Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Tại sao Gaddafi chiến đấu đến cùng?

Cái chết của ông Gaddafi ở Sirte, thành trì cuối cùng không phải là điều khó dự đoán với tính cách và quan niệm sống của ông.

 Cái chết của ông Gaddafi đang là chủ đề “nóng” của truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, với một số người quen thuộc với Gaddafi, cái chết của ông ở Sirte không phải là một điều khó dự đoán.

Ngoài ra, một số nhà chính trị cho rằng việc NTC chọn mai táng ông Gaddafi ở địa điểm bí mật còn mang sắc thái ý nghĩa khác: cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt.


Không có phiên tòa cho ông Gaddafi

Theo các nhà lý luận, việc chôn ông Gaddafi ở địa điểm bí mật sẽ làm câu chuyện trở nên không rõ ràng. Ông Vladimir Zhirinovsky, lãnh đạo đảng Tự Do của Nga cho rằng câu chuyện về cái chết của ông Gaddafi chỉ là giả dối. Và ông Zhirinovsky không phải là người duy nhất trong những nhà chính trị của Nga có quan điểm như vậy.

Sự nghi ngờ của các nhà chính trị dựa trên việc tuyên bố về cái chết của ông Gaddafi xuất hiện chỉ 1 ngày sau chuyến thăm của bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ tại Libya.

Thông tin về "cái chết” của ông Gaddafi dù có những sự khác biệt nhất định nhưng cũng khiến người ta liên tưởng tới việc ông Saddam Hussein bị bắt vào tháng 12/2003. Một số bức ảnh chụp vụ bắt ông Hussein có cây cọ phía sau, tuy nhiên màu sắc của cây cọ lại không phù hợp với thời điểm mùa đông ở Iraq.

Ông Saddam Hussein bị bắt sau 9 tháng ẩn náu và bị xử treo cổ còn ông Gaddafi bị bắn cho đến chết mà không có bất cứ phiên tòa được tiến hành. Ông Saddam Hussein dành phần đời còn lại của mình sau những bức tường nhà tù nhưng ông Gaddafi đã chiến đấu tới cùng.

NTC chôn cất ông Gaddafi ở địa điểm bí mật vì sợ những ảnh hưởng của ông?

Từ cung điện tới chiến trường

Sự nghi ngờ của giới chính trị Nga về cái chết của ông Gaddafi càng cho thấy sự thiếu tin cậy của truyền thông phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Một số nhà chính trị và phân tích của Nga cho biết họ rất khó để có thể tin vào việc một nhà lãnh đạo có tiềm lực tài chính như ông Gaddafi lại không chuyển đến nơi an toàn mà lại chọn đối mặt với kẻ thù trên chiến trường.

Tuy nhiên, với những người từng giao tiếp với ông Gaddafi đều bày tỏ tin tưởng ông sẽ chiến đấu tới cùng. Một cựu đại sứ Libya ở Nga, ông Amir ali Gharib cho biết: “Đó là kết quả chúng tôi đã dự kiến trước”.

Quan điểm của ông Gharib cũng nhận được sự đồng thuận từ những nhà ngoại giao Nga từng phục vụ ở Libya, bao gồm cả đại sứ Vladimir Chamov vừa được tổng thống Medvedev triệu hồi từ tháng 3/2011.

Lý do chính mà ông Gaddafi không đầu hàng là ông tin tưởng rằng cuộc chiến chống lại ông là bất hợp pháp và nội chiến ở Libya sẽ không xảy ra nếu không có sự can thiệp của nước ngoài.

"Phẩm giá Bedouin" của ông Gaddafi

Ông Gaddafi nắm quyền ở Libya 42 năm từ khi còn là 1 sĩ quan quân đội tham gia cuộc đảo chính lật đổ vua Idris năm 27 tuổi.

Cuộc cách mạng là thành công lớn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nhiều căn cứ quân sự của Anh và Mỹ bị đóng cửa, các doanh nhân Italy bị trục xuất khỏi Libya.

Ông Gaddafi biết rõ kẻ thù cả trong và ngoài nước luôn tìm cách giết ông. Tuy nhiên, ông cười vào mặt của thần chết. Nếu ông Gaddafi sinh ra ở Sicily, căn cứ đầu não của Mafia Italy, ông Gaddafi sẽ được miêu tả như một người Sicily đích thực – một người thà chết còn hơn thỏa hiệp hay phản bội lại gia tộc, tổ chức.

CIA nhận thức rõ điểm này của ông Gaddafi. Rất ít các chính trị gia người Mỹ tỏ ý nghi ngờ về cái chết của ông Gaddafi ở Sirte, nơi ông sinh ra 69 năm trước trong một gia đình Bedouin nghèo.

Trong những năm 1980, nhà báo Mỹ Bob Woodward từng miêu tả tính cách Bedouin của ông Gaddafi với những nét đặc trưng như: khinh rẻ tầng lớp thượng lưu, trung thành với cộng đồng Bedouin và ý thức đoàn kết với những tầng lớp bị áp bức. Ông Gaddafi cũng từng trả lời phỏng vấn cho biết: “Tôi lớn lên trong bầu không khí tinh khiết nên miễn dịch với những thói hư tật xấu của cuộc sống hiện đại”.

Cái nhìn của ông Gaddafi về cái chết

Các nhà tâm lý học cho biết việc ông Gaddafi dành được tất cả những thành quả trong cuộc sống bằng chính bản thân mình càng làm cho ông tin vào việc định mệnh của ông là trở thành người vĩ đại.

Tuy nhiên, cũng có nguồn tin cho biết, ông Gaddafi tin vào lời tiên đoán của 1 thầy bói về cái chết thảm khốc dành cho mình và ông đã học được cách để sống với niềm tin đó.

Là một người có niềm tin sâu sắc vào tôn giáo và tâm tính không ổn định (một số nhà tâm lý học phương Tây cho rằng ông Gaddafi có biểu hiện của bệnh nhân tâm thần phân liệt ở mức độ nhẹ), ông Gaddafi cho rằng chết chỉ là chuyển cuộc sống từ một dạng này sang dạng khác.

Ông Gaddafi từng viết một truyện ngắn về việc một phi hành gia trải nghiệm cú sốc tình cảm sau khi trở về Trái Đất và sự thay đổi của những mối quan hệ. Cuối cùng, phi hành gia đã quyết định tự tử.

Trong câu chuyện có tựa đề “cái chết” trên, ông Gaddafi ám chỉ con người không nên sợ chết nhưng nên cố gắng chống lại nó lâu nhất có thể. Vào thời điểm cuối cùng, khi con người phải chấp nhận sự thật thì họ cũng nên ngẩng cao đầu với thanh kiếm trong tay, ngồi trên lưng ngựa và chuẩn bị cho cuộc chiến cuối cùng.

Bất kỳ ai nghi ngờ về việc ông Gaddafi đã trốn tránh quân thù thì nên đọc câu chuyện trên. Không ai có thể viết câu chuyện như vậy nếu họ lựa chọn chạy trốn hoặc đầu hàng. Và sự thật là các nhà lãnh đạo mới của Libya đã phải lựa chọn việc chôn cất ông Gaddafi trong bí mật. Việc này cho thấy cuộc chiến ở Libya vẫn chưa kết thúc và cái chết của ông Gaddafi khiến ông đánh sợ hơn cả khi còn sống.

Thanh An (theo RIA)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét