Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Thay đổi trong quân đội VN từ sau Đổi Mới

Tiến sĩ Anne Raffin*

    Các nghiên cứu về quân đội ở Việt Nam hiện nay nhìn thấy sự tương quan giữa vai trò thay đổi của quân đội (vai trò kinh tế gia tăng và là công cụ kiểm soát người dân) và những thay đổi trong nền kinh tế và môi trường quốc tế.


Mấy chục năm chiến tranh đem lại uy tín và quyền lực
 cho Quân đội Nhân dân Việt Nam



   Nghiên cứu dưới đây muốn cung cấp một nền tảng phân tích cho thấy quân đội không phải là một thực thể đồng nhất mà làm từ nhiều nhóm thụ hưởng lợi ích không bằng nhau trong thời hậu chiến.
   Chủ đề liên quan Quân đội Việt Nam Đổi Mới, sự chuyển tiếp từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, đã định nghĩa lại các quan hệ quyền lực. Nó định nghĩa lại các chức năng của quân đội trong môi trường kinh tế - xã hội thay đổi. Trước hết, Việt Nam đã chịu khủng hoảng kinh tế vào giữa thập niên 1980. Thứ hai, sự sụp đổ của Liên Xô khiến tiền cho quân đội Việt Nam giảm mạnh, và làm tăng khả năng quân đội tham gia kinh doanh. Hiện tại bên trong quân đội có hơn 100 doanh nghiệp và 20 công ty có vốn nước ngoài hoạt động trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.
    Các viên tướng Việt Nam biết mức độ tham nhũng cao trong quân lực Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Nhưng các vị chỉ huy – mà một số trong đó hưởng lợi cá nhân từ các doanh nghiệp – có vẻ không lo lắng, ít nhất là về mặt công khai, về nguy cơ mất tính chuyên nghiệp của “những người lính doanh nhân”.


Quân đội VN kinh doanh gỗ lậu từ Lào?


Quân đội VN có nhiều công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.


   Các công ty do quân đội quản lý có xu hướng dùng lợi nhuận cho những thứ đắt tiền như ô tô mới, sửa sang nhà khách, thay vì dùng tiền đó để tái đầu tư. Tuy vậy, không thể nói rằng con người ta đi lính chỉ với mục đích là được tham ô. Có hai trở ngại cho ý định gia nhập quân ngũ để làm giàu: nó rất nguy hiểm. Nếu một người không có quyền lực chính trị và xã hội, anh ta có thể sẽ gặp nhiều khó khăn mà rốt cuộc cũng chẳng có tiền. Thứ hai, phải mất nhiều thời gian để lên chức, hoặc kết nối được với một mạng lưới phù hợp để từ đó kiếm lợi. Vì thế, quyền lực với nền tảng là thù lao vật chất không phải là lựa chọn cho những người lính trơn trong quân đội.



Khác biệt thế hệ

    Tôi muốn nhấn mạnh những yếu tố thế hệ và lịch sử trong quan hệ quân đội – dân sự ở Việt Nam.
"Một mặt, quân đội vẫn được tôn trọng vì những chiến thắng quá khứ. Mặt khác, thanh niên không mấy quan tâm chuyện vào lính, thường chỉ có lương bèo nhèo và vị trí xã hội thấp của một anh lính trơn hay sĩ quan trẻ."
   Nhiều năm chinh chiến chống Pháp và Mỹ (1946 – 1975) đã tạo ra một xã hội quân sự, là nơi quân đội đóng vai trò trung tâm trong văn hóa và xã hội. Cho đến cả hôm nay, ý thức hệ và hình ảnh về người chiến sĩ vẫn là công cụ quan trọng để nhà nước hợp pháp hóa quyền lực của mình trong mắt dân chúng, và để biện hộ cho việc đưa quân đội vào hoạt động ở những lĩnh vực dân sự.
   Tuy nhiên, trong bối cảnh hậu chiến, ý thức hệ ‘chiến sĩ’ trở nên lạc lõng hơn khi mà chủ nghĩa tư bản ngày càng bắt rễ. Lời kêu gọi người dân làm giàu của Đảng dẫn tới những biểu tượng mới cho uy tín – nhà cửa, xe máy, tivi màu, điện thoại di động – gắn kết với tiêu thụ và lối sống phương Tây. Trước Đổi Mới, thành công và uy tín được “quốc hữu hóa” và là khái niệm cộng đồng – những thành tựu cá nhân không được coi trọng nếu không đóng góp cho chủ nghĩa xã hội. Nhưng sau Đổi Mới, những khái niệm này được “tư hữu hóa”. Ngoài ra, những nghề hái ra tiền, chứ không phải là nghề lính, là phương tiện để có sự giáo dục tốt, y tế tốt và hàng hóa phương Tây. Uy tín của quân đội trở nên không rõ ràng như trước. Một mặt, quân đội vẫn được tôn trọng vì những chiến thắng quá khứ. Mặt khác, thanh niên không mấy quan tâm chuyện vào lính, thường chỉ có lương bèo nhèo và vị trí xã hội thấp của một anh lính trơn hay sĩ quan trẻ.
    Sự chuyển đổi khỏi ý thức hệ cộng sản cũng trùng khớp với việc giới trẻ không hăm hở tham gia Đảng Cộng sản. Dường như chỉ có 5% người Việt ở độ tuổi 20 là có thẻ đảng.

Khác biệt khu vực

    Sự khác biệt không chỉ mang tính thế hệ mà còn có cả khác biệt giữa tuổi trẻ thành thị và nông thôn. Mặc dù có chế độ nghĩa vụ quân sự, sự áp dụng và tác động của nó thay đổi tùy vùng, đặc biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn. Nhiều thanh niên nông thôn muốn đi lính để thoát khỏi sự hạn chế cơ hội ở đồng quê, nhưng chỉ ít người được chọn. Trái lại, nhiều người được gọi đi ở thành phố - nhưng đa số có thể trốn lính bằng cách “làm việc” với cán bộ địa phương.
Cải cách kinh tế đã thay đổi sâu sắc con đường hướng nghiệp. Đa số thanh niên không dựa vào nhà nước để có việc làm; các tổ chức chính quyền và quân đội không còn hấp dẫn nhất trên thị trường. Sang Đổi Mới, nhà nước đã không còn nắm độc quyền trong cơ hội việc làm.

                                     Quân đội Việt Nam có mặt trong nhiều hoạt động kinh tế

     Thế hệ trẻ ở Việt Nam – mà hơn một nửa chưa đến tuổi 16 – đã trưởng thành trong một xã hội mà với họ, chiến tranh thuộc về lịch sử. Một bản sắc văn hóa dựa trên việc tham gia chiến trận không còn là căn bản cho cuộc sống của họ. Điều này khiến khó khăn và phức tạp hơn để hiểu làm người Việt ngày hôm nay có ý nghĩa thế nào.

Quyền lực chính trị

    Tuy vậy, dù có những thay đổi, nhưng cũng có những khía cạnh thuộc về quân đội mà vẫn duy trì sự liên tục. Ví dụ, quyền lực chính trị của quân đội vẫn còn đó dựa trên chức năng truyền thống của lực lượng (bảo vệ quốc gia – nhà nước trước xâm lược). Ngày càng có nhấn mạnh vào bảo vệ biên giới, dân quân, cảnh sát biển. Kẻ thù thực sự ngày hôm nay có vẻ là Trung Quốc; mối quan hệ song phương đã căng thẳng quanh Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng đe dọa đó không được đề cập công khai trong các diễn ngôn về an ninh. Có vẻ an toàn hơn cho ban lãnh đạo Việt Nam khi chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ trong khi đồng thời vẫn phát triển quan hệ dân sự và quân sự với Mỹ. Những diễn ngôn chính thống về an ninh nội địa và một số biện pháp dùng để chống trả ảnh hưởng của “diễn biến hòa bình” thể hiện lập trường mập mờ của Việt Nam với cả Mỹ và Trung Quốc. Thực tế này – không chỉ trích thẳng Trung Quốc trong khi đe dọa của Trung Quốc là thật, đặc biệt trên biển – khiến việc giải giáp quân đội bị hạn chế. Vì thế, chức năng truyền thống của quân đội vẫn giúp củng cố quyền lực chính trị của quân đội trong đảng.

    Nhưng các thay đổi văn hóa từ toàn cầu hóa và Đổi Mới cũng tái định nghĩa một số vai trò của quân đội. Lằn ranh mờ đi giữa chức năng bảo vệ dân chúng trước đe dọa trong nước (vốn thường do công an đảm nhận) và chống ngoại xâm làm tăng sức mạnh chính trị và kinh tế của quân đội. Chẳng hạn, ảnh hưởng chính trị và kinh tế của quân đội đặc biệt nổi bật ở các khu vực dọc biên giới. Các vấn đề an ninh và nhu cầu tham gia nền kinh tế được thể hiện qua quyết định năm 1998 thành lập các vùng kinh tế - quốc phòng ở các khu vực biên giới như cao nguyên.

Đòi cải tổ chính trị

   Ảnh hưởng của toàn cầu hóa và Đổi Mới không chỉ liên quan cải tổ kinh tế, mà cũng mở cánh cửa cho đòi hỏi cải tổ chính trị. Trong thập niên 1980, khi mới bước sang kinh tế thị trường, nạn thất nghiệp ở thành phố ước tính khoảng từ 20% đến 30%. Tình hình đặc biệt căng thẳng ở miền Nam, vì đa số người lính chiến đấu ở Campuchia được tuyển mộ từ đây và giải ngũ cùng lúc trong khoảng thời gian ngắn. Để cải thiện đời sống cho họ, tháng Năm 1986, các cựu chiến binh miền Nam lập ra Câu lạc bộ Những người Kháng chiến Cũ. Ban đầu đòi hỏi tiêu chuẩn sống cao hơn cho các cựu binh, tổ chức này sau đó lại bàn tiếp về tham nhũng, bất tài của lãnh đạo, quản lý kinh tế kém và vấn đề hòa giải dân tộc.

    Các lãnh đạo của Câu lạc bộ lần lượt bị bắt hoặc bị ép gia nhập Hội Cựu chiến binh được nhà nước bảo trợ, trước khi Câu lạc bộ bị cấm vào tháng Ba 1990. Việc thành lập Hội Cựu chiến binh là cố gắng của Đảng tạo ra tiếng nói cho giới cựu binh và cũng để có chỗ cho họ xả bức xúc. Mặc dù thừa nhận uy tín đạo đức của quân đội và nghĩa vụ của đất nước với người lính, chính quyền hôm nay cũng đối diện căng thẳng giữa nhu cầu kinh tế của Việt Nam và nhu cầu chăm lo cho những người đã đem lại vinh quang trong quá khứ.
    Để chốt lại, ta thấy khả năng nắm bắt những cơ hội kinh tế thời Đổi Mới diễn ra khác nhau cho định chế quân đội, giới cựu binh, tướng lĩnh và lính trơn. Ngoài ra, trong một xã hội không còn chiến tranh, quân đội không có nhiều ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế trong đời sống thường nhật. Quân đội cũng chỉ đem lại uy tín thấp cho các thành viên. Nhưng ở tầm mức định chế, sức mạnh chính trị và kinh tế của quân đội lại gia tăng.
   Cùng với những thay đổi xã hội và thế hệ, toàn cầu hóa đã đem lại cảm giác bất trắc về tương lai, vì quân đội được giới trẻ nhìn khác đi so với cái nhìn của thế hệ cũ. Những thách thức văn hóa hiện hành cũng sẽ tiếp tục tác động đến quan hệ giữa thế hệ trẻ, quân đội và Đảng Cộng sản ở Việt Nam.


* Tiến sĩ Anne Raffin hiện giảng dạy ở Khoa Xã hội học, Đại học Quốc gia Singapore.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét