người thành thị đi kinh tế mới, song song với việc đổi tiền liên tục: người có cả triệu trong tay, sau đổi tiền thành tay trắng ... đã tước đoạt tài sản, mồ hôi nước mắt của biết bao người dân hiền lành vô tội. Việc phá hoại tài sản, vốn liếng đầu tư, chủ trương đưa mọi người tới mức độ.. nghèo đói ngang nhau - để được "bình đẳng" theo đường lối xã hội chủ nghiã, đã một lần nữa dìm dân tộc vào vòng lầm than đói khổ: không có vốn, không có tư bản.. thì làm sao để đầu tư sản xuất, để xây dựng? Hậu quả là sau năm 75, đất nước đã đi vào giai đoạn đen tối bậc nhất của lịch sử: người dân cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc… Đó là do lỗi ở ai?

   Tất cả những sự việc trên đã dìm sâu dân tộc vào vòng lao lý suốt 2 thập niên ( 1975-1995). Nhà nước Việt nam hiện tại nên can đảm nhìn lại những sai lầm của một thời dĩ vãng "bao cấp". Nay vì luơng tri con người, nên thẳng thắn nhìn nhận là lớp người trước trong chính quyền đã làm sai, đã làm băng hoại cả một thế hệ, đưa tới đau khổ nghèo đói, tước đoạt phẩm giá cuả những người miền Nam khi hoà bình đã về… Và như vậy, thì ngày nay chính quyền Việt Nam có can đảm công khai nhận lỗi với "Thế Hệ Miền Nam" sau năm 75 hay chăng?

   Chuyện này, nếu có, sẽ đóng lại một phần lớn những hận thù trong dĩ vãng, để mọi người dân Việt – trong và ngoài nước , có thể hướng về tương lai.

Văn hoá xin lỗi

   Không có gì là quá khó khăn, nhất là khi chính quyền VN hiện tại thực sư muốn tất cả mọi người việt - quốc nội hay hải ngoại - cùng đứng về một phiá, chung tay xây dựng đất nước

   Nay chỉ cần một hành động cương quyết từ phía chính quyền VN: Thủ tướng ra quốc hội nói lên tấm lòng thành “ Xin lỗi thế hệ miền nam sau năm 75 vì những lỗi lầm cuả chính quyền lúc đó”. Chuyện này - cũng tương tự như là về phía Úc - không có nghĩa là công nhận chính quyền VN hiện tại đã làm những gì sai trái - nhưng nó chỉ nói lên một sự thực. Và chính quyền VN hiện tại, đã sáng suốt nhìn ra sự thực đó : những sai lầm của dĩ vãng - và có can đảm nhận lỗi với cả một thế hệ bị chà đạp.

   Tất nhiên việc này sẽ gặp khó khăn, nhất là khi phải nói chuyện với những người CS đầu óc có sạn, những kẻ vẫn mơ tưởng cái thiên đường xã hội chủ nghiã nay đã bị cả Âu châu ruồng bỏ. Tuy nhiên , phải nhìn vào thực tế là nhửng người đầu óc có sạn này tại VN nay chẳng còn bao nhiêu. Những thành phần trẻ sau chiến tranh, nay đang thay thế lớp già và họ đang tràn lan trong xã hội. Họ nhìn lại những sai lầm cuả những người đi trước - có thể sáng suốt nhìn ra sự thực.. và làm nên lịch sử.

 Đâu là những nạn nhân cần phải được xin lỗi:

- Xin lỗi một thế hệ miền Nam bị thống khổ dưới chế độ bao cấp, đã đưa tới những ngày đen tối nhất trong lịch sử: cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc…

- Xin lỗi những người, dù sau khi đất nước đã hoà bình, bị đày ải trong cải tạo tập trung, và những khổ đau mất mát cho gia đình họ.

- Xin lỗi những người mà tài sản bị tước đoạt nhân danh xã hội chủ nghĩa.

- Xin lỗi những người mà vì sự chèn ép, làm nhục mà phải bỏ nước ra đi.

- Xin lỗi 3 triệu người của cả hai miền Nam, Bắc đã chết cho một cuộc chiến 30 năm, nói là để giải phóng đất nước, xoá bỏ tư bản chủ nghiã bóc lột - để rồi cuối cùng, ngày hôm nay, đất nước lại trở lại đi theo con đường kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

   Có người nêu câu hỏi là thiện chí phải thể hiện từ hai phiá: những người Việt vô tội sinh trưởng ở miền Bắc - và không thuộc chính quyền cộng sản - bị thiệt mạng trong các vụ oanh tạc ... thì ai sẽ là người xin lỗi họ và thân nhân họ?

   Xin thưa là trên đây, tôi chỉ xin nói lên những lý do mà nhà nước VN nên xin lỗi - vì những lỗi lầm này đã được vi phạm khi hoà bình: nghĩa là khi đất nước đã thống nhất và đi vào một mối - thì những điều sai trái này mới xẩy ra.

   Nay nói tới sự chịu đựng của những người Việt vô tội miền Bắc thì xin hiểu rằng: đó là vào lúc chiến tranh. Và khi chiến tranh, thì vàng và đá đều nát tan cho cả hai miền Nam, Bắc . Ta khóc thương cho cả dân tộc, cho cuộc chiến tương tàn người Việt giết người Việt.

   Tuy nhiên, ngày hôm nay, nhìn lại lịch sử, ta hãy đặt một câu hỏi: cuộc chiến có thực sự cần thiết hay không? Và nếu không có cuộc chiến, thì miền Nam hiện nay sẽ ra sao? Khỏi nói thì ta cũng phải nhìn nhận: ta không nên quá lạc quan mà nói là nếu không có cuộc chiến thì ngày nay, miền Nam đã theo kịp Nhật Bản; nhưng thực tế mà nói, nếu không có cuộc chiến - miền Nam sẽ tương tự hoặc là hơn Thái Lan ngày hôm nay.

   Vậy thì: chiến tranh "Giải phóng miền Nam", ngoài việc mang tang thương đổ nát, đã hy sinh mạng sống của 3 triệu người dân Việt, đã dìm sâu đất nước lùi lại 20 năm, thì thực sự về mặt tích cực, chiến tranh đó đã mang lại cái gì? Và ai là người chủ trương “ giải phóng miền nam”? Chắc chắn không phải là miền.. Nam. Và miền Nam không có gì để xin lỗi.

Để kết luận, câu hỏi đặt ra là:

   Chính quyền VN hiện tại có thực sự muốn mọi người Việt đứng chung về một phía , hay vì sợ bẽ mặt – như thủ tướng Úc tiền nhiệm John Howard đã sợ bẽ mặt trước đây trong việc xin lỗi thổ dân Úc, mà không bao giờ xin lỗi - để rồi vết nứt dân tộc vẫn tồn tại muôn đời với thời gian?


Vũ Ngọc Tấn
Bài viết được đăng trên Tập san của Hội y sỹ việt Nam tại Canada, tháng Tư năm 2008

3 nhận xét:

  1. Vào năm 2008, ông Kevin Rudd thủ tướng Úc đã xin lỗi thổ dân trước quốc hội, hình như tôi có thấy buổi lễ trong đó có cả nữ Hoàng Anh tham dự trên truyền hình. Theo tôi hiểu với gì đọc được trên Internet thì hình như chánh phủ chỉ đem mấy đứa con lai (métis) ra giao cho mấy công đồng Thiên chúa Giáo để dậy cho chúng văn hóa tây phương (một cách đồng hóa). Người thổ dân thì nói là dân số họ đã ít rồi, bây giờ còn lấy lũ đó đi nữa thì làm giảm dân số của họ: Dây là chuyện tranh dành dân số, lại thêm liên quan đến một số ít dân tộc thiểu số thành đại đa số da trắng họ thờ ơ, chứ nếu đụng quyền lợi đại đa số thì là khác: dân chủ là vậy, là luật của đa số,có đi bầu để biểu quyết thì dân thiểu số lúc nào cũng thiệt hơn trừ khi lũ đa số nó thương hại thì nó bỏ phiếu giúp cho.

    Th.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đã đọc bài báo Chánh phủ Úc xin lỗi thổ dân được anh giới thiệu. Bài viết quá hay. Xin cảm ơn anh. Tôi đọc xong và nghĩ ngay sẽ giới thiệu nó cho nhiều người đọc. Thời gian 5 năm tôi ở Úc thì vấn đề này thường được báo Úc nói đến, năm 2003 tôi về nước nên cũng không chú ý nữa. Sau đó có nghe loáng thoáng về việc xin lỗi này. Nhưng cái chính là việc như thế mà thổ dân phải đòi mất hơn nửa thế kỉ mới được.
    Về vấn đề đòi hỏi chánh quyền VN xin lỗi dân là việc khó như mò kim đáy biển, nhưng không phải vì thế mà ta không làm.
    HL

    Trả lờiXóa
  3. Tôi từ lâu đã suy nghĩ về việc "tập kết" của dân miền Nam ra Bắc sau hiệp định Genever 1954. Hàng vạn đứa trẻ mới 7,8 tuổi đã "được" đưa ra Bắc (trong đó có tôi), tách khỏi cha mẹ với lời hứa với cha mẹ chúng là sau 2 năm sẽ trở về; bao người vợ, chồng mới cưới hoặc mới hứa hôn cũng bị hứa như thế... Việc chia cắt này gây ra bao hệ lụy mà tôi có chứng kiến. Đến bây giờ nhà nước và nhiều người vẫn cho đó là thành tích, là nhìn xa trông rộng của Chính phủ VNDCCH khi ấy. Nhưng tôi cho rằng CP thừa biết rằng thời gian chia cắt không thể là 2 năm.
    Nhiều người nói rằng nếu biết là phải chia ly hơn 2 năm họ sẽ không đi tập kết. Ngày thống nhất,khi gặp lại con, mẹ tôi cũng nói thế.
    HL - 1 học sinh miền Nam tập kết.

    Trả lờiXóa