Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

THƯỢNG ĐẲNG THẦN (phần cuối)

Truyện ngắn của Trần Chiến 


Đêm sau rằm tháng tám, Phạm Công dọn tiệc nhỏ ngoài vườn, đối ẩm với phu nhân. Chốc nhát sương sa, phu nhân kêu lạnh, lui vào. Công nửa nằm nửa ngồi trên ghế đu bâng khuâng, cứ một câu thơ lại một hớp rượu, buồn vui lẫn lộn, rất xao xuyến mà chả hiểu vì sao. Bỗng có người đi vào, ăn vận lối nho sinh, mặt trắng sáng sủa, có sợi lông màu xanh cỡ ngón tay trỏ trên mày trái. Người ấy thi lễ, rồi đứng yên. Công cũng hờ hững chỉ tay vào chén rượu rồi cứ tì tì một mình. Được một canh giờ, sương đã ướt vai, thấy nho sinh vẫn đứng, bèn hỏi:

- Người cần mảnh tú tài kỳ thi tới à?

- Thưa không.

- Hay muốn một chân ở nha tu thư? Ta chắc ngươi đã đỗ đạt…

- Thưa không.

- Thì nói đi.

- Nhưng chửa chắc bề trên đã đáp ứng, nên tôi băn khoăn.

- Đã nói gì mà chắc với lép.

-Tôi biết quan ngài chính trực, không giúp người để nhận lộc hèn hạ bao giờ. Hiềm vì chủ tôi thúc quá.

- Chủ ngươi là ai?

- Là Vân Vi trại chủ, ở phủ Sinh Đồng.

- A, cái người trông coi chợ vịt cách đây ba trăm năm chứ gì? – Phạm Công thốt lên.

- Thưa vâng. Chủ tôi muốn làm Thượng đẳng thần, can thế nào cũng không được.

- Chủ ngươi gian trá lắm. Cả làng Vân Vi chuyên nghề mua vịt gầy, trước khi bán tọng bánh đúc cho đầy diều cho nặng thêm. Lại còn treo những đinh sắt, móc đồng vào quả cân, đổ thủy ngân vào cán cân. Bậy bạ thế, làm thành hoàng Vân Vi đã là quá đáng, sao dám sánh với các bậc dựng nước, giữ nước.

Nói rồi giũ áo đứng dậy, vào nhà ngủ ngon.

Đêm sau, Phạm Công có việc ở bộ Lại, khi về muộn người đã nẫu vì rượu. Phu nhân sai đầy tớ rửa mặt nước nóng, đổ nước gừng, bôi vôi rồi lui ra. Một lúc nho sinh tối qua lại đến, lần này bộ dạng nhăn nhúm, trên mặt thâm tím không còn sợi lông xanh dài. Thoạt thấy, Công mắng ngay: “Đã bảo rồi, mà chủ ngươi còn cố đấm. Láo thế là ta tước cái thành hoàng đấy”.

- Bẩm, tôi cũng không muốn lại phiền, nhưng bị mấy đấm mấy đạp, còn cắt cả lông mày bảo mạng.

Công định gọi người nhà đuổi đi thì nho sinh quỳ thụp xuống, thì thầm rất khẽ. Công lặng người, đổ mồ hôi hột lấm tấm, hết nóng chuyển sang lạnh rồi lại hầm hập như ngồi phải hỏa lò. Một lát thì trầm tĩnh, hỏi:

- Chủ ngươi sao có quyền lực thế được?

- Bẩm, vì kiếp trước ngài lỡ tay tát người bán vịt điêu hộc máu mồm, nên kiếp này phải trả nợ vô sinh. Chỉ có chủ tôi là giải được cái hạn ấy.

- Ta không tin.

- Thế thì tiếc lắm.

Nho sinh dợm đi, Công giật lại: “Nhưng ta không thể làm việc ấy một mình. Bên trên có quan thái sư, mà ta không muốn đưa của đút, bẩn tay lắm”.

- Quan thái sư đã có chủ tôi lo. Ai mà chả thích bạc.

- Hoàng thượng biết thì ta bị tru di.

- Hoàng thượng lại càng dễ. Ngự trên cao, nói sao mà chả tin. Vả quan ngài gây dựng được uy tín rồi còn gì.

- Lại còn đồng liêu quyến thuộc, bịt sao được mắt những kẻ ấy.

- Chủ tôi liệu cả rồi. Bọn kẻ sĩ chỉ là đám thối mồm. Chỉ cần quan ngài, thái sư với Hoàng thượng đồng ý thì xong.

Nói rồi đi hẳn. Công quay vào trong, ngắm dáng nằm của phu nhân, vẫn thắt đáy lưng ong, tóc dài chấm gót mà sao cô quả quá. Hết đền phủ này đến miếu mạo nọ, kỳ sóc vọng, tết lễ nào nàng cũng ngồi cầu tự mà kết quả gì đâu. Ngắm mãi rồi thở dài thườn thượt, quay ra ngồi vào án thư, xắn tay áo lên mài mực.

Văn sách nộp lên thái sư, Phạm Công tay cứ run bắn lên, ấp úng chả ra sao. Bốc phét đến là trắng trợn, tâng Vân Vi trại chủ thành bậc phú hào mở mang nghề buôn, khiến một vùng giàu muôn ức muôn triệu. Lại còn xắn tay từ thiện xây những đình những chùa, trợ giúp kẻ khó, lúc nào trong nhà cũng nuôi một tổng ăn mày. Lạ thay, thái sư chả hỏi han gì, cứ nhận quyển rồi bảo về. Sau mấy đêm, Công phải bảo vợ nhổ tóc trắng trên đầu cho vợi.

Rồi một đạo dụ ban ra, sắc phong Vân Vi trại chủ làm Thượng đẳng linh thần, sánh cùng Thái Tổ Hoàng đế, Linh Thảo Sơn thần và Minh Quang Đại vương. Bộ Công, bộ Hộ, bộ Hình, nhất là bộ Lễ, bộ Học đều giật mình. Nhưng ai dám cãi vua?

Phạm Công đến nhiệm sở, đi lại các nơi bị lạnh nhạt, chế giễu nhiều hơn. Nhưng ngài không chấp. Sự bẽ bàng cũng chẳng bằng niềm vui riêng: phu nhân đã tắt tháng, nôn khan, lông mày dựng ngược. Cái núm vú của nàng trước đỏ tươi, rất đẹp, dần dần trở sang thâm đen, mọc gai gạo. Ngắm nàng mình mẩy tròn trịa, Công khoan khoái, thấy những tiếng tăm, danh vọng chẳng là gì với hạnh phúc nhỏ nhoi này.

Một đêm sau cái đêm trăng muộn nọ, phu nhân sinh con trai, đặt Nguyệt Phùng. Đứa bé càng lớn càng khôi ngô, mới năm tuổi đã thuộc khối mặt chữ. Công yêu Nguyệt Phùng vô cùng, ra sảnh đường thì chớ, về nhà là nâng niu đùa giỡn, đi đâu cũng cho cùng theo.

“Cái nợ của cha đây, cái nợ của cha đây”. Nghe chồng nựng con thế, phu nhân thường nặng mặt, phỉ phui cái mồm. Nhưng mặc lòng, Công không thể âu yếm con theo cách khác.

                                                   ***

Ngày tháng thoi đưa, thấm thoắt Nguyệt Phùng đã lên năm. Lời trẻ bi bô mà bịn rịn, Phạm Công đi đâu cũng nhớ con. Ngài không thể ngờ mình lại yếu đuối, tầm thường làm vậy. Vẫn chăm chỉ, nghiêm cẩn trong công việc, ngài dần lấy lại sự kính trọng của đồng liêu. Nhưng buông đèn sách ra, ngài gắn chặt lấy con, bị lệ thuộc vào nó, buồn thấy cứt nó xanh, khi chuyển sang vàng, ngửi thấy thối là đã mừng rỡ lắm. Đã có lúc ngài thấy giấc mộng kinh bang tế thế thuở nào thật cỏn con so với niềm vui thế tục này. Chà, Nguyệt Phùng, cái nợ của cha, sao con ra đời oái oăm làm vậy. Nhưng dẫu thế nào, cha chẳng thấy ăn năn cắn rứt.

Ngày Nguyệt Phùng tròn sáu tuổi, Phạm Công mở tiệc lớn khoản đãi từ viên thư lại tầm thường nhất đến bà con xa xôi. Quà cáp chả mấy hậu hĩ nhưng toàn những gương mặt chất phác, những chúc mừng đôn hậu. Ròng rã những bữa đạm bạc, những buổi ê hề, đến đêm thứ năm, sau tuần rượu cuối, ngài đương lơ mơ thì có người dựng giường dậy, hất cho ngã sóng soài. Trước mặt, một cái bóng trắng cầm cành dâu quất túi bụi. Ngài che mặt mắng rằng: “Yêu ma cút ngay! Ta bình sinh chưa biết sợ là gì!” Cành dâu quất càng khỏe, yêu nữ áo trắng mắm môi mắm lợi trút căm hờn: “Sao ngươi chẳng nghĩ đến ta? Sao ngươi chẳng nghĩ đến ta?” Ngài đã lấy lại bình tĩnh, từ tốn nhủ: “Con giặc cái này đành hanh quá, làm sao mà cho ngươi cái gì được”. Yêu nữ đáp đanh nọc: “Không biết đến ta thì liệu hồn!” rồi bỏ đi. Phạm Công chỉ hơi lấy làm lạ, ngẫm nghĩ một tí rồi ngủ tiếp.

Qua ngày sau, người nhà báo trâu bò ở những trại ấp của ngài, từ Hoan Diễn lên thượng du đều bị lở móng chết hàng loạt. Ngày sau nữa, mấy dãy chợ bên Kinh Bắc cháy rụi, chẳng thu được một xu thuế. Rồi dịch bệnh nổi lên, giếng ăn sau nhà có xác chết, người ăn kẻ ở tâm phúc lễnh loãng việc nhà, đêm đêm lên cơn mộng du, cứ trèo lên mái nhà tru như đực cái gọi nhau. Chỉ trong mấy hôm, tài sản ức triệu của Công vợi hẳn. Phu nhân hoảng hốt. Công vẫn thản nhiên, biết rằng thế nào yêu nữ cũng đến.

- Thì muốn gì, đấy cứ nói cho đây biết chứ!

Thấy Phạm Công bỡn cợt, yêu nữ tức vằn mắt. “Ta chỉ nói khi ngươi đã biết quyền lực của ta”. “Thì cũng đến khánh kiệt nhà cửa là cùng. Ta đâu có sợ. Ta khinh ghét quyền lực của mi”. Nghe Công nói cứng, yêu nữ cười nhạt, bỏ đi ngay.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi mà quá khốc liệt. Sáng hôm sau, Nguyệt Phùng đang tươi rói bỗng hóa ra tàu lá hơ trên lửa hồng. Công mời danh y phục thuốc, uống được mươi thang thì hồi sức trở lại, nhưng đường ăn nói đã tắt hẳn. Thấy con hết bi bô mà chỉ u ơ, vợ chồng héo hon. “Chẳng biết kiếp trước nợ nần gì mà khốn nạn thế”, phu nhân bảo. Công lặng ngắt như tờ, đêm nào cũng thức đợi.

Sắp gục vì kiệt sức thì người áo trắng ấy quay lại, xưng danh là ma cái ở tổng Bình Dương, vẫn thường tới các đoạn đèo hiểm trở từ Nam chí Bắc, giả mỹ nhân dụ dỗ rồi xô khách qua đường xuống vực. Người ấy độc ác và quỷ quyệt khôn lường, chỉ lấy độc hại mà chi phối chúng sinh, làm người ta khiếp sợ mà thần phục, nay muốn vào bậc Thượng đẳng thần.

Từng năm lăn lộn khắp nhân gian, quá biết những thủ đoạn của ma cái, Phạm Công nhất mực vâng dạ. Ngày sau, ngài thảo quyển thư, dùng những lời ngợi ca tuyệt vời nhất bồi đắp công tích bà ta thành núi cao biển sâu, lại còn đặt mỹ tự Bình Dương thần nữ. Như lần trước, thái sư đồng ý tăm tắp với tờ trình. Rồi đức Hiến Tông chuẩn y, sắc phong vị Thượng đẳng thần thứ năm.

Bàn thờ dân gian lại có thêm một bài vị. Ngày giỗ tế, tết lễ, ai nấy kính cẩn hương khói, ngợi ca công đức cả năm vị theo thần thái những bản sắc phong triều đình ban ra. Những lời cầu khẩn giống nhau, những thành tâm bằng nhau, nhất mực tin tưởng nhẽ vua truyền.

Chỉ có điều ở bộ Lễ, đám liêu thuộc không còn dịp dòm ngó, mỉa mai Phạm Công nữa. Ngài đã cáo quan trở lại nghề đóng cối gia truyền, âm thầm như một nông phu. Hàng tháng trời ngài xa gia đình, đung đưa gánh đồ nghề trên vai, nay làng này mai tổng khác. Trở về nhà, hễ thấy thằng con câm cầm cái bút thì giằng lấy bẻ vụn, vùi luôn xuống đất.

                                                 HẾT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét