Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

TỪ VIỄN ĐÔNG NHỚ VỀ BIỂN ĐÔNG

PUTIN – NGA - VIỆT NAM
(dưới góc nhìn của một người Việt ở Nga/Viễn Đông)

Nhân sự kiện biển Đông với cái giàn khoan “mắc dịch” của Tàu, tôi hiểu nỗi thất vọng của nhiều bà con trong nước về phản ứng của nước Nga và Putin - đúng hơn là chẳng có phản ứng gì - chúng tôi ở Nga cũng thất vọng chả kém, nhưng chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ vì sao anh “Vôva” hành xử như vậy trong lúc này, xin cùng chia sẻ với bà con...

Muốn hiểu Putin và Nga - Việt bay giờ, xin quay lại hơn ba chục năm lịch sử, để thấy cả quá trình “anh và ả”, và hãy nên xem lại xem, Việt Nam ta đã hiểu được đầy đủ về “người anh” này chưa! Vì không muốn sa đà vào chính trị, tôi chỉ xin nêu ra một loạt sự kiện, còn các bạn sẽ là người đánh giá cuối cùng nhé!



Khỏi nói rằng trước khi Liên Xô tan rã thì Liên Xô là nước anh em giúp ta nhiều và toàn diện nhất trong khối XHCN (tất nhiên phải có mục đích của họ chứ, mình là “tiền đồn” cho họ cơ mà). Tại Viễn Đông - là vùng quân sự mà ngay công dân Xô viết trước kia không có giấy phép cũng chẳng thể đặt chân tới - vẫn còn hàng loạt nhà an dưỡng, trại hè thiêu nhi ... nơi trước kia thương binh của quân đội Việt nam được đưa sang đây điều dưỡng. Thời đánh Mỹ các tàu hàng viện trợ xuất phát từ cảng Viễn Đông, nhiều binh lính Liên Xô từ vùng này đã sang Việt Nam như những chuyên gia và tham gia vào chiến tranh cùng miền Bắc, cho nên dân vùng Viễn Đông còn giữ được tình cảm khá tốt đẹp với dân Việt. Bây giờ nhiều người trách Liên Xô rằng đã không giúp đỡ Việt Nam trong bối cảnh trận chiến biên giới 1979, đó là đánh giá thực sự sai lầm! Liên Xô đã tuyên bố đanh thép rằng sẽ can thiệp vũ trang, nếu Trung Quốc không dừng cuộc chiến tranh bành trướng đó, và Trung Quốc vẫn còn quá sợ hãi với ký ức của cuộc chiến tranh biên giới với Nga 1969, trước đó 10 năm, đã phải lui quân (tất nhiên công đầu phải thuộc về phẩm chất anh đũng của quân và dân các tỉnh phía bắc Việt Nam). Cuộc chiến 1969 giữa hai “người anh lớn” hồi đó miền Bắc hầu như không nói tới, ngay báo chí Nga cho đến bây giờ cũng thông tin rất sơ sài, chỉ nói tới đảo và đồn biên phòng Đamanskiy? Khi tôi tới Viễn Đông từ 2003, tôi có được nghe chính cư dân vùng này nói lại, và sau đó cũng theo lời chính dân Trung Quốc vùng biên, mới hình dung được mức độ nghiêm trọng của xung đột này. Cả vùng rộng lớn này trước kia phải nói là đất của Tàu, Sa hoàng đã “có công” chiếm cứ, Trung Quốc căm lắm và khẳng định sẽ lấy lại không sớm thì muộn. Tất cả địa danh ở đây người TQ đều gọi tên theo tiếng Hoa, ví dụ Vlađivostok là “Hải Sang Uây” - để khẳng định cha ông họ xưa đã từng ở đây. Và thế là 1969 hàng trăm ngàn lính Tàu ào sang trên diện rộng, suốt dọc biên giới mấy trăm km từ Ussurisk đến Khabarovsk, nơi cả quân cả dân Liên Xô chỉ được chưa bằng từng ấy người, và tất nhiên chọc thủng phòng tuyến của Liên Xô, có nơi đã tiến sâu gần 100 km. Thế nên Liên Xô buộc phải ra đòn sinh tử, áp dụng vũ khí hóa học “made in CCCP”, hơn chục ngàn lính Tàu mất mạng (không phải vài tên như Trung Hoa xã tuyên bố, hay 800 tên như CCCP nói) - từ đó Tàu sợ không phải chỉ đến 1979, mà đến bây giờ vẫn “tim đập chân run”! (Thế mà thế nào Putin trao trả TQ đảo lớn trên sông Khabarovsk năm 2005, là con sông phân chia ranh giới 2 nước, tôi được chứng kiến sự ngạc nhiên của bao người Nga, khi chứng kiến lần đầu tiên, máy bay Tàu sắp hạ cánh tại sân bay nó mà được quyền lượn trên không phận sâu hẳn vào thành phố Khabarovsk, ngay trên đầu ký túc xá bà con Việt Nam ... Bây giờ nghĩ lại mới đoán chắc Tàu đi con đường “ngoại giao” đến thẳng Putin...)

Đến khi Liên Xô dưới thời Gorbachov bắt đầu “perestroika” thì ở nhà bác NVL chủ trương “Đổi mới”, tuy khái niệm 2 quá trình đó khá là khác nhau, và đến khi nhà mình giải tán đảng Xã hội và đảng Dân chủ do quan ngại tình hình sẽ giống các sự kiện tại Đông Âu, có thể thấy con đường phát triển của hai quốc gia sẽ khác nhau rồi! Đến cuối 1991 khi Gorbachov ký kết Liên Xô chính thức tan rã, nước Cộng hòa Liên bang Nga ra đời (cùng lúc với hàng loạt quốc gia SNG khác) khỏi nói Việt Nam lúng túng thế nào trong việc đánh giá, nhận định và thông tin đại chúng. Đáng nhớ nhất là khi nổ ra đảo chính 1993 ở Nga, BNG và Sứ quán ta ở Moscow chẳng biết phân định đâu là “ta” hay “địch”, vừa chậm vừa rối tinh hết cả lên...

Suốt những năm cuối của thiên niên kỷ trước, dưới thời Eltsin nước Nga vừa lo nội chiến (Chesnia) đẫm máu và khủng bố tràn lan, các giá trị vật chất thời Xô viết bị “tư nhân hóa” nhanh chóng, làm giàu cho hàng loạt “người Nga mới” (phải hiểu đây là những con người của mọi sắc tộc Nga, Ukraina, Gruzia, Chesnia ...đ ã kịp “chộp giật” thật nhanh trong vài năm để thành đại tư bản). Từ một nước Liên Xô thanh bình nước Nga thời đó là hiện thân của cuộc chiến băng đảng, rồi nội chiến đẫm máu, tiền mất giá, kinh tế hầu như bế tắc... Eltsin chỉ còn kịp lo cho 2 cuộc bầu cử Tổng thống, thử hỏi Việt Nam ta lúc đó làm gì có trong suy nghĩ của ông “bợm rượu” này (nhất là giao thương giữa 2 nước chỉ tầm vài trăm triệu USD/năm)? Trong khi đó Việt Nam đã được Mỹ bỏ cấm vận, bắt đầu phát triển kinh tế, Nga rất ít có vai trò gì trong đó, thì ta vẫn kiên trì liên hệ và qua lại với Đảng Cộng sản Nga (Ziuganov, Kupsov...) - thực sựu là đánh giá thiển cận về cán cân lực lượng trên chính trường Nga (chưa nói đến ĐCS Nga có còn giống ĐCS liên Xô với những khẩu hiệu cũ nữa đâu?). Nhưng lúc này lứa cán bộ lãnh đạo ở VN là cựu lưu học sinh Liên Xô và Đông Âu xuất hiện tại khắp các bộ ngành, hơn nữa vẫn còn rất nhiều người Việt sinh sống tại Nga, thế nên có sự “lạc quan, phấn chấn” trong suy nghĩ của chúng ta về đất nước Nga, có cảm giác vẫn là anh em “môi hở răng lạnh” mà chẳng chịu nhớ là ở Nga họ gọi nhau không bằng “đồng chí”, mà là “ngài” lâu rồi!

1999-2000 Eltsin đưa ra quyết định “thiên tài” nhất trong sự nghiệp, đó là chọn cựu trung tá KGB Putin-lúc ấy gần như vô danh - làm Thủ tướng, rồi sau đó là người kế nhiệm cho mình, và với Putin nước Nga thay đổi hoàn toàn, dù có những ai đó coi là “chàng đã gặp may”! Nước Nga hồi phục khá nhanh, ổn định được tương đối tình hình trong nước, kinh tế vững vàng dù vẫn chỉ dựa trên dầu hỏa, khí đốt và súng ống là chính. Phải nói là Putin và sau này thêm cả Medvedev là những chính trị gia khá thân và gần gũi với đất nước, con người Việt Nam,  điều đó thể hiện rõ nhất qua những chuyến sang thăm chính thức Việt Nam hay trong khuôn khổ APEC, nhưng phía Việt Nam đón những người bạn lớn này thì vô cùng nồng ấm, đó là việc xứng đáng thôi, vì Putin chính là đại diện cho đất nước vĩ đại mà trước kia rất nhiều cán bộ lãnh đạo, rồi bao nhiêu sinh viên, lao động ... đã có tuổi thanh xuân đầy kỷ niệm đẹp ở đó! Không nơi nào ở nước ngoài Putin hay Medvedev được đón tiếp trọng vọng như ở ta, và ngay đến Bill Clinton hay Gates cũng chưa được sùng bái như vậy! Số sinh viên ta học ở Nga còn nhiều hơn cả thời Xô viết, người Việt vẫn tìm cách sang Nga kiếm sống rất nhiều (đi nước khác vừa khó vừa đắt hơn!), giao thương giữa 2 nước nhúc nhắc tăng lên, lượng khách Nga đi du lịch vào Việt Nam tăng vọt (mặc dù còn thua xa Thái Lan bên cạnh)...tạo cho dân ta cảm giác như quan hệ 2 nước còn nồng ấm hơn xưa! Có một cái “gợn” không hề nhỏ, đó là Nga rút quân và trả lại Việt Nam căn cứ biểm Cam Ranh-phải nói là ngỡ ngàng!

Dân Nga còn rất nhiều người có cảm tình với Việt Nam, nhưng cứ hỏi bất cứ người Việt nào buôn bán tại Nga, ta sẽ hiểu được Chính quyền Nga nghĩ gì về người Việt, và dân Nga nghĩ gì... Đối với Chính phủ Nga thì Việt Nam bây giờ không còn là một “tiền đồn” nữa, hay chí ít là họ chưa chắc đã cần phải có cái “tiền đồn” đó, còn bạn hàng kinh tế ư, quá nhỏ bé (nhất là so với Trung Quốc, sau có mười mấy năm mà hầu như toàn bộ hàng dân dụng của Nga phụ thuộc vào TQ). Dân Nga thì sau khi kinh tế khởi sắc bắt đầu thể hiện rõ tính “sô vanh nước lớn”-dân Việt hay dân các sắc tộc khác như Uzbek, Tadzik, kể cả Armenia, Azerbaijan, Chesnia...cũng là dân loại 2, loại 3...chứ đừng nên ảo tưởng “ta” với “bạn” như thời XHCN. “Bạn” vẫn rất quý ta, bác Triết, bác Dũng, bác Sang có sang thăm thì Nga vẫn tiếp rất trân trọng, cởi mở, dễ hiểu thôi!

Thực ra không phải không có những thời điểm 2 nước có thể làm tốt hơn, để quan hệ khăng khít hơn, muốn vậy tất nhiên phải dựa trên quyền lợi kinh tế đôi bên! Ví dụ nếu Việt Nam tích cực và nhanh chóng hơn để triển khai Nhà máy điện nguyên tử 1 ở Ninh Thuận do Nga xây với tiền Nga, thì chắc Nga phải đánh giá sự kiện biển Đông theo hướng khác. Hoặc tôi thấy sau các cuộc đàm phán cấp cao nhất, Nga cho phép và khuyến khích Việt Nam tiến hành các việc sau ở Viễn Đông-Nga, Chính phủ mình đã kêu gọi các doanh nghiệp trong nước tham gia tích cực hơn mà vô ích:

- ngành trồng và khai thác rừng: ngành này ở Nga cũng hoàn toàn trong tay tư nhân, ở Viễn Đông thì lại hoàn toàn do Trung Quốc mua rừng, tự chặt, tự vận chuyển về nước mới chế biến! VN sao mà sang đó cạnh tranh được, người đâu, tiền đâu...khi ngay giấy tờ làm cho người Việt lao động tại đó còn vừa đắt vừa khó làm?

- ngành trồng trọt, chăn nuôi: đất Nga mênh mông thật, nhưng trồng gì ngoài lúa mỳ, chăn nuôi ra rồi liệu có bán được không, đến CP Group sang đấy khảo sát mãi rồi bỏ?

- khai thác khoáng sản: ở sân nhà mà Việt Nam làm còn toàn lỗ với bán quặng cho tàu, thì sang nơi đất lạ ấy làm sao được?

- may mặc: có đưa người sang làm chính thống thì làm sao nhanh nhậy, tiết kiệm bằng các “xưởng may đen” của Việt và TQ quanh Moscow?

Tất nhiên các doanh nhân đi theo đoàn các “sếp” đều là những người tinh thông và có cảm giác chống rủi ro rất tốt, không lấy gì làm lạ khi 2 chính phủ “mời” nhiệt tình mà chả có doanh nghiệp nào làm gì cả! Không phải họ không có ý tốt, mà ta nhận bừa những việc cứ tưởng ta làm được...chả hiểu trợ lý của các “sếp” có biết hay không nữa?

(Có những việc biết mười mươi không làm được thì VN ta cứ xông vào, ví dụ Viettel mấy năm trước quyết tâm vào thì trường viễn thông si động của Ukraina, sứ quán và thương vụ đã can mãi, là Nga nó không cho vào sân sau của nó đâu, thế mà quyết không nghe, cuối cùng đi vào ngõ cụt!). 

Và ngược lại có mấy ai nghĩ tại sao Nga lắm tiền mang ra nước ngoài mà ít đầu tư ở Việt Nam thế không? (mặc dù Chính phủ Nga cũng có hô hào). Đơn giản là do giới doanh nhân Nga đánh giá thị trường Việt Nam đa số ngành nghề có khả năng sinh lời thấp và độ rủi ro về nhiều mặt khá cao! Ta cũng không “ngon xơi” lắm đâu!

Rồi đến khi Ukraina bạo loạn, Crimea về với Nga, Việt Nam ủng hộ quá trình đó hết mình, vui sướng trước thành công của “ông anh” một cách quá vô tư, không thấy “ông anh” bị quần hùng trách phạt, phải quay sang bắt tay anh Tàu. Mà ta với anh Tàu này hình như cũng vô tư quá, cũng là “ông anh” lâu năm rồi, mà ông ấy làm gì, chuẩn bị gì ta cứ coi như chuyện xa ngàn dặm. Thế là khi Tàu đưa dàn khoan vào gây hấn ở biển Đông, “ông anh” Nga cũng chả thấy phản ứng gì, người Việt trong và ngoài nước thấy đau xót, như bị bội bạc vậy! Phải chi ta hiểu Nga hơn, thì đâu đến nỗi... Mà nói cho cùng thì ta cũng có làm gì được mấy cho Nga đâu, ngoài việc thật tâm yêu mến họ?

Trông người lại nghĩ đến ta, có 2 khoảnh khắc theo tôi rất đặc trưng cho Nga và Putin trong đầu thế kỷ này.
Bức ảnh đầu tiên: Putin và Khođorkovskiy thời còn đang “hữu hảo”-sau đó 2004 người giàu nhất nước Nga này bị đi tù 10 năm, cướp gần hết tài sản (“tội” lớn nhất không phải cạnh tranh chính trị như nước ngoài hay nói tới, vì lúc đó Khođorkovskiy có làm chính trị mấy đâu, mà là “lobby” cho đường ống dẫn khí từ Nga sang TQ, còn Putin quyết định dẫn sang Nhật-sau này Putin lại cho xây nốt đường sang TQ nữa, thế là đẹp cả đôi đường).

Bức ảnh thứ 2: Putin khóc khi đang từ Thủ tướng thắng cử Medvedev để quay lại chức Tổng thống-kết quả này thì ai cũng thấy trước vì nó đúng theo “bài” của Putin và Medvedev-Putin khóc vì xúc động thật sự, khi ông sẽ trị vì nước Nga ít nhất là 20 năm, và sẽ thành “Sa hoàng” trong lịch sử của nước Nga mới!

Vậy đấy, Việt Nam ta nếu hiểu rõ nước Nga của Putin, sẽ không bị bất ngờ nữa mà còn rất nhiều việc phải làm với “người anh” này, có thể không phải bây giờ với cái dàn khoan HD-981  ...


Vlađivostok 9/5/2014



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét