Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

NGÀY KHAI TRƯỜNG DÀNH CHO AI ?



Đúng ra không cần hỏi. Mỗi năm cứ vào tầm này cả nước lại tất bật chuẩn bị cho năm học mới. Mở đầu năm học bằng ngày khai trường (hoặc khai giảng), không dành cho thầy cô và học trò thì cho ai. Nhưng vậy mà không phải vậy.

Trong một xã hội học tập, đầu tư cho giáo dục (GD) được coi là quốc sách thì những sự kiện GD lớn như khai trường, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh… luôn được nhà nước và toàn dân chăm lo đặc biệt. Ngày khai trường, khai giảng là sự mở đầu, có tác dụng tạo hứng khởi cho suốt một năm học, nhất là với thầy và trò. Sau mấy tháng nghỉ hè nhưng đồng thời cũng là mấy tháng tu sửa trường lớp, chuẩn bị bài giảng, ôn luyện kiến thức, bồi dưỡng sức khỏe…, thầy trò lại gặp gỡ, bắt đầu hành trình mới dưới mái trường. Mỗi lần khai trường là dấu mốc một chặng quan trọng trong đời người trên đường học vấn, nhất là với những em bé vừa “tốt nghiệp mầm non”, tạm biệt gấu bông, bỏ lại tuổi thơ non nớt để chững chạc bước vào lớp một. 

Xét trên khía cạnh nào đó, ngày khai trường có ý nghĩa rất thiêng liêng, không chỉ với từng cá nhân đi học mà với cả cộng đồng. Có lẽ trong chúng ta không mấy ai không nhớ, không xúc động khi đọc những dòng đầu tiên trong lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh nhân ngày khai trường, tháng 9/1945. Cụ viết “Hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày mở trường ở khắp nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn”. Cuối thư, Bác chúc “Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp”. Trong thư của cụ Hồ, ngày khai trường là ngày “mở trường”, mở đầu năm học mới “các em lại được gặp thầy gặp bạn”, ngày tràn đầy niềm vui, phấn khởi, hạnh phúc, hy vọng, là dấu thời gian đặc biệt dự báo cho một tương lai tốt đẹp.

Vậy nhưng chẳng hiểu tại sao gần chục năm trở lại đây lãnh đạo ngành GD, mà cụ thể là Bộ GD-ĐT đã thay đổi một nghi thức đầy ý nghĩa như thế bằng cách thực hiện chả giống ai. Cụ thể là chỉ đạo các trường tổ chức dạy chính khóa ngay từ dịp hè, hầu hết từ nửa đầu tháng 8. Cứ lặng lẽ âm thầm, thầy giáo lại lên bục giảng, học sinh lại đến trường miệt mài học tập. Khi bộ máy đã hoạt động trơn tru, ngon trớn thì đùng một cái các trường phải ngưng dạy ngưng học để tổ chức khai trường, khai giảng. Cũng cờ quạt, diễn văn, cũng băng rôn khẩu hiệu, văn nghệ, cấp trên về dự chỉ đạo dăm ba câu, thúc vài hồi trống, nhưng tất cả chả khác gì cái vỏ hình thức vô hồn, khó tìm thấy ở đó sự xúc động của buổi tựu trường, tình thầy trò đằm thắm ngày gặp lại, nói chi sự thiêng liêng cao quý ghi dấu một đời người. Ở cương vị cầm trịch, các nhà lãnh đạo có quyền và có nhiều lý do để bao biện, ví dụ chương trình dày nặng nên phải giãn ra học trước, hoàn cảnh từng địa phương có khác nhau… Nếu vậy, hà cớ chi không giảm tải bằng việc cắt giảm chương trình vốn bị dư luận đánh giá là quá nặng cho phù hợp thời gian quy định, cớ chi không để các trường tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng tổ chức khai giảng sớm, sau đó mới dạy mới học. Nếu cần thống nhất trên cả nước một ngày khai trường cho có khí thế (ngày 5.9 chẳng hạn), chắc không mấy ai phản đối, nhưng khai trường phải là sự mở đầu cho năm học, chứ không thể học chán chê mới rình rang khai trường. Làm chỉ nặng về hình thức, thì thôi, tốt nhất là đừng làm.

Vẫn biết cuộc chấn hưng, đổi mới GD là cả quá trình dài lâu, phức tạp, nhưng hãy cải cách từ những việc tưởng nhỏ mà không nhỏ như thế thì mới mong gặt hái được kết quả tốt đẹp.

Theo facebooker Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét