Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Một vài cảm nghĩ về những tài liệu liên quan đến cuộc chiến ở VN mà Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã cho giải tỏa

     Dựa trên tài liệu của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ được tiết lộ (declassify) gần đây, trong bài ' Sau 40 Năm Bí Mật ' đăng trên mạng  NSGV                                                                     (http://longnguyen48.blogspot.com/2011/08/sau-40-nam-bi-mat.html), tác giả HDH đã viết: 1) Đầu thập niên 1970s, Hoa Kỳ thay đổi sách lược bắt tay với Trung Cộng đối phó với Liên Xô buộc Hoa Kỳ phải hất Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc và đưa Trung Cộng vào thay thế vị trí này. Cách đây 40 năm, Hoa Kỳ đã công nhận chỉ có một nước Trung Quốc, và Đài Loan cũng chỉ là một tỉnh của Trung Quốc với một thể chế đặc biệt! 2) Tài liệu cho thấy khi ấy Bắc Việt rất bối rối và chuẩn bị đầu hàng vì không chịu nổi B52 bỏ bom ở Hà Nội, và nếu Hoa Kỳ tiếp tục bỏ bom thêm 2 tuần nữa thì Hà Nội có lẽ đã đầu hàng, nhưng vì đã thỏa thuận với Bắc Kinh nên Henry Kissinger và Tổng Thống Richard Nixon ngưng bỏ bom như một hình thức vất đi chiến thắng đang ở trong tầm tay. Căn cứ trên hai yếu tố nêu trên, ông đã đưa ra kết luận là Mỹ đã bán Đài Loan và Nam Việtnam cho TQ. Cũng cùng trong một trang mạng, trong phần nhận xét, có một tác giả khác cho rằng bài viết có tính cách 'interpersonal' xin tạm dịch là hơi chủ quan, nhưng lại không đưa ra bài bình luận cụ thể khách quan viết theo quan điểm của ông để đối lại. Vậy thì Mỹ có bán Đài Loan hay Nam Việtnam cho Trung Quốc hay không?

      Nội dung của bài này thực ra không hoàn toàn mới đối tôi mặc dù không biết hết các chi tiết. Thật vậy, năm 1969 lúc có chiến tranh biên giới giữa TQ và Nga Sô và cũng sau đó có những nguồn tin về cuộc viếng thăm TQ sắp tới (vào năm 1972) của Tổng Thống R. Nixon thì tôi đã được nghe Bố tôi, đã từng làm chủ nhiệm nhiều tờ báo thời tiền chiến trong đó có báo Trung Bắc Chủ Nhật, sáng lập bởi văn hào Nguyễn Văn Vĩnh, nói là: Cục diện chiến tranh VN đang thay đổi. Hồi còn nhỏ, tôi đều đặn được thấy Bố tôi mỗi ngày, đúng giờ đúng giấc phải nghe các đài ngoại quốc như BBC, VOA …. , ngồi bên cạnh bố để nghe, tôi còn nhớ lâu lâu được nghe giọng một ông Bác tôi, lúc đó làm phát ngôn viên cho đài VOA, bình luận thời sự. Tôi cũng thường được Bố cho đi theo đến nhà các chính trị gia miền Nam thời đó là bạn của Bố như LS. Trần Văn Tuyên, một lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân đẳng vv….:
 Thành ra mặc dầu không được học về môn chính trị học nhưng tôi cũng có khái niệm cơ bản nên cũng am hiểu được phần nào vấn đề là: Trước đó theo chủ thuyết 'Domino' thì Đài Loan, NamTriềuTiên, Nam VN là những vị trí chiến lược không thể bỏ mất được đối với Hoa Kỳ, nhưng khi đã bắt tay với TQ rồi, để cô lập Nga lúc đó là đối thủ chính của Hoa Kỳ, thì những vị trí chiến lược này trở nên ít quan trọng hơn, nghĩa là Hoa kỳ sẽ không còn quyết chí để giữ Nam Việtnam với bất cứ giá nào nữa.

      Không thể trách Hoa Kỳ khi đã rút chân ra khỏi một cuộc chiến vừa hao tổn nhân mạng lính Mỹ, vừa hao tổn ngân sách quốc gia, vừa gây chia rẽ trong nước và lại còn không được sự hỗ trợ của dư luận trong và ngoài nước. Phải hiểu là lúc đó Mỹ chỉ không muốn trực tiếp 'hứng đạn' chứ không có ý bỏ VN hoàn toàn. Có thể vì thế mà TT R.Nixon đã đưa ra chương trình 'Vietnamization' tức là Việtnam hóa cuộc chiến. Trong chương trình này Hoa kỳ đã để lại cho miền Nam nhiều căn cứ quân sự tân tiến cùng tất cả vũ khí tối tân của nửa triệu quân Mỹ đóng ở miền Nam VN. Trước đó họ cũng đã hỗ trợ quân đội VNCH mở những cuộc hành quân qui mô sang Lào và Campuchia nhằm triệt hạ các căn cứ hậu cần tiếp liệu của cộng sản VN dọc biên giới, song song với việc họ dội bom tan tành miền Bắc. Đừng quên là miền Bắc thuộc quỹ đạo cộng sản cho nên nếu chiếm miền Bắc chỉ làm to vấn đề thêm trong khi mục đích của Hoa Kỳ là rút lui trong danh dự. Và trong thực tế Hoa Kỳ đã rút lui trong danh dự thật vì đã bắt được lũ cộng sản ngoan cố, cuồng tín phải ngậm đắng nuốt cay ngồi vào bàn Hội nghị Paris để ký Hiệp định đình chiến: Hy sinh sinh mạng của bao nhiêu dân VN, hơn ba triệu người, mà chả được gì, so với Hoa kỳ chỉ mất có khoảng hơn 50000 lính tử trận. Mất có vậy mà người ta đã tính đường rút lui trong khi CSVN thì hai năm sau trở lại đánh tiếp. Nếu miền Nam mà không bị lãnh đạo bất tài thì không biết là cuộc chiến anh em tương tàn sẽ kéo dài đến bao giờ nữa. Còn hỏi tại sao chỉ cần có hai tuần dội bom thêm nữa mà lại không làm, xin trả lời là đừng quên là ở đầu kia là sinh mạng của bao người dân vô tội vì thế một ngày thêm cũng đã là quá lắm rồi - sự kiện này đã bị những người yêu chuộng hòa bình phản đối vào thời kỳ đó qua những cuộc biểu tình liên tục trên khắp thế giới. Nếu có sự mặc cả nào đó ở đây thì là đại loại như kiểu Khối cộng sản bảo Mỹ: Anh đang can thiệp vào vùng thuộc ảnh hưởng của tôi, vậy nếu CS Bắc Việt chịu ngồi vào bàn Hội nghị để ký đình chiến rồi thì anh nên dừng lại đó vì chúng tôi sẽ không để cho anh leo thang hơn: Như vậy sẽ chỉ làm cho khối cộng sản đoàn kết trở lại.

      Câu hỏi phải được đặt ra để rút tiả kinh nghiệm là tại sao Đài Loan vẫn còn đó, Nam Triều Tiên cũng vẫn còn đó, chỉ có Nam Việtnam là mất? Đài Loan do Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch bỏ lục địa rút về tử thủ thành ra bị ở thế đường cùng, họ phải lo ổn định chính trị xã hội để có đầu tư quốc tế, nhằm phát triển một nền kinh tế mạnh để có thể tự lực tự cường. Khi đã mất lục địa thì trước sau gì Đài Loan cũng phải nhường nghế ở Liên Hiệp Quốc lại cho TQ. Có thể là vào thời điểm đó phía TQ chưa ý thức được về sự kiện 'Bình thường hóa' này, nhưng phía Hoa Kỳ thì biết rất rõ là không thể tiếp tục phủ nhận tiếng nói của cả tỷ người TQ, vì thế mới không tiếc để đem sử dụng nó như một đòn để làm chia rẽ nội bộ của khối cộng sản, trong khi nó còn là một món ăn còn nóng dễ bán hơn. Hoa Kỳ làm sao mà có thể bỏ được Đài Loan khi mà ĐL vẫn còn là một tiền đồn chống cộng hữu hiệu cho Mỹ, không những không tốn một xu viện trợ nào, mà còn đem lợi ích lại nữa là khác, vì ĐL có một ngân sách quốc phòng rất lớn để mua vũ khí 'Made in USA' làm giầu cho nền kinh tế của một nước đại tư bản như Hoa kỳ. Tóm lại Đài Loan còn là một thị trường tiêu thụ tốt hàng hoá nói chung và vũ khí nói riêng của Hoa kỳ. Nam Triều Tiên, ở vào thời điểm đó thì lúc đầu cũng bị tham nhũng như Nam VN, sau có Tướng Park Chung Hee đã đảo chánh rồi áp dụng kỷ luật thép, cho các Bộ trưởng của chế độ trước có mấy giờ phải đến trình diện Hội Đồng Quân Nhân Đảo Chánh, ông nào đến trễ thì sẽ bị xử bắn, với chính sách cứng rắn này ông đã chặn đứng tham nhũng, cải thiện và đưa được Nam Triều Tiên đến vị trí hiện tại, tức là địa vị của một trong tứ Hổ về kinh tế của A Châu. Tướng Moshe Dayan nổi tiếng của Do Thái khi xưa sang thăm viếng miền Nam VN, được hỏi về chiến lược để đánh CS thì ông trả lời là phải sống với CS để nếm mùi CS trước thì mới đánh được. Nam Triều Tiên cũng như Đài Loan đã từng một thời đánh nhau một mất một còn với CS cho nên biết rõ CS là cái gì, thành ra rất quyết tâm chống cộng và rất ý thức là phải là một nước văn minh tiến bộ có dân chủ thì mới thắng được CS. Đừng quên là đất dụng võ của CS là mấy xứ nghèo chậm tiến. Mao Trạch Dông vì sinh ra trong một gia đình nông dân và là một giáo viên làng cho nên hiểu rõ tâm lý nông dân, biết nói ngôn ngữ của nông dân nên đã lôi kéo được nông dân làm cách mạng.
     Có thể nói miền NamVN lúc đó chưa biết CS là cái gì, trừ nửa triệu người Bắc di cư, có thể nói là nhờ có 'đám di cư này' mà lúc đầu quân đội VNCH có được những đơn vị lính tình nguyện có tinh thần chiến đấu cao gồm phần lớn là con cháu Bắc kỳ di cư. Người miền Nam bình dân thì họ nghĩ là dân miền Bắc dầu sao cũng là dân mình cho nên phần lớn họ rất thờ ơ với cuộc chiến chống cộng sản. Sau khi Mỹ đổ bộ quân vào VN thì một số đã bị rơi vào sự lừa dối tuyên truyền của cộng sản và đã xem đây như là một hành động xâm lược của ngoại bang cho nên có sự gia nhập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của lũ trí thức đi lạc đường mà những người quốc gia đã một thời gọi là đám 'ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản' như: Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình, Tôn Nữ Thị Ninh, Huỳnh Tấn Mẫn vv… Như đã biết là miền Nam đã bị mất là vì Tổng Thống miền Nam đã đem một phần đất nước , tức là miền Trung, ra để mặc cả viện trợ với Mỹ trong một thời mà Tổng Thống Mỹ đang bị ở vị trí chuyển tiếp không có thực quyền. Xin nhắc lại là năm 1974, TT R. Nixon đang bị khó khăn trong vụ Watergate, sau đó đã bị phải từ chức và thay thế bởi chánh phủ của TT G.Ford không do dân bầu ra cho nên không có một hậu thuẫn nào trong quốc hội, có muốn cũng không làm gì được. Báo Mỹ thời đó lại mỗi ngày phanh phui ra các vụ tham nhũng ở miền Nam làm dư luận dân Mỹ bất bình vì tiền thuế của họ bị phung phí. Với một nước dân chủ thì cũng không nên thắc mắc khi TT G.Ford xin 300 triệu US viện trợ cho VN lúc cộng sản vi phạm hiệp định Paris đã không được Quốc hội Mỹ chấp thuận, và để dọa Mỹ về hậu quả của việc cắt viện trợ TT. Nguyễn vănThiêu đã ra lệnh ngầm bỏ miền Trung làm Quân Dân hoang mang, gây nên một cuộc tháo chạy ‘débacle ou sauve qui peut’ toàn diện vô phương cứu chữa. Đây cũng chỉ vì đã không biết được là thời thế đã thay đổi và miền Nam VN, đã không còn là một vị trí chiến lược hàng đầu của Mỹ nữa.

       Hiện nay đối với Hoa kỳ, TQ là một đối thủ nguy hiểm hơn là Nga Sô, vì thế vị trí chiến lược của Việtnam lại trở thành hấp dẫn với Hoa kỳ, cho nên Hoa kỳ mới đang tìm cách đưa sào (tendre la perche) trở lại cho VN nắm. Nếu chánh phủ CSVN không thực thi chủ quyền của mình, nếu để mất chủ quyền vào tay TQ thì Hoa kỳ sẽ điều đình thẳng với ông chủ mới. Đấu trường quốc tế chỉ là một cuộc đổi trác, cần phải biết là mình có gì để đem ra trao đổi. Muốn là một món hàng tốt để cho Mỹ 'mua dùng' thì mình phải biến mình thành một quốc gia như Nam Triều Tiên. Chữ 'mua bán' dùng ở đây không phải với nghĩa là mua bán đất nước mà là mua bán vị trí chiến lược, mà cũng không phải là bán hết mà chỉ bán một số cổ phần với điều kiện là khi VN tự lực tự cường được thì sẽ mua lại các cổ phần đó. Có thể nêu thí dụ của những căn cứ ở Okinawa, ở đảo Guam trên đất Nhật hay căn cứ 'Subic Bay' ở Phi luật Tân. Chữ mua dùng ở đây cũng có thể được dùng trong nghĩa hàng hoá nói chung và vũ khí nói riêng, vì với tình trạng va chạm trường kỳ và kinh niên với TQ, VN sẽ luôn luôn có nhu cầu về quân trang quân dụng, đó là chưa kể còn là một thị trường tiêu thụ có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai của hơn chín mươi triệu người dân mới khởi đầu hội nhập xã hội tiêu thụ tư bản. là Tóm lại là vận mệnh của Việtnam là do Việtnam quyết định chứ không phải do Hoa kỳ. Để có khái niệm về tình trạng này, xin mượn hình ảnh của một con tầu nó đang đi chứ nó không chờ, tầu này là tầu cao cấp dành cho khách hạng sang, hiện thời thì nó còn trên đường đi chưa tới, hy vọng là khi nó tới, VN mình sẽ được chuẩn bị kịp thời, nghĩa là sẽ là một nước dân chủ thực sự để có được sự ổn định về chính trị, kinh tế và xã hội, kịp thời phát triển để khỏi bị lỡ tầu thì hậu quả sẽ không biết ra sao. Về khía cạnh này, tôi xin được đồng ý với tác giả của bài ' Sau 40 Năm Bí Mật' khi ông viết: Chỉ có chế độ đa đảng và sự đoàn kết của người Việt trong và ngoài nước thì mới có đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Thiếu một trong 2 yếu tố này, nguy cơ mất nước của Việt Nam rất là gần kề.

Việt Nam muôn năm!

NDT   Việt Kiều Canada




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét