Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Người Tù Chiến Thắng


"Biểu tượng chống bành trướng Trung quốc của LS Hà Vũ gắn liền với câu phát ngôn đanh thép “Đồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại!”. Ý kiến liên kết với Hoa Kỳ đã nhiều người đề cập nhưng phải có viễn kiến khoa học và rành mạch như thế nào mới có thể đưa ra một quyết đoán mà tôi tin chắc sẽ thành một câu nói bất hủ, gắn liền với vận mệnh dân tộc trong giai đoạn thế nước đang rất chênh vênh này."  Thái Hữu Tình

Vũ Đông Hà
Theo: danlambao

Một đội quân với hơn 3.5 triệu lính thú, một sư đoàn đặc nhiệm Condom, hơn 700 xe rác đủ cở đủ loại…, dẫn đầu là thập tứ đại thiên lôi, cuối cùng đã tóm và túm chiến sỹ yêu nước Cù Huy Hà Vũ bằng vũ khí “khủng” nhất của triều đình: 2 bao cao su xài rồi.

Ngày 4 tháng 4, 2011 niên hiệu thứ nhất của chúa 3D, triều đình thái thú giáng chỉ tù binh Hà Vũ 7 năm tù trong, 3 năm tù ngoài sau khi liệng hết xuống cống Vedan mọi nguyên tắc tối thiểu của nền pháp lý và đạo đức con người.

Ngày 2 tháng 8, 2011 chúa 3D, đăng quang niên hiệu hèn với giặc ác với dân lần thứ hai bằng đệ nhị chiếu chỉ y án: 7 năm tù trong, 3 năm tù ngoài cho tù binh Hà Vũ. Đây là kết quả của phiên tòa xử mà phía ngoài lực lượng cao su cơ động (CSCĐ) rào, chặn, bịt khuôn viên công đường xử án, tấn công người tham dự, bên trong các quan tòa cao su triển khai luật rừng giỏi hơn lâm tặc.

Trận đánh tưởng chừng không cân sức bắt đầu khi người lính chiến mang tên Vũ, với bộ quân phục Tổ quốc, cầm khẩu súng Chính nghĩa bắn vào thành trì 3Đình của Thái thú 3Dũng những phát đạn: Đa đảng là con đường duy nhất để thực hiện một nước Việt Nam thật sự Dân chủ; Chủ nghĩa xã hội không phải là Tổ Quốc của người Việt Nam; Chống bán tài nguyên Tây Nguyên, Liên minh quân sự với Hoa Kỳ là cấp thiết và quyết định trong việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia; Đòi giữ Đồi Vọng cảnh; Bênh vực nhân dân bị cấm khiếu kiện tập thể; Bênh vực giáo dân Cồn Dầu; Bảo vệ các nhà trí thức; Công nhận liệt sĩ cho các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh ở Hoàng Sa năm 1974… Những phát súng tưởng chừng như bắn tẻ, cán cân lực lượng tưởng như châu chấu đá xe nhưng lại trở thành một trận đánh mà kết quả là những tổn thất, thiệt hại nặng nề cho triều đình cung vua phủ chúa:

Toàn bộ những món hàng mang nhãn hiệu vì dân vì nước, chính nghĩa dân tộc, đạo đức sống chiến đấu học tập theo gương tiên đế mà triều đình nhiều năm dày công rao cho miễn phí đã bị quăng vào sọt rác, nằm bên cạnh 2 cái bao cao su đã qua sử dụng, đã mốc khô.

Toàn bộ bản chất ngu xuẩn của các quan thái thú bằng cấp to nhưng giả hiệu bị phơi bày – như câu nói chính xác của cựu Thành ủy viên Thành ủy Hà Nội Bằng Việt “Ngu xuẩn, không thể dùng chữ nào khác” hoặc phát biểu của giáo sư toán học Ngô Bảo Châu “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”.

3D lộ hàng là một bạo chúa cực kỳ tiểu nhân khi từ cung dinh phủ chúa, len lén ra lệnh cho đàn em xếp sòng băng đảng Mafia dàn dựng chiến dịch có một không hai trong lịch sử, tại chiến trường Mạch Lâm: chiến dịch Đại thắng Công Đâm chỉ để tấn công bẩn vào một người.

Sư đoàn đặc nhiệm Còn Đảng Còn Mình có thêm danh xưng Sư Đoàn II – Condom và công đường triều đình được bà con trao tặng bảng hiệu Tòa án Bao Cao Su Đã Qua Sử Dụng.

Tổn thất của triều đình chính là chiến thắng của tù binh Cù Huy Hà Vũ. Chiến thắng từ một cá nhân đơn lẽ đối đầu với thập tứ đại thiên lôi có trong tay đội quân 3.5 triệu lính thú, sư đoàn đặc nhiệm Condom, 700 xe rác mang tên 2Bờ và công ty chế biến luật có thương hiệu bao cao su.

Chiến thắng của tù binh Hà Vũ không chỉ dừng ở những tổn thất của triều đình ngai đỏ.

Người người khắp nơi đã đồng hành cùng anh, hỗ trợ anh, lên tiếng cho anh, nhiều người chấp nhận bị hành hung, bắt bớ, giam giữ để đến cùng anh. Họ đã trở thành chiến hữu của anh vì lý tuởng của anh cũng chính là niềm tin của họ.

Nhiều thành phần quần chúng, cá nhân với những khác biệt quá khứ, chính kiến, vai trò và vị trí trong xã hội đã bắt tay nhau trên tinh thần: cuộc tranh đấu của Cù Huy Hà Vũ là cuộc tranh đấu cho những khát vọng chung của dân tộc, vì thế xét xử Cù Huy Hà Vũ là xét xử niềm tin và khát vọng của nhân dân.

Nhiều người đã hay đang ở trong hàng ngũ của 3 triệu lính thú triều đình cảm nhận hoặc thấy rõ bộ mặt đớn hèn, ti tiện, bản chất bán nước bám quyền bằng mọi giá của những lãnh đạo cái tập thể mà họ là thành viên.

Tất cả đến từ một con người: Cù Huy Hà Vũ.
Tất cả chiến thắng đổi lại bằng 10 năm tù trong lẫn ngoài.
Ai thắng, ai thua?!

Như Nelson Mandela bị kết án tù chung thân, tưởng như là một thất bại nhưng 27 năm tù của ông đã mang đến chiến thắng tự do sau cùng của những người da màu Nam Phi.

Như Aung San Suu Kyi bị kết án 21 năm dài quản thúc, tưởng như là một thất bại nhưng 15 năm cô độc trong căn nhà nhỏ bé đã biến bà thành biểu tượng vĩ đại – không những đối với người dân Miến Điện mà còn đối với cả thế giới – về ý chí kiên cường cho công cuộc đấu tranh dành tự do, dân chủ cho đất nước của bà.

Dù trận đánh Mạch Lâm đã kết thúc nhưng cuộc chiến giữa sự thật và gian trá, giữa yêu nước và bán nước, giữa độc tài và dân chủ, giữa tự do và kềm kẹp vẫn còn tiếp tục. Dù Cù Huy Hà Vũ từ tù binh trở thành tù nhân nhưng anh đã để lại những chiến thắng vinh quang.

Những chiến thắng mà Cù Huy Hà Vũ đánh đổi bằng 10 năm tù cũng không còn là của riêng anh. Từ sau song sắt, anh đã giao nó lại cho dân tộc Việt Nam khi anh gửi lời của một người con ngoan đến với tổ quốc và đồng bào: “Tổ quốc sẽ phá án cho tôi” cũng như lời nhắn gửi chân thành “Cù Huy Hà Vũ xin cúi lạy đồng bào và nhắc lại lời cảm ơn thống thiết của đứa con xin hẹn ngày gặp lại để được cống hiến nhiều hơn nữa cho đồng bào, cho Tổ quốc. Cù Huy Hà Vũ có hy sinh bao nhiêu thì cũng là vô cùng bé nhỏ so với những hy sinh trời biển của đồng bào!…”

Chúng ta có nghĩa vụ phát huy những chiến thắng của tù nhân yêu nước Cù Huy Hà Vũ để lại cho chúng ta. Cuộc chiến này vẫn còn tiếp diễn và chiến thắng chắc chắn sẽ thuộc về đại khối dân tộc.
*
Ngày Phạm Thanh Nghiên bị kết án vào tù, trong buồn bã và tuyệt vọng tôi viết những dòng chữ này:

750 năm trước. Mười vạn hùng binh Mông Cổ vượt Lạng Sơn, tràn về Thăng Long. Vua Nhân Tông triệu tập bô lão, lấy quyết định của lòng dân nên hòa hay chiến. Hưng Đạo Vương gióng lên lời Hịch Tướng Sĩ nguyện phơi thân ngoài nội cỏ, da ngựa bọc thây. Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt nghĩ binh thư, âu lo vận nước. Trần Quốc Toản đem khí phách thêu vào ngọn cờ phá cường địch báo hoàng ân.

750 năm trước. Diên Hồng. Bình Than. Tây Kết. Hàm Tử. Chương Dương. Vườn không nhà trống. Tiếng đập cùng nhịp điệu của những con tim Đại Việt, vua cũng như thần cũng như dân, làm nên cơn sóng Bạch Đằng.

750 năm sau. Không nghe tiếng vó ngựa dày xéo. Không thấy những nhát gươm vung lên để đầu rơi lăng lóc. Không những xóm ngùn ngụt khói lửa trong tiếng hò reo man rợ Nguyên Mông. 750 năm sau. Chỉ có tiếng rú của những chiếc xe dream thay cho vó ngựa. Phố phường ám khói thế cho xóm làng binh lửa. Mười vạn hùng binh nhường bước cho nghìn vạn món hàng ào ào băng qua cửa khẩu (hết rồi Ải Nam Quan). Thăng Long chỉ còn những tấm lưng còng khom xuống từ ngai vàng hướng về phương Bắc: nên hòa hay bại. Bô lão Diên Hồng được trám chỗ bằng những cái đầu gật ở Hoàng Văn Thụ. Những hình xâm Thát Đát giờ chỉ còn là khuôn mặt của Oa-sinh-tơn.

750 năm sau. Triều đình 170 tướng sĩ tượng, 3.5 triệu xe pháo mã không dám bước vào một cuộc tranh tài sòng phẳng với một cô gái 37 kí trên bàn cờ xanh đỏ. Phải dùng đến bản án 4 năm (1). 170 tướng sĩ tượng, 3.5 triệu xe pháo mã không dám dàn trận với một con tốt qua sông mà phải ghép hình, sửa lý, để dựng lên bản án 3.5 năm (2).

750 năm sau. 85 triệu cái đầu nhìn xuống đất. 85 triệu đôi chân không đi. 85 triệu bàn tay bỏ phiếu theo lệnh triều đình. Để du đảng đóng vai côn đồ. Để côn đồ đóng vai chánh án. Để đạo tặc mặc áo thầy tu. Để việt gian giảng bài ái quốc. Để kẻ cướp cầm quyền. Để lái buôn giữ nước. 750 năm nhìn lui nhìn tới, nhìn ngược nhìn xuôi, mới biết: tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo khó, mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội”
Hôm nay, ngồi viết những dòng chữ này và xem những tấm ảnh đồng bào mình xuống đường trong ngày V 4.4 và ngày V 2.8 tôi cảm nhận được những gì mà Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ đã để lại cho chúng ta. Lần đầu tiên trong lịch sử toàn trị độc tài cộng sản, người dân Việt Nam xuống đường, chấp nhận đàn áp, đánh đập bắt bớ để tranh đấu, không vì quyền lợi riêng tư, mà cho lẽ phải, công lý. Nhìn bức ảnh anh bị áp giải bởi công an, tay bị cùm nhưng mặt ngửng hiên ngang, để sau đó nhìn tấm biểu ngữ “Cầu nguyện cho Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ bị nhà cầm quyền Hà Nội xét xử vì lòng yêu nước” của giáo dân giáo xứ Thái Hà; bức hình của một công dân yêu nước giương cao tờ giấy viết “Ngụy Văn Thà – Hy sinh ngày 19/01/1974 tại Hoàng Sa” trong ngày xuống đường yêu nước lần thứ 8; hình ảnh của đồng bào tuần hành yêu nước trong suốt 8 ngày Chủ nhật… tôi thấy lúc nào, bất kỳ ở đâu, trong đó đều phảng phất bóng dáng Cù Huy Hà Vũ, đều hiện hữu khát vọng của anh và tất cả những gì mà anh sẵn sàng hy sinh đời sống đáng lẽ rất an lành, sung sướng của anh để tranh đấu. Tôi cảm nhận được đất nước đang từng bước hồi sinh, đang có thêm nhiều con người Việt Nam bước ra khỏi vũng lầy sợ hãi, tay nắm tay, gót nối gót để góp sức chuyển động lịch sử, vượt qua giai đoạn cực kỳ đen tối bởi thù trong giặc ngoài này. Trong những xông pha ấy có bước chân đi của anh Vũ, ngay cả lúc anh bị còng, ngay cả lúc anh đang trong chốn lao tù.

Cám ơn những hy sinh.
Cám ơn chị Dương Hà,
chị Xuân Bích
đã gánh chịu những khổ đau riêng cho ước mơ chung.
Cám ơn anh Cù Huy Hà Vũ.
Cám ơn những Người Tù Chiến Thắng.



Theo: danlambao










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét