Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Việc nước không chỉ ở Thái Lan

Lũ lụt tại Thái Lan đã đánh vào các quy trình sản xuất toàn cầu và đà tăng giá lương thực trên thị trường thế giới. Đó là nhận định hôm nay của báo "Thời sự Matxcơva”. Sau đây là tóm lược những nét chính về nội dung này trên trang báo.


Thiên tai vẫn tiếp diễn – thủ đô Bangkok 12 triệu dân của Vương quốc Thái Lan có nguy cơ bị nước nhấn chìm hoàn toàn. Trận lụt đã gây tác hại cho 10.000 nhà máy, khoảng 660 nghìn người có thể mất việc làm. Cơ quan xếp hạng uy tín Moody’s đánh giá tổng thiệt hại sơ bộ do thiên tai trong khoảng 6,6 tỷ dollar – tức là 2% GDP của Thái Lan. Sản xuất trên địa bàn Bangkok mà nước lũ đang hoành hành chiếm tỷ lệ 41% GDP của toàn quốc Thái Lan.

Lũ lụt cũng đang đe dọa nền kinh tế của các quốc gia khác. Thảm họa thiên tai đã dẫn đến sự hủy hoại hàng loạt dây chuyền sản xuất quốc tế - đặc biệt là trong ngành lắp ráp ô tô và thiết bị điện tử. Tại Thái Lan, tập trung rất nhiều xí nghiệp sản xuất linh kiện đồng bộ phục vụ các tập đoàn đa quốc gia. Thí dụ, thị phần của đất nước này chiếm 60% sản lượng toàn thế giới về đĩa cứng.

Lũ lụt sẽ tác động đến tình hình thị trường lương thực thế giới, nơi mà trong những tháng gần đây vốn đã có gia tăng đáng kể về giá cả, - báo “Thời sự Matxcơva” nhận xét. Đòn tấn công chính sẽ giáng vào thị trường lúa gạo toàn cầu, bởi Thái Lan là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về sản phẩm. Theo đánh giá của Liên hiệp xuất khẩu gạo Thái Lan, mức cung cấp gạo ra nước ngoài trong năm 2012 có thể giảm sút 30%.

Nước lụt tại Thái Lan đang kìm hãm làm chậm tốc độ phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản, đã bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất hồi tháng Ba và tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân "Fukushima". Tác hại do ảnh hưởng lũ lụt đã phản ánh rõ nét trong công việc của các hãng chế tạo ô tô. Tập đoàn Toyota tuyên bố giảm trong quá trình làm việc số ngày làm việc trong tuần trong tất cả các nhà máy ở vùng Bắc Mỹ, cho phép tiết kiệm một số chi tiết phụ tùng thường chuyển đến từ Thái Lan. Cũng bởi thiếu phụ tùng mà tập đoàn Honda ngay từ đầu tháng Mười đã đình chỉ sản xuất tại nhà máy của mình ở Thái Lan, còn từ ngày 25 tháng Mười trở đi các cơ sở Honda tại Malaysia cũng ngừng làm việc.

Còn cả các hãng Nhật Bản khác cũng bị ảnh hưởng, như Canon, Nikon, Sony. Mới đây Sony cam kết dành 30 triệu yên Nhật để giúp đỡ cư dân Thái Lan, như tuyên bố trong thông cáo báo chí có nêu rằng "các chi nhánh bị ảnh hưởng lũ lụt là cơ sở sản xuất then chốt của Sony và có tầm quan trọng mang ý nghĩa sống còn đối với hãng”.

Trong năm nay, dòng du khách đến Thái Lan, theo đánh giá của Bộ Du lịch Vương quốc, có thể giảm xuống từ nửa triệu đến 1 triệu người. Các sân bay và nhiều chi nhánh của các ngân hàng trong nước phải đóng cửa. Ngày 28 tháng Mười, Ngân hàng trung ương Thái Lan đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 từ 4,1% xuống 2,6%.

Dù sao chăng nữa, sang năm tới, mức tăng trưởng có thể đẩy nhanh nhờ các khoản chi ngân sách cao để khôi phục hạ tầng cơ sở sau cơn lụt. Nhà nước sẽ tài trợ để phục hồi các xí nghiệp, còn các quan chức hứa hẹn sẽ giảm thuế kinh doanh.

Tin giờ chót cho hay, trận lũ lụt bắt đầu từ một tuần lễ trước đây, hiện đang lan rộng đến các khu vực mới của kinh đô Thái Lan. Trạng thái nước cường sẽ kéo dài đến ngày 6 tháng 11, và theo kịch bản dự đoán tồi tệ nhất, toàn bộ Bangkok có thể chìm dưới nước.

Theo "Thời sự Matxcơva".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét