Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Biển Đông là phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam

Kính gửi bạn đọc

Từ hàng ngàn năm nay, Biển Đông là phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam.


Tàu cá xa bờ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mang theo cờ tổ quốc trong lúc hành nghề trên biển Đông, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải. Ảnh: M.Đ

Trên vùng biển ấy, những người ngư dân, hàng ngày đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương mình tận tuỵ làm ăn và giữ gìn như một không gian sinh tồn không thể thiếu của các dân tộc Việt Nam. Có thể nói, sự hiện diện của khối đồng bào ấy, trong truyền thống lên rừng, xuống biển của tổ tiên chúng ta, cũng là sự khẳng định vị thế chủ quyền của nước ta trên biển.
Các thế hệ ngư dân Việt Nam một mặt phải chống chọi thường xuyên với giặc trời, mặt khác nhiều phen họ còn phải đối mặt hết sức nguy hiểm với giặc nước là thế lực ngoại bang tham lam xâm phạm vùng biển của chúng ta, đe doạ, phá nhiễu, thậm chí là cướp bóc đời sống hoà bình, ổn định và thành quả lao động vất vả của đồng bào ta. Trong hoàn cảnh đó, với ý chí mạnh mẽ của truyền thống yêu nước, thương nhà, bà con ngư dân vẫn kiên trì bám trụ trên biển, bằng lao động khó nhọc của mình, lớp cha trước, lớp con sau, đời nối đời, chấp nhận hy sinh, mất mát giữ gìn vững chắc chủ quyền tổ quốc trên biển.
Nhưng so công sức và sự hy sinh to lớn ấy, có thể nói, đời sống đồng bào ta trên biển còn nhiều khó khăn, thiệt thòi.
Gần đây, ngư dân ta trong việc làm ăn, sinh sống trên biển lại càng gặp nhiều khó khăn, khi mà mức độ thiên tai nhiều hơn, nhất là, vùng biển bạc thiêng liêng ấy nhiều lần bị Trung Quốc xâm phạm, đưa cả tàu to, lực lượng chuyên nghiệp vào uy hiếp, cướp bóc trắng trợn. Nhiều phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc như Hoàng Sa, Trường Sa bị Trung Quốc xâm chiếm, các ngư trường truyền thống của ngư dân ta bị cướp phá. Cộng thêm vào đó, trong điều kiện thiếu thốn về kỹ năng và tri thức hội nhập, nhiều ngư dân ta cũng bị thiệt hại trong các tranh chấp trên biển.
Trước tình cảnh này, nhiều nỗ lực của mọi tầng lớp nhân dân đã được thể hiện để chia sẻ, góp sức thiết thực cùng bà con ngư dân vượt qua khó khăn. Đảng, Nhà nước cũng đã có nhiều giải pháp cụ thể nhằm xây dựng và phát triển chiến lược biển, củng cố và bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc, đặc biệt là chăm lo cho đời sống của ngư dân.
Nhằm góp sức cùng với những nỗ lực phong phú của các tầng lớp nhân dân, theo yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và của đông đảo bạn đọc, báo Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp cùng hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao – tổ chức của những nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam, câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu – tổ chức của những doanh nghiệp và doanh nhân ưu tú và quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục (EDF) phát động chương trình Cùng ngư dân bám biển.

Chương trình là một hoạt động xã hội tự nguyện nhằm chăm lo cho đời sống bà con ngư dân, nhất là bà con ngư dân vùng biển xa, cổ vũ thiết thực, nâng cao ý chí và trách nhiệm xã hội góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo tổ quốc. Chương trình là một cam kết trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp bằng nét đẹp của truyền thống đồng bào Việt Nam yêu nước, thương nhà. Chương trình được tổ chức dài hạn, theo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch.

Chương trình có các nội dung hoạt động như sau:
1. Hỗ trợ tài chính cho ngư dân khôi phục sinh kế và bảo đảm an toàn nghề biển: đóng góp tài chính để cho bà con ngư dân gặp nạn vay với lãi suất ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất; mua bảo hiểm tài sản, sinh mạng cho ngư dân. Chương trình phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan truyền thông địa phương và cộng đồng ngư dân giới thiệu tuyển chọn đối tượng được hỗ trợ, phối hợp với ngân hàng xúc tiến thủ tục giải ngân, chi trả.
2. Chăm lo sức khoẻ, dinh dưỡng và việc học cho con em bà con ngư dân, trước mắt tập trung vùng đảo xa, vùng khó khăn. Tổ chức các hoạt động thăm viếng tặng quà cho đối tượng này. Xây dựng học bổng giúp hỗ trợ con em ngư dân theo đuổi việc học. Tài trợ cho giáo viên, nhân viên y tế phục vụ bà con đảo xa. Xây dựng học bổng khuyến khích thanh niên theo học các nghề khai thác biển.
3. Phối hợp cùng huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) xây dựng đội cứu hộ tự quản phục vụ bà con ngư dân hoạt động trên ngư trường Hoàng Sa (mua sắm tàu, phương tiện, địa phương tổ chức lực lượng tự quản nhằm ứng cứu tai nạn trên biển).
4. Cung cấp thông tin, kiến thức pháp lý, huấn luyện kỹ năng bảo đảm hoạt động an toàn trên biển.
5. Đưa hàng Việt Nam về với ngư dân.

Trước mắt, chương trình sẽ triển khai trên địa bàn bốn tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Sau đó, rút kinh nghiệm và triển khai tiếp trên các địa bàn khác. Chương trình dự kiến sẽ khởi động các hoạt động từ ngày 25. 6.2011.
Đây là một chương trình dài hạn có ban chỉ đạo là lãnh đạo báo, hội, câu lạc bộ và quỹ EDF và ban điều hành hoạt động thường xuyên, sử dụng tài khoản của quỹ EDF và báo Sài Gòn Tiếp Thị.

Với mong muốn được góp một phần tấm lòng và công sức nhằm biểu thị tinh thần yêu nước, đóng góp củng cố niềm tin để đồng bào ngư dân kiên trì bám biển, cải thiện đời sống, vượt qua khó khăn, ban tổ chức chương trình rất hạnh phúc khi tiếp nhận được sự đồng cảm, ủng hộ và đóng góp thiết thực của quý vị.
Cùng ngư dân bám biển là một hành động thiết thực khẳng định ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vốn là ý thức thiêng liêng, không dễ gì lay chuyển của các tầng lớp đồng bào ta.

Trân trọng cảm ơn

TM Ban tổ chức chương trình
Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị


Mọi đóng góp bằng tiền, hiện vật và ý kiến xin gửi về:
Báo Sài Gòn Tiếp Thị, quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục (EDF) tại địa chỉ:
25 Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP.HCM (email: toasoan@sgtt.com.vn, điện thoại: 08.39305473)
hoặc gửi vào các tài khoản:
– Tài khoản tiền đồng Việt Nam: quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục (EDF) – số tài khoản 001234230001 – tại ngân hàng Đông Á – chi nhánh Đinh Tiên Hoàng, TP.HCM.
– Tài khoản ngoại tệ: báo Sài Gòn Tiếp Thị – số tài khoản 0071371333853 – ngân hàng Ngoại thương, chi nhánh TP.HCM.

Ngoài ra, quý vị cũng có thể ủng hộ trực tiếp tại:
văn phòng đại diện báo Sài Gòn Tiếp Thị tại Hà Nội: 175 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội (điện thoại: 04.37192709);
văn phòng đại diện tại Cần Thơ: 5 Trần Văn Hoài, Cần Thơ (điện thoại: 0710.3740908);
văn phòng đại diện tại Đà Nẵng: 233 Trần Phú, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Đà Nẵng (điện thoại: 0511.3889783).
Chúng tôi sẽ thường xuyên công khai các đóng góp và hoạt động của chương trình trên báo Sài Gòn Tiếp Thị.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét