Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Công an TP HCM lên tiếng về thu hồi đất


Trong đợt góp ý Dự thảo Luật đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng công an tại đây đã đề nghị Nhà nước không can thiệp vào chuyện thu hồi đất cho “các dự án phát triển kinh tế –xã hội”.
Ý kiến được trang web BấmCông an TPHCM hôm 2/4/2013 đăng tải, nói cán bộ chiến sỹ công an thành phố đã nêu ý kiến:
“Cần tránh việc lợi dụng danh nghĩa thu hồi đất để trục lợi cá nhân, tổ chức và chủ đầu tư dự án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quyền lợi về tài sản đất đai của người dân.”
Trong khi Hải Phòng đang diễn ra vụ xử gia đình ông Đoàn Văn Vươn “chống người thi hành công vụ” trong vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng hồi đầu năm 2012, các ý kiến mà trang Công an TPHCM nêu ra một cách chính thức là điều đáng chú ý dù xảy ra ở một địa phương khác.
Cảnh sat cơ động tham gia cưỡng chế tại Tiên Lãng, Hải Phòng.

Tránh lợi ích nhóm

Công an TP cũng bày tỏ lo ngại chuyện thu hồi đất “để sử dụng vào mục đích thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội dễ bị lạm dụng phục vụ lợi ích riêng, lợi ích nhóm”.
Trong một phát biểu phân biệt rõ chức năng của Nhà nước mà các chiến sỹ công an là lực lượng thực hiện thi hành pháp luật, họ đã đề nghị chỉ “thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”.
Mặt khác, công an TPHCM có vẻ cũng không muốn trở thành một bên bênh vực cho các nhà đầu tư, và vì thế đã đề nghị:
“Các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải trực tiếp thỏa thuận với người sử dụng đất.”
Không chỉ có vậy, công an TPHCM trong phần góp ý về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) còn phê phán các bất cập trong chính sách bồi thường đất đai theo Luật Đất Đai 2003 và nêu ra các thách thức về mặt kinh tế cũng như an ninh chính trị:
“Giá bồi thường tại thời điểm thu hồi đất chênh lệch rất lớn và thấp hơn nhiều so với giá thị trường; chính sách hỗ trợ, tái định cư còn nhiều điểm chưa hợp lý,"
Bài trên báo Công an TP HCM cũng viết:
"Rất nhiều trường hợp hộ gia đình khi chuyển về nơi tái định cư không có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn, trong khi chính quyền địa phương, chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến đời sống của họ...”
“Đó là một trong những nguyên nhân gây cản trở trong công tác thu hồi, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện đất đai kéo dài làm phức tạp tình hình chính trị địa phương.”
Trong những năm qua, cùng với đà phát triển kinh tế tại Việt Nam, các vụ thu hồi và cưỡng chế đất mà trên lý thuyết thuộc sở hữu của 'toàn dân' đã gây ra nhiều căng thẳng xã hội.
Nếu như vụ Tiên Lãng có sự tham gia của quân đội, trong nhiều vụ việc khác, lực lượng công an thường là nhóm phải đi đầu trong công tác cưỡng chế đất.
Ví dụ như hôm ngày 31/1 năm nay giới chức địa phương đã đưa lực lượng chừng 200 người, gồm công an, thanh tra giao thông tới trấn áp dân Dương Nội, thuộc Hà Nội trong một vụ khiếu kiện đất đai gây xung đột, giằng giật ác liệt.
Trước đó, hồi tháng 4/2012, một lực lượng đông đảo công an đã được chính quyền điều vào cuộc nhằm cưỡng chế đất của nhiều hộ nông dân địa phương cho dự án Ecopark của một chủ đầu tư.
Tại đây, hai nhà báo của Đài tiếng nói Việt Nam đã bị công an mặc sắc phục đánh khi về đưa tin.
Theo BBC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét