Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

CHUYỆN ĐỜI TỰ KỂ: Đoạn kết buồn của một mối tình Ucraina - Việt Nam

Elena Elovikova cùng con trai Andrei và con gái Maia

Tôi và anh quen nhau tại Kiev. Chúng tôi lấy nhau và sinh được hai đứa con tuyệt vời - con trai Andrei và con gái Maia. Lúc đầu, mẹ tôi phản đối kịch liệt quyết định lấy chồng của tôi. Thứ nhất, vì chồng tôi - Hà - là người Việt Nam bán hàng ngoài chợ. Thứ hai, vì anh hơn tôi đến 16 tuổi đời. Nhưng mặc cho những linh cảm của mẹ, chúng tôi đã cùng chung sống với nhau suốt 8 năm trời hòa hợp và hạnh phúc. Hầu như chúng tôi chưa bao giờ có những bất đồng lớn. Chồng tôi rất yêu lũ trẻ và sẵn sàng giúp tôi làm mọi việc trong nhà, từ nấu nướng đến dọn dẹp nhà cửa. Cuộc sống tưởng đâu cứ mãi như vậy. Cho đến một ngày, Hà nhận được tin bố ốm nặng, có thể không qua khỏi. Anh lập tức bay về Việt Nam. Một thời gian sau, anh gọi điện sang và bảo mẹ con tôi sang Việt Nam với anh. Thực tâm tôi không muốn đi cho lắm, vì đường xa mà hai con còn nhỏ - con trai tôi sáu tuổi, còn con gái mới có một năm bốn tháng. Nhưng Hà động viên tôi rất nhiều và nói chỉ ở Việt Nam vài tháng là cùng. Chủ yếu là anh muốn giới thiệu mẹ con tôi với gia đình, họ hàng bên nội. Thế là tôi quyết định lên đường, mang theo hai con mà lòng không hề nghĩ có những gì đang chờ đợi mình ở phía trước.

Ấn tượng về làng quê Việt Nam

Mẹ con tôi sang Việt Nam khi bố chồng tôi đã mồ yên mả đẹp. Ngày đầu ở nhà chồng, chúng tôi đã đưa hai con đi thăm mộ ông nội. Nghĩa địa nằm ngay gần nhà, nhưng thực sự mà nói, nó khác xa với hình ảnh quen thuộc của những nghĩa trang ở Ucraina. Người Việt Nam có một phong tục rất đặc biệt: ba năm sau khi chôn cất người quá cố, họ lại đào lên, lấy xương mang đi chôn lại(!) Lần thứ hai này mới là lần chôn cất vĩnh viễn.

Quê chồng tôi là một ngôi làng gồm khoảng 400 nóc nhà, nằm không xa thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, ở đó không hề có đường ống khí đốt. Mọi người chủ yếu nấu thức ăn bằng bếp rạ. Chỉ có một số gia đình khá giả mới dám nấu ăn bằng bình gas, vì đó là một điều xa xỉ đối với những người nông dân. Dân làng nghèo đến nỗi, khi ai đó mua sắm bất kỳ vật gì cũng đều trở thành sự kiện của cả làng. Làng mạc ở Việt Nam cũng có nhiều điểm giống với làng quê ở Ucraina, chỉ có điều đường xá không trải nhựa, mà đổ bằng bê tông. Có lẽ bê tông chịu nóng tốt hơn so với nhựa đường. Xung quanh mỗi ngôi nhà đều có rãnh thoát nước. Lúc đầu, tôi không hiểu tại sao phải làm như vậy. Sau đó, tôi đã hiểu - vì vào mùa mưa, dù có rãnh thoát nước nhưng nhiều lúc vẫn phải lội nước đến tận đầu gối! Khó chịu nhất là áo quần giặt xong phơi cả tuần cũng chẳng chịu khô cho.

Món bánh xoài

Ngày thứ hai ở nhà chồng, Hà đột ngột tuyên bố rằng chúng tôi sẽ ở lại Việt Nam vĩnh viễn. Hành động của anh làm tôi hết sức ngỡ ngàng, vì anh đã tự quyết định mà không hề bàn với tôi lấy một tiếng. Tôi không thể ngờ rằng người chồng đã từng chung sống suốt tám năm trời lại có thể xử sự với tôi như vậy! Ở Việt Nam, anh đã trở thành một con người khác hẳn: anh hầu như không âu yếm, chuyện trò với tôi bao giờ, và thường tự quyết định mọi việc, kể cả những việc có liên quan trực tiếp đến tôi và các con.

Dù rất buồn trước sự thay đổi của Hà, nhưng trong một giai đoạn nào đó, tôi đã buộc mình phải chấp nhận điều đó. Vì dù không muốn, tôi cũng chẳng có con đường nào khác, tiền quay về cũng không có luôn. Nhưng dù sao, trong thâm tâm tôi vẫn luôn hy vọng sẽ thuyết phục được chồng cho mẹ con tôi trở lại Ucraina.

Thật ra, không thể nói là mọi người đối xử không tốt với tôi, nhưng có quá nhiều khác biệt trong cách sống của người Việt Nam và người Ucraina. Chẳng hạn, tôi không thể hiểu tại sao người Việt Nam có thể sống được mà không cần đến các sản phẩm sữa? Bò ở Việt Nam nuôi chỉ để lấy thịt, vì vậy thậm chí mọi người chẳng hề có khái niệm về bơ, sữa hay phó mát gì cả. Con gái Maia của tôi vẫn quen ăn cháo sữa, vì vậy tôi đã phải mua sữa đặc có đường, có lúc cả sữa đậu nành, để nấu cháo cho con. Mẹ chồng tôi không thể hiểu nổi khi thấy tôi cho sữa vào cháo. Có lẽ đối với họ, đó là một món ăn hổ lốn đáng sợ?!

Còn với tôi, có lẽ đáng sợ nhất là nhà trẻ ở quê chồng. Lịch làm việc ở đó đã rất đặc biệt: sáng 5 giờ đưa trẻ con đến (trước khi đến phải cho ăn sáng ở nhà), đến 10 giờ phải đón về cho ngủ trưa ở nhà! Các lớp được phân chia không theo lứa tuổi, mà theo nguyên tắc "ai đăng ký trước vào trước". Vì vậy trong một lớp có thể có cả trẻ sơ sinh mới mấy tháng trời, cùng những cháu đã 5-6 tuổi. Cửa sổ các phòng không đóng bao giờ, cánh cửa ra vào cũng không có luôn. Trẻ nhỏ nằm trên chiếu trải dưới nền nhà, còn lũ lớn hơn thì chạy lăng quăng xung quanh. Nói chung, có người trông hộ trẻ con để bố mẹ đi làm đồng là tốt lắm rồi!

Thời gian đầu, mọi người định dạy tôi làm ruộng, nhưng tôi phải thú thật là chẳng hề có khái niệm gì về công việc đó cả. Tôi cũng đã từng cùng mọi người trong gia đình nhà chồng lội ruộng cấy lúa, nhưng đến khi biết rằng dưới làn nước bùn đỏ quạch đó còn có cả những con rắn nữa, thì tôi phát hoảng. Mọi người thông cảm, không bắt tôi lội ruộng nữa, mà bảo tôi học sử dụng máy tuốt lúa. Nhưng tôi làm chẳng ra hồn, khiến cho mọi người phát chán. Nhiều người trong gia đình, họ hàng nhà chồng tôi tỏ rõ vẻ thất vọng vì sự lóng ngóng trong công việc đồng áng của tôi.

Bù lại thì sự hiện diện của tôi cũng phần nào làm phong phú thêm đời sống dân làng. Nhất là trong công việc bếp núc. Người Việt Nam chỉ quen ăn khoai tây nấu canh, vì vậy, mọi người rất ngạc nhiên trước món khoai tây nghiền do tôi làm ra, khi nếm thử ai cũng khen ngon. Món bánh xèo truyền thống của người Ucraina cũng được đón nhận nhiệt tình (mọi người gọi đó là món bánh mì ngọt). Tôi đã dạy cho mọi người làm một số món ăn như món bít tết và thịt băm viên. Món bánh xèo nhân xoài do tôi "sáng tạo" ra thật sự ngon miệng và hợp khẩu vị nên ai cũng thích.

Ước muốn trở về

Hà tìm được việc làm ở Hà Nội. Anh bỗng dưng sinh ra nghiện cờ bạc, bao nhiêu tiền làm ra đều nướng hết vào trò chơi đỏ đen. Hồi ở Ucraina, tôi chưa bao giờ thấy anh như vậy. Mẹ chồng tôi không biết về điều này, nên sinh ra nghi ngờ tôi giữ hết tiền lương của anh. Từ sự nghi ngờ đó, bà bắt đầu soi mói tôi từng ly từng tý - từ việc tôi mua gói băng vệ sinh, cho đến cái kẹo cho trẻ con, đều bị bà để ý và cự nự vì tốn tiền vô ích. Càng ngày, cuộc sống càng trở nên tồi tệ đến mức ngột ngạt.

Con trai của tôi dù mới 6 tuổi đầu nhưng đã phần nào hiểu được những gì đang diễn ra xung quanh, có lần nó bảo mẹ dồn tiền để về Ucraina. Tôi chỉ còn biết thở dài thương con, vì vé máy bay quay về cho ba mẹ con ít nhất cũng phải hai nghìn đô la, trong khi trong tay tôi không có nổi lấy một trăm! Andrei hứa sẽ giúp tôi kiếm tiền. Những ngày sau đó, con trai tôi đã tự động làm mọi cách, từ câu cá, hái quả mang đi bán, cho đến thu nhặt vỏ chai... để mong kiếm được chút tiền đưa về cho mẹ.

Tôi không có đủ can đảm để tâm sự thật hoàn cảnh của mình với mẹ tôi. Nhưng có một lần, khi đã không thể chịu nổi, tôi viết một bức thư cho bạn gái ở Ucraina, và cô bạn Tania đã kể lại mọi việc cho mẹ tôi. Người nhà và bạn bè tôi bắt đầu tìm mọi biện pháp để giúp mẹ con tôi trở về, thậm chí đã nhờ Bộ Ngoại giao can thiệp qua Đại sứ quán Việt Nam ở Kiev.

Vào một ngày, có một người công an đến nhà và nói có thông tin cần kiểm tra. Tất nhiên, anh ta không nói được tiếng Nga, còn tôi thì chưa đủ vốn tiếng Việt để giải thích cặn kẽ mọi việc. Chồng tôi đã lợi dụng ngay tình thế đó để nói tất cả những gì có lợi cho bản thân anh ta.

Một lần, tôi đã quyết định bỏ trốn. Mang theo hai con cùng một số quần áo, tôi bỏ chạy khỏi nhà mà chẳng biết sẽ đi đâu. Cuối cùng thì chồng tôi đuổi kịp và đưa ba mẹ con lên xe tắc xi. Đến trung tâm Hà Nội, anh ta cho mẹ con tôi xuống xe và bảo: đấy, muốn đi đâu thì cứ đi! Giữa lúc bơ vơ, tôi gặp một người đàn ông tốt bụng, sau khi hỏi han tình cảnh, biết tôi là người Ucraina (người dân Việt Nam rất quý những người từ các nước thuộc Liên Xô cũ), đã cho ba mẹ con tôi ăn và đưa đến đồn công an trình báo. Chồng tôi buộc phải đến đón chúng tôi về, kèm theo lời cảnh cáo của chính quyền: sẽ không để yên, nếu còn xảy ra sự việc tương tự. Sau lần đó, Hà không chỉ lạnh nhạt với tôi, mà cả với các con cũng vậy. Có lúc, cả nhà ăn cơm mà chẳng gọi mẹ con tôi. Một người chị em của chồng tôi thấy vậy, thương chúng tôi nên đã mang đồ ăn đến cho chúng tôi ăn.

Cuối cùng thì dịp may cũng đến. Ông trưởng phòng lãnh sự Đại sứ quán Ucraina tại Việt Nam đã đến tận nhà thăm mẹ con tôi. Được dịp, tôi đã kể hết với ông về tình cảnh của mình, kể cả việc bị đay nghiến vì mua một tuýp thuốc đánh răng mới, cả việc mẹ chồng tôi giấu kỹ bột giặt, chỉ cấp cho tôi mỗi lần một thìa con! Đến giờ, tôi đã quên mất họ tên của ông, nhưng luôn nghĩ đến ông với lòng kính trọng và biết ơn đặc biệt, vì ông đã quan tâm rất nhiều đến chúng tôi. Ông nói, Đại sứ quán hiện không có tiền để giúp mẹ con tôi, nhưng hứa sẽ giúp đỡ bằng mọi cách. Lần sau đến, ông mang cho chúng tôi rất nhiều thứ, từ bột giặt cho tôi, chiếc xe đạp cho con trai tôi, đến các loại đồ chơi, bánh kẹo, nước ngọt... Thậm chí ông còn cho tôi tiền nữa. Chỉ có điều, sau khi ông về, tôi lại cảm thấy cay đắng hơn bao giờ hết - tôi không phải là một đứa ăn mày, vậy mà đã phải ngửa tay nhận của một người không quen biết từ gói bột giặt trở đi...


Cuộc trở về của Maia

Ông trưởng phòng lãnh sự đã tổ chức một chiến dịch vận động quyên góp tiền trong cộng đồng người Ucraina đang có mặt ở Việt Nam để giúp đỡ ba mẹ con chúng tôi. Ở Kiev, gia đình tôi cũng tìm mọi cách để dồn tiền để gửi sang cho tôi. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của mọi người, chúng tôi đã có đủ tiền để mua vé máy bay về Ucraina.



Elena Elovikova và con gái Maia

Gia đình chồng tôi tỏ ra khá hờ hững với việc mẹ con chúng tôi quay về. Có thể, họ thậm chí đã vui mừng vì thoát được một cô con dâu vô dụng như tôi. Tôi đã trở về Ucraina sau 11 tháng trời sống ở Việt Nam như vậy đó.

Tôi và con trai Andrei bay về Kiev, còn con gái Maia phải để lại cho chồng nuôi theo quyết định của tòa. Điều đó làm cho tôi day dứt khôn nguôi. Thậm chí, tôi không biết có khi nào được gặp lại con gái bé bỏng của mình không nữa...

Sự dằn vặt đeo đuổi tôi suốt ba năm trời. Tôi biết, gia đình chồng tôi sẽ không ngược đãi cháu, nhưng dù sao con sống xa mẹ cũng là một điều bất hạnh.

Một lần, Hà gọi điện cho tôi. Anh ta báo tin sắp cưới vợ mới, và vợ sắp cưới của anh ta đang mang thai. Anh ta nói cho phép tôi đón Maia về, nhưng với một điều kiện: phải đưa cho anh ta 3 nghìn đô la! Mặc dù đã từ lâu tôi không còn chút tình cảm nào đối với người đàn ông này nữa, nhưng vẫn hết sức bất ngờ, vì không bao giờ nghĩ anh ta có thể trở nên ích kỷ đến như vậy.

Thế là tôi lại phải đi xin tiền khắp họ hàng, bạn bè một lần nữa. Mỗi người cho tôi từng nào có thể cho được, nhưng gia đình tôi thuộc dạng nhà nghèo, nên cũng chẳng có người quen nào giàu có cả. Kết quả là tôi chỉ có đủ tiền để mua vé máy bay đi và về. Tuy nhiên, tôi không hề tiết lộ với Hà điều này, mà vẫn hứa là sẽ nộp đủ 3 nghìn đô la như anh ta đòi hỏi.

...Khi tôi vừa bước vào nhà, mẹ chồng tôi gần như đổ gục xuống chân tôi mà xin lỗi. Nước mắt bà chảy lã chã trên khuôn mặt già nua. Sau khi tôi rời Việt Nam, bà đã hiểu ra rằng người có lỗi không phải là tôi, mà là Hà. Người con dâu mới không giúp gì được mẹ chồng, thậm chí bà còn phải san xẻ cả số tiền lương hưu ít ỏi của mình cho con trai và con dâu. Mọi việc trong nhà bà vẫn phải tự mình làm hết, mặc dù đã gần 90 tuổi. Mẹ chồng tôi hiểu rằng giữa chúng tôi và bà chỉ có những khác biệt về văn hóa. Giá như không có sự thay đổi của chồng tôi, biết đâu tôi và bà đã trở thành những người thân thật sự trong cùng một nhà, như trong những gia đình bình thường khác?

Hà, chồng tôi, tất nhiên chỉ quan tâm đến tiền. Tôi buộc phải nói dối rằng không tin tưởng vào sự trung thực của anh ta, nên sẽ chỉ giao tiền ở sân bay, khi đã chắc chắn một trăm phần trăm là con gái tôi sẽ cùng tôi quay về Ucraina.

Đến ngày lên đường. Trong xe tắc xi ra sân bay, chồng tôi lại hỏi tiền. Tôi lại hứa sẽ đưa tiền cho anh ta khi tới sân bay. Đến khi hai mẹ con tôi đã vào trong vùng kiểm soát an ninh, Hà còn gọi với theo: "Lena, thế tiền đâu?" Tôi quay lại và... vẫy tay chào từ biệt!

Bây giờ tôi đã thực sự hạnh phúc bên hai đứa con mình. Andrei rất ham bóng đá. Còn Maia đã quen với nhà trẻ mới và dần dần học lại tiếng mẹ đẻ. Chẳng mấy người biết rằng tôi đã từng trải qua một cuộc hôn nhân đặc biệt như vậy.


Elena Elovikova

(Theo tạp chí "Edinstvennaia")

Nguồn : 
http://nguoiviet.com.ua/index.php/583

Một vài ý kiến của bạn đọc (trên diễn đàn nước Nga trong tôi):

Polpod2k:
 Từng lời tường thuật của tác giả là từng lời cay đắng nhưng vẫn có đó một sự cảm thông. vừa đọc mình tự hỏi đâu rồi sự yêu mến, sự yêu mến một trong những dân tộc đã từng giúp VN?! Tất cả chỉ vì sự khác biệt trong lối tư duy do sự khác biệt văn hóa - ngôn ngữ gây ra, mà điều này sẽ ko xảy ra nếu có sự giao lưu văn hóa tốt hơn giữa 2 nước Ukraina - VN! Mình cảm thấy xấu hổ và tự hỏi điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hữu nghị vốn có giữa 2 dân tộc, liệu sẽ có sự kỳ thị của những người Ukraina đối với người VN sống nơi đất khách? Ko biết tác giả bây giờ sống có tốt ko khi đất nước Ukraina bất ổn suốt mấy năm gần đây và chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại? Nhưng chắc rằng cuộc sống đó vẫn tốt hơn so với ở lại quê hương của chồng tác giả! Thế mới thấy đất nước - xã hội VN chúng ta còn nhiều điều phải làm để những điều định kiến, tệ nạn và bất đồng trong xã hội ko còn ảnh hưởng đến những gia đình vốn rất hạnh phúc của tác giả!

Đan Thi: 
Bạn polpod2k chẳng việc gì phải xấu hổ. Theo tôi câu chuyện trên mới chỉ là cái nhìn từ một phía. Tại sao khi ở Ukraina thì mọi sự êm đẹp, chỉ khi về VN mới sinh chuyện? Phải chăng vì anh chồng người Việt đã cố gắng để hòa nhập vào xã hội bên đó và kiếm tiền nuôi cả nhà, còn chị vợ Tây thì quen và hài lòng với nếp sống đó (mà giả như OHA lấy chồng người bản xứ chắc gì đã có được). Không rõ người phụ nữ Ukraina này trình độ văn hóa đến đâu, có nghề nghiệp chuyên môn gì chăng, nhưng hình như chị ấy không thấy cần học tiếng Việt và tìm hiểu gì về phong tục tập quán VN (ở đây cũng có phần lỗi của anh chồng) cho nên khi sang VN thì cứ như bà hoàng phải về chốn man di mọi rợ vậy. Chị này đã làm gì khổ cực vất vả bằng nàng dâu Tây Cẩm phả (hình như cũng người Ukraina)?

Trong số các gia đình "quốc tế" ở Nga, tôi thấy không hiếm cảnh mọi gánh nặng kinh tế đều là trách nhiệm của chồng (hoặc vợ) người Việt, còn các quí vị bản xứ thì cứ việc nhận và hưởng thụ (thậm chí có những đồng hương của tôi không chỉ nuôi vợ con (hoặc chồng con) mình, mà là nuôi cả gia đình lớn của họ nữa kia).

Cho nên với những người lấy vợ (hoặc chồng) người bản xứ, đôi khi bạn bè Việt cảnh báo đùa rằng, chú ý sao đừng để lọ mọ làm sắm nhà sắm xe nhưng rồi có lúc quần đùi may-ô ra đường (nhất là hồi trước người nước ngoài chưa được mua nhà ở đây).

Thaond_vmc:
Thưa các bác, tôi cũng phải thông báo cho các bác là nàng dâu Cẩm Phả tên Alla, hoặc Anbina đã rời bỏ quê chồng để về nước hơn một năm rồi, thậm chí hai năm, sau khi sinh một cậu con trai và mang theo cậu bé về Nga. Tôi biết cả hai vợ chồng Alla từ năm 1993, khi cô theo chồng về Cẩm Phả. Đúng là Alla người gốc Ukraina, nhưng gia đình cô ấy sống ở Kiselovsk - Kemerovo từ những năm 30 của thế kỷ trước.
Theo tôi biết thì Đại sứ quán LB Nga, và hãng Hàng không Aeroflot đã hết sức cố gắng giúp đỡ để mẹ con Alla về Nga.
Anh chồng cũ cụt chân tên Hải bây giờ vẫn thấy chạy xe ba bánh ngoài đường chở hàng kiếm sống.Cô con gái lớn Ella hình như vẫn ở Hà Nội, học một trường nào đó, được một nữ giáo sư nhận làm con nuôi. Lâu lắm rồi tôi không có dịp ngồi chơi với Hải, chỉ vì anh ta luôn bận, còn nếu không bận thì chỉ thấy uống rượu suông và chửi đời.

DƯA HẤU: 
Tôi cũng đồng ý rằng anh chồng trên thật là người quá tệ bạc, không có chút liêm sỉ nào. Có lẽ bản chất anh ta là người tệ bạc như thế nhưng trên đất nước bản xứ anh ta chưa dám bộc lộ vì có thể mình yếu thế hơn. Còn khi về quê hương anh ta tự tin để thể hiện như thế: Ích kỉ ( không chia sẻ những khó khăn của vợ, không quan tâm đến con), gia trưởng ( không bàn với vợ về những vấn đề cơ bản của gia đình )...Mà xin lỗi, tôi thấy đây là bản tính cố hữu của phần lớn những đàn ông VN, nhất là những người sống ở nông thôn. Quá tội thương cho người vợ và những đứa trẻ. Mới nhỏ tuổi đã gặp một " cú sốc" lớn trong đời. Chúng phải chịu những thay đổi, những mất mát quá lớn ( không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần ). Tôi đã đau quặn lòng khi đọc xong câu chuyện.

Câu chuyện trên làm tôi nhớ tới chuyện của cô tôi. Cô Hương của tôi cũng đi hợp tác lao động và sau đó buôn bán ở Nga từ những năm 90/91 gì đó, gặp và lấy chú. Sau khi có 2 đứa con,( đứa đầu khoảng 7 tuổi và đứa thứ 2 gần 3 tuổi ) thì 2 vợ chồng dắt nhau về thăm quên chồng ở Hà Tĩnh. Một vùng quê thuần nông còn rất nghèo. Những ngày ở quê cô tôi cũng bị " xoi mói" dữ lắm vì là người lạ mà. Tuy vậy cô tôi lại vô tư, không quan tâm nhiều về điều đó. Cô tôi cứ vô tư ngủ dậy lúc 7h, có khi còn hơn cả 7h cùng với hai đứa nhỏ, trong khi những người khác và ngay cả chú cũng dậy từ tờ mờ sáng. Cũng chẳng ra đồng áng gì. Cô tôi chỉ đi chơi thăm thưng làng xóm và đi chơi, và cũng thường vào bếp nấu món ăn cho chồng con ăn cho hợp khẩu vị. Một vài ngày đầu chưa ai nói gì nhưng qua 1 tuần bắt đầu lời ra tiếng vào. Nhà chồng phân bì cô sướng quá, ăn trắng mặc trơn quá... và... vv và vv....theo kiểu " truyền thống" của nhà quê.

Tuy nhiên chồng cô, một người cũng xuất thân từ vùng quê này nhưng không hiểu sao chú lại có tư tưởng rất tiến bộ, rất "Tây". Ai nói gì vợ chú cũng giải thích nhỏ nhẹ: " Mới về nên Hương chưa quen, chưa biết nếp sống ở đây; rồi bên đó nếp sống như thế nên Hương sống lâu cũng quen rồi. Với lại bên đó Hương vất vả lắm, về đây mình tạo điều kiện cho Hương thoải mái ...." Chú xưng tên vợ khi nói với mọi người, một điều mà người nhà quê chú gần như là không bao giờ vì họ cho điều đó kì dị và lố bịch, ( họ chủ yếu xưng vợ trước người khác là: hắn, nó - tôi không biết hiện nay có cải thiện chưa).

Cô tôi ngoài việc không ra đồng và ngủ dậy trễ thì lại được cái nói chuyện ngọt ngào, xã giao tốt. Ai nỡ khó chịu với một người nói chuyện ngọt ngào và nụ cười trên môi, bên cạnh đó cô cũng đi chợ nấu món ngon cho mọi người trong gia đình chồng.

Nói chung là sau gần 2 tháng ở quê chồng cô tôi cũng vui vẻ và quan hệ giữa cô với mọi người cũng ổn. Chắc phần lớn là do chú đã biết cách dàn hòa, làm cho mọi người hiểu nhau hơn. Và trên hết là tình yêu thương dành cho vợ con. Ai nói ra nói vào thì nói, chú vẫn xem trọng cuộc sống, sinh hoạt của vợ con, không vì để vừa lòng người này người khác mà bắt vợ con mình phải chịu thiệt thòi, phải cố làm những việc không thích.

Riêng tôi, tôi luôn ngưỡng mộ chú vì chú là một người quá can đảm. Chú "dám" thể hiện thái độ cưng chiều vợ con ở giữa một vùng quê còn nhiều lạc hậu, chưa coi trọng phụ nữ và trẻ em ( không phản đổi việc vợ mình dậy muộn và không ra đồng. Chú " dám" thể hiện sự tôn trọng, yêu thương vợ bằng cách gọi thẳng tên, một điều mà ở quê chú có lẽ "xưa nay chưa từng có". Có thể ngày nay ở thành phố những việc tôi vừa kể trên nghe rất là bình thường nhưng thời đó, xin lỗi là tôi không nhớ năm nào mà chỉ biết lâu rồi, thì việc đó là quá mới mẻ và xa lạ.

Có điều tôi vẫn còn nhớ là, khi cô tôi ghé thăm nhà tôi, trước mặt chú cô tôi cũng đã rất vô tư kể những chuyện đó ra cho gia đình tôi nghe và trong khi kể thì cô chú nhìn nhau cười ngời ngời hạnh phúc.

Tikhon: 
Tôi cũng đã từng có một gia đình hạnh phúc ở Nga nên rồi năm tháng trôi đi đã xuất hiện những rạn nứt mà có lẽ khác biệt về văn hóa đóng vai trò không nhỏ. Do sống lâu năm bên đó, có hoạt động trong hội đồng hương VN nên tôi cũng được chứng kiến vợ chồng VIệt-Nga đủ mọi hoàn cảnh, mọi tầng lớp, làm việc trong môi trường hoàn toàn Nga nên biết cũng không ít gia đình Nga.
Có thể nói quan hệ vợ chồng bên đó là quan hệ bình đẳng hơn mình, người vợ Nga nhận thức được quyền của mình (công nhân hay trí thức), nên phong cách trưởng giả của các ông chồng VN sẽ gây khó khăn lớn trong quan hệ. Phần lớn người mình lấy vợ Nga có thể sống bình thường bên đó vì ta tự thay đổi mình cho phù hợp với phong tục bên đó, ngoài tình yêu ta còn có động lực làm điều đó (vì sang đấy là để học tập, làm ăn... vì về VN ta sẽ khó kiếm sống hơn...), còn khi không thay đổi được sẽ phải chịu đau khổ, rằn vặt.

Về VN cô vợ Nga sẽ gặo khó khăn hơn nhiều, vì động lực duy nhất để người vợ Nga (Ucraina) thích ứng với cuộc sống VN là vì gia đình, chồng con. Nếu động lực đó suy giảm thì họ chả còn gì nứu kéo. Còn người chồng thường sẽ thay đổi dưới áp lực xã hội, gia đình theo chiều hướng bất lợi cho người vợ hơn (sẽ bộc lộ tính trưởng giả, chơi bời, ...). Những phàn nàn mà cô vợ Ucraina nêu trên báo chỉ là hậu quả của mâu thuẫn đó.

Vậy bạn có thể đưa vợ Nga về sống ở VN chỉ khi cô vợ là người đặc biệt: chịu khó học hỏi văn hoá VN, tôn trọng tập quán VN (ngay cả đối với những nét không văn minh)... Nếu sống ở VN 2-3 năm mà cô ta không giao tiếp đơn giản bằng tiếng Việt thì bạn nên suy nghĩ. 

Người vợ Nga trước của tôi khi chưa giao tiếp nhiều với người VN thì có vẻ quan tâm đến văn hoá VN, muốn về VN, nhưng khi công nhân VN sang Nga làm nhiều, vợ tôi có điều kiện giao tiếp trong những lần tôi đưa đến các ký túc xá VN thì quan niệm về VN của cô ta xấu đi nhiều, và nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ chúng tôi. Vậy khác biệt văn hoá, nhất là chênh lệch phát triển ý thức xã hội là cái khó vượt qua, nhất là khi con người ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài và nhìn nhận phiến diện (chỉ xét VN qua cộng đồng người VN dân trí thấp). Cũng một phần vì vậy khi về nước tôi quyết định chia tay vì biết trước cô vợ tôi không vượt qua nổi định kiến về văn hoá XH VN. Ở Hà nội tôi biết một số ít gia đình Nga Việt tương đối hạnh phúc, nhưng đó là nỗ lực rất lớn từ cả hai phía để vượt qua rào cản văn hoá. Tất cả các cố gắng đều có giới hạn, một người hiểu biết sẽ không bắt vợ tây phải làm quen với việc đồng áng (ngay cả bắt cô dâu Việt thành phố đi cấy cũng khó được chấp nhận nữa là).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét