Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Việt-Mỹ đối thoại chính sách quốc phòng lần hai

Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Mỹ cấp thứ trưởng lần thứ hai vừa diễn ra hôm thứ Hai 19/09 tại Washington DC trong bối cảnh đang có những diễn biến căng thẳng mới tại Biển Đông.

Trong vòng đối thoại hàng năm lần này, trưởng đoàn Mỹ - Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Robert Scher, lặp lại với phía Việt Nam lập trường của Washington đối với hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


Hoa Kỳ đã nhiều lần khẳng định là với tư cách một cường quốc Thái Bình Dương, Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ lợi ích của mình trong khu vực.

Washington cũng thường xuyên nhấn mạnh rằng tự do lưu thông hàng hải là một trong các lợi ích quốc gia của Mỹ.

An ninh biển là một trong 5 nội dung chính của Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương mà ông Robert Scher đã ký với trưởng đoàn Việt Nam tại cuộc đối thoại, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Một nội dung chính khác là thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa Bộ Quốc phòng hai nước.

Vòng đối thoại được mô tả là diễn ra trong không khí 'thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau'.

Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Mỹ lần đầu được tổ chức vào tháng Tám năm ngoái tại Hà Nội, cũng dưới sự chủ trì của hai ông Nguyễn Chí Vịnh và Robert Scher.

Trong lần gặp đầu, hai bên đã chia sẻ một số quan điểm của mình về việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.

Chủ đề này không thấy được nhắc đến trong các thông tin về cuộc đối thoại lần hai.

Cân bằng ảnh hưởng

Đối thoại chính sách quốc phòng Mỹ-Việt diễn ra sau khi ông Nguyễn Chí Vịnh đã có các cuộc gặp tương tự với tương nhiệm Trung Quốc (29/08 tại Bắc Kinh) và Ấn Độ (14/09 tại Hà Nội).

Đây cũng là lần thứ hai Việt Nam và Trung Quốc đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng.

Dường như Hà Nội đang cố gắng giữ cân bằng quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn, trong khi kêu gọi thêm hợp tác thông qua tăng cường đối ngoại quốc phòng.

Các cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng, theo ông Nguyễn Chí Vịnh, được báo chí trong nước dẫn lời, đều nhằm đi đến nhận thức chung là "duy trì môi trường hòa bình ổn định trong khu vực để phát triển kinh tế, đồng thời giải quyết mọi vấn đề vì hòa bình và bằng biện pháp hòa bình".

Việc gần đây Ấn Độ gia tăng hiện diện, đặc biệt trong một dự án thăm dò khai thác dầu khí chung với Việt Nam tại hai lô 127-128 ở Biển Đông, đang bị Trung Quốc chỉ trích như nỗ lực lôi kéo nước thứ ba của Việt Nam.

Hôm thứ Hai 19/09, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cảnh báo tại Bắc Kinh: "Những nước bên ngoài khu vực nên tôn trọng các nỗ lực của các nước trong khu vực trong việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương".

Ông Hồng cũng khẳng định Trung Quốc giữ 'chủ quyền không thể chối cãi' tại khu vực Biển Đông.

Trước đó, Bắc Kinh cũng đã đòi hỏi Ấn Độ đình chỉ dự án hoạt động chung này, điều mà Delhi bác bỏ.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét