Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Những chuyện khó tin nhưng có thật !

Những kiêng kỵ mê tín của các phi hành gia Nga



Phi hành gia. Đó là những con người can đảm và mạnh mẽ, những hiệp sĩ chinh phục vũ trụ, người mà nghề nghiệp đòi hỏi lòng dũng cảm, tính can trường và tinh thần kiên nghị. Nhưng ít ai biết rằng các phi hành gia lại cũng có thể là những người mê tín dị đoan bậc nhất trên Trái đất. Trong giới những con người đặc biệt này có rất nhiều kiêng kỵ và mê tín gắn với chuyến bay.

Có thể ai đó sẽ cho là kỳ quặc bởi người khởi đầu cho thói quen "mê tín dị đoan vũ trụ" ở Nga lại là chuyên gia thiết kế lỗi lạc Sergei Korolev, người đã chế tạo ra con tàu vũ trụ có người lái đầu tiên và tổ chức chuyến bay thứ nhất có người lái của thế giới vào không gian xa xôi. Korolev luôn luôn chú ý đến những dấu hiệu. Ví dụ, ông kiên quyết chuyển ngày khởi động tàu tránh ngày thứ Hai, vì xem đó là ngày đen đủi. Có nhiều huyền thoại về sự ghét bỏ kỳ dị của vị công trình sư đối với ngày đầu tuần này. Korolev khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình về ngày thứ Hai, ngay cả khi đứng trước cấp cao nhất, trong những cuộc họp ở Văn phòng Chính phủ, và suốt 3 năm đầu tiên, những chuyến bay dự định vào thứ Hai đều bị dời sang ngày khác. Sau đó, cho rằng chiều theo ý thích cá nhân của Korolev là chuyện vô lý, chính quyền xô-viết khẳng định mốc phóng tàu vào bất kể ngày nào trong tuần. Trong vòng một năm ở Liên Xô xảy ra 11 vụ tai nạn, và thế là từ năm 1965 trở đi, tất cả những ngày thứ Hai trở thành “ngày không xuất phát” trong ngành vũ trụ của Liên Xô và Nga.


Tuy nhiên, nếp kiêng kỵ ngày thứ Hai không phải là điểm mê tín duy nhất ở chuyên viên thiết kế xuất sắc. Korolev có nhà điều hành yêu quí nhất và “may mắn” nhất, luôn được giao ấn nút “Xuất phát”. Không có ai khác hơn ngoài đại úy Smirnitsky được chuyên viên thiết kế cho phép đến gần nút quan trọng nhất ở Trung tâm điều khiển chuyến bay, vì Korolev tin rằng Smirnitsky là người “tốt vía” và “mát tay”.

Cũng như người thày lớn của họ, không thiếu gì điềm mê tín kiêng cữ trong số các kỹ sư và các nhà du hành vũ trụ Nga. Ví dụ, họ kiêng không bao giờ tặng chữ ký trước khi lên đường vào chuyến bay, nhưng rất vui lòng để lại lưu bút trên cánh cửa căn phòng khách sạn, nơi nghỉ đêm trước khi xuất phát vào vũ trụ. Việc lau rửa những chữ ký này bị nghiêm cấm bởi đó là điềm gở.

Trên sân bay vũ trụ thử nghiệm Plisetskaya đã từ lâu tồn tại điều mê tín khá thú vị. Trước khi bắt đầu phóng tên lửa, nhất định phải viết lên thân tên lửa một cái tên phụ nữ là "Tanya". Người ta nói rằng, trong lần đầu tiên cái tên này được một sĩ quan viết lên thân tên lửa – đó là tên cô bạn gái của anh. Cuộc phóng đầu thành công tốt đẹp. Còn có lần, khi người ta quên viết tên “Tanya”, tên lửa đã phát nổ ngay trước khi phóng.

Mặc dù rất tin vào điềm lành điềm dữ, các phi hành gia đã, đang và sẽ là những người anh hùng trong con mắt của hàng tỷ cư dân trên địa cầu. Lên đường vào hành trình xa xôi và nguy hiểm, họ không nghĩ trước tiên về những rủi ro với bản thân, mà nghĩ về công việc chung. Theo truyền thống, sau khi nhận cú đá đít thân thiện từ thủ trưởng, họ ngồi vào khoang tàu và bay lên thế giới bí ẩn mà từ đó nhìn Trái đất thật rõ nét. Và để một phần của hành tinh thân yêu luôn bên cạnh trong thời gian hiện diện ở không gian vũ trụ sâu thẳm, các phi hành gia mang theo người một nhánh rau ngải cứu, với mùi thơm hăng hắc rất lâu không phai và nhắc nhở về Trái đất thân thương.


Tư liệu của Đài Tiếng nói nước Nga
Đan Thi Moscow dịch



Hachito thủy chung ở Yakutsk 



Câu chuyện lạ lùng về ân tình câm lặng và sự chung thủy sắt son của một con chó đã gây chấn động trong cư dân thành phố Yakutsk ở phía bắc vùng Đông Siberia. Trong tiết trời lạnh giá 50 độ âm, suốt hai tuần liền con chó canh bên xác bạn gái mang thai đã chết của nó, cố gắng dùng thân mình sưởi ấm cho cô bạn đã lạnh cứng. Tất cả mọi nỗ lực cảm động ấy đều vô ích. Nhưng ngay cả bây giờ, khi bạn tình xấu số của nó đã được mang đi chôn cất, con chó vẫn kiên quyết không chịu rời khỏi nơi bạn gái từng nằm.

Người dân Yakutsk đã gọi là con chó lai vô danh ngày và đêm trong băng giá lạnh buốt không rời người bạn đã chết bằng cái tên Hachiko. Đó là tên chú chó nổi tiếng ở Nhật Bản, suốt 9 năm đứng ở nhà ga đường sắt ngóng chờ chủ nhân mà không chịu tin rằng ông chủ không bao giờ về nhà nữa bởi đã qua đời đột ngột vì một cơn đau tim ở nơi làm việc.

Những người đầu tiên để ý thấy con chó Yakutsk trung thành là các hành khách của phi trường Yakutsk. Nó ngồi bên thi thể bạn gái ở không xa sân bay, trong khu nhà để xe, nơi trước đây cặp đôi này thường canh gác. Các chuyên gia môi trường cho rằng con Laika đã chết là nạn nhân ăn phải chất bả độc mà người ta rải ra để bẫy những con chó vô chủ.

Lo ngại rằng Hachiko sẽ chết cóng, các nhà bảo tồn thiên nhiên địa phương mấy lần thử mang nó vào nơi ấm áp. Con chó thân thiện để cho mọi người tiếp cận, nhưng không chịu rời xa xác bạn mình. Nó liên tục liếm vào tai bạn như muốn nói: "Nào hãy tỉnh dậy đi, tôi đang ở đây với bạn!". Nhưng Laika không hề động đậy và một dòng nước mắt lớn đóng băng trên mặt con chó trung thành tuyệt vọng. Một đại diện của Quỹ bảo vệ động vật Yakutsk đã tìm cách đưa được Hachiko vào trong cái lồng để mang đi, nhưng nó gặm đứt mảng lưới kim loại và chạy trốn. Và mặc dù con chó cái Laika đã được chôn cất, con chó đực vẫn tìm về nơi cô bạn nằm chết, có điều bây giờ nó đâm ngờ vực con người và không cho bất kỳ ai đến gần.

Chuyên viên huấn luyện cảnh khuyển Aleksandr Smirnov nhận xét: "Loài chó thực sự có thể cảm nhận được gắn kết tình cảm sâu xa. Vào lúc cuối đời, thậm chí nhà sinh lý học vĩ đại Ivan Pavlov cũng đã thừa nhận sai lầm của ông, khi từng cho rằng mọi trạng thái ở động vật đều chỉ dựa theo bản năng".

“Nếu giữa con chó và một cá thể sinh vật khác hiện hữu kết nối cảm xúc mạnh mẽ, sau đó, hiển nhiên, con chó có thể chờ đợi và nó có thể ngồi như thế rất lâu. Trên bình diện này, con vật có ước muốn, tri giác và cảm xúc giống như con người. Nó cảm thấy yêu quí và căm ghét. Không có gì đáng ngạc nhiên ở đây. Chỉ đơn giản là biểu hiện cảm xúc mạnh mẽ giữa những con vật vẫn hiếm gặp. Không phải là luôn luôn một con người và một con chó, hay là chó với chó có sự tương hợp về tính cách mật thiết đến mức gắn bó với nhau. Vì vậy, những trường hợp này tuy là hiếm, nhưng đồng thời vẫn không có gì siêu nhiên siêu thực”.

Câu ngạn ngữ Nga “Thời gian chữa lành mọi thứ” không hiểu sẽ đúng đến đâu trong trường hợp chú chó Hachito Yakutsk. Hiện thời các cư dân quanh phi trường Yakutsk đều tìm mọi cách để giúp người bạn thủy chung này: không chỉ cho nó ăn và chuyện trò an ủi Hachito, người ta còn sửa soạn đặt vào chỗ bạn gái nó từng nằm một cái máy sưởi ấm nhỏ.


 Maria Dominiskaya
Đan Thi Moscow dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét