Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

"LÍNH ĐÁNH THUÊ"

Bốn chàng bác sỹ quân y MT 579 (1984-1987) cùng lò đào tạo ĐHYHN (1977-1983). Tính từ trái: Phạm Tất Chủ (Phú Xuyên, Hà Nội 2) - Đào Hồng Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương); Sao Hồng (Lệ Thủy, Quảng Bình) & Kiều Ngọc Đức (Quỳnh Lưu, gốc Đức Thọ, Hà Tĩnh, cùng quê với Tướng Nhã). Ảnh chụp năm 1985 tại Strưng t'reng.

Lời dẫn:
"Lính đánh thuê" là cụm từ mà báo chí miền Bắc trước năm 1975 rất hay dùng. Nhất là những bài viết có liên quan đến quân đội Mỹ, Úc, Hàn ... tham chiến ở Việt Nam và lính Việt Nam Cộng hòa.

Thực ra thời đó, các nước đó đưa quân tham chiến tại Việt Nam vì họ là thành viên của Hiệp ước quân sự khối SEATO (South East Asia Treaty Organization). Hình nhưmọi người cũng lãng quên khối này rồi.
Thời nay trên thế giới vẫn có đội quân chuyên đánh thuê. Họ mang danh là các công ty an ninh, đặc nhiệm tư nhân. Họ có những hợp đồng "tham chiến", “giải quyết xung đột”... từ các tổ chức bí mật hoặc với một số chính phủ lắm tiền nhưng không muốn công dân nước mình bị thiệt mạng. Đó là lính đánh thuê thực sự chuyên nghiệp.


Nhân ông Tướng CA họ Trần lên truyền thông bàn về chuyện… “đi lính thuê” sắp được đưa vào Luật, mình kể chuyện "LÍNH ĐÁNH THUÊ" của Việt Nam mà mình biết. Chuyện những năm 1980s ở chiến trường K. Gọi là "đi lính thuê" nhưng ở chiến trường họ được coi là “lính tình nguyện”. Tên gọi là gì thì suy cho cùng đều là LÍNH ĐÁNH THUÊ cả. Nhưng “đi lính thuê” cho cá nhân thì “giá” họ cao hơn bọn mình, những người “lính tình nguyện” theo nghĩa vụ của một công dân!

Giữa năm 1985, mình thay Đại úy Bác sỹ Lê Trọng Huân phụ trách Khoa A4 (Lây & Da liễu) của Bệnh viện Tiền phương QKV (B21) ở Đông Bắc Cămpuchea. Nếu hôm trước không trực, thì sáng hôm sau mình lên Khoa rất sớm. Trước giờ giao ban, mình đi kiểm tra một vòng ba dãy buồng bệnh và xem có ca nào vào trong đêm.
 Giữa năm 1985, mình thay Đại úy Bác sỹ Lê Trọng Huân phụ trách Khoa A4 (Lây & Da liễu) của Bệnh viện Tiền phương QKV (B21) ở Đông Bắc Cămpuchea. Nếu hôm trước không trực, thì sáng hôm sau mình lên Khoa rất sớm. Trước giờ giao ban, mình đi kiểm tra một vòng ba dãy buồng bệnh và xem có ca nào vào trong đêm.
 Một hôm trưởng ca trực báo, "có một ca Sốt rét Đái huyết cầu tố (SRĐHCT) tuyến trước chuyển về; không sốt, lượng nước tiểu bình thường, nên không gọi anh. Đang nằm ở phòng bệnh nhân nặng".
Mình liếc qua bệnh án thấy ghi: "Hoàng Cát, 20t, Phù Cát, Nghĩa Bình. Chẩn đoán: SRĐHCT độ II,..."Mình sang xem ngay bệnh nhân.

Khi mình hỏi, "Bệnh binh Hoàng Cát là ai?"
- Dạ, em đây.
Cạnh cửa ra vào, một bộ mặt hốc hác xanh xao với hốc mắt sâu và lưỡng quyền nhô cao, hướng về phía mình.
- Đây mà là thanh niên tuổi hai mươi à? Bốn mươi thì có!
Mình ngạc nhiên thốt lên.
Bệnh binh Cát có vẻ lúng túng đáp,"Dạ".

Đông Bắc Cămpuchea là vùng dịch tễ sốt rét nặng nhất Châu Á. Bệnh binh nhập ngũ sau Tết. Huấn luyện tân binh 3 tháng. Mới qua K hai tháng và đinh liền sốt rét. Sốt đái ra máu bầm hai lần rồi nhưng nhẹ. Lần này bệnh xá sư đoàn (307) cho chuyển viện. Họ sợ quá tam ba bận…
Mình khám xong vẫn để nằm theo dõi chứ không truyền dịch.

Tối hôm đó, mình trực Viện. Khuya về Khoa kiểm tra thấy giường Cát trống không. Đi ra đầu hồi nhà, nhìn ra bìa rừng, thấy Cát đang ngồi đốt thuốc. Mình đến bên nhắc Cát tắt thuốc và ngồi xuống bênh cạnh.
- Anh Cát đi lính cho ai phải không?
- Dạ! Sao thủ trưởng biết?
- Nhìn mặt anh là biết liền.
- Em đi lính thuê thủ trưởng à.
- Trước năm 1975, anh thuộc sắc lính nào? Có bị sốt lần nào chưa?
- Em là lính bảo an bác sỹ ạ. Có sốt nhưng không tiểu ra máu đen như bây giờ.

Cát lớn tuổi bằng anh cả mình, chuyển sang xưng hô bác sỹ và em chứ không thủ trưởng nữa. Rồi mạch chuyện như được khơi ra.
Em không biết sinh năm nào. Nhưng nghe Ngoại nói năm Tây trở lại sau cách mạng tháng Tám. Bố mẹ chết khi Tây càn. Ở với Ngoại đến hơn 20 tuổi thì đi lính. Đóng quân ở An Khê. Năm bảy lăm, khi Tây Nguyên thất thủ và sư 23 tháo chạy, em bỏ ngũ về quê. Sau thì ra trình diện và có đi học tập cải tạo một thời gian. Ngoại không còn ai, khi ốm nặng, thì địa phương bảo lãnh cho về quê để chăm sóc. Ruộng không có. Em ở nhà một thời gian rồi đi kiếm việc mà không được. Ai mà tuyển lính ngụy bác sỹ. Đi nhặt phế liệu qua ngày. Nghèo hèn chẳng dám kiếm vợ. Mình tự nuôi mình chưa nổi nữa là... Ngoại thi già rồi...

- Lớn tuổi như anh lại từng đi lính cộng hoà, sao quân lực người ta tuyển?
- Em không biết. Người thuê em họ lo hết.
- Họ trả cho anh bao nhiêu, người thuê ấy?
- Bốn cây bác sỹ à. Đưa trước hai cây. Nhưng...
- .... nhỡ chết thì sao? Ngoại có biết không?
- Ngoại không biết. Em đòi đưa cả bốn cây. Người ta thì giàu. Con trai lại sắp cưới vợ. Nghe nói đi K là sợ lắm. Em cũng nói, nhỡ tui chết không về thì sao... Họ bảo ở nhà họ sẽ chăm ngoại. Nếu không về họ nuôi Ngoại luôn. Nhưng em không chịu, lấy hết luôn về đưa cho Ngoại cất. Lúc đó Ngoại mới biết và khóc dữ lắm. Nhưng em quyết rồi. Ở nhà cũng không có việc làm. Mình cũng qua trận mạc rồi nên không ngại... May mắn thì ra quân về mở quán sửa xe nuôi Ngoại....
Quê em đi lính thuê như em không ít đâu bác sỹ à...

- Tôi biết. Thằng Vinh y tá khoa cũng đi thay cho em trai nó. Em nó đã có vợ con. Nó lại độc thân. Nhưng nó lấy tên em nó là Lê Quang Vinh. Thằng Hùng(*) hộ lý, người Huế cũng mới sang, nghe đâu cũng đi thay cho con ông chú họ ở Đà Nẵng... tôi chưa hỏi. Nhưng chuyện của anh thì buồn quá. Anh lớn tuổi rồi. Chẳng nhẽ cả đời đi lính thuê?... 
Thôi đi ngủ. Bỏ thuốc lá đi. Có khi không chết trận mà chết vì thuốc lá đấy!
- Dạ…
 ...

Mình kéo dài thời gian nằm viện cho Cát. Chẩn đoán cuối cùng vẫn ghi “SRĐHCT tái phát lần 3”. Đủ cơ sở để chuyển về tuyến sau. Nghĩa là nguy cơ chết trận không còn nữa. Mình còn bày cho Cát trả lời sao khi Trung tá Viện trưởng(**) đi kiểm tra trước khi duyệt ký giấy chuyển viện.
Bây giờ không biết Cát có về quê hay lưu lạc nơi nào.

                                                                ***
Thời nay, nhiều nhà giàu là “tư bản đỏ” mang danh cộng sản. Người nghèo ngày càng nghèo và càng thiệt thòi vì không tiếp cận được các “thành tựu đổi mới” của “nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa…” này.

Nghĩ đến Quốc Hội mà thông qua “Luật Nghĩa vụ quân sự” sửa đổi như Tướng Trần Đình Nhã nói thì rồi sẽ có nhiều người nghèo như Cát đi lính thuê cho nhà giàu là cái chắc.

Nhưng chuyện đi lính thuê của anh Cát hồi xưa là phạm luật. Bây giờ Quốc hội Việt Nam đang hợp thức cái sự phạm luật đó để ưu đãi cho con nhà giàu!
Buồn !

Tác giả: Sao Hồng

24/11/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét