Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

KỈ NIỆN VỀ LIÊN XÔ

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ (Phần cuối)
Giai đoạn "Băng tan"

Ai ngờ được cái chết của Stalin năm 1953 lại mở đầu cho một loạt sự kiện đảo lộn xã hội xô-viết đến như thế ? Có lẽ không ai. Người ta gọi giai đoạn này là "băng tan" và cái tên được dịch và sử dụng trên toàn thế giới. Sau này, khi đã sống ở Nga lâu, tôi mới thấy hết ý nghĩa hình ảnh của cái tên này.
Sau nhiều tháng mùa Đông giá buốt, các sông hồ đều đóng băng, trên mặt đất thì phủ tuyết trắng xóa, bầu trời u ám. Cuộc sống như ngưng trệ. Thế rồi Đông qua, Xuân đến, nắng lên, những khối băng tan dần trả lại dòng sông xanh biếc tuôn chảy. Tuyết tan thành nước, chảy thành dòng trên các cánh đồng, bãi trống, rỏ giọt từ trên các mái nhà xuống… Cây cối trơ trụi, không có chiếc lá nào thì trên cành bắt đầu nhú những chiếc lá xanh non. Các cô gái chàng trai suốt mùa Đông băng giá co ro trong những tấm áo dầy, chân xỏ những đôi ủng nặng nề để giẫm lên tuyết dầy, thì nay các cô gái được mặc những bộ áo liền váy mỏng dính, ngắn cũn cỡn, để hở phần lớn da thịt, các chàng trai cũng mặc quần áo mỏng… Họ dắt tay nhau, dàn ngang, vừa đi vừa hát… Đấy là hình ảnh của "băng tan". Và ý nghĩa kỳ diệu của nó là như thế : bình minh của thế kỷ !
Thoạt đầu, do lật lại các văn bản thời kỳ trước, Ban lãnh đạo mới của ĐCSLX bất ngờ phát hiện ra những tội ác khủng khiếp của Josef Stalin, người xưa nay vẫn được mệnh danh là "Người Cha của các dân tộc", mọi người đinh ninh ông là "thánh", "không bao giờ sai"… Sau khi nghiên cứu kỹ, Ban lãnh đạo mới của Liên Xô đã có những quyết định dũng cảm, trước hết là công bố những tội ác tầy đình của ông ta, sau đấy thả tất cả tù chính trị, bãi bỏ một loạt chính sách cấm kỵ Stalin khi còn sống đã áp dụng nhằm tiêu diệt mọi mầm mống của thể chế dân chủ, giữ nhân dân Liên Xô liên tục trong tâm trạng sợ hãi, chỉ nơm nớp lo bị bắt, đành nhất nhất tuân theo lệnh của cấp trên. Và không phải chỉ những ai "cưỡng lại" một mệnh lệnh nào đấy của "cấp trên" mà cả những người vô can nhưng do thù oán cá nhân, nhân viên của Bộ An ninh vẫn bịa ra tội, vu cho là "kẻ thù của nhân dân", thế là họ bị bắt, tra tấn, kết án tử hình và giết.
Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô với bản báo cáo của Bí thư thứ nhất Khrusov trở thành sự kiện lớn rung động toàn Trái đất, một cột mốc không chỉ đối với Liên Xô mà đối với toàn thể loài người. Tôi đến Liên Xô lần này đúng vào lúc Đại hội XX "tan băng" ấy của ĐCSLX chuẩn bị họp, hứa hẹn nhiều điều còn đáng phấn khởi hơn so với cái Đại hội XIX "tan băng" ba năm trước. Không khí hồ hởi hiện ra trong mọi góc phố, trên mặt mọi người dân xô-viết.
3. Hội thảo
Cuộc Hội thảo của Hội Sân khấu Toàn Nga tổ chức và triệu tập được tiến hành linh hoạt và thân tình. Anh Trần Bảng và tôi được có nhiều dịp tiếp xúc với đạo diễn các nước xã hội chủ nghĩa khác, xem một loạt tiết mục của những nhà hát tiêu biểu ở Moskva : Nhà hát Nghệ thuật, các Nhà hát Ma-lưi, Maiakovski, Gogol, Komsomol… Và cả nhà hát Tovstonogov ở Leningrad. Lịch làm việc hàng ngày cũng rất hợp lý : tối đến nhà hát xem tiết mục, sáng tham quan, chiều tọa đàm về tiết mục xem đêm hôm trước. Hai chúng tôi đề nghị được xem tiết mục "Lu-ba" ở Nhà hát Ma-lưi và "Câu chuyện Iêc-cút" để so sánh với diễn trong nước…
Khi xem tiết mục "Lu-ba" (nguyên văn là "Lyubov Yarovaia") trên sân khấu Nhà hát Ma-lưi, chúng tôi thấy nó khác quá xa với tiết mục cũng dựa trên kịch bản ấy của lớp học "Thực nghiệm" (perejivania) mà Đoàn Kịch nói Trung ương làm nòng cốt. Trang trí đã khác, do Nhà hát Ma-lưi có điều kiện miêu tả địa điểm xảy ra hành động kịch tỷ mỷ hơn nên mới mở màn đã thấy ngay quang cảnh của một thị trấn Nga vào thời điểm ấy (1920). Trong khi trang trí của Nhà hát kịch Hà Nội đơn giản hơn nhiều và "tính chất Nga" mang dáng vẻ gợi ý nhiều hơn. Về diến suất, cũng rất khác. Nhân vật trung tâm "Liuba" của ta do nghệ sĩ Trúc Quỳnh thể hiện là một cô giáo nghèo, vóc mảnh mai, dáng nhanh nhẹn… trong khi cũng nhân vật ấy do nghệ sĩ Nhà hát Ma-lưi thủ vai thì to lớn, dáng bệ vệ… Nhân vật Yav ôi cũng rất khác nhau. Ở ta đấy là một sĩ quan dáng vẻ độc ác, trong khi ở Nhà hát Ma-lưi, nhân vật này lại cao lớn, để ria mép, dáng vẻ rất "sĩ quan Bạch vệ"… Khác nhau nhất là nhân vật Pa-nô-va, ở ta nghệ sĩ Thu Hà đóng cố ra vẻ lẳng lơ, đĩa thõa, trong khi nghệ sĩ của Nhà hát Ma-lưi thủ vai ấy thì xinh đẹp kiểu quý phái… Đặc biệt đám nghệ sĩ đóng trong "đám đông" thì càng khác nhau nhiều.
Còn kịch bản "Câu chuyện Iêc-cút" của nhà viết kịch Arbuzov nghe nói hiện đang được coi là "đầu bảng" : hàng trăm nhà hát trên toàn Liên Xô đua nhau đã dàn dựng và đang biểu diễn rất "có khách". Và vô số nhà hát hoặc đơn vị biểu diễn sân khấu khác cũng đang dàn tập…
Xem nó tại hai nhà hát khác nhau ở Moskva, rồi gặp riêng và trao đổi với đạo diễn hai tiết mục ấy, chúng tôi mới thấy vai trò quyết định của người đạo diễn. Ở đây, kịch bản "Câu chuyện Iếc-cút" được mỗi đạo diễn lý giải theo một hướng có thể chấp nhận và cách dàn dựng cũng rất khác nhau. Nhân vật "Dàn hợp xướng" có ông sử dụng một tốp ba người, mặc trang phục bảo hộ lao động màu xanh, giả làm "công nhân nhà hát" để phân biệt với các nhân vật trong kịch bản. Có ông đạo diễn lại dùng tiếng vọng từ trong hậu trường phát ra… Nhân vật chính, cô công nhân "rẻ tiền" Valia cũng được xử lý hoàn toàn không giống nhau. Rồi cách thiết kế mỹ thuật không vở nào giống vở nào. Một nhà hát dùng cách hoàn toàn ước lệ (conventionel), nhà hát kia dùng cách hoàn toàn giống thật (vraisemblable)…
Ông trợ lý đạo diễn vở này ở Nhà hát Maiakovski cùng ngồi xem với chúng tôi. Lúc nghỉ giải lao giữa hai phần, ông mời chúng tôi vào Phòng khách, lấy rượu và thức ăn ra khoản đãi. Ông cho biết cách xử lý ở nhà hát này được báo chí đặc biệt ca ngợi, đấy là công của đạo diễn Okhlopkov, cũng là Chỉ đạo nghệ thuật của Nhà hát, hiện đang là "hiện tượng" của sân khấu xô-viết.
Phải nói thêm rằng tuy rất khác nhau, nhưng cách xử lý của mỗi đạo diễn đều "có lý" và có sức thuyết phục cao, mặc dù sử dụng chung một chất liệu văn học (kịch bản) xuất phát từ cách "lý giải" (interpretation) của mỗi đạo diễn.
Một điều khiến chúng tôi đặc biệt chú ý là người Nga (và có lẽ người Phương Tây nói chung) coi nghệ thuật sân khấu là nghệ thuật cao quý, gần như cao nhất. Nhà hát (rạp hát) được coi là "thánh đường" tôn nghiêm. Khán giả vào xem đều mặc đẹp, lịch sự, nhiều người mặc lễ phục, như thể họ đi dự lễ hội. Phòng khán giả sạch như bong. Giờ giải lao khán giả sang "Phòng Khách" (foyer) bàn ghế sang trọng, có bầy bán các loại rượu quý, cả của Liên Xô sản xuất, cả của nước ngoài, các món ăn đắt tiền.
Đi xem sân khấu, đối với họ là đi dự hội, họ không tiếc khi phải tiêu tiền, phải thết đãi nhau… Khác hẳn ở ta, rạp hát nhiều rác rưởi, khán giả ăn mặc luộm thuộm, có gì mặc nấy. Ai khát, muốn uống nước cũng không có, phải đợi tan đêm diễn ra ngoài mới có thể ăn hoặc uống gì đấy.
Việc tiếp xúc với đồng nghiệp ở nhiều quốc gia khác cũng giúp chúng tôi thu lượm được rất nhiều kiến thức nghề nghiệp và biết thêm về tình hình chính trị từng nơi.
Khi tôi hỏi, sao không gọi là Hội Sân khấu Liên Xô mà lại gọi là Hội Sân khấu Toàn Nga, một đại biểu Nga cho biết : đấy là một hội thành lập trước Cách mạng Tháng Mười, năm 1877, và được Nhà nước Liên Xô cho phép tiếp tục hoạt động. Hội không chỉ là hội sáng tạo nghệ thuật đơn thuần mà còn là một tổ chức kinh doanh phục vụ cho sáng tạo nghệ thuật : Hội sở hữu các xưởng sản xuất mỹ phẩm, đồ hóa trang, xưởng chế tác râu tóc giả, sản xuất thiết bị đặc dụng của sân khấu, các loại đèn chiếu tạo hiệu quả khác lạ… tiền lãi được dùng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học về sân khấu. Hội có trụ sở rất lớn ở trung tâm Thủ đô Moskva, ngay bên cạnh quảng trường lớn Puskin, tại đấy có phòng họp lớn, có sân khấu mẫu mực, chuyên trình diễn những tiết mục hoặc trích đoạn có tính chất thử nghiệm, có Thư viện sách báo chuyên ngành sân khấu bằng nhiều thứ tiếng, và Viện nghiên cứu khoa học, chia ra các ngành nhỏ : biên kịch, lý luận phê bình, đạo diễn, diễn viên,,. Tầng dưới có một khách san- Nhà hàng được đánh giá là một trong những Nhà hàng sang nhất Thủ đô. Tối tối, sau khi diễn tiết mục, đạo diễn và diễn viên các nhà hát ở Moskva thường đến đây gặp gỡ, trò chuyện, ăn uống, khiêu vũ… Nhiều khách đến gần sáng mới chịu về nhà nghỉ ngơi.
Một đại biểu Nga khác kể với chúng tôi về chuyện Fadeev tự sát. Thì ra từ Đại hội XIX ĐCSLX, ông Chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô đã hoang mang và hối hận cực độ, đến mức chỉ cần một cái hích nhẹ cũng đủ khiến ông "buông tay rời khổi cuộc đời". Xấu hổ và nhục nhã, ông chỉ ở nhà, cố không tiếp xúc với ai. Nhưng cái cú "hích" ấy đã đến. Đấy là một hôm, tình cờ ông gặp một nhà văn, bạn lâu năm và đã từng rất thân thiết, bị tù oan, mới được tha ra. Nhà văn kia giữ Fadeev lại, hỏi : "Trong tù mình viết rất nhiều thư nhờ cậu thanh minh mà sao cậu không trả lời ?" Fadeev đau đớn đáp : "Cậu hãy nhổ nước bọt vào mặt mình đi ! Mình đáng được như thế lắm." Và mấy hôm sau thì ông tự sát : nỗi hối hận dày vò khiến ông không chịu nổi, nhất lại đối với một nhà văn sống có lương tri và tâm hồn nhạy cảm như ông.
Một đạo diễn Nam Tư bằng giọng hài hước kể chúng tôi nghe về số phận của trí thức Nam Tư lên voi xuống chó theo diễn biến chính trị như thế nào. Khi Hồng quân Liên Xô truy kích Phát xít Đức, tiện đường giải phóng Nam Tư thì nhân dân Nam Tư coi mỗi chiến sĩ Nga vừa là ân nhân, vừa là người anh hùng. Họ mời các chiến sĩ xô-viết đến nhà, ấn vào các túi áo, túi quần và hai bàn tay từng người tất cả những vật quý giá nhất có được trong nhà, thậm chí bảo cả con gái họ thỏa mãn tình dục cho lính Nga… Chiến tranh kết thúc, Liên Xô viện trợ hậu hĩ cho Nam Tư. Hàng loạt thanh niên nam nữ được đưa sang Liên Xô đào tạo và khi về nước họ được coi là những người đáng tin cậy nhất, nhận những chức vị cao. Đến khi đột nhiên Stalin tuyên bố khai trừ Đảng Cộng sản Nam Tư ra khỏi Quốc tế Cộng sản và vu cho Nhà nước Nam Tư là phản động, tay sai của Tư bản, và cơ quan báo chí của hai Đảng Cộng sản chởi bới nhau không còn tiếc lời lẽ thô tục nào, thì tất cả những ai đã đi học hoặc thực tập ở Liên Xô về đều bị chính phủ Nam Tư bắt giam để "cải tạo". Gần đây, sau Đại hội XIX, khi Khrushov dẫn đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô sang đàm phán, nhằm giải tỏa mối hiềm khích, nối lại quan hệ xưa kia bị Stalin làm đứt đoạn, thì những người đang ngồi tù kia lập tức được thả. Nhưng hiện nay cuộc đàm phán giữa Nam Tư và Liên Xô còn vướng mắc gì đấy nên những người kia hiện vẫn nằm chờ… chưa được giao công việc gì hết. Nếu cuộc đàm phán thắng lợi, họ sẽ có việc làm, thậm chí trọng dụng, nhưng nếu thất bại, rất có thể họ phải quay lại nhà tù ! Câu chuyện anh ta kể với giọng hài hước nhưng tôi thấy không muốn cười mà chỉ muốn khóc. Sao lại có thể như thế được ? Tôi chợt nhở đến câu của văn hào Pháp J.-P. Sartre nói về cuối đời, sau khi trải qua những thăng trầm kiểu như thế, lúc được Đảng Cộng sản Pháp tán thành thì hàng trăm bài báo bốc ông lên đến mây xanh, nhưng khi ông phát biểu một ý kiến nào trái với ý của Liên Xô hoặc Đảng Cộng sản Pháp, thì lập tức xuất hiện hàng trăm bài báo vùi ông xuống bùn đen và không tiếc lời thóa mạ, chưởi rủa. Câu ông chua xót như sau. "Hélas ! Je ne savais pas que la destinée, c' est la politique !" (Than ôi, trước kia tôi đâu biết rằng số phận là do chính trị quyết định).
Vào thời điểm ấy ở Liên Xô phát triển một hình thái báo chí tự do. Đấy là phong trào sáng tác và phổ biến thể loại "tiếu lâm chính trị" Phong trào này càng về sau càng phát triển, nhưng vào thời gian tôi đến đây lần đầu này tôi đã được nghe một số truyện. Các truyện đều được coi một cách ước lệ là do Đài Phát thanh Armeni phát đi. Đấy là cái tên tưởng tượng. Truyện nào cũng rất hóm và rất ý nghĩa. Tôi thích nhất là truyện sau đây :
"Một hôm Đài phát thanh Armeni đưa tin : Chủ Nhật vừa rồi ba thanh niên Pháp, Mỹ và Liên Xô ngồi nhậu với nhau. Đột nhiên chàng Pháp đưa ra câu hỏi : "Theo bạn thế nào là hạnh phúc. Riêng tôi thì cho rằng mỗi sáng có được một tách cà phê Bra-xin và một điếu thuốc lá thơm. Còn hai bạn. Chàng người Mỹ nói, tôi thì cho hạnh phúc nhất là khi có ít nhất là 100 triệu đô-la gửi trong ngân hàng. Còn cậu, chàng trai xô-viết ? Anh này chỉ tủm tỉm cười không đáp. Hai anh bạn kia phải thúc mãi, anh ta mới chậm rãi nói : "Hai cậu đòi hỏi quá. Mình thì không đòi hỏi cà phê nóng và điếu thuốc lá thơm hàng sáng, cũng không đòi hỏi có 100 triệu đô-la trong ngân hàng…" Hai bạn kia thúc "Vậy cậu đòi cái gì ? Một chuieecs du thuyền thật oách hay một lâu đài cỡ Windsor ?" Mãi sau chàng trai đồng bào của chúng ta mới chậm rãi nói : "Tớ yêu cầu một điều rất giản dị. Hai cậu thử hình dung, Nửa đêm đang ngủ say, có tiếng chuông ngoài cửa. Vội ngồi dậy, ra mở. Thấy ba nhân viên công an đứng đấy, mỗi anh một khẩu sáng ngắn, vẻ mặt lạnh lùng. Anh ở giữa cầm tờ giấy đọc : "Mày là Victo Sepulov phải không ?" Tay an ninh bên cạnh đã mở sẵn cái còng số 8. Mình lấy hết bình tĩnh đáp : "Rất tiếc là không. Sepulov ở căn hộ 297, bên phải căn hộ này" và mình trỏ. Họ sang căn hộ bên phải bấm chuông. Mình đóng cửa, quay vào và thở ra : Hú vía ! Đấy là giây phút hạnh phúc nhất của mình trên đời."
Tôi còn được biết một câu chuyện nữa khá lạ. Và là chuyện tình cảm.
Chẳng là vì không có phiên dịch tiếng Việt nên ban tổ chức Hội thảo cử một nữ phiên dịch tiếng Pháp đến giúp chúng tôi. Lần đầu gặp chị tôi đã mến và quý ngay. Chị không đẹp lắm, nhưng dễ mến và đặc biệt là rất phúc hậu. Mọi thái độ đối xử đều chân thành và nghiêm túc, không một chút màu mè, giả dối. Tên chị là Tania (tên gọi tắt và thân mật của Tachiana). Vì nhỉnh hơn tôi vài tuổi nên chị đối xử với tôi như với em ruột. Chị kể chị là người Mondavia (một nước Cộng hòa trong Liên bang Xô-viết). Vì người Mondavia nói tiếng Rumani, một thứ tiếng thuộc họ ngôn ngữ La-tinh, nên chị học tiếng Pháp rất nhanh và hiện sử dụng rất thành thạo.
Khi đã hiểu nhau và trở nên thân tình, chị đưa chúng tôi xem bức thư cuối cùng (gần đây nhất) của người yêu. Lá thư chị nhận trước đây hai tháng và từ bấy không nhận thêm được thư nào nữa. Chi rất lo và sốt ruột, không phải lo anh thay đổi tình cảm, anh không phải loại người dễ thay đổi và tình cảm giữa hai người đã rất gắn bó. Nhưng chị lo anh ấy gặp hiểm nguy gì đấy. Chẳng anh là người Cu-ba và lại hoạt động chính trị. Tin tức gần đây từ Cu-ba cho biết tình hình đang rất phức tạp. Anh lại thuộc số nhà lãnh đạo của Phong trào chính trị đối lập. Rồi chị kể về "anh ấy" cho chúng tôi nghe. Anh ấy, lấy bí danh là Raphael, còn tên thật là Raun Castro, em lãnh tụ Fidel Castro. Hai anh chị quen nhau là khi anh được "Phong trào 26/7" (tiền thân của Đảng Cộng sản Cu-ba) cử sang làm phái viên thường trú đặc biệt của họ tại Liên bang Xô-viết. Phong trào này do anh trai của anh ấy là Fidel Castro cùng với Che Ghevara tổ chức và lãnh đạo, đang vận động nhân dân Cu-ba tiến hành khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của Tổng thống Batista. Chị được cử làm phiên dịch tiếng Pháp cho anh ấy. Và vì mấy thứ tiếng rất giống nhau nên chị cũng nói tàm tạm được tiếng Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ của anh. Trong quá trình làm việc, hai người hiểu nhau, quý mến và cuối cùng yêu nhau. Họ đã chính thức đính hôn. Cũng chính tại đây anh Raphael đã được nghiên cứu chủ nghĩa Mác và thuyết phục đi theo chủ nghĩa Cộng sản. Sau đấy về nước, anh đã thuyết phục ông anh Fidel Alejandro Castro Ruz cũng đi theo chủ nghĩa Cộng sản.
Thấy vẻ mặt Tania lo lắng, hai chúng tôi cố an ủi chị. Lúc ấy Cách mạng Cu-ba chưa thắng lợi, và Fidel chưa là người cộng sản. Hôm ra ga tiễn Trần Bảng về nước, chị và tôi lên ô-tô trở về, chị đưa địa chỉ và số điện thoại cho tôi, bảo thỉnh thoảng gọi điện cho chị và nếu có thời gian thì hai chị em gặp nhau. Nhưng sau đấy, công việc bận rộn, tôi không gọi điện lần nào cho chị.
Mãi hai năm sau, khi sang Liên Xô học Đại học năm 1961, tôi mới xực nhớ đến chị, bèn gọi điện nhưng không thấy trả lời, tôi đến địa chỉ chị ghi cho tôi thì bác gác cổng nói chị đã sang Cu-ba và nghe đâu đã lấy chồng bên ấy. Từ bấy đến nay, mải mê những công việc khác, tôi không nghĩ gì đến chị nữa và cũng không biết thêm tin tức gì về người phụ nữ cực kỳ phúc hậu và đáng mến ấy. Hôm nay nhớ lại chuyện xưa, tôi bỗng tự hỏi, không biết chị còn sống không, và nếu còn sống thì hiện giờ ở đâu và vui buồn ra sao ? Nhẩm tính thì đã 54 năm. Bao nhiêu nước đã chảy qua trong dòng sông cuộc đời.
Hội thảo diễn ra ở Moskva mười ngày thì chuyển đến Leningrad làm tiếp thêm bốn ngày nữa. Về mặt nghệ thuật, nhất là nghệ thuật sân khấu, Leningrad được coi là ngang tầm, thậm chí nhỉnh hơn một chút so với Moskva. Tại đây có những Nhà hát lâu đời, đã tồn tại hàng trăm năm, uy tín vang rộng khắp thế giới. Nhà hát opera và ba-lê mang tên Kirov ở đây thậm chí còn được coi là đàn anh của Nhà hát Bolshoi ở Moskva.
Tàu tốc hành Moskva-Leningrad chạy một mạch suốt đêm. Tan tiết mục, các đại biểu ăn buổi tối xong mới đi xe ra ga Leningrad. Nhận giường nằm lúc đã quá nửa đêm, đặt lưng ngủ thì sáng hôm sau, thức dạy đã thấy đoàn tầu đang giảm tốc độ, tiến vào sân ga Leningrad.
Thời gian biểu hàng ngày vẫn như ở Moskva. Các đại biểu được tham quan sông Neva, Cung điện Mùa Đông, Cung điện Mùa hè, Chiến hạm Rạng Đông, Điện Smolnyi, nơi đóng bản doanh của Cách mạng tháng Mười, cũng là nơi Lenin cùng Bộ tham mưu chỉ đạo làm việc trong "Những ngày Tháng Mười"…
Các đại biểu được tham quan cả "lều cỏ" ở hồ Ladoga, nơi Lenin ẩn náu sau khi từ Phần Lan về nước. Chính tại đây Người đã viết bản "Luận cương Tháng Tư", văn kiện đã quyết định Nguyễn Tất Thành chọn con đường đi theo Quốc tế III…
Tiết mục "Bi kịch Lạc quan" do Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô George Tovtonogov đạo diễn ở Nhà hát Hàn lâm Leningrad quả là một tác phẩm tầm cỡ, xứng đáng nổi tiếng thế giới, và là niềm tự hào của nền sân khấu Liên Xô. Nhưng khi nghe nói ông là người Giê-ooc-gi, nghĩa là cùng quê và cùng dân tộc với Stalin, tôi đã giảm đi phần nào sự thán phục đối với ông ta. Dù sao, tôi cũng đánh giá rất cao cách xử lý kịch bản của ông. Kịch bản này tôi biết rất rõ vì chính tôi đã dịch nó và chuyên gia đạo diễn Vassiliev đã tính sau khi dàn dựng xong tiết mục "Liu-ba" sẽ dàn dựng... Rất tiếc là ông đã không thực hiện được ý định ấy mà phải kết thúc thời gian làm việc ở Việt Nam sớm hơn dự kiến, để đưa bà vợ bị ung thư đại tràng về Liên Xô điều trị. Do đấy tôi gần như thuộc lòng kịch bản, cho nên thấy rất rõ tài sáng tạo của Tovtonogov, với cách sử dụng bục nghiêng theo kiểu đạo diễn tài ba số một Meyerhold, người đem danh tiếng cho nghệ thuật đạo diễn xô-viết, nhưng về sau cũng bị Stalin vu cho là "kẻ thù của nhân dân" và bị xử bắn !
Sau khi từ Leningrad trở về Moskva, Hội thảo kết thúc. Anh Trần Bảng về nước, còn tôi ở lại chờ Đoàn Ca Múa để cùng đi Vienne (thủ đô nước Áo) tham dự Fesstival lần thứ IX.
Chuyến đi Liên Xô đầu tiên đã giúp tôi học được bao nhiêu điều bổ ích, đồng thời cho tôi một chuyến du lịch hết sức thú vị.
Dinhphong Vu (Facebooker)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét