Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

“Bài diễn văn lịch sử” của Putin

Sau bài phát biểu của Putin, có thể “thế giới sẽ không bao giờ còn như trước nữa”, nhưng nhiệm vụ của Châu Âu và Phương Tây là đừng để cho nó trở về những năm tháng mông muội của thế kỷ 20... 
Facebooker Nguyễn Hoàng Linh


Rất nhiều người phấn khích trước bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Crimea trong phiên họp bất thường của Quốc hội Nga. Báo chí ta, trích một số ý kiến đây đó, bảo rằng đây là một “bài diễn văn lịch sử”, “có lẽ là bài diễn văn vĩ đại nhất của Putin”, và sau bài diễn văn này thì “thế giới sẽ không bao giờ còn như trước nữa”, v.v...
Mạng soha.vn đăng một số “ý kiến bạn đọc”, đa phần là theo hướng tung hô ngất trời, rất hào hứng, trong đó có những ý rất “hay”, tỉ dụ: “Dân tộc Nga sản sinh ra những người con vĩ đại, trước đây là Vladimia Ilich Lê Nin nay là Putin, cũng như dân việt ta có Bác Hồ và bác Giáp... Họ xứng đáng là Thánh, là chúa Trời...”.
Không có thời gian phân tích hay bình luận mọi ý trong phát biểu của Putin, nhưng cần phải nói ngay: đây là một diễn văn hết sức nguy hiểm đối với người đọc, và thế giới!
Xét về hình thức và cách diễn đạt, phát biểu của Putin không khác, và không hơn một cách đáng kể so với những diễn văn, hoặc thậm chí... cáo trạng thời cộng sản Stalinist, thập niên 30-40 và đôi lúc, 50-60. Nghĩa là một chút sự thật (nhiều khi chưa tới một nửa), pha trộn với những dối trá, ngụy biện và theo hướng kích động.
Xét về nội dung, những con bài cũ mèm tiếp tục được sử dụng: nếu như trong thập niên 30 thế kỷ trước, chính quyền vu cho những ai mà họ muốn loại trừ là “kẻ thù của nhân dân”, thì bây giờ, những bóng ma giả hiệu như “chủ nghĩa tân phát xít” hay liên minh của những kẻ thù ghét Nga đang được đưa ra để làm lý do và biện minh cho chủ nghĩa bá quyền và sự can thiệp vũ trang của Nga.
Đặc biệt, lý luận thoạt đầu nghe rất xuôi tai kiểu mảnh đất A vốn là “một phần máu thịt” của nước B, nên giờ B cần thu nhập lại dẫn tới một tiền lệ rất nguy hiểm trong ngoại giao quốc tế. Bất cứ nước nào, lục lại lịch sử, cũng có thể “phát hiện” ra hàng loạt hệ lụy như thế, và ý muốn “thu hồi” chúng sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn liên miên, nếu không muốn nói đến là bản đồ thế giới sẽ phải vẽ lại ở một số nơi.
Riêng đối với Hungary, một số chính khách cực đoan đã tung hô “tấm gương Crimea”, và cho đó là điều mà nước Hung và dân Hung có thể làm: gây ảnh hưởng để biến tất cả những vùng đất Hungary đã phải cắt cho các nước láng giếng năm 1920 (trên cơ sở Hiệp định hòa bình Trianon) trở thành những vùng tự trị. Để rồi, đến lúc nào đó, có cơ hội “theo gương Crimea” .
Với bài phát biểu này, nước Nga của Putin dường như đã sẵn sàng cho một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Putin “dám” làm việc đó, không phải vì Liên bang Nga có gì đấy quá mạnh về kinh tế hay quân sự (cho dù con bài năng lượng của Nga - vũ khí độc nhất có thể khiến một phần của thế giới phải quan ngại - có lẽ vẫn còn có sức nặng trong một thời gian nữa).
Châu Âu và Phương Tây nói riêng, nhìn chung đã “văn minh” hơn, và vượt quá những giới hạn của thế kỷ 19-20, khi bạo lực và chiến tranh là phương tiện duy nhất, hoặc ít nhất cũng rất được coi trọng, để phát triển và gây thanh thế. Hiện tại, tinh thần và nền dân chủ Phương Tây không cho phép họ dễ dàng lao vào một cuộc đối đầu vô nghĩa, chỉ vì có kẻ đã thách thức họ.
Hành xử như thế, chí ít là Châu Âu đã nhận phần khó về mình: làm sao để thế giới, hay ít nhất là khu vực tránh được những đụng độ, đặc biệt là căng thẳng quân sự một cách không cần thiết. Nhưng đồng thời, phải bảo vệ những hệ giá trị và nền dân chủ Châu Âu, bên cạnh đó, khích lệ những ai muốn tới gần và chia sẻ với họ những giá trị và tinh thần ấy.
Sau bài phát biểu của Putin, có thể “thế giới sẽ không bao giờ còn như trước nữa”, nhưng nhiệm vụ của Châu Âu và Phương Tây là đừng để cho nó trở về những năm tháng mông muội của thế kỷ 20... 
Facebooker Nguyễn Hoàng Linh

1 nhận xét:

  1. Ban Linh Hoang Vu có 1 stt mà rất nhiều người đồng tình:
    "Có một chuyện mà mình để ý và tới giờ vẫn thấy hơi ngạc nhiên là hình như rất nhiều, và có khi là đa số những người học ở Nga về đều có xu hướng yêu nước Nga hay tôn sùng nước Nga nhiều hơn mức thông thường (nếu so với những người học ở các nước Đông Âu, TQ, Anh, Mỹ, Pháp...) thậm chí tới mức luôn ủng hộ những gì nước Nga làm, bất chấp trái phải".
    Tổng Biên tập báo NCTK Nguyen Hoang Linh bổ sung:
    "Thật ra, người Việt có lẽ giàu tình cảm (?) nên đi đâu xa (học tập, sinh sống) thì yêu nơi mình đến (đất nước, con người...), cái đó là đúng, là nên, ko thế mới là có vấn đề. Tuy nhiên, nên phân biệt tình yêu một đất nước và con người ở đó, với sự sùng bái mù quáng thể chế, lãnh tụ "nước bạn".
    Các anh/chị/bạn... từng học ở Đông Âu (mà mình quen biết, có dịp trao đổi) có vẻ ít bị mắc cái này...
    Tại sao thế nhỉ?"
    Rất đồng ý với hai bạn này! Mềnh quá dị ứng với việc “một bộ phận không nhỏ” các bạn ở Nga về "bảo hoàng hơn cả Vua", chả còn phân biệt đúng sai.
    Mình còn dị ứng hơn với việc nhà nước Việt chi hàng đống tiền dân để làm các chương trình kỷ niệm (mồ ma) Cách mạng Tháng Mười và các công trình (phản) nghiên cứu KH với Nga chỉ để thoả mãn sở thích quay ngược bánh xe lịch sử của mấy vị nào đó học ở Nga về!
    Các vị có biết sự tuyên truyền vô bổ đó đã tạo ra một lớp thanh niên không đọc báo, nghe đài gì mà cũng tôn sùng Putin như cụ Tố Hữu từng tôn sùng Stalin, làm trò cười cho cả thế giới không? Rồi đến lượt họ, họ sẽ lãnh đạo đất nước thế nào?

    Trả lờiXóa